“ Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” phương pháp khảo cứu lạ, làm nên sức hút văn chương

Mặc dù được tôn vinh là“Bà Chúa thơ Nôm”, nhưng đã 250 năm kể từ ngày sinh và 200 năm ngày mất của Hồ Xuân Hương, đến nay số công trình nghiên cứu khoa học về sự nghiệp của nữ sĩ rất nhiều, nhưng công trình nghiên cứu khoa học về thân thế của nữ sĩ, lại quá ít và có nhiều giả thiết vênh nhau, chưa tìm được sự đồng thuận vì thế thân thế của nữ sĩ là “Mờ mờ, tỏ tỏ”. 

hxh-1681751400.jpg

Ảnh: Nguồn Internet

 

Có một nhà báo, nhà văn đã âm thầm nghiên cứu về thân thế của nữ sĩ, với mong muốn làm sáng tỏ thân thế Hồ Xuân Hương, góp phần làm sáng tỏ, đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO trong hồ sơ ứng viên nữ sĩ Hồ Xuân Hương đề nghị vinh danh Danh nhân văn hóa. 
 Đó là nhà báo nhà thơ Nghiêm Thị Hằng. Năm 2021 chị đã xuất bản cuốn khảo cứu chuyên sâu “ Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” do nhà xuất bản Hồng Đức  ấn hành trước khi tổ chức UNESCO vinh danh “Danh nhân văn hóa” cho nữ sĩ”.Từ khi phát hành cuốn sách đã thu hút được sự chú ý của bạn đọc như một hiện tượng lạ cho văn chương bởi phương pháp khảo cứu phi truyền thống có sự hỗ trợ của các bộ môn “siêu thực”, từ trước tới nay giới nghiên cứu chưa ai thực hiện phương pháp này, do đó gây nên sự thu hút bạn đọc với tác phẩm”.
Tác phẩm dày 316 trang, có 5 phần: Quê hương và gia tộc-Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương "lập lá số tử vi"-Giải oan tình (Nguyễn Bình Kình-Chiêu Hổ, Tổng Cóc và Trần Phúc Hiển)-Tìm mộ Trần Phúc Hiển (Quảng Nam)-Nhân duyên... với 31 đề mục. Tác phẩm đã giải mã được 9 bí ẩn cuộc đời của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

QUÊ HƯƠNG GIA TỘC VÀ NGƯỜI CHA BÍ ẨN

Có 2 bí ẩn về quê hương gia tộc và người cha của nữ sĩ đã được giải mã. 
1.Hồ Xuân Hương là con người thật có tổ tiên quê quán hay là huyền thoại như truyện Trạng Lợn, Trạng Quỳnh?
2.Cha của nữ sĩ là ai Cụ đồ Hồ Phi Diễn hay cụ Hồ Sĩ Danh?
    Giải mã bí ẩn này, tác giả đã về làng Quỳnh Đôi, gặp gỡ các hậu duệ họ 
Hồ và soi chiếu cuốn “Hồ Tông thế phả”, (cuốn gia phả cổ nhất của họ Hồ ở Quỳnh Đôi- Quỳnh Lưu, Nghệ An. Theo đó nữ sĩ Hồ Xuân Hương có gia tộc khoa bảng, có ông trẻ ( 4 đời là  hoàng giáp, Phó tể tướng Hồ Phi Tích- em trai cụ Hồ Phi Cơ,  cụ tổ 4 đời của nữ sĩ). Hồ Xuân Hương là em họ cùng hậu  duệ đời thứ 12 với vua Quang Trung Nguyễn Huệ ( cùng Trung chi 2) và là chị họ  của Hoàng giáp tể tướng Hồ Sĩ Đống  ( trung chi 3).
Qua Hồ Tông thế phả thì cụ Hồ Phi Diễn (Trung chi 2) mới chính là cha đẻ của Hồ Xuân Hương. Không chỉ giải mã bí ẩn về người cha của sĩ,  tác giả  Nghiêm Thị Hằng còn tìm được phần mộ cha mẹ nữ sĩ ở nghĩa địa Đồng Táo làng Nghi Tàm, nay nghĩa địa cổ đã chìm trong sóng nước Hồ Tây.

