Ba ngày cho một trận đánh lịch sử

(Ghi theo lời kể của Trung Tướng Lê Văn Tri - Nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân )

Tôi nhận điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đúng 8 giờ sáng ngày 26 tháng 4 năm 1975 có mặt tại Tổng hành dinh để nhận nhiệm vụ”:

Bức điện của Tổng tư lệnh thật ngắn gọn nhưng tôi đã hình dung được khối lượng công việc thật khẩn trương cấp bách và quan trọng mà Quân chủng Phòng không - Không quân phải làm trong những ngày tới.

Cũng như nhiều lần trước, Đại tướng bắt tay tôi hỏi thăm sức khỏe rồi ngồi vào ghế bàn công việc luôn. Sau khi nói cho tôi biết một vài nét lớn tình hình chiến sự hiện nay, Đại tướng nêu nhiệm vụ cấp bách nhất trong thời điểm quan trọng này đối với binh chủng Không quân là phối hợp với các quân binh chủng tạo ra thế tấn công táo bạo, thần tốc nhằm áp đảo quân địch đồng thời tạo khí thế, niềm tin cho quân và dân ta . Đại tướng hỏi tôi rất kĩ về lực lượng cụ thể của Quân chủng, đặc biệt là Không quân.

b5ad1-1682654020.jpg
 

- Báo cáo Đại tướng, hiện ta có 02 Trung đoàn MIG.21; 01 Trung đoàn MIG.19; 01 Trung đoàn MIG.17; 01 Trung đoàn trực thăng; 01 Lữ đoàn Không quân vận tải; 01 Tiểu đoàn máy bay ném bom với đầy đủ hệ thống sân bay ở các địa bàn chiến lược phía Bắc và các sân bay quân sự ta vừa thu được của địch từ Đà Nẵng tới Phan Rang. Với các đơn vị kỹ thuật như Ra - đa, Thông tin liên lạc và nhất là đội ngũ chỉ huy có nhiều kinh nghiệm. Đội ngũ phi công điêu luyện, dạn dày trong chiến đấu và tinh thần quyết chiến quyết thắng luôn rất cao, tất cả cán bộ chiến sỹ trong Binh chủng đều đang nóng lòng muốn được nhận nhiệm vụ mới

Đại tướng khẽ gật đầu. Sau đó Đại tướng hỏi tôi rất tỉ mỉ về tình trạng các sân bay của địch ta mới chiếm được, số phi công có kinh nghiệm nhất hiện có.

- Báo cáo Đại tướng, anh em nhân viên kỹ thuật đã kiểm tra toàn bộ số máy bay thu được của địch ở Đà Nẵng và chỉ khôi phục được 01 chiếc A.37. Về phi công thì tới ngày 22 tháng 4 các đồng chí Trần Mạnh và Phạm Ngọc Lan mới tổ chức cho một số đồng chí huấn luyện chuyển từ lái máy bay MIG.17 sang học lái máy bay A.37.

Nhìn vẻ đăm chiêu có phần hơi khác thường của Đại tướng, tôi hiểu điều tôi sắp được chỉ thị sẽ rất quan trọng.

- Tình hình đang diễn biến với tốc độ thần tốc. Căn cứ vào yêu cầu của Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí tổ chức ngay một bộ phận gồm chỉ huy, thợ máy và người lái. Dùng máy bay của địch ta mới thu được để đánh vào Sài Gòn.

Đúng là bất ngờ, mới mẻ, táo bạo. Lời Đại tướng như một luồng ánh sáng vụt mở. Tim tôi đập rộn. Vậy là Binh chủng của tôi sẽ được trực tiếp tham gia vào chiến dịch lớn. Là người nhiều năm hoạt động trong Quân chủng Phòng không - Không quân, tôi hiểu rõ về sức mạnh và khả năng tác chiến của Không quân ta. Nhưng với yêu cầu của cấp trên là phải dùng máy bay địch đánh địch. Với chúng tôi, đây là một thử thách và là một khó khăn rất lớn. Vì cho tới lúc này sân bay để xuất kích và việc bảo đảm hậu cần kỹ thuật cho máy bay hoạt động cũng chưa được chuẩn bị. Tuy nhiên, ngay lập tức tôi hiểu được tầm quan trọng của nhiệm vụ. Tôi đứng bật dậy:

- Thưa Đại tướng, binh chủng Không quân sẵn sàng !

