Ngày 30/4/1975 trong ký ức cựu phóng viên chiến trường Vũ Xuân Bân

 LTS: Vanhoavaphattrien.vn xin phát lại bài viết của phóng viên Lê Tâm đã đăng trên báo Nhà báo và Công luận “Ngày 30/4/1975 trong ký ức cựu phóng viên chiến trường Vũ Xuân Bân" nhân kỷ niệm 48 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023). Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc..

Gần 50 năm đã trôi qua, song mỗi lần nhắc tới những kỷ niệm hào hùng của một thời kỳ lịch sử, trên gương mặt của cựu phóng viên chiến trường Vũ Xuân Bân vẫn không giấu được vẻ xúc động. Quãng thời gian làm phóng viên biên tập Thông tấn xã Giải phóng sẽ mãi in sâu trong ký ức của ông.

Giống như nhiều bạn bè đồng nghiệp ở Thông tấn xã Giải Phóng, đây là thời gian ông và nhiều đồng đội cống hiến tuổi thanh xuân, xương máu nơi chiến trường để giữ mạch máu thông tin không ngừng chảy.

Chuyến tàu rời Hà Nội đi chiến trường

Gần 50 năm đã qua nhưng đối với nhà báo Vũ Xuân Bân - nguyên Trưởng ban Tin trong nước TTXVN là những ký ức, kỷ niệm về những ngày còn là phóng viên chiến trường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bảo vệ biên giới Tây Nam vẫn vang mãi trong tâm trí mỗi khi tháng Tư lịch sử vọng về.

Tháng 8 năm 1972, khi chiến trường miền Nam đang trong giai đoạn quyết liệt nhất, ông Vũ Xuân Bân khi đó đang là sinh viên năm cuối khoa Sử khóa 13 (1968 -1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội vừa làm xong Luận văn tốt nghiệp với đề tài về “Chế độ “Quăng” của người Tày ở Mường Giàng (Chiêm Hóa) Tuyên Quang” chỉ chờ ngày bảo vệ thì được Việt Nam Thông tấn xã, nay là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tuyển chọn đặc cách đào tạo tiếp vào lớp phóng viên đặc biệt GP10 chi viện cho Thông tấn xã Giải Phóng (TTXGP).

Sau gần 7 tháng học nghiệp vụ phóng viên và luyện tập hành quân, ngày 16/3/1973, ông Vũ Xuân Bân cùng với gần 150 phóng viên, kỹ thuật viên GP10 bắt đầu đi tàu hỏa rời Hà Nội lên đường vào Nam làm phóng viên chiến trường, mang theo sự hăng hái khí thế, lý tưởng của tuổi trẻ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

392a-1682843818.jpgNhóm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (Khóa GP10) đi chiến trường miền Đông Nam Bộ tại chiến khu Mã Đà (Đồng Nai) đầu năm 1974 (Từ trái qua: Kim Sơn, Vũ Xuân Bân, Phạm Cao Phong, Nguyễn Sỹ Thuỷ, Lý Văn Tích). Ảnh: NVCC

Chàng sinh viên Vũ Xuân Bân khi ấy tuổi đôi mươi quê xứ Thanh với tri thức, lòng yêu nước và trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ đã không quản ngại gian lao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ phóng viên - chiến sỹ nơi chiến trường ác liệt. Đi tàu hỏa từ Hà Nội đến ga Nghĩa Trang (Hoằng Hóa) phải tăng bo đi bộ hơn 10 Km đến ga thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) vì cầu Tào bị bom Mỹ đánh sập chưa khôi phục được.

