Về thăm căn cứ Tà Thiết của Bộ chỉ huy Miền

Vào một ngày đầu xuân, nhân kỷ niệm 48 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi từ Tp. Hồ Chí Minh theo Quốc lộ 13, về Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước tham quan khu di tích lịch sử Căn cứ Bộ Chỉ huy Miền.

Chị hướng dẫn cho chúng tôi biết: trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do tình hình diễn biến phức tạp của chiến tranh, nên căn cứ Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã phải di chuyển qua nhiều căn cứ, để thích ứng với thực tế của mỗi giai đoạn và căn cứ Tà Thiết là căn cứ cuối cùng được xây dựng vào tháng 2/1973, với quy mô lớn mạnh nhất. Đây không chỉ là nơi dự trữ hậu cần chiến lược, mà còn là nơi thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh và cũng là nơi các chủ trương, kế hoạch lớn được hình thành và phát đi, chỉ dẫn cho toàn quân, toàn dân tiến lên thực hiện trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

b1-nha-chinh-uy-p-hung-1682824825.jpg

Nhà Chính uỷ Phạm Hùng, là ngôi nhà hai mái, hai chái, kiểu nhà trệt, có hầm âm, kết nối với hầm chữ A.

Điều đó cho thấy việc chọn và xây dựng căn cứ địa Bộ Chỉ huy Miền đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, đúng như lời Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết “Nói đến đấu tranh vũ trang, đến xây dựng lực lượng vũ trang  cách mạng thì không thể không nói đến vấn đề căn cứ địa cách mạng, vấn đề hậu phương của chiến tranh cách mạng”.

Vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo chiến tranh cách mạng, Đảng ta luôn luôn đặt vấn đề hậu phương và căn cứ địa lên hàng đầu và là một trong những vấn đề cơ bản quyết định sự thành bại sống còn.

b2nha-thuong-tuong-t-v-tra-1682825179.jpg

Nhà Thượng tướng Trần Văn Trà, kết cấu làm theo kiểu năm nóc, bốn mái với ba vì kèo, chia làm hai gian chính.

Hướng dẫn viên còn giải thích rằng Bộ Chỉ huy Miền là “Cơ quan tiền phương của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng”, có nhiệm vụ theo dõi, nghiên cứu tình hình chiến sự ở miền Nam để tham mưu kịp thời cho Quân uỷ Trung ương đề ra quyết sách mang tầm chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng miền Nam. Đồng thời Bộ Chỉ huy Miền trực tiếp lãnh đạo các lực lượng vũ trang  giải phóng miền Nam, cùng với quân dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Và đây cũng là nơi ở và làm việc của các vị lãnh đạo Bộ Chỉ huy Miền, đó là những người con ưu tú của đất nước như Chính uỷ Phạm Hùng, Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền, nữ Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền, Trung tướng Lê Đức Anh Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền.

Xem sơ đồ, chúng tôi rất ngạc nhiên, tại sao Bộ Chỉ huy Miền lại chọn khu vực Tà Thiết, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, làm căn cứ địa, chỉ cách Sài Gòn 130 km (theo đường chim bay)?

b3-nha-le-duc-anh-1682825439.jpg

Nhà Trung tướng Lê Đức Anh, kiến trúc theo kiểu nửa chìm nửa nổi. Không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi làm âm xuống lòng đất 1 mét.

 

Như hiểu được tâm trạng chúng tôi, chị hường dẫn giải thích: Sở dĩ Tà Thiết được chọn làm căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền, trước hết Tà Thiết thuộc huyện Lộc Ninh, huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng, hơn nữa ở đây có thế rừng rất rộng lớn, điều kiện khí hậu ít khắc nghiệt. Tà Thiết là điểm cuối của đường mòn Hồ Chí Minh, có thề chiến lược tạo điều kiện để nắm bắt nhanh mọi diễn biến chính trị, quân sự và rất thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp nhận cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị hậu cần từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt Tà Thiết lại không xa căn cứ Chàng Riệc (Bắc Tây Ninh) của Trung ương Cục miền Nam. Một thuận lợi nữa, Lộc Ninh sẽ trở thành “thủ phủ” của Chính phủ Cách  mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Mặt khác, chọn Tà Thiết lại gây yếu tố bất ngờ đối với địch, bởi trước đây phần lớn căn cử địa của ta đều ở trong rừng sâu, cách xa dân cư, cách xa thành phố.

b4-nha-ba-ng-thi-dinh-1682825736.jpg

Nhà nữ Thiếu tướng Nguyễ Thị Định kiến trúc cũng nửa chìm nửa nổi, không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi được làm âm xuống lòng đất 1 mét.

