Những liệt sỹ sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân trong chiến tranh (phần 1)

Lớp Kế Hoạch khóa 13 Đại học Kinh tế Kế hoạch( nay là ĐH.KTQD) vô tình có nhiều điều trùng hợp. Lớp có 28 người thì 14 nam, 14 nữ. Về tuổi tác cũng chia đôi: 14 cán bộ lớn tuổi đi học và 14 nam nữ vừa đỗ đại học. Tập thể bé nhỏ này do anh Lê Hải Hà( người Quảng Trị) làm lớp trưởng, anh Đào Thiên Lý ( người Quảng Nam) là Bí thư chi bộ và anh Lê Minh Kham( người Nghệ Tĩnh) làm Bí thư chi đoàn.

Anh Lê Minh Kham là chàng trai lãng tử bởi mái tóc bồng xẻ luống. Da mặt sạm do tàn nhang nhưng hàm răng lại rất trắng, luôn cười, một nụ cười tỏa nắng. Anh vui tính, sởi lởi nói nhanh, giọng Nghệ Tĩnh nghe như chim hót. Anh nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ mọi người bất cứ việc gì. Anh là cán bộ văn phòng ty Kế Hoạch tỉnh được cử đi học.

Nói chung các anh chị cán bộ đi học đại học đều vất vả, tiếp thu chậm so với bọn tôi. Nhớ mãi hình ảnh anh ngồi học tiếng Nga. Mắt nhắm nghiền, miệng đọc như cái máy:

b2thq2ab-1681723183.jpg
 

- Pá rờ cờ là bàn học trò. Ắc cờ nô là cái cửa sổ... thế mà khi kiểm tra tiếng môn tiếng Nga thày Thơi vẫn lạnh lùng hạ bút " Đờ vôi cu 2 điểm, thang điểm Liên Xô thời ấy. Hình như ruột anh để ngoài da. Anh hay quên và hay kể chuyện yêu đương, vừa kể anh vừa minh họa bằng câu thơ, rồi diễn tả động tác làm mấy thằng trai mới lớn cứ há hốc mồm như nuốt lấy từng lời.

b1thq1a-1681723339.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Lớp tôi có hai người tên Ninh. Hữu Ninh quê Đông Anh gọi là Ninh choai vì là học sinh phổ thông. Ninh cụ quê Hà Tĩnh là thương binh, bộ đội về học. Chẳng hiểu đứa nào hóng chuyện ở đâu mà biết anh bị thương vào chỗ hiểm, mất hai hòn gì đấy. Anh chẳng bao giờ kể về vợ con cả. Ngược lại, anh Kham thì luôn kể về vợ, ắt hẳn anh yêu vợ lắm. Khi chúng tôi học quân sự ở vườn trường, Anh bảo mấy bạn nữ:

- Tụi mi còn thua xa vợ tau. vợ tau có mái tóc dài như em Lan đây này, anh chỉ Lan cô gái người Hải Phòng. Anh tiếp:

- Vợ tau xinh chỉ thua em Tuyết Hạnh, em Bích Thủy tý tẹo thôi! ( Tuyết Hạnh, Bích Thủy là hai cô gái sinh ra ở HN xinh nhất khóa 13). Anh chụm hai ngón tay trỏ và đeo nhẫn để mọi người thấy cái khe giữa hai ngón rất sát nhau. Bạn Thủy bĩu môi:

- Thảm nào anh chẳng thèm để ý tới bọn em! Anh lại khoe:

- Tau sắp có con rồi tụi bay nhé!

Năm 1971 một trận lụt kinh hoàng ở đồng bằng Bắc bộ. Chúng tôi được điều đi giúp đỡ nhân dân ở Cẩm Giàng Hải Dương. Trong tình cảnh nước ngập mênh mông, chúng tôi dựng tạm một buồng tắm ở ven mương. Một hôm anh Kham đi tắm. Vừa huýt sáo vừa giật tấm lylon che cửa. Sững người khi thấy 1 cô gái đang tắm. Như trời trồng! Cả hai không biết sử lý thế nào thì cô gái nhanh trí che người nói:

- Coi như không có anh Kham nhé!

Anh kể mà chúng tôi cười nghiêng ngả. Anh là lớp phó phụ trách đời sống, nên cuối tháng anh xuống bếp mua phiếu ăn sáng cho cả lớp rồi phát cho mọi người. Một buổi sáng, thấy anh hớt hải chạy vào phòng, mặt xám ngoét, miệng lắp bắp:

- Mất hết phiếu ăn rồi! Anh vỗ bộp bộp vào túi sau bên hông.

Chúng tôi hỏi:

- Sao lại mất?