Hành quân qua mảnh đất quê hương bị bom đạn Mỹ cày xới loang lổ hai bên đường quốc lộ 1, trên lưng đeo ba lô quần áo, trang thiết bị nặng hơn 40 kg, ông cứ mong gặp được người quen để gửi bớt đồ dùng được trang bị về cho bố mẹ nhưng không gặp được ai. Từ thành phố Thanh Hóa, ông Vũ Xuân Bân cùng đồng đội lại đi tàu hỏa vào ga Vinh (Nghệ An), đi ô tô tải tiếp từ Vinh đến sông Gianh (Quảng Bình) đi xà lan ngược sông Gianh đến gần biên giới với Lào thì đi ô tô tiếp đến ngã ba Đông Dương.

Điều không may, hơn 10 giờ sáng 2/4/1973, xe ô tô tải mui trần chở Chi đội của ông Vũ Xuân Bân bị tai nạn gần thị xã Mường Mày, tỉnh A tô pơ, nước bạn Lào, làm 3 người hy sinh, 8 người bị thương nặng, 20 người bị thương nhẹ. Mọi người đều được đưa vào Bệnh xá trạm Giao liên 79 ở ngã 3 Đông Dương để điều trị. Ông Vũ Xuân Bân bị thương nhẹ vào đầu và xây xát tay trái, chỉ điều trị 10 ngày tại trạm xá 79 lại hành quân tiếp vào chiến trường B2 (Nam Bộ).

Mỗi bài viết là nguồn động viên lớn lao

Từ Bệnh xá trạm Giao liên 79, ông Vũ Xuân Bân cùng một số đồng đội hành quân tiếp một tháng 20 ngày, đến ngày 2/ 6/1973 thì đến Tổng xã TTXGP đóng ở R (huyện Tân Biên – Tây Ninh) giáp biên giới Campuchia.

Đặt chân tới chiến khu R, ông lập tức phải bắt tay ngay vào đào hầm tránh bom đạn, chặt cây rừng, hai lá trung quân làm lán trại, đồng thời làm công tác biên tập tin, bài chiến sự của phóng viên các phân xã TTXGP ở các tỉnh, thành miền Nam điện về Tổng xã bằng Morse (qua âm thanh "tích" và "te"), tranh thủ làm rẫy trồng rau xanh lo đời sống gian khổ ở trong rừng sâu. Dù mới làm phóng viên biên tập được ít ngày bộn bề công việc nhưng lãnh đạo Ban biên tập tin TTXGP (B7/3) đã phân công chàng phóng viên trẻ Vũ Xuân Bân biên tập tin “Tiêu diệt Tiểu đoàn ngụy trên sông Hàm Luông (Bến Tre)”.

b1xb1-1682844000.jpgTổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin, ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh: TTXVN

Ông được hướng dẫn viết ngay bài bình luận “Chiến thắng trên sông Hà Luông” nêu rõ “Quân Giải phóng không chỉ tiêu diệt quân ngụy ngay tại nơi nống ra lấn chiếm mà  sẽ tấn công tiêu diệt tận sào huyệt chỉ huy cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng”. Bài bình luận này viết xong được duyệt phát trên Bản tin thời sự của TTXGP, sau đó được Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải Phóng đọc dõng dạc cổ vũ chiến thắng của quân dân Bến Tre buộc Mỹ - ngụy khi đó phải thi hành Hiệp định Paris.

Đầu năm 1974, ông Vũ Xuân Bân khi đó 24 tuổi cùng một nhóm phóng viên GP10 được cử đi chiến trường miền Đông Nam Bộ, mảnh đất gian lao mà anh dũng. Nơi đây, ông  có nhiều kỷ niệm với “Đất đỏ miền Đông” và đồng đội, đã viết một số bài có giá trị ở Chiến khu Minh Đạm (Bà Rịa – Vũng Tàu) như: “Dưới chân núi Minh Đạm”, “Trên vành đai Úc hôm nay”, “Sự thức tỉnh muộn màn của sỹ quan ngụy”…

Đặc biệt sáng 19/5/1974, khi đi cùng du kích ra gặp dân làm rẫy vùng ven thị xã Long Khánh thì biệt kích ngụy bất ngờ đột kích trạm nghỉ của trung đội thông tin của bộ đội ta bên cạnh suối Gia Ray cách nơi ông đến gặp dân chừng 200m nhưng do có rẫy ngô tốt lút đầu nên chúng không nhìn thấy. Đúng là một trận hú vía và cũng là may mắn. Sau này được biết, do có kẻ chiêu hồi khai báo nên mới có cuộc đột kích bất ngờ đó.

