Quảng Nam: Căn cứ địa, sự hình thành thị uỷ và phát triển lực lượng cách mạng của Tam Kỳ

Trân trọng giới thiệu Bài nghiên cứu về lịch sử cách mạng Tam Kỳ (Quảng Nam) của tác giả Phạm Thông.

tam-ky-1683862407.png
Thành phố Tam Kỳ ngày càng phát triển. Ảnh: Internet

1- Quá trình hình thành và phát triển hệ thống tổ chức và lực lượng cách mạng của Thị xã Tam Kỳ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

 1.1-  Quá trình hình thành các tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang của Thị xã Tam Kỳ

 a - Sơ lược về phong trào cách mạng của huyện Tam Kỳ trước khi đơn vị thị xã Tam Kỳ ra đời

 Sau Hiệp đinh giơ ne vơ, địch lập tức tràn vào tiếp quản vùng đất Tam Kỳ, tổ chức đảng và quần chúng của ta rút vào hoạt động bí mật. Bọn địch liền ra tay đàn áp những người kháng chiến cũ, các cơ sở cách mạng bị bể vỡ hầu hết. Đến đầu năm 1959, cán bộ thoát ly trên toàn huyện Tam Kỳ chỉ còn trên dưới 20 người. Nhưng các đồng chí trong huyện ủy Tam Kỳ vẫn bám trụ kiên cường. Các đồng chí đã dựa vào thế núi hiểm ở phía tây nam huyện Tam Kỳ và vùng thấp trà My lập căn cứ hoạt động, chờ thời cơ phát động toàn dân đứng lên giải phóng quê hương.

 Cũng trong năm 1959, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, mở ra cơ hội cho cách mạng miền Nam được tiến hành đấu tranh bằng con đường bạo lực chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Huyện ủy Tam Kỳ liền mở rộng hoạt động, rút hàng loạt thanh niên từ đống bằng lên thành lập đội vũ trang tuyền truyền tiếp đến là thành lập đơn vị vũ trang của huyện với qui mô trung đội rồi đến đại đội; đồng thời thành lập đội công tác của huyện và các xã; củng cố và xây dựng lại một số chi bộ Đảng ở cơ sở... Tiến hành các hoạt động vũ trang tuyên truyến ở một số vùng nông thôn, tiếng súng tiêu diệt những tên ác ôn đầu sỏ đã bắt đầu vang lên ở nhiều nơi.

 Năm 1961, ta giải phóng thôn Tứ Mỹ thuộc xã Kỳ Sanh và hai thôn Xuân Bình Phú Thọ thuộc xã Kỳ Yên; năm 1962 mở rộng thêm vùng giải phóng ra các thôn thuộc xã Kỳ Thạnh, Kỳ Trà, Kỳ Sanh, Kỳ Khương, Kỳ Yên, Kỳ Quế.... Đây là thời kỳ lực lượng cách mạng của huyện Tam Kỳ lớn mạnh nhảy vọt.

 b- Sự hình thành và phát triển các tổ chức cách mạng của Thị xã từ 1963 đến năm 1975

 Cùng với sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, tháng 4 năm 1963 huyện Tam Kỳ chia tách thành 3 đơn vị hành chính kháng chiến, cùng với đó thành lập hai đảng bộ huyện Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ và Ban cán sự Đảng Thị xã Tam Kỳ do đồng chí Đỗ Thế Chấp - Bí thư huyện ủy Bắc Tam Kỳ kiêm Bí thư Ban Cán sự  Đảng Thị xã.

 Sau khi Thị xã Tam Kỳ được thành lập, Ban cán sự Đảng thị xã chỉ đạo thành lập các bộ phận Văn phòng, Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban Đấu tranh chính trị - Binh vận, Ban Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể, Ban An ninh, lực lượng vũ trang thị xã trong đó có lực lượng Đặc công tinh nhuệ - 75A về sau phát triển thành Đại đội đặc công V18 cùng với 2 đại đội bộ binh là V14 và 706 trực thuộc Thị đội Tam Kỳ.