- Tau ra bưu điện Bạch Mai gửi bưu phẩm, bị kẻ cắp rút mất cái ví. Trong ví ngoài tiền và giấy tờ cá nhân còn cả xấp phiếu ăn của cả lớp. Thằng Vận ôm đầu kêu:

- Thôi chết tôi rồi! Tháng này ăn sáng bằng gì đây? Vận quê ở Sơn Tây, gia đình bạn rất nghèo. Bạn chỉ ăn, học vẻn vẹn trong 15 đồng phụ cấp cho sinh viên. Bạn học rất giỏi và có chí. Học xong đại học bạn được giữ lại làm giảng viên. Khoảng năm 1995 bạn làm chủ nhiệm khoa Kế hoạch Phát triển của trường.

Lại nói chuyện về bếp ăn của trường ĐH Kinh tế Kế hoạch. Đó là bếp ăn được xếp hàng đầu khối các trường đại học. Trong sinh viên lưu truyền câu chuyện vui như sau:

- Một chú ruồi xấu số sa vào bát canh. Sinh viên đại học KTKH rú lên, mang đổ cả bát canh đi. Còn chú ruồi sa vào bát canh của sinh viên ĐH Bách Khoa, sinh viên lấy muôi múc con ruồi đổ đi rồi tiếp tục ăn. Chú ruồi sa vào bát canh của trường Đại học Tổng hợp. Các bạn sinh viên dùng đầu đũa gảy ra rồi ăn tiếp. Nghe nói con ruồi sa vào bát canh của Đại học Xây dựng ở Hương Canh. Sinh viên vớt lên, vắt con ruồi cho chảy hết nước canh bám vào rồi mới vứt con ruồi đi, ăn tiếp.

Năm 1972, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Lệnh tổng động viên ban ra. Thanh niên nô nức lên đường nhập ngũ. Trên loa truyền thanh công cộng dọc đường phố Hà Nội luôn luôn vang lên ca khúc hào hùng do Doãn Tần thể hiện" Đường chúng ta đi". Thúc dục chúng tôi lên đường.

Ngày 25/5/1972 sinh viên Đại hoc Kinh tế Kế hoạch " Xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ " . Lớp tôi có 4 người: Quân, Lục, Ý và anh Kham.

Lại nói về việc xung phong đi bộ đội của anh Kham. Một hôm nhận được thư nhà, thấy anh thất sắc, buồn thiu. Chúng tôi hỏi:

- Có việc buồn gì thế? Anh nói:

- Em tau hy sinh rồi! Anh ôm mặt nấc nấc rồi bật thành tiếng hu hu. Cả phòng nam bối rối tìm lời chia sẻ động viên. Một đứa nhanh nhảu chạy xuống phòng nữ báo tin. Chỉ vài phút sau phòng tôi chật cứng người. Mọi người đến chia buồn, an ủi anh.

Mấy hôm sau, trong một buổi sinh hoạt chi đoàn, anh nói:

- Tôi là đảng viên, chiến trường đang cần người. Tôi xin xung phong ra tiền tuyến tiêu diệt giặc Mỹ trả thù cho em trai! Anh trích ngón tay lấy máu viết đơn tình nguyện đi bộ đội gửi lên Ban giám hiêu nhà trường.

Phần II

TẬP LUYỆN TẠI HÀ LONG – HÀ TRUNG THANH HÓA

Chúng tôi lên tàu về Hà Long, Hà Trung, Thanh Hóa tập luyện trước khi vào chiến trường. Ở Hà Long chỉ cách quê anh gần 100km nhưng lính sinh viên, nhất là anh, là đảng viên thì chưa bao giờ nghĩ bỏ đơn vị về nhà. Nhiều tối, sau kẻng đi ngủ anh vẫn ngồi trầm tư đầu đình Gia Miêu nhớ về vợ. Hôm tôi gác ca đầu, sà vào ngồi cạnh anh tâm sự:

- Lại nhớ vợ, hả anh?

Anh di di cành lá trên tay vẽ một hình gì đó trên mặt đất, rủ rỉ như tự kể chuyện cho mình.

- Khi có vợ mới biết mùi cơ thể phụ nữ, nó thơm tho quyến rũ làm sao. Hít mùi bưởi, mùi chanh, mùi xả trên mái tóc vợ thật là tuyệt vời! Quay sang tôi, anh hỏi:

- Quân có người yêu chưa? Tôi trầm ngâm:

- Cũng chưa rõ tình bạn hay tình yêu tuổi học trò anh ạ. Nhưng em cũng nhớ bạn ấy! Anh lại nói tiếp:

- Không biết con mình là trai hay gái nhỉ? Giá là trai thì tuyệt biết bao?

Anh cười:

- Có thằng chống gậy, nối dõi tông đường cũng sướng. Nếu có phải " Đi ngủ với giun " cũng thanh thản em ạ!( lính bọn tôi dùng câu " Đi ngủ với giun" là chỉ sự hy một cách đơn giản hài hước.)