Một lát sau, ông phát hiện có người mặc quần áo bộ đội miền Bắc bò lết trong rẫy ngô kêu cứu. Ông cùng hai du kích tiến lại hỏi tên là gì thì được biết tên là Dung, cấp bậc Trung úy, quê ở Vĩnh Long, tập kết ra Bắc, là bộ đội thông tin từ miền Bắc mới hành quân vào đây thì bị biệt kích ngụy tập kích bất ngờ bắn bị thương vào chân may mà lẩn trốn trong rẫy ngô thoát được. Sau khi băng bó tạm vết thương, ông cùng du kích thay nhau cõng Trung úy Dung vào cứ của thị xã Long Khánh, rồi từ đây chuyển lên bệnh xá điều trị.

Ngay ngày hôm sau, phóng viên Vũ Xuân Bân viết bài “ Cuộc sống chiến đấu ở vùng ven Long Khánh” phát trên bản tin thời sự TTXGP, được Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó đọc đi, đọc lại mấy lần, là nguồn cổ vũ động viên rất lớn.

Trong chiến tranh, ngoài bom đạn hiểm nguy rình rập thì sốt rét cũng là căn bệnh mang theo nỗi ám ảnh với người lính. Nhà báo Vũ xuân Bân còn nhớ cả lúc đi và lúc từ phân xã TTXGP Bà Rịa – Vũng Tàu trở về Tổng xã TTXGP ở biên giới Tây Ninh đều đi qua chiến khu Mã Đà (Đồng Nai), đều bị sốt rét, mỗi lần phải nằm lại điều trị tại trạm giao liên hơn chục ngày.

Thương ông bị sốt rét gầy yếu, da xanh như tàu lá, cán bộ trạm giao liên đã dùng thuốc nổ chất dẻo C4 bỏ vào vỏ lon sữa bò, cắm ngòi nổ ném xuống suối cá chết nổi vớt lên đem về nấu canh chua với ngọn non lá bứa rừng bồi dưỡng sau khi cắt cơn sốt rét mau lại sức. Cũng may, ông cùng một số đồng đội bị sốt rét sau vài đợt điều trị tiêm thuốc quinin để cắt cơn, coi như đã “nộp thuế rừng” vượt qua thử thách gian lao ở Mã Đà để hành quân tiếp về đơn vị công tác.

b42015-1682844117.jpgCác cựu phóng viên GP10 Đoàn Việt (bên trái-áo trắng) và Vũ Xuân Bân xúc động trở lại thăm Bia kỷ niệm Đài phát thanh Giải phóng và Thông tấn xã Giải phóng thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1961-1962) tại căn cứ Trung ương cục miền Nam ở Mã Đà (Đồng Nai) - Chiến khu Miền Đông Nam Bộ. Ảnh: NVCC