 Ban cán sự Đảng thị xã về sau là Thị ủy Tam Kỳ cũng đã chỉ đạo thành lập Đội Vũ trang tuyên truyền tập trung của thị xã và 6 đội công tác xã phường, gồm có:

  1- Đội công tác Phường 1, phụ trách địa bàn Hương Sơn, Hương Trà (nay là phường Hòa Hương-Tam Kỳ);

 2-Đội công tác Phường 2 phụ trách địa bàn Dưỡng Sơn và Trường Xuân Đông ( nay là phường An Sơn và một phần phía đông xã Tam Ngọc);

 3- Đội công tác Phường 3, phụ trách các thôn Bình Hòa, Thọ Tân, Đồng Siêm, Trà Lang (nay thuộc xã Tam Ngọc - Tam Kỳ);

 4- Đội công tác Phường 4, phụ trách thôn Trường Xuân Tây và khu vực dọc theo đường Huỳnh Thúc Kháng (nay thuộc phường Trường Xuân và một phần phường An Sơn -Tam Kỳ);

 5- Đội công tác Nội ô, phụ trách khu vực dọc Quốc lô I từ đầu cấu Tam Kỳ đến Bến xe cũ ( nay thuộc phường Phức Hòa, một phần của Hòa hương, An Sơn - Tam Kỳ);

 6- Đội công tác Đặc khu tỉnh đường ( nay thuộc phường An Mỹ, Tân Thạnh, Hòa Thuận).

 c- Các Đại hội của Đảng bộ thị xã Tam Kỳ trong thời chống Mỹ.

 Từ ngày 20 tháng 4 năm 1963 Đảng bộ thị xã Tam Kỳ chỉ có Ban Cán sự Đảng do đồng chí Đỗ Thế chấp làm Bí thư Ban cán sự về sau phát triển thành Đảng bộ thị xã tam Kỳ và đã tiến hành các đại hội sau:

  - Tháng 2 năm 1965 Đảng bộ Thị xã Tam Kỳ tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất. Đại hội bầu Đống chí Đào Đắc Trinh làm bí thư, đông chí Đỗ thế Chấp làm Phó bí thư.

 - Thàng 6 năm 1967 Đảng bộ Thi xã tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ 2. Đại hội bầu đồng chí Đỗ thế Chấp làm bí thư Đảng bộ.

 - Tháng 4 năm 1969, Đảng bộ thị xã tiến hành Đại hội lần thư 3. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Đức Bốn làm Bí thư Đảng bộ.

 - Tháng 6 năm 1971, Đảng bộ Thị xã tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ 4. Đại hội bầu đồng chí Phạm Dinh (Phạm Việt Dũng) làm Bí thư Đảng bộ.

 - Tháng 4 năm 1973, Đảng bộ Thị xã tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ 5. Đại hội bấu đồng chí Trần Chí Thành làm Bí thư mãi cho tới ngày Tam Kỳ được hoàn toàn giải phóng và nhập ba đơn vị  Thị xã, huyện Bắc Tam Kỳ và Nam Tam Kỳ trở lại thành huyện Tam Kỳ như trước.

 Một điểm rất đáng chú ý là tất cả các đại hội của Đảng bộ Thị xã Tam Kỳ là những sự kiện quan trong nhất của Thị xã trong thời chống Mỹ đều được tiến hành tại căn cứ địa của thị xã Tam Kỳ nằm vùng rừng núi của hai xã Kỳ Trà và Kỳ Quế.  

 2- Sự hình thành căn cứ địa của lực lượng cách mạng Thị xã Tam Kỳ:

          2.1-  Những lý do chọn địa điểm lập  căn cứ Thị xã Tam Kỳ:

 Sau khi chia tách huyện Tam Kỳ thành 3 đơn vị hành chính và sự kiện hình thành Ban cán sự Đảng thị xã theo Quyết định của tỉnh ủy Quảng Nam, lãnh đạo Thị xã đứng đầu là đồng chí Đỗ Thế Chấp đã chỉ đạo toàn bộ lực lượng cách mạng thuộc biên chế của Thị xã đang ở phía tây nam huyện Nam Tam Kỳ ( vùng Tứ Mỹ- Núi Chúa) di chuyển ra đứng chân tại các thôn Phú Hòa, Trường Cửu, Đức An thuộc xã Kỳ Trà (Tam Thạnh) và Ngọc Anh thuộc xã Kỳ Quế (Tam Lãnh), hiện nay phần lớn vùng đất này đều năm trong lòng hồ Phú Ninh. Sở dĩ chọn nơi đây làm căn cứ vì các lẽ sau:

 - Đây là vùng giải phóng mới mở ra, các làng mạc trong vùng có nhân dân giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nội bộ thuần khiết, là lực lượng quần chúng tin cậy, là tai mắt, là nguồn cung cấp tài lực nhân lực, là hậu thuẫn bảo vệ mật khu vững chắc...