GIẢI MÃ BÍ ẨN NỮ SĨ HỒ XUÂN HƯƠNG 

Hai bí ẩn về ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất của nữ sĩ đã được giải mã trong “ Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”, trước đó chưa có một công trình nghiên cứu nào làm rõ ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất của nữ sĩ.  
Muốn chứng minh về thân phận của nữ sĩ, tác giả cùng với nhà tử vi học Hoàng Văn Khôi  đã lập được lá số tử vi cho  nữ sĩ. Khó khăn là nữ sĩ không có đủ 4 yếu tố, giờ, ngày, tháng, năm, do đó khi nghiên cứu về nữ sĩ, tác giả đã phải theo quy trình ngược, từ sự nghiệp thơ ca của nữ sĩ, để tìm ra nhân cách của nàng thơ.

Qua văn thơ thể hiện nhân cách của nữ sĩ là người khao khát và dữ dội trong tình yêu hôn nhân, có sức hút với người khác giới. Người có cung bậc tình cảm này, thuộc vận Đào hoa chính Ngọ. Cuộc đời thực nữ sĩ cả hai lần lấy chồng đều làm thiếp, đều không đạt được ước vọng hôn nhân. Nữ sĩ khao khát yêu thương, mãnh liệt và dữ dội trong tình yêu, là người phụ nữ tài giỏi, làm thơ hay, khiến bao người đàn ông ngưỡng mộ, khát khao… tính cách ấy được thể hiện qua các bài thơ của nữ sĩ, trong tử vi thể hiện là người có số Đào hoa chính Ngọ. Trong 12 năm tính theo chi Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, chỉ có 3 năm Sửu, Tỵ và Dậu là có Đào hoa chính Ngọ. 

Vậy nữ sĩ sẽ phải sinh vào các năm có chi Sửu, Tỵ hoặc Dậu. Cuộc đời thực của nữ sĩ, lại là người đã trải qua 2 lần hôn nhân. Theo câu ca dao xưa thì những người “Trai Đinh, Nhâm, Quý, Giáp, thì tài, gái Đinh, Nhâm, Quý, Giáp, thì 2 lần đò”. Như vậy nữ sĩ sẽ phải sinh vào các năm có can Đinh, Nhâm, Quý, Giáp. 
Theo học sử năm Hồ Xuân Hương 13 tuổi thì cha qua đời. Cụ Hồ Phi Diễn mất năm 1783, như vậy năm sinh của nữ sĩ sẽ là 1773.

Lấy 3 tiêu chí này mà xét, thì năm sinh của Hồ Xuân Hương phải là năm 1773, năm này cụ Hồ Phi Diễn qua đời, Xuân Hương đúng 13 tuổi. Năm 1773 có can Quý, thuộc câu ca gái 2 lần đò, đúng với cuộc đời thực của Xuân Hương 2 đời chồng. Năm 1773 có chi Tỵ, là năm có Đào hoa chính Ngọ, đúng với tính cách của nữ sĩ. Như vậy những năm 1735, 1815, 1770, 1772 các nhà nghiên cứu đưa ra  trước đây là năm sinh của nữ sĩ, đều bị loại trừ, vì không đáp ứng được 3 tiêu chí đã nêu.
Sau khi xác định năm 1773, là năm sinh của nữ sĩ, tác giả đã cùng thầy tử vi Hoàng Văn Khôi, được lá số tử vi chuẩn của Hồ Xuân Hương, sinh giờ Mão 5h30, ngày 13 tháng 7 năm Quý Tỵ (tức ngày 30/8/1773), nữ sĩ  mất ngày 14 tháng 8 năm Nhâm Ngọ, tức ngày 28/9/1822, tuổi mệnh 49.

Cho tới nay chưa có nhà nghiên cứu nào có cơ sở để lập được lá số tử vi cho nữ sĩ  như công trình nghiên cứu của tác giả Nghiêm Thị Hằng đã chứng minh.  Như vậy 4 bí ẩn về quê hương, người cha và ngày tháng năm sinh ngày tháng năm mất của Hồ Xuân Hương đã được giải mã, còn lại 5 bí ẩn về nhân duyên và phần mộ của nàng thơ, được giải mã trong phần: Giải oan tình “Bà Chúa thơ Nôm” và “Tìm mộ Hồ Xuân Hương và ông Trần Phúc Hiển”.