Đúng là một điều rất đơn giản với người đời, lại là khát vọng với bọn lính sắp ra trận chúng tôi.

Tháng 7/1972 Bộ tư lệnh Phòng Không - Không Quân và Bộ tư lệnh Hải Quân vào lấy quân. Tôi, Lục về Hải Quân. Ý về PK-KQ. Hết buổi lấy quân, anh Kham vẫn đứng giữa hàng. Anh là đảng viên nên đơn vị giữ lại làm cán bộ khung để dẫn quân vào chiến trường. Chúng tôi ào vào ôm anh tạm biệt, động viên. Tranh thủ dúi vào cóc ba lô anh bao thuốc hút dở, vài đồng bạc lẻ. Anh rân rấn nước mắt. Hình ảnh ấy in mãi trong trí nhớ tôi.

Tháng 9/1972, đơn vị anh lên đường sang chiến trường Tây Lào. Trên đường đi, được ghé qua nhà thăm vợ. Thằng cu mới sinh được 2 ngày. Bế đứa còn đỏ hỏn trên tay, nhìn cái mồm xinh đẹp chúm chím tóp tép đòi ăn mà anh ứa nước mắt. Mình đã có con trai rồi! Anh tự nhủ lòng:

- Con ơi hãy ngủ ngoan, chóng lớn con nhé! Bố nhất định sẽ trở về với con!

Quàng tay qua người vợ trẻ đang rơm rớm nước mắt, anh vỗ về an ủi:

- Em vất vả quá! Em sinh con mà anh không có nhà. Bây giờ tất cả công việc đều dồn lên đôi vai nhỏ bé gày guộc này! Anh chúm môi hôn vào má con, hít hà hơi sữa. Thằng bé khóc thét, có lẽ anh đã cọ cái cằm đầy râu chưa cạo vào má nó. Thằng cu ọ ẹ đòi ăn. Cùng lúc mẹ vợ bước vào đưa tay định đón cháu để vợ chồng tâm sự. Anh nói với mẹ vợ:

- Bố mẹ con đã mất, vợ con sinh em bé. Chiến tranh bom đạn chẳng chừa ai. Cho con gửi vợ, gửi con cho mẹ. Trăm sự con nhờ mẹ chăm sóc, nuôi nấng dạy dỗ cháu! Nếu con có mệnh hệ gì.

... Vợ anh giơ tay bịt vội miệng anh:

- Anh đừng nói gở!

Mẹ vợ anh nghẹn ngào:

- Anh đi đánh giặc giữ gìn sức khỏe, mạnh giỏi. Cầu trời anh bằng an về với mẹ con nó! Đến đó bà bật khóc hu hu, khiến vợ anh cũng khóc theo. Sống mũi cay sè, anh đưa con cho mẹ. Bà ôm cháu đi nhanh xuống nhà ngang " Để hai đứa còn tranh thủ nói chuyện"!

Hai giờ đồng hồ trôi qua như cơn gió. Ôm vợ, hôn con, tạm biệt mẹ. Vợ anh gọi với theo:

- Kêu tên con là chi? Anh ngoái lại:

- Cường, Cường tráng. Lê Minh Cường nhé!

Nắng vàng hoe đổ dài trên lũy tre trước ngõ. Anh vội vã ra đi và đi mãi không về...!

Phần kết

Chiến tranh có nhiều điều lạ lẫm và kỳ diệu. Đơn vị Lê Minh Kham hành quân vào đến Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Đây là địa bàn chiến đấu của đơn vị anh.

Người miền Trung rất thân thiện, đặc biệt với người cùng quê. Chỉ cần nghe tiếng nói họ đã nhận ra nhau. Tay bắt mặt mừng chi mô răng rứa rối rít. Họ hỏi han nhau ở thôn nào, xã nào, huyện nào, họ nói oang oang, họ cười vang trời. Nhờ truyền thống quý báu đó mà rất bất ngờ, anh đã gặp người em ruột Lê Xuân Minh mà cả gia đình tưởng đã hy sinh. Còn gì vui bằng khi hai anh em cùng một mặt trận. Họ thường xuyên tìm đến với nhau.

Tết năm 1973 là cái tết thật vui và đáng nhớ. Minh đến đơn vị anh Kham ăn tết. Họ ở với nhau một ngày, một đêm. Họ không ngờ đó là lần gặp cuối cùng của hai anh em.

Ngày 20 tháng 2 năm 1973, tiểu đội trinh sát của Lê Minh Kham đi làm nhiệm vụ đã rơi vào ổ phục kích của địch. Do là lính mới vào mặt trận, chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Cả tiểu đội bị địch bao vây. Họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh dường như thấy mình đang chơi với con. Nó lũn cũn chạy trên con đường làng, hai bên lúa chín vàng thơm ngát. Vợ anh nhìn hai bố con mỉm cười hạnh phúc. Anh ngoái nhìn vợ, vẫy vẫy...