 - Địa thế khá hiểm trở, núi cao vừa phải nhưng rừng rậm, phía trước có những dãy núi ngang chạy dọc theo hai bờ sông Muôi đổ xuống sông Tam Kỳ. Các dãy núi đó trải về phía nam và phía bắc đèo Tư Yên, luồn qua cứ điểm Chóp Chài của địch, đổ xuống các vùng thuộc cửa ngõ Thị xã Tam Kỳ như: các thôn thuộc xã Kỳ Nghĩa (nay thuộc xã Tam Đại), các thôn phía Tây nam Kỳ Hương (nay Thuộc xã Tam Ngọc) nằm phía tả ngạn sông Muôi; phía hữu ngạn sông Muôi cũng có các dãy núi ngang chạy xuống tới các thôn Trường An, Thạch Bích thuộc xã Kỳ Bích (Tam Xuân) huyện Nam Tam Kỳ...Cũng có thể ra vùng giải phóng Kỳ Long (Tam Dân), Kỳ Nghĩa (Tam Thái), Kỳ Thịnh (Tam Vinh) thâm nhập từ cánh bắc như Đông, Tây Yên... đến Phương Hòa - Kỳ Hương nội thị.

  - Khoảng cách từ căn cứ đến nội ô thị xã độ 12 - 15 kilômét, đấy là khoảng cách vừa phải, lực lượng ta dễ men theo các dãy núi ngang bí mật tiếp cận vào vùng cửa ngõ nội ô thị xã. Có thế tiến, thế lui.

 - Sát các chân núi có nhiều cánh đồng nằm trong các thung lũng cùng với các làng mạc của xã Kỳ Quế, Kỳ Trà chạy dọc sông Muôi và con đường Tam Kỳ - Mỏ vàng Bồng Miêu qua các đèo Tây Yên, Ngọc Nha, đèo Hố Ngãi lên ngã ba An Lâu...; trong những năm sau từ 1964 đến 1968 vùng giải phóng mở rộng ở các xã thuộc huyện Bắc Tam Kỳ như Kỳ Long, Kỳ Ngọc, Kỳ Thịnh, Kỳ Thọ, Kỳ Sơn... tạo ra thế liên hoàn với nhân dân đầy khí thế cách mạng, thuận lợi cho công tác xây dựng lực lượng, xây dựng phong trào cả một vùng đồng bằng bao quanh căn cứ đóng quân. (Hiện nay hầu hết các làng mạc của Kỳ Quế, Kỳ Trà đã chìm dưới lòng hồ Phú Ninh).

 - Gần các cửa khẩu, các cơ sở nhân dân thuận lợi việc móc nối lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác từ đồng bằng, từ thị xã đưa lên cung cấp, nuôi sống lực lượng cách mạng.

 - Phía nam và tây nam có các dãy núi liên hoàn chạy vào Kỳ Thạnh (Tam Thạnh), Kỳ Yên (Tam Sơn); Phía tây và tây bắc có núi Chèo Bẻo chạy thông lên phía đèo Hố Ngãi, quanh ra núi Chúa thuộc ranh giới giữa Kỳ Long và Kỳ Quế, từ Hố Ngãi  thông đường lên phía mỏ vàng Bồng Miêu. Tất cả các dãy núi này đều thông suốt lên phía vùng rừng núi Tiên Phước và vùng thấp Trà My hoặc phía nam Tam Kỳ. Tất cả rừng núi đó là nơi che chắn, là đường rút lui của lực lượng cách mạng đóng tại căn cứ mỗi khi gặp sự cố hiểm nguy.