GIẢI OAN TÌNH “BÀ CHÚA THƠ NÔM” HỒ XUÂN HƯƠNG

Có 3 bí ẩn đã được giải mã liên quan đến oan tình của “Bà Chúa thơ Nôm”. Trong hôn nhân người ta gán cho nữ sĩ là vợ ông Tri phủ Vĩnh Tường Phạm Viết Ngạn gây nên oan tình. Nếu nữ sĩ không phải là vợ ông Tri phủ Vĩnh Tường Phạm Viết Ngạn thì người chồng thứ hai của nàng là ai và người chồng đầu tiên của nữ sĩ là ai? Phải tìm ra Cổ Nguyệt Đường mới tìm ra Mai Sơn phủ người tình của nữ sĩ là ai?
Mối tình với ông Nguyễn Bình Kình- Tổng Cóc (1802-1804).
Ông Nguyễn Bình Kình, sinh năm Hổ lại là cháu đích tôn của Tiến sĩ Nguyễn Quang Thành. Ngày xưa con cháu các vị Tiến sĩ thường được gọi là cậu ấm cô chiêu. Hồ Xuân Hương gọi ông là Chiêu Hổ. Ông là người văn võ song toàn, làm đến chức Đội Kình, Tổng Kình. Ông đã có 2 vợ, mối tình của ông với nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhờ thơ phú bắc cầu. Chuyện cuối năm 1801 ba chàng Tú ở đất Phong Châu  là Tú Điếc ở làng Xuân Lũng, Nho Trâm ở làng Kinh kệ và Đội Kình ở làng Gáp, rủ nhau về kinh thành Thăng Long, đến thăm nhà thầy giáo quá cố Hồ Phi Diễn ở thôn Tiên Thị, Tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, nơi góa phụ họ Hà và người con gái Hồ Xuân Hương đang sinh sống, năm ấy nữ sĩ đã 29 tuổi. 
Nhờ nhân duyên thơ văn dẫn lối, mà nên vợ nên chồng, họ có duyên mới đến được với nhau. Nhưng sống trong cảnh ba vợ, một chồng chung “Ai dễ chịu nhường cho ai” nàng thơ đã phải chua xót thốt lên tiếng nói phẫn uất: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung…”  Sống trong cảnh chồng chung, mâu thuẫn ba bà vợ trong gia đình, không giải quyết nổi, ông Đội Kình thường chán nhà bỏ đi ngao du. Một lần ông bỏ nhà đi ngao du, thì Hồ Xuân Hương cũng viết thư để lại và bỏ về Thăng Long. Đó là năm 1804, kết thúc mối tình “còn duyên hết nợ” với ông Đội Kình. Cảnh ấy, tình ấy, nữ sĩ đã viết bài thơ Khóc ông Tổng Cóc. Đây là bài thơ nữ sĩ khóc cho một mối tình đã chết:
            “Chàng Cóc ơi, chàng Cóc ơi/Thiếp bén duyên chàng có thế thôi”.
Kết quả nghiên cứu này, không chỉ làm rõ mối quan hệ hôn nhân của Hồ Xuân Hương với ông Nguyễn Bình Kình cưới năm 1802, chia tay năm 1804, mà còn là công trình duy nhất, đưa ra căn cứ chứng minh ông Nguyễn Bình Kình chính là Chiêu Hổ.
Giới nghiên cứu xưa nay chưa đưa ra được tiếng nói đồng thuận, có giả thiết 