Đúng 10 giờ ngày 26 tháng 4 , tôi từ Tổng hành dinh sang gặp đồng chí Lê Duẩn để được đồng chí căn dặn thêm. Tôi đã thay mặt Quân chủng hứa với đồng chí Tổng Bí thư quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Khi tôi trở về nhà, anh Trần Hanh và Nguyễn Hồng Nhị đã ngồi chờ sẵn . Theo các nguồn tin chính xác và tin cậy nhất thì hiện nay các cánh quân của ta đã vây quanh Sài Gòn, chỉ chờ lệnh là đồng loạt nổ súng tiến vào thành phố. Được tôi phổ biến nhiệm vụ, các anh Hanh, Nhị đều rất phấn khởi nhưng ai cũng tỏ rõ tâm trạng lo lắng trên nét mặt.

Yêu cầu cao nhất trong lúc này là với lực lượng binh khí kỹ thuật và con người như hiện có, làm sao tổ chức được một trận đánh vào một vị trí thật then chốt, làm cho quân địch hoang mang lo sợ, không còn cách nào trở tay. Một yêu cầu nữa đặt ra là phải bảo đảm an toàn trong trận đánh, nhất là về con người.

Chúng tôi tranh luận hồi lâu, đưa ra nhiều tình huống thống nhất cách giải quyết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người rồi sau đó cùng ngồi quanh mâm cháo vợ tôi đã chuẩn bị trước. Mỗi người bưng bát cháo nghi ngút khói, vừa quấy vừa thổi vừa húp xì xụp. Có lẽ chẳng ai còn cảm giác đói hay no trong lúc này. “Bà xã” nhà tôi thì cứ tíu tít động viên: “Các anh phải cố ăn lấy sức mà làm việc”. Buông bát đũa, tôi và anh Trần Hanh phải lên ôtô ngay để ra sân bay Gia Lâm. Chiếc AN.24 đang nổ máy khởi động chờ chúng tôi.

Vào đến sân bay Đà Nẵng, anh Phạm Ngọc Lan báo cáo tôi là đã thông báo trên toàn thành phố Đà Nẵng, nhờ nhân dân phát hiện đã đưa về được trên 10 nhân viên Kỹ thuật của quân đội Sài Gòn. Số anh em này đã cùng với anh em kỹ thuật của ta làm việc ngày đêm mà chỉ mới khôi phục được một chiếc A.37. Qua tìm hiểu anh em phi công và thợ sữa chữa cũ cho biết, Sư đoàn Không quân địch ở Plây Ku đã rời sân bay Phù Cát từ khi Plây Ku thất thủ. Ngay lập tức, tôi lệnh cho tất cả các phi công, thợ Kỹ thuật và cơ quan chỉ huy bay về sân bay Phù Cát.

Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Hồ Thành Minh, bộ phận Kỹ thuật ở Đà Nẵng vừa vào phối hợp với anh em thợ cũ ở Phù Cát đã khôi phục được 4 chiếc A.37 nữa. Tôi giao cho anh em ở lại tiếp tục củng cố máy bay, cùng anh Nguyễn Thành Trung và anh em lái máy bay quân đội Việt Nam Cộng Hòa hướng dẫn kỹ thuật bay cho các phi công của ta. Sau đó tôi nhanh chóng bay về Hà Nội để kịp báo cáo với Tổng tư lệnh vào lúc 10 giờ đêm. Tôi báo cáo với Đại tướng là hiện ta đã có 3 chiếc máy bay A.37 sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu, nhưng nếu chỉ sử dụng được một máy bay xin Đại tướng cũng cho đánh và được Đại tướng đồng ý.

Sáng ngày 27 tháng 4, tôi trở lại sân bay Phù Cát. Việc đầu tiên trong ngày là chúng tôi phải xác định được nơi tập kết máy bay cuối cùng để từ đó bay vào Sài Gòn tác chiến đạt hiệu quả cao nhất. Qua nghiên cứu trên bản đồ và qua sự đóng góp ý kiến của anh Nguyễn Thành Trung cùng nhiều anh em khác, chúng tôi đã quyết định dùng sân bay Thành Sơn - Phan Rang làm nơi tập kết cuối cùng. Sau việc xác định vị trí tập kết, “Phi đội Quyết Thắng” được thành lập, gồm các phi công: Nguyễn Văn Lục chỉ huy phi đội, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Nguyễn Thành Trung, Hoàng Mai Vượng, và anh On là phi công quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã được giáo dục.