 - Từ căn cứ Thị xã Tam Kỳ có thể liên lạc được với các đơn vị bạn như Huyện Bắc Tam Kỳ (trong những năm 1965- 1969 các cơ quan cơ quan huyện ủy, an ninh, trạm xá huyện Bắc Tam Kỳ cũng  ở Kỳ Quế); giữ được mối liên lạc thường xuyên  với Tỉnh ủy Quảng Nam, kể cả Khu 5 và các đơn vị bộ đội tỉnh, khu đang đóng quân ở rừng núi Trà My....Lớn hơn nữa là liên thông luôn cả dãy Trường Sơn rộng lớn, căn cứ vững chắc của cách mạng miền Nam.

 2.2 Những địa điểm và đơn vị cụ thể của các cơ quan Thị xã trong vùng căn cứ:

 Căn cứ của thị xã Tam Kỳ đóng quân trên một vùng khá rộng lớn gồm các thôn 5,6,7 xã Kỳ Trà (Tam Thạnh); thôn 1,2,3 xã Kỳ Quế (Tam Lãnh) và một phần đất của xã Kỳ Yên (Tam Sơn).

 Các đơn vị đóng quân gồm các cơ quan thuộc Thị ủy: Văn phòng Thị uỷ, Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn, Ban Đấu tranh chính tri-Binh vận, Ban Dân vận; Các cơ quan thuộc khối dân vận: Mặt trận và các đoàn thể - Phụ nữ, Thanh niên, Công vận, Nông dân...; Các cơ quan thuộc khối quân sự, an ninh: Thị đội; Ban An ninh; các đơn vị vũ trang gồm các đại đội: V18, V14, 706; 6 đội công tác xã, phường, đặc khu (vùng chung quanh sát trụ sở tỉnh lị của địch); Đội Vũ trang tuyên truyền; Các đơn vị phục vụ:Trạm giao bưu, Trại quân giới, Bệnh xá, các nhóm sản xuất của các đơn vị....Tùy theo tình hình địch ta khác nhau, các đơn vị di chuyển địa điểm đóng quân ở nhiều nơi, nhưng các điểm chính đóng quân lâu dài như sau:

 2.3- Cống Muôi

  Địa điểm này là thôn 1- Đức Lợi xã Kỳ Quế huyện Bắc Tam Kỳ trước đây  và là xã Tam Lãnh huyện Phú Ninh ngày nay. Đây là nơi đóng quân của Văn phòng Thị ủy trong những năm 1968 đến 1975. Cần chú ý rằng khoảng thời gian từ 1963 đến 1967 vùng giải phóng mở rộng xuống sát thị xã, ta trụ vững địch khó càn quét lấn chiếm vùng giải phóng, cơ quan có thể đứng chân tại nhà dân nằm trong làng Trường Cửu, xã Kỳ Trà, huyện Nam Tam Kỳ (hiện nay đã chìm dưới lòng hồ Phú Ninh). Vùng này có Đồi ông Sơ, núi rừng rậm rạp, là nơi đóng quân của các Ban Đảng trực thuộc Thị ủy và đơn vị A 75 (tiền thân của Đại đội V 18). Về sau chiến tranh ác liệt hơn mới dời lên Kỳ Quế cao hơn, có thế rút lui hơn.

 2.4 - Thác Muôi - Đá Chặt

 Sau Tết Mậu Thân tình hình địch trở nên căn thẳng các cơ quan của Thị xã Tam Kỳ dời lên phía thôn Một, Kỳ Quế (nay thuộc xã Tam Lãnh, nằm trong lòng hồ Phú Ninh). Sau đó tình hình vô cùng ác liệt thì các cơ quan của thị xã lại tiếp tục di chuyển về phía  đèo Đá Én nằm trong vùng Thác Muôi - Đá Chặt. Đây là vùng rừng núi hiểm trở, phía sau lưng có núi Dương Huê, vùng rừng núi Tiểu Tây- Núi Chúa, nhưng lại gần tuyến giao thông Tam Kỳ - Tư Yên - Hố Ngãi - An Lâu - Bồng Miêu dễ di chuyển tiếp cận Thị xã, lại dễ liên lạc lên cánh tây - Kỳ Sơn (vùng trên xã Tam Lãnh) hoặc ra phía cánh bắc - Kỳ Long, Kỳ Ngọc...

 2.5 - Hố Khế

  Hố Khế thuộc xã Kỳ Quế (Tam Lãnh) - nơi đóng quân của Ban An ninh thị xã. Bên cạnh Hố Khế là rừng Nhãn của nhà ông Thông Liệu - nơi đóng quân của 6 Đội công tác và Đại đội V18. Tại đây hiện nay các dấu tích như hầm hào vẫn còn khá rõ nét.