Sống mãi ký ức của ngày 30/4/1975

Nhà báo Vũ Xuân Bân chia sẻ: Phóng viên thời kỳ đó không chỉ gặp khó khăn nguy hiểm khi đi thực tế lấy tin, chụp ảnh trong cảnh “mưa bom bão đạn” mà khi đã có tin, bài, ảnh phải truyền tin tức, hình ảnh về Tổng xã TTXGP ở R bằng quay ra ô nô (đạp xe đạp) tạo ra dòng điện cho điện báo viên truyền tín hiệu Morse, chứ không dễ dàng như bây giờ. Đó cũng là nỗi lo lắng nhất của phóng viên chiến trường. Đã có không ít phóng viên, điện báo viên của TTXGP đã hy sinh khi phát sóng truyền tin, bị địch nã pháo, máy bay phóng tên lửa do dò được sóng phát tin.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy thần tốc Đại thắng Mùa Xuân 1975, phóng viên TTXGP có mặt ở khắp các mặt trận, bám sát các mũi tấn công và nổi dậy,  nhất là đi theo 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, trong đó có  những phóng viên của TTXGP có mặt sớm nhất tại Dinh Độc Lập ngay trưa 30/4/1975 viết bài, chụp  ảnh về những giờ phút đầu tiên quân ta cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, tiếp nhận sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn, hoàn thành sự nghiệp lịch sử vẻ vang “Đánh cho Mỹ cút/Đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhà báo Vũ Xuân Bân tâm sự: 30/4/1975 đó cũng là thời điểm niềm vui xen lẫn kí ức về tất cả những ngày gian khổ ở chiến trường dồn nén cứ ùa về. Để có được ngày 30/4 ấy, ông và đồng đội đã trải qua rất nhiều gian lao, càng đến gần ngày đó ý niệm về ngày giải phóng miền Nam ngày càng gần hơn. Niềm vui xen lẫn với nỗi nhớ, nhớ lại những ngày vô cùng gian khổ, nhớ những người đồng đội đã hi sinh.

Tất cả đều hiển hiện trong niềm cảm động khó tả. Vinh hạnh được làm phóng viên chiến trường ở giai đoạn chót thời kỳ chống Mỹ cứu nước tuy không dài, nhưng những tháng năm  gian khổ, hy sinh đã rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ của người làm báo. Việc tôi luyện qua chiến tranh đã góp phần làm nên một thế hệ phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và TTXVN anh hùng.

Sau ngày thống nhất đất nước, mỗi lần về với R - Chiến khu xưa, phóng viên chiến trường Vũ Xuân Bân cùng đồng đội về thăm, dâng hương, dâng hoa tại Bia tưởng niệm các liệt sỹ Thông tấn xã Giải phóng ở Tân Biên (Tây Ninh). Ông lại bồi hồi nhớ về các liệt sỹ. Có không ít người đã ngã xuống nhưng những dòng tin, những hình ảnh chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta trong những tháng năm kháng chiến cứu nước gian khổ đó sẽ không bao giờ phai mờ.

1632023b-1682844192.jpgCựu phóng viên chiến trường TTXVN Vũ Xuân Bân (ngoài cùng bên trái cùng các đồng nghiệp dự gặp mặt kỷ niệm 50 năm phóng viên GP10 TTXVN đi chiến trường Miền Nam (16/3/1973 - 16.3.2023) nay đều đã U80. Ảnh: NVCC

Vào những ngày tháng 4 lịch sử này, lớp phóng viên Thông tấn xã Giải phóng ngày nào, nay đều đã U80, U90, người còn người mất, người vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên ở bất kỳ một vị trí, cương vị nào, họ vẫn luôn nỗ lực làm tốt nghiệm vụ được giao, góp phần đưa nền báo chí Việt Nam phát triển, đồng hành cùng quê hương, đất nước.

---------

 Đầu năm 2011, Nhà báo Vũ Xuân Bân, nguyên Trưởng ban biên tập Tin trong nước TTXVN về nghỉ hưu. Ông được mời làm Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc và từ ngày 7/5/2021 chuyển thành Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, vẫn là Phó Tổng biên tập. Về chuyên môn làm báo cho đến nay, ông chưa nghỉ ngày nào. Ông vẫn mang trong mình tác phong “phóng viên chiến trường” như một người lính, giữ phẩm chất như “bộ đội cụ Hồ” được tôi luyện qua chiến tranh gian khổ để có ngày hôm nay.

Lê Tâm

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ngay-3041975-trong-ky-uc-cuu-phong-vien-chien-truong-vu-xuan-ban-a18738.html