ông Phủ Vĩnh Tường chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương là ông Trần Phúc Hiển, nhưng nhiều người, thậm chí Bách khoa toàn thư mở Wikipedia còn nêu rõ hôn phối của nữ sĩ là Nguyễn Bình Kình và Phạm Viết Ngạn.
Vậy người chồng thứ 2 của nữ sĩ là ông Trần Phúc Hiển, nguyên Tri phủ Tam 
Đái (1810-1813) nguyên quan Tham hiệp-Yên Quảng 1814-1818? Hay ông Phạm 
Viết Ngạn-Tri phủ Vĩnh Tường năm 1862?.
Ông Phạm Viết Ngạn nhậm chức Tri phủ Vĩnh Tường năm 1862, tháng 4 năm ấy ông mất tại nhiệm sở, thì nữ sĩ đã mất 40 năm trước (mất năm 1822). Ông Phạm Viết Ngạn sinh năm 1802, năm 1822 nữ sĩ qua đời, năm ấy Viết Ngạn mới 20 tuổi chưa đỗ đạt gì, không phải là Tri phủ Vĩnh Tường. Bài thơ của Hồ Xuân Hương Khóc ông Phủ Vĩnh Tường, khi đoạn tang chồng“Hai bảy tháng trời đã mất chốc”, theo bài thơ này lùi lại 27 tháng, thì chồng nữ sĩ chết năm 1819, năm này Viết Ngạn mới 17 tuổi, còn ông Trần Phúc Hiển thì chết năm 1819. Nếu bài thơ “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường” là khóc Viết Ngạn, thì xuất xứ của bài thơ phải viết năm 1865, sau 3 năm ông Phạm Viết Ngạn qua đời, lúc này thi sĩ đã 88 tuổi. Điều này phi lý vì Hồ Xuân Hương đã chết từ năm 1822 tuổi hạn 49.
Với minh chứng trên, tác giả khẳng định ông Phạm Viết Ngạn không phải là chồng của nữ sĩ, giải được mối oan tình của “Bà Chúa thơ Nôm”
Còn Trần Phúc Hiển, ông là Tri phủ Tam Đái từ năm 1810-1813, miền đất tiền thân của phủ Vĩnh Tường. Ông dùng chữ Mai (trong Hồ Phi Mai), tên của người yêu, ghép với từ Sơn và từ phủ trong trấn Sơn Tây, nơi ông làm tri phủ Tam Đái, thành biệt danh Mai Sơn Phủ. 
Đây là kết quả mới, chưa nhà nghiên cứu nào minh chứng được Mai Sơn Phủ chính là ông Trần Phúc Hiển.
Qua thơ của Hồ Xuân Hương với Mai Sơn Phủ, cũng thể hiện tình yêu giữa 
hai người. Bài thơ“Bánh trôi” được giải mã, nữ sĩ viết sau tháng 3/1819, sau 
Tết Hàn thực. Bài thơ nói về thân phận của hai vợ chồng nữ sĩ, khi ông Trần Phúc Hiển đang lâm trọng án “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”, trông chờ người xử án, đúng sai như chiếc bánh trôi nhỏ nhoi rắn nát mà thôi.  Tác giải cũng giải mã được ngày ông Trần Phúc Hiển qua đời, ngày 3/11/1819 (tức ngày 16/9 âm lịch). Sau 27 tháng đại tang chồng, nữ sĩ viết bài thơ “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường” khi ấy phủ Tam Đái đã được đổi tên thành Phủ Vĩnh Tường. Nữ sĩ khóc chồng, khi ông Phúc Hiển còn là viên ngọc chưa tỳ vết ở Phủ Tam Đái. Tác giả là người đầu tiên tìm ra xuất sứ bài thơ này. 