 Khu Thác Mui - Đá Chặt và Hố Khế là nơi cuối cùng nhất của căn cứ Thị xã Tam Kỳ. Tại đây các đơn vị của thị xã đã đóng quân từ 1971 đến 1975, giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh.

 3 - Tóm lược những diễn biến của căn cứ thị xã Tam Kỳ trong suốt cuộc chiến:

 Khu căn cứ các cơ quan Thị xã Tam Kỳ có thể gọi tắt là Căn cứ Thị ủy Tam Kỳ nằm trong một vùng rừng núi rất rộng bao gồm nhiều thôn của xã Kỳ Trà và Kỳ Quế với vị trí tiếp giáp như sau:

 Phía đông giáp sông Yên Thuận, Kỳ Trà (nay thuộc Tam Thạnh, Núi Thành)

 Phía Tây giáp thôn Phước Lợi (Kỳ Quế- nay là Tam Lãnh, Phú Ninh)

 Phía Nam giáp Thác Muôi và các thôn Danh Sơn, Bàu Tre (Kỳ Yên nay là Tam Sơn, Núi Thành).

  Phía Bắc giáp chân núi Dương Huê và rừng núi thôn Tiểu Tây thuộc Kỳ Quế (nay thuộc Tam Lãnh và một phần Tam Dân, Phú Ninh)

 Phần lớn các địa danh trên, nay đã nằm trong lòng hồ Phú Ninh trừ những vùng ở núi cao. Có nghĩa hiện nay chúng ta đứng trên đập phụ cánh bắc nơi có Thuỷ điện Phú Ninh nhìn bao quát lòng hồ, lòng chảo này trong kháng chiến chống Mỹ là căn cứ địa của Thị uỷ Tam Kỳ.

 Trên địa bàn rộng lớn này, căn cứ thị xã di chuyển tùy theo từng thời điểm phụ thuộc vào tình hình địch ta nhằm bảo đảm sự an toàn của căn cứ đồng thời theo yêu cầu chỉ đạo phong trào của thị xã. Vị trí các cơ quan của thị xã được bố trí tùy thuộc vào chức năng của mỗi đơn vị như: trạm xá , các đơn vị sản xuất bố trí ở phía sau xa địch hơn; cơ quan thị ủy bố trí nơi núi cao hơn nhằm bảo đảm sự an toàn tuyệt đối, Ban An ninh, các Đội công tác, và các đơn vị quân sự đóng ở phía trước để dễ triển khai tiếp cận Thị xã,  đánh địch khi cần thiết để bảo về căn cứ, tạo điều kiện cho cơ quan đầu não và các đơn vị khác rút lui an toàn.

 Ngoài căn cứ của Thị ủy Tam Kỳ đóng ở vùng rừng núi thuộc xã Kỳ Quế, Kỳ Trà, Thị ủy Tam Kỳ còn tổ chức phát triển các căn cứ lõm ngay trong nội thị Tam Kỳ. Đây là những căn cứ bí mật xây dựng ngay trong lòng nội đo, trong nhà dân, dưới lòng đất ở các làng mạc, đường phố nội thị, có thể nói đây là những căn cứ trong lòng dân, đó là: Khu căn cứ Phương Hòa này thuộc phường Hoà Thuận, khu căn cứ Phường 1 (Hòa Hương), Khu căn cứ Trường Xuân, khu căn cứ phường 3 (Tam Ngọc). Tại những nơi này có hầm bí mật che giấu các đội công tác, cán bộ, bộ đội trên về, có đội du kích B và có cả chi bộ mật, hợp pháp.

 4- Tóm tắt những thành quả cách mạng và những dấu mốc lịch sử quan trọng đã xảy ra tại căn cứ Thị ủy Tam Kỳ trong suốt những năm từ 1963 đến ngày 24 tháng 3 năm 1975.

