Chúng tôi ngồi trên ô tô rất chật nhưng vẫn phải trùm lên mình tấm poncho (tăng nilon), vậy mà hai hàm răng vẫn va vào nhau lập cập. Thỉnh thoảng, bắt gặp một vài chiếc xe ngược chiều trở ra, chở trên mình nó là những thương binh về từ các chiến trường. Vào sâu hơn, qua ánh đèn dù của lũ máy bay đánh đêm ở các trọng điểm, chúng tôi thấy dưới chân dốc, bên cạnh những hố bom nham nhở là những chiếc Zil "ba cầu" hoặc "Giải Phóng" nằm chổng kềnh, cháy sém. Những chiếc xe quân sự đó chở nhu yếu phẩm hoặc khí tài vào từ miền Bắc đã gặp những trận oanh kích ác liệt của không quân Mỹ. Đang đi, xe chúng tôi như bị ai nhấc lên rồi đẩy xuống. Trên thùng xe, mọi người bị xô lệch về một phía, nháo nhác, đứng cả lên; có người định nhảy xuống. Thì ra, chiếc Gast đang đi, qua ánh đèn gầm, phát hiện ra một "ổ voi" lớn, liền tránh sang phải. Không may, xe bám mép sườn dốc trơn trượt nên bị tuột nghiêng xuống, thiếu tý chút nữa thì cả xe và người đổ nhào xuống vực. Thật hú vía! Đó là kỷ niệm hành quân đầu tiên trên đường giao liên Trường Sơn.
Sau cú trượt kinh hoàng đó, chúng tôi quyết định xuống xe, hành quân bộ. Chừng 30 phút sau tất cả các xe chở quân đều quay trở ra. Một mặt, càng vào sâu trọng điểm, càng dốc và trơn trượt; mặt khác, cánh lái xe cũng sợ bị máy bay C130 và F4 ("Con ma") bay đêm phát hiện. Từ đây, mở đầu cho cuộc hành quân bộ đầy gian nan thử thách hơn ba tháng trời trên "đường mòn Hồ Chí Minh".
Khoảng 3 giờ sáng, chúng tôi vượt qua một bãi lầy. Trên vai tôi là chiếc bàn đế cối 82 ly (15kg) cùng với ba lô quần áo, tăng, võng, thịt hộp, cá hộp, đường, mì chính, sữa bột, bao gạo 7kg và lỉnh kỉnh quanh thắt lưng là túi mặt nạ phòng hoá, bi đông, dao găm, lựu đạn, túi thuốc cá nhân... ngót nghét 40 kg. Không rõ đi được bao lâu và đã cố gắng hết sức nhưng tôi không thể lê nổi thêm một bước chân nào nữa trên bãi lầy đó... Ngồi bệt xuống vũng bùn sền sệt, tôi kéo vội trong ba lô ra tấm poncho trùm lên người, bởi trời càng về khuya, mưa càng nặng hạt và lạnh thấu xương...
Khoảng 7 giờ sáng, đang ngủ say trên vũng bùn, tôi
giật mình vì ai đó đang nắm lấy vai tôi lay và gọi lớn:
"Sơn! Sơn! Dậy đi! Đơn vị đi xa rồi!" Tôi choàng mở mắt, hoảng hốt... Thì ra đó là anh Đinh Bạt Chương (Thanh Yên, Thanh Chương, Nghệ An), khẩu đội phó đang quay lại tìm chúng tôi (sau này anh hy sinh trong trận tôi bị thương vào trưa ngày 18-5-1972). Đảo mắt nhìn quanh một lượt, tôi thấy trước và sau có rất nhiều người cùng tư thế giống mình. Chương giúp vác bàn đế cối 82 và kéo tôi đứng dậy. Bước đi, tôi kịp quay lại nhìn vào chỗ vừa ngồi, hơi nước bốc lên lãng đãng như sương. Nhiệt từ cơ thể tôi ngấm vào bùn, lúc ấy mới toả ra.
