Thư pháp là gì? - Cuốn cẩm nang về nghệ thuật thư pháp

Nhân đọc Thư pháp là gì? của Nguyễn Hiếu Tín, nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2022.

Thư pháp là gì? của Nguyễn Hiếu Tín, in lần đầu vào năm 2007, được độc giả nhiệt thành đón nhận, bởi họ đã tìm thấy và khám phá được những điều thú vị từ tập sách mang lại. Cuốn sách được hình thành dựa trên nền tảng nội dung Luận văn Thạc sĩ của anh: “Thư pháp và thư pháp chữ Việt”.

Là một người nghiên cứu tâm huyết, luôn dõi theo và quan tâm đến văn hóa nói chung và thư pháp nói riêng. Vì thế, từ khi cuốn sách ra đời năm 2007, Nguyễn Hiếu Tín tiếp tục khám phá, khai mở, đào sâu và tìm ra nhiều điều bổ ích từ bộ môn này. Nguyễn Hiếu Tín nhận thấy cần phải bổ sung, làm rõ những vấn đề liên quan đến thư pháp một cách cụ thể, chi tiết, đa dạng, phong phú và sâu sắc hơn. Chính điều này đã thôi thúc anh tái bản tập sách Thư pháp là gì? vào cuối năm 2022.

b01-thu-phap-1681888636.jpg

“Thư pháp là gì?” của Nguyễn Hiếu Tín.

 

Với gần 400 trang sách, nhà nghiên cứu thư pháp Nguyễn Hiếu Tín dẫn dắt người đọc đi từ những điều cơ bản nhất về thư pháp đến việc tìm hiểu khái quát về: Thư pháp Trung Quốc - Linh hồn nghệ thuật; Thư pháp Nhật Bản - Tinh hoa Thiền Đạo; Thư pháp Hàn Quốc - Minh triết Nho gia; Thư pháp Tây Tạng - Linh tự thanh âm; Thư pháp Arập - Vũ điệu văn tự; Thư pháp phương Tây - Khoa học, ứng dụng; Thư pháp Đông - Tây: Hướng về cái đẹp.

Từ những nghiên cứu khái quát, trên nền tảng chung, Nguyễn Hiếu Tín đã dày công tìm hiểu và chỉ ra những điểm cốt lõi nhất về: Thư pháp Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Có thể nói ở phần này, Nguyễn Hiếu Tín đã làm tròn công việc của một nhà nghiên cứu thư pháp Việt Nam đúng nghĩa.  

“Những thành tựu nghệ thuật của quá khứ sẽ trở thành di sản văn hóa tinh thần của xã hội ngày nay và tiếp tục trở thành cơ sở nhận thức thẩm mỹ, khoái cảm thẩm mỹ của con người đương đại. Nghệ thuật chữ viết - thư pháp với tư cách một phương thức biểu thị và lưu truyền của truyền thống và mang tính thích ứng của thời đại sẽ là một minh chứng đậm nét cho quy luật phát triển này”.

Việt Nam là đất nước có hơn 4.000 năm văn hiến, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử với những biến động, thăng trầm. Vì thế, văn hóa cũng chịu nhiều tác động đáng kể. Nguyễn Hiếu Tín tìm hiểu cội nguồn của thư pháp Hán - Nôm và giá trị của nó. Lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển chữ Hán - Nôm ở Việt Nam cũng đang là vấn đề đáng được quan tâm. Chữ Hán - chữ Nôm ở Việt Nam có từ bao giờ? Thư pháp chữ Hán - Nôm ở Việt Nam? Đặc điểm thư pháp Hán – Nôm ở Việt Nam.

Bên cạnh những yếu tố mang tính truyền thống, Nguyễn Hiếu Tín cũng đặc biệt quan tâm đến thư pháp chữ Việt cách tân. Bởi khi chữ Quốc ngữ được dùng phổ biến, các nghệ nhân Việt Nam không chỉ thể hiện thư pháp bằng chữ Hán mà cả chữ Quốc ngữ theo ký tự latinh, một sự sáng tạo để chuyển tải những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc. Tuy chưa đạt đến đỉnh cao nghệ thuật nhưng nó hứa hẹn một sự đột phá mới trên con đường sáng tạo. Thư pháp chữ Việt là một sự sáng tạo rất đáng được trân trọng và hoan nghênh. Mặc dù được kế thừa và phát triển trên nền tảng của thư pháp chữ Hán nhưng nó cũng mang những bản sắc riêng vốn có của dân tộc: tính linh hoạt, trữ tình, giàu cảm xúc. Thư pháp chữ Việt cũng đã khẳng định vị thế của nó và đạt được những thành tựu bước đầu, mở ra những triển vọng mới cho tương lai...

Nghiên cứu về thư pháp là công việc khá nhọc nhằn, bởi đó là một lĩnh vực khoa học còn nhiều điều bỏ ngỏ, có khá nhiều tranh luận trái chiều nhau... Do đó người nghiên cứu cần phải tốn thời gian, công sức và cả sự tâm huyết, kiên trì...

Với cuốn Thư pháp là gì? Đó là một bằng chứng về sự lao động và sáng tạo nghệ thuật một cách nghiêm cẩn, mang tính học thuật. Nguyễn Hiếu Tín có được lượng kiến thức văn hóa sâu rộng, niềm đam mê nghiên cứu chuyên sâu về thư pháp, đối với một người trẻ tuổi như anh thì điều đó thật đáng trân trọng!

Đọc tập sách này, PGS -TS. Trần Hồng Liên có nhận xét khá xác đáng: “Giá trị tác phẩm Thư pháp là gì? của Nguyễn Hiếu Tín chính là đã nêu lên được tính sáng tạo trong đặc trưng của tộc người Việt, góp phần phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và xu thế toàn cầu hóa. Qua tác phẩm, chúng ta thấy được ngọn lửa nhiệt tình của thế hệ trẻ tiến vào lĩnh vực nghệ thuật, biết cảm nhận và thể hiện tâm hồn mình qua ngòi bút sắc bén và nồng ấm niềm đam mê đối với thư pháp chữ Việt”.  

Nguyễn Hiếu Tín sinh năm 1980, tại Phú Tân, An Giang.

Hiện anh là Trưởng Bộ môn Du lịch, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Nguyên là Chủ nhiệm đầu tiên của Câu lạc bộ Thư pháp Nét Việt, Nhà văn hóa Thanh Niên, TP. Hồ Chí Minh.

Anh còn được biết đến là nhà sưu tập tem với nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước, là chiếc cầu nối đưa bạn trẻ tìm đến nghệ thuật thư pháp Việt và văn hóa Việt. Anh cũng là cây bút được bạn đọc yêu thích trên nhiều tờ báo. Anh cũng là người sở hữu nhiều bộ sưu tập lạ, hay, đầy trí tuệ: ấm tử sa, gốm Biên Hòa, lũa gỗ nghệ thuật...

 

Nguyễn Văn Hoà

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thu-phap-la-gi-cuon-cam-nang-ve-nghe-thuat-thu-phap-a18533.html