9 giờ 30 phút ngày 28 tháng 4, phi đội Quyết Thắng rời sân bay Phù Cát và một giờ sau hạ cánh xuống sân bay Thành Sơn an toàn. Riêng anh Hồng Nhị đi chiếc máy bay trực thăng hạ cánh xuống sân bay Nha Trang. Khi vừa cất cánh bay tiếp thì bị lực lượng Phòng không của ta bắn nhầm. Rất may người lái máy bay hạ cánh kịp cho mọi người nhảy ra an toàn (Riêng chiếc máy bay thì cháy rụi).

Từ khi nhận nhiệm vụ chiến đấu, ngoài công tác chuẩn bị, điều lo lắng và băn khoăn nhất của tôi là chọn mục tiêu đánh vào đâu cho đạt hiệu quả cao nhất cả về Quân sự và ý nghĩa Chính trị. Đúng như chỉ thị của đồng chí Văn Tiến Dũng mà đồng chí Hoàng Ngọc Diêu đã phổ biến cho chúng tôi lúc 12 giờ ngày 28 tháng 4 năm 1975 tại sân bay Thành Sơn. Cũng có nhiều ý kiến nên đánh vào Bộ Tổng tham mưu địch, nhưng mục tiêu quá rộng, đánh vào kho bom sẽ gây nổ dây chuyền, nhưng kho bom nằm ngầm dưới đất chưa chắc đã nổ được... Cuối cùng chúng tôi chọn mục tiêu ném bom là khu vực để máy bay trực chiến đấu của Không quân Việt Nam Cộng Hòa tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đánh mục tiêu này là một đòn rất hiểm, nhất là vào lúc Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn một đường hàng không duy nhất để di tản.

Tại sân bay Thành Sơn, tôi cho anh em trang trí thật trang nghiêm căn phòng định tập hợp anh em phi công để giao nhiệm vụ, có treo cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ. Tôi và các anh Hoàng Ngọc Diêu, Trần Mạnh, Trần Hanh, Nguyễn Hồng Nhị... đều mặc quân phục Không quân nhân dân Việt Nam chỉnh tề.

Đúng 13 giờ ngày 28 tháng 4, với cương vị Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, tôi trực tiếp giao nhiệm vụ chiến đấu cho Phi đội Quyết Thắng (trước đó vì có một số anh em lính Việt Nam Cộng Hòa nên tôi dặn anh em ta phải giữ bí mật cương vị công tác của tôi). Anh Nguyễn Thành Trung thay mặt cho anh em trong Phi đội Quyết Thắng hứa với tôi kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ. Phi đội thảo luận kế hoạch tác chiến, phân công vị trí bay trong đội hình, tổ chức hiệp đồng tác chiến, dự kiến tình huống và cách xử trí, quy định về thông tin liên lạc... Theo kế hoạch, đường bay của Phi đội được bảo đảm bí mật, bất ngờ đối với địch và tránh được hỏa lực phòng không của ta (Do thời gian gấp, ta chưa tổ chức được kế hoạch hợp đồng giữa Phi đội Quyết Thắng với các lực lượng phòng không tham gia chiến dịch). Anh Nguyễn Thành Trung thông thạo địa hình được phân công bay trước để dẫn đường. Anh On ngồi cùng máy bay với anh Hoàng Mai Vượng.

16 giờ 25 phút ngày 28 tháng 4, sau 2 phát pháo hiệu tại đài chỉ huy sân bay Thành Sơn, Phi đội Quyết Thắng với 5 chiếc máy bay A.37 lần lượt cất cánh, lao vun vút về hướng đã định...