TÌM MỘ HỒ XUÂN HƯƠNG VÀ ÔNG TRẦN PHÚC HIỂN

Tìm được quê hương ông Trần Phúc Hiển và dấu tích phần mộ nữ sĩ Hồ Xuân và ông Trần Phúc Hiển là 2 bí ẩn cuối cùng, trong số 9 bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được tác giả nghiên cứu và giải mã.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa”.“Bà Chúa thơ Nôm” đã để lại cho hậu thế gia tài đồ sộ về tác phẩm thi ca làm vinh danh cho dân tộc Việt Nam, cho người phụ nữ Việt Nam. Gia sản đồ sộ về thơ ca của nữ sĩ còn đấy, là tinh thần là phần hồn không mất, còn nấm mộ, nơi lưu giữ thân xác phần cốt của nữ sĩ ở đâu? 
Khi đã giải mã được ông Trần Phúc Hiển chính là ông Mai Sơn Phủ, thì chính bài thơ “Thu Nguyệt hữu ức Mai Sơn Phủ ký” của Hồ Xuân Hương có câu“Ngọn nước Tam Kỳ chảy lại đâu?” đã chỉ rõ quê của Mai Sơn Phủ-tức ông Trần Phúc Hiển ở Tam Kỳ-Quảng Nam. Khi chồng nữ sĩ bị mắc án, nàng đã chạy đôn chạy đáo, kêu án cứu chồng. Vì thế Phúc Hiển được giam đến tháng 11/1819 mới bị xử, được Vua ban cho ân huệ tự chọn nơi xét xử. Đó là cơ hội để ông Trần Phúc Hiển xin được xét xử tại quê nhà, đúng với nghĩa của câu tục ngữ“Cáo chết ba năm quay đầu về núi”.
Như vậy phần mộ của ông Trần Phúc Hiển theo tác giả, là dấu tích đang được giải mã về ngôi mộ Giày Thầy Lánh-tức cụ Nguyễn Đức Thêm, chôn ở bãi Sơn thuộc làng Tam Kỳ cổ, bên ngã ba sông Tam Kỳ.       
Còn mộ của Hồ Xuân Hương sau khi qua đời năm 1822, không ai nói đến mộ nàng chôn ở đâu. May thay có bài thơ “Long Biên trúc chi từ”của nhà thơ Tùng Thiện Vương viết năm 1842 chỉ rõ:
          “Đầy hồ rực rỡ hoa Sen/Sai người xuống hái để lên cúng dàng/ Chớ trèo qua mộ Xuân Hương/Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng/Sen tàn phấn rữa mồ hoang/ Xuân Hương đã khuất bên đàng cỏ xanh/U hồn say tít làm thinh/Gió Xuân mấy độ vô tình không hay.
Với kinh nghiệm gần 30 năm giúp các gia đình liệt sĩ, đi tìm mộ thiếu thông tin, tác giả có suy nghĩ, mộ của nữ sĩ có còn ở Hồ Tây hay đã được di chuyển về quê chồng ở Tam Kỳ? Thông tin này được kiểm chứng vào ngày 31/12/ 2020, trong lần  tác giả đi khảo sát 3 ngôi mộ cổ ở TP Tam Kỳ, trong đó có 2 ngôi mộ cổ hoang  phế ở phường An Sơn. Hai ngôi mộ cổ này có chữ cổ và dấu hiệu xây dựng năm 1850 và 1857, ngôi mộ xây năm 1857 trên bia đá bị nứt đôi đó là mộ của người đàn bà họ Phan, một nửa tường bao lăng mộ đã bị phá do mở đường, mộ được xây bằng đá phiến. 
Ngôi mộ còn lại xây năm 1850, còn nguyên lăng bao cổ kính, có minh bia tên là Huỳnh Hoàn Nhân. Theo minh bia đây là người chết trẻ, là người hoàn hảo nổi tiếng. Tác giả đã đối chiếu những thông tin thu nhận từ Hà Nội, Thái Bình, về ngôi mộ này, khi vào kiểm chứng, đều chính xác về năm xây dựng và địa điểm tại phường An Sơn, xa cách mộ Giày Thầy Lánh. Những thông tin mà tác giả đối chiếu, khám phá và ghi nhận về ngôi mộ xây năm 1850 đang được giải mã, đó là dấu tích mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Song đây mới chỉ là những khám phá ban đầu, cần phải có dự án tiếp tục khai quật  ngôi mộ cổ vô thừa nhận  số 1850  ở phường  An Sơn, để có thêm những thông tin mới.

VĨ THANH

Thân thế nữ sĩ Hồ Xuân Hương, với 9 bí ẩn được giải mã, liên quan đến mối quan hệ quê hương, gia tộc, cha mẹ, ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất của nữ sĩ và quan hệ hôn nhân của Hồ Xuân Hương, với hai người chồng là ông Nguyễn Bình Kình và ông Trần Phúc Hiển. Nghiên cứu đã đóng góp làm sáng tỏ, đánh dấu mốc về thân thế của “Bà Chúa thơ Nôm”, Danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương, bởi từ trước tới nay, chưa có nhà nghiên cứu và công trình nghiên cứu nào, giải mã được những bí ẩn cuộc đời nữ sĩ.

hxh-1681784010.jpg
 
hxh1-1681784101.jpg
Ngôi mộ cổ vô chủ xây dựng năm 1850 ở phường An Sơn .TP Tam Kỳ, đang được giải mã là dấu tích mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương
 


 

 

Hồ Xuân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/giai-ma-bi-an-nu-si-ho-xuan-huong-phuong-phap-khao-cuu-la-lam-nen-suc-hut-van-chuong-a18511.html