Khoảng 9 giờ sáng, chân trần, tay xách dép, mình đầy bùn đất, tôi thất thểu vào tới binh trạm 5 - binh trạm đầu tiên để từ đây, chúng tôi bắt đầu "xẻ dọc Trường Sơn". Ngày ấy, tôi vốn là một cậu học sinh mảnh mai, ốm yếu với cân nặng không đầy 47 kg, sức khoẻ "B1" và còn thiếu ba tháng nữa mới đầy tuổi 18. Ba tháng huấn luyện tân binh chưa đủ tiềm năng thử thách để vượt qua khó khăn, gian khổ ban đầu!
Hai ngày nghỉ ngơi, tắm giặt, phơi phong quần áo tại binh trạm, chúng tôi đã lại sức. Ở đây, hàng ngày các loại máy bay trinh sát L19, OV10, A3J vè vè trên đầu như ong suốt từ sáng đến tối, tạo nên một không khí chiến trường căng thẳng, sôi động. Nấu bếp "Hoàng Cầm" nếu không cẩn thận, chỉ cần một tia khói nhỏ bay lên để lũ trinh sát này phát hiện được thì hậu quả sẽ khôn lường. Trước hết sẽ là các vụ không kích bằng bom, rốckét và đạn 20 li của "Thần sấm", "Con ma" (các loại chiến đấu cơ tiêm kích F105, F4); không lâu sau đó, sẽ là hàng loạt phi vụ B52 rải thảm, huỷ diệt (chúng tôi đã được nghe kể và sau đó là nạn nhân trực tiếp của tình huống trên ở Binh trạm 36).
Ngày thứ tư, anh nuôi dậy từ 4 giờ sáng để lo cơm nước cho bộ đội (ở đường dây 559, không có anh nuôi cố định mà là cắt phiên nhau nấu ăn hàng ngày, mỗi ngày hai người). Bởi vậy, sau mấy tháng hành quân trên đường Trường Sơn, chúng tôi anh nào cũng biết nấu cơm ngon, dẻo sau những thất bại ban đầu như cháy, khê, nhão nhoét...
Đúng 7 giờ, bộ đội bắt đầu xuất phát. Ở rừng nên mặt trời đến muộn. Ai cũng hăm hở. Có vào các binh trạm Trường Sơn mới biết sức mạnh của chiến tranh nhân dân thật kỳ diệu. Cuộc chiến đã huy động được hàng triệu lượt người náo nức ra trận. Đó là cái khí thế của "Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến. Như tình yêu nối lời vô tận" (Phạm Tiến Duật). Trung đoàn 271 chúng tôi khi hành quân trên đường Trường Sơn được mang biệt danh là "Đoàn 2005". Trước và sau chúng tôi còn biết bao đoàn, đã và đang đi...
271 khi vượt Trường Sơn, 271 là trung đoàn thực binh, với trên 2600 người. Ngoài lương thực, thực phẩm dự trữ và quân, tư trang cá nhân, còn phải mang vác vũ khí, khí tài nặng từ ĐKZ 75 ly, 12,7 ly, cối 82, cối 60, đại liên, B41, B40, máy thông tin 2W, 15 W... Bởi vậy nên thường bị các đoàn như "2006", "2007" vượt lên trước. Đó là các đoàn thuộc Quân khu 2, Quân khu 3, Quân khu Việt Bắc, quân khu Tả Ngạn... gồm hầu hết lính ở các tỉnh từ Thanh Hoá, Hà - Nam - Ninh trở ra. Họ mang vác nhẹ, chỉ có ba lô quần áo và bao gạo trên vai. Trẻ, sung sức, cùng một quyết tâm ra trận nên lúc nào cũng chen lấn để vượt đoàn chúng tôi. Bởi vậy, đôi lúc, đã có những xích mích nhỏ giữa chúng tôi với họ. Dù sao đó cũng là những kỷ niệm đáng nhớ và đáng... yêu trên chặng đường hành quân đầy thử thách, hy sinh của những năm tháng hào hùng đó.
Hết P1
( còn nữa)
Trái tim người lính
CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-chien-tranh-xe-doc-truong-son-p1-a18747.html