Từ khi máy bay đi rồi, tất cả chúng tôi ai cũng bồn chồn mong đợi, đứng ngồi không yên. Lúc lúc lại xem đồng hồ, nhiều anh em cứ đứng như trời trồng, hướng về Sài Gòn. Nỗi lo lắng mặc dù đã được kìm chế vẫn không thể không thoáng hiện trên gương mặt căng thẳng của mọi người. Thời gian nặng nề trôi. Rồi thời hẹn tới. Mọi con mắt đều đăm đăm nhìn lên trời ngóng đợi. Không thấy gì ngoài những cụm khói ở phía xa bốc lên trộn với những đám mây màu thiếc của hoàng hôn đang buông. Máy bay về trễ so với kế hoạch. Mọi người càng lo lắng. Không khí chờ đợi mỗi lúc lại thêm căng thẳng. Mãi 5 phút sau, đài chỉ huy mới bắt được liên lạc với Phi đội. Lúc này trời đã sẩm tối, Phi đội còn cách sân bay 20km, Từ Đễ báo cáo hết dầu, Nguyễn Thành Trung cũng báo cáo dầu cạn, xin hạ cánh trước. Lúc này đòi hỏi bản lĩnh của người chỉ huy phải rất sáng suốt, xử lý nhanh và chính xác từng giây. Sở chỉ huy cho bật đèn đường băng, cho máy bay bật đèn pha. Máy bay của Từ Đễ và Nguyễn Thành Trung hạ cánh trước. Cả hai chiếc đều chạy hết quán tính trên đường băng thì hết sạch dầu không đi được nữa, tất cả anh em phải nhanh chóng ra đẩy máy bay vào nơi an toàn để nhường đường băng cho những chiếc khác xuống. Anh Nguyễn Văn Lục là người hạ cánh cuối cùng. Lúc đó là 18 giờ ngày 28 tháng 4 năm 1975.

Về kết quả của trận đánh bằng Không quân vào sân bay Tân Sơn Nhất nhiều tài liệu đã nói. Trên thực tế không chỉ những dàn máy bay trên 50 chiếc của địch đang trực chiến bỗng thành sắt vụn, gây những tiếng nổ rung chuyển Sài Gòn suốt đêm, gây tâm lý hoảng loạn cho toàn thể bộ máy chính quyền và Quân đội Việt Nam Cộng Hòa mà còn chấm dứt vai trò của Không quân Việt Nam Cộng Hòa ngay từ giờ phút ấy.

Có thể nói không riêng gì tôi mà cả các cán bộ, chiến sĩ, anh em, phi công, nhân viên kỹ thuật (kể cả anh em lính chế độ cũ đã hợp tác với ta trong trận đánh này) đều nức lòng phấn khởi. Không gì có thể diễn tả được niềm vui của chúng tôi khi đó. Nhiều anh em chạy đến ôm chầm lấy các đồng chí phi công, xúc động không nói được nên lời. Nước mắt tôi cứ ứa ra mặn chát. Sau khi kiểm điểm lại các công việc, chúng tôi cứ người này giục người kia đi ngủ nhưng thực tế thì chẳng ai ngủ được.

Khoảng 12 giờ đêm bỗng có tiếng bom nổ chát chúa quanh mình. Lúc này tôi đang đứng trên tầng 2 trong căn nhà của Ban chỉ huy, may có anh Quyền công vụ xô tôi ngã xuống rồi nằm đè lên, chiếc mũ cối tôi đang đội bị mảnh bom chém vỡ, anh Dương Hân, Tham mưu Phó bị thương vào chân, một góc nhà bị sập. Chiếc máy bay AN.24 đậu trên sân băng bị hỏng. Anh em phát hiện trận bom vừa rồi là do 2 chiếc máy bay của địch từ ngoài khơi vào tập kích. 6 giờ sáng ngày 29/4/1975, bọn địch ở ngoài khơi còn cố tình đem bom đến dội một lần nữa, nhưng chỉ tạo được vài tiếng nổ và mấy đám khói tan dần trong không khí.

Tôi lại cùng anh em, người lên máy bay, người lên xe tiến thẳng về hướng Sài Gòn. Con đường sặc mùi khói đạn, người và xe cộ đi lại đông như nêm cối. Dọc hai bên đường những trang thiết bị của quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị binh lính vứt bỏ khi tháo chạy nằm ngổn ngang.

Trưa ngày 30 tháng 4, chúng tôi đón mừng tin chiến thắng. Một giờ chiều tôi cho đồng chí Nguyễn Thành Trung về Bến Tre tìm vợ con, còn tôi thì lên xe đi gặp Đại tướng Văn Tiến Dũng…

Cho tới tận bây giờ, dư âm của trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất khi đó vẫn luôn vang vọng, trở thành niềm tự hào không bao giờ phai nhạt trong tôi. Chỉ chưa đầy 3 ngày (kể từ khi nhận lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh đến khi hoàn thành nhiệm vụ). tôi đã cùng các cán bộ chiến sĩ Không quân và Phi đội Quyết Thắng thực hiện thành công một trận đánh đầy cam go, mưu trí và oanh liệt góp phần nhỏ bé của mình vào chiến thắng chung của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trái tim người lính

Trịnh Duy Sơn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ba-ngay-cho-mot-tran-danh-lich-su-a18699.html