Khi đơn vị anh đánh vào, lấy xác đồng đội hy sinh. Họ gặp hỏa lực rất mạnh của địch ngăn chặn. Khi địch rút thì không còn một thi thể nào trên chiến trường. Bọn địch đã lôi các anh đi đâu không ai biết...

Anh hy sinh khi mới 26 tuổi. Vợ anh 23 tuổi. Con trai mới được 6 tháng tuổi.

Nhiều năm trôi qua, hình ảnh người đàn ông tóc bồng, lãng tử, sởi lởi, vui tính tốt bụng, vẫn đọng mãi trong tâm trí chúng tôi. Năm 2000, Trường ĐHKTQD dựng đài kỷ niệm các anh hùng liệt sỹ, các cựu chiến binh là cán bộ, giáo viên, sinh viên nhà trường xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ. Đài nằm đối diện Hội trường A của trường. Các khóa sinh viên nhập trường, ra trường đều đến dâng hoa tưởng nhớ công ơn của các CCB và các liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước.

Năm 2015 nhà trường cho lập một đến thờ 61 liệt sỹ là cựu cán bộ, giáo viên, sinh viên của trường ngay trong Hội trường lớn.

Vào ngày TBLS 27/7 và ngày thành lập QĐNDVN 22/12 mọi người đều đến dâng hương tưởng nhớ các anh.

Năm 2021, đồng đội Đặng Quốc Chính nảy ra ý tưởng và thành lập một đội tình nguyện đến 61 gia đình liệt sỹ để tri ân, cầu siêu cho các liệt sỹ. Toàn bộ kinh phí thực hiện ý tưởng này đều do bạn Chính tài trợ, ủng hộ. Bạn và nhà sư trẻ Phúc Thanh đã sáng tác, ghi thanh bài TƯỞNG NIỆM VINH DANH. với những ca từ da diết:

Hành trang mang theo, là hoài bão, ước mơ.

Hành trang mang theo, lưu bút những vần thơ.

Hành trang mang theo, là ánh mắt đợi chờ...

hy vọng.

Cuộn trong Ba lô, bài luận viết dở dang.

Đầy trong tâm can, khao khát sống bình an.

Hận quân xâm lăng, chà đạp lên giang san.

Thề xẻ trường sơn, quyết tiến vào, giải phóng miền Nam.

Thành viên của đoàn là các đồng đội tâm huyết giàu lòng yêu thương như Giáo sư Trịnh Duy Luân, Phó giáo sư Trần Đăng Sinh, doanh nhân Nguyễn Tuấn Hùng, Nhà thơ Trần Đình Hưng, đồng đội Trần Văn Huấn, Tống Hồng Quân, Nguyễn Cao Siêu và nhiều đồng đội khác. Đến hôm nay họ đã đến được 52 trong 61 gia đình liệt sỹ nằm dọc chiều dài đất nước.

Ngày 11/9/2022 đồng đội Đặng Quốc Chính, Nguyễn Văn Lục, Trần Dũng Tiến đã đến nhà cháu Lê Thế Cường tại TP Hồ Chí Minh, dâng hương, cầu siêu cho liệt sỹ Lê Minh Kham.

Từ cảm xúc và tư liệu có được sau những chuyến đi này, đã thôi thúc tôi và Nhà thơ Trần Đình Hưng, viết nhiều bài thơ, câu chuyện về các anh. Chúng tôi muốn lưu lại cho con cháu họ, con cháu chúng ta, những sinh viên của trường ĐHKTQD và thế hệ trẻ Việt Nam biết: " Các liệt sỹ đã sống, chiến đấu, hy sinh " như thế nào?

HỌ LÀ NHỮNG NGƯỜI ANH HÙNG TRONG LÒNG CHÚNG TA.

Lời kết:

Vợ liệt sỹ Lê Minh Kham mất năm 2009 vì bệnh tật. Con trai anh, cháu Lê Thế Cường đã là cán bộ chủ chốt một Ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh. Cháu đích tôn của anh đã là sinh viên năm 2 của trường Đại học danh tiếng trong thành phố.

Ở nơi nào đó trong Cánh đồng Chum nước bạn xa xôi. Anh Lê Minh Kham vẫn dõi về cháu, con, phù hộ độ trì cho họ.

( Tư liệu và ảnh do cháu Lê Thế Cường cung cấp. Câu chuyện được vợ và em trai Lê Xuân Minh của liệt sỹ Lê Minh Kham kể cho con Lê Thế Cường )

Hà Nội, Thu 2022,

Trái tim người lính

CCB Tống Hồng Quân.

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-liet-sy-sinh-vien-truong-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-trong-chien-tranh-phan-1-a18506.html