Trong quý I/2023, Vĩnh Phúc có 410 DN đăng ký thành lập mới (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022) với số vốn đăng ký mới đạt 2.787 tỷ đồng; có 136 DN quay trở lại hoạt động (giảm 30% so với cùng kỳ); 433 DN tạm dừng kinh doanh (tăng 43% so với cùng kỳ); 30 DN giải thể (tăng 20% so với cùng kỳ).
Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, quý I/2023, doanh nhiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp một số khó khăn bắt do nhiều tác động khách quan và chủ quan. Những khó khăn tập trung ở 5 nhóm chính trong sản xuất kinh doanh gồm: Thị trường, đơn hàng sụt giảm, dẫn đến tình trạng cắt giảm quy mô sản xuất; gánh nặng chi phí tăng mạnh; khó khăn về dòng tiền, chính sách tài chính, thuế; áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng; một số thủ tục hành chính, quy định pháp lý chưa thống nhất.
Trong quá trình đề xuất, thẩm định, thực hiện dự án đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp gặp một số vấn đề như: Công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đối với các dự án đô thị, nhà ở; chính sách khuyến khích đầu tư và quỹ đất dành cho các dự án nhà ở xã hội; cơ chế giao đất, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ dự án đối với các dự án thương mại, dịch vụ, sản xuất; chính sách liên quan đến các dự án xã hội hóa; các quy định, chính sách về thu hút đầu tư các dự án thương mại, trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp đã trình bày cụ thể những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp đang gặp phải liên quan đến các vấn đề về thuế, nguồn điện sản xuất, công tác phòng cháy chữa cháy, quy định của pháp luật về đất đai, công tác tuyển dụng, giữ chân người lao động của các doanh nghiệp...
Tổng hợp các ý kiến khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đã đề xuất 3 nhóm giải pháp chính để tháo gỡ.
Nhóm giải pháp thứ nhất đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét, báo cáo Quốc hội gồm: Có phương án kéo dài thời gian một số chính sách hỗ trợ thuế, phí cho DN; ban hành nghị quyết thí điểm về chính sách phát triển nhà ở xã hội; sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN đưa vào chính sách ưu đãi thuế thu nhập cho DN; thông qua Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai sửa đổi… tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN.
Nhóm giải pháp thứ 2 đề nghị UBND tỉnh báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết gồm: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính, quy định pháp lý nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ giảm chi phí cho DN; tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho DN.
Nhóm giải pháp thứ 3 đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo gồm: Xem xét, điều chỉnh các dự án đô thị, nhà ở phù hợp với quy định hiện hành; yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị.
Tiếp thu ý kiến của đại diện các doanh nghiệp và đề xuất 3 nhóm giải pháp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan cần thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời có hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc, hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng hấp dẫn. Đối với những đề xuất liên quan đến chính sách thuế, giao đất, gia hạn thuê đất… giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh rà soát các dự án chậm triển khai, thực hiện việc giao đất, gia hạn đất đúng quy định, không để bức xúc, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Anh Tú
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-a18619.html