Căn cứ Tà Thiết là “trung tâm đầu não” Bộ Chỉ huy Miền, vì vậy, dân chúng goi là “khu rừng Chính phủ”.Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, vào tháng 3/1973, Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn miền lần thứ 3 đã khai mạc. Tháng 9/1973 diễn ra Hội nghị Quân chính toàn Miền. Tháng 10/1973, tại đây tổ chức thành công Hội nghị quán triệt học tập Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng cho cán bộ cấp cao của Miền và các tỉnh. Ngày 3/4/1975, cũng tại đây đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Namđã quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về quyết tâm và phương án giải phóng Sài Gòn. Ngày 8/4/1975, đồng chí Lê Đức Thọ, thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn – Gia Định...

b5-hoi-truong-1-1682825970.jpg

Hội trường được xây dựng ở cụm cuối của căn cứ, cách nhà Thiếu tướng Nguyễn Thị Định 150m về phía Bắc, cách nhà Trung tường Lê Đức Anh 100m, về phía Đông Bắc. Một phần nhà được đào âm xuống lòng đất khoảng 0,9m.

Tất cả những sự kiện trên càng thể hiện rõ, vùng Tà Thiết hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi để Bộ Chỉ huy Miền chọn làm căn cứ. Vì vậy, căn cứ Tà Thiết được xây dựng  quy mô lớn, với một hệ thống nhà ở và làm việc của các cán bộ lãng đạo, hầm hào, bệnh viện, xưởng sửa chữa khí tài, trường lớp huấn luyện, chiến đấu. Căn cứ Tà Thiết là điểm tập kết quân lớn nhất từ miền Bắc vào Nam chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, đại thắng mùa xuân 1975.

b6-ham-giao-ban-1682826180.jpg

Hầm giao ban là hầm bí mật được xây dựng để tổ chức các cuộc họp mang tính bí mật tuyệt đối. Hầm cách nhà Thượng tướng Trần Văn trà 400m về phía Đông Nam, cách nhà Chính uỷ Phạm Hùng 50m về phía Đông Bắc, cách bếp Hoàng Cầm 100m về phíaTây Bắc. Hầm được xây âm hoàn toàn dưới lòng đất...

Chị hướng dẫn viên còn cho biết thêm: để có một tên gọi xứng tầm với chiến dịch lớn nhất, có ý nghĩa nhất, kết thúc 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Chỉ huy Miền đã khẩn thiết đề nghị Trung ương đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định để lấy tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thể theo nguyện vọng đó, 19 giờ ngày 14/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã nhận được bức điện do Tổng Bí thư Lê Duẩn ký “Đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

b7-bep-hoang-cam-1682826426.jpg

Bếp Hoàng Cầm ở Tà Thiết là bếp đại táo, được xây dựng theo trục Bắc Nam, với kiến trúc nửa chìm nửa nổi.

Ngày nay, khu di tích căn cứ Tà Thiết về cơ bản kết cấu vẫn như xưa, nhưng được xây dựng vững chải hơn, lâu bền hơn.

Tất cả các công trình này trước đây trong kháng chiến các cột, kèo, xà... đều làm bằng gỗ nguyên cây, không bóc vỏ, mái lợp lá trung quân (lâu mục, khó chát, nếu bị cháy không bốc thành ngọn lửa, nên không cháy lan), ngày nay được đúc bê tông cốt thép, giả gỗ.

Ngoài ra, khu di tích còn xây thêm nhà bia của Tổng cục Chính trị và phòng trưng bày bổ sung di tích.

Cuối cùng, trước khi chúng tôi ra về, Giám đốc khu đi tích cho biết: Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Căn cứ Quân uỷ - Bộ Chỉ huy các Lực lượng Vũ trang Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (hay Căn cứ Bộ Chỉ huy Miền – Tà Thiết) là Di tích Lịch sử Quốc gia.

Ngày 23/12/ 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2367/QĐ-TTg xếp hạng căn cứ Tà Thiết là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Bài và ảnh: Trần Mạnh Thường

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ve-tham-can-cu-ta-thiet-cua-bo-chi-huy-mien-a18736.html