Đền Mẫu Lào Cai – Cột mốc văn hoá nơi cửa ngõ biên giới

Đền Mẫu Lào Cai tọa lạc tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc) trước mặt là cột mốc biên giới 102 (2) và dòng Nậm Thi trong xanh. Trải qua nhiều đợt trùng tu tôn tạo, không gian đền trở nên rộng mở, khoáng đạt, uy nghi nơi cửa ngõ biên giới.

1lc-1682312661.jpg
Đền Mẫu Lào Cai trở thành cột mốc văn hóa nơi cửa ngõ biên giới

Qua cửa tam quan là đến sân đền. Trên sân đền, cây đa, cây si tỏa bóng bao trọn lấy ngôi đền. Đền được xây dựng theo kiểu chữ Nhị 8 mái 3 gian mang dáng vẻ uy nghi kết hợp với đường nét mềm mại của các mái đao. Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh – một trong bốn tứ bất tử, là người Mẹ linh kiệt trong tiềm thức dân gian của dân tộc Việt Nam. Tương truyền bà là công chúa Quỳnh Hoa, con của Ngọc Hoàng Thượng Đế trên trời, vì lỡ tay làm vỡ chén ngọc nên 3 lần bị đày xuống trần gian. Sau 3 lần giáng trần đầu thai làm người, cảm nhận những chuyện đau khổ, bất công chốn nhân gian, bà cầu xin Ngọc Hoàng được tiếp tục giáng trần và được vua cha chấp thuận. Về sau, Thánh Mẫu hiển linh dưới hình hài một tiên nữ, có hai vị tiên hầu cận chu du khắp nơi, giúp dân, giúp nước. Vì vậy, sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam đều ghi bà là ‘Mã Hoàng Công Chúa, Thượng Đẳng Tối Linh Tôn Thần’, ‘Thượng Thượng Đẳng Tối Linh Vi Bách Thần Chi Thủ’, ‘Hộ Quốc Bình Nhung Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương’ với ý nghĩa là một vị thần cao nhất và linh thiêng nhất.

2lc-1682312685.jpg
Đền Mẫu Lào Cai

Vùng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Việt Nam) – Hà Khẩu (Trung Quốc) ngay từ thời cổ đại đã là đã là nơi tấp nập giao thương. Vào thế kỉ XV, tại đây, thường xuyên có thú dữ hoành hành, nạn giặc quấy nhiễu. Mẫu Liễu Hạnh đã hiển linh làm người bán hàng cơm, hàng nước cứu độ, làm phúc cho dân lành, giúp triều đình giữ gìn bờ cõi. Để tưởng nhớ công lao của Mẫu Liễu Hạnh, thế kỉ XVIII, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ nhỏ bên dòng Hồng Hà, Nậm Thi. Đền Mẫu ở Lào Cai đã được các triều đại nhà Nguyễn ban cho 3 đạo sắc phong: Tự Đức năm thứ 6 (ngày 24-9-1853), Tự Đức năm thứ 33 (ngày 24-11-1880) và Khải Định năm thứ 9 (ngày 25-7-1924). Hiện nay các sắc phong này vẫn còn lưu giữ tại đền. Với giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc, năm 2011, đền Mẫu được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Đền Mẫu Lào Cai trở thành cột mốc văn hóa nơi cửa ngõ biên giới, như một sự khẳng định về chủ quyền của Việt Nam, là biểu tượng của văn hóa, tín ngưỡng nội sinh của dân tộc Việt Nam.

Vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân vùng biên giới Lào Cai mở tiệc Mẫu tại đền Mẫu Lào Cai để nhắn nhắc về tín ngưỡng, về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, về đạo hiếu của dân tộc Việt.

 

 

 

 

 

 

 

 

Lan Phương

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/den-mau-lao-cai-cot-moc-van-hoa-noi-cua-ngo-bien-gioi-a18620.html