 Từ lực lượng ban đầu còn rất mỏng, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam, Khu ủy 5 và trung ương Đảng, Ban cán sự Đảng Thị xã Tam Kỳ đã xây dựng và phát triển lực lương:

 - Về tổ chức đảng, đã tiến hành 5 kỳ Đại hội tại căn cứ, phát triển trở thành một Đảng bộ bao gốm các chi bộ, đảng bộ cơ sở trong các cơ quan đảng, đoàn thể, Mặt trận, cơ quan quân sự Thị đội, các Đại đội trực thuộc Thị đội, các đội công tác, bệnh xá, giao liên, cơ yếu, hậu cần, các chi bộ bí mật hợp pháp trong nội đô... Tổ chức đảng đã phát triển từ vài chục đảng viên lên con số hàng trăm đồng chí.

 -  Về các tổ chức chính trị của Đảng và các tổ chức quần chúng cách mạng:

 Từ một ban cán sự với các bộ phận còn lồng ghép các chức năng với vài ba nhân sự đã phát triển thành các cơ quan có đầy đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng như các cơ quan đảng: Ban Chấp hành Đảng bộ, Văn phòng cấp ủy, giao bưu, bệnh xá, hậu cần; các ban Đảng: Tổ chức, Tuyên huấn, Dân vận, Binh vận - Đấu tranh chính trị; Mặt trận và các đoàn thể: Công Đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên, Nông dân; các cơ sở hợp pháp trong các tầng lớp nhân dân như trí thức, sinh viên học sinh, binh lính, ngụy quyền, giai cấp công nhân, giới công thương gia, tôn giáo....

 - Về quân sự, hình thành bộ chỉ huy Thị đội với đầy đủ các bộ phận, tham mưu, tác chiến, xây dựng lực lượng...; lực lượng trực tiếp chiến đấu thì từ đơn vị 75 A là trung đội đặc công phát triển thành đại đội Đặc công V 18 và Đại đội 706 với đầy đủ trang thiết bị quân sự như đơn vị chủ lực nhưng tinh gọn, phù hợp với chiến đấu cơ động ở chiến trường đồng bằng, nội ô; từ chiến đấu nhỏ lẻ tiến lên đánh tiêu diệt những cứ điểm, mục tiêu trong nội ô, tiêu diệt gọn từng trung, đại đội địch; tham gia đánh chống càn tiêu diệt địch, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ căn cứ, bảo về vùng giải phóng nơi căn cứ đứng chân.

 - Từ sau Mậu Thân đến 1973 địch đổ quân càn quét liên tục, đóng chốt ở nhiều cao điểm trong vùng căn cứ, cho quân lùng sục khắp mọi nơi, tung biệt kích, do thám mò sâu vào các khe suối, rừng núi; bom pháo dội liên tục ngày đêm; xúc tát dân vùng giải phóng Kỳ Quế, Kỳ Trà vào khu dồn gần hết, bao vây các cửa khẩu cắt đường tiếp tế lương thực thực phẩm... Nhưng các cơ quan trong căn cứ Thị ủy Tam Kỳ đã lách trách, bảo tồn được lực lượng, đứng vững, không bị bại lộ tổn thất lớn.

 - Thị ủy Tam Kỳ đã huy động toàn lực, bằng phương châm ba mũi giáp công, lực lương cách mạng thị xã đã tiến hành cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu thân. Tuy cuộc Tổng tấn công không đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra song đã giành được một bước thắng lợi có tính quyết định, đưa phong trào cách mạng của Thị xã tiến lên bước ngoặt mới.

 - Từ căn cứ Thị ủy Tam Kỳ, Ban chấp hành Đảng bộ Thị xã chỉ đạo phối hợp toàn thể lực lượng quân, dân, chính thị xã cùng với lực lượng bộ đội tỉnh Quảng Nam, quân chủ lực Khu 5 và của Bộ Quốc phòng trở thành binh đoàn to lớn, gồm các thứ quân với hàng vạn người có đầy đủ xe tăng, thiết giáp, đại bác, tên lửa... tiến vào Thị xã tam Kỳ, sào huyệt cuối cùng của địch, giải phóng hoàn toàn Thị xã tỉnh lỵ Tam Kỳ - Quảng Tín. Biến Tam Kỳ thành thị xã đồng bằng của duyên hải miền Trung được giải phóng đầu tiên, mở ra cơ hội để giải phóng căn cứ quân sự khổng lồ Đà Nẵng và căn cứ Chu Lai, góp phần quan trọng để Trung ương mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miến Nam, thống nhất đất nước.

 Trong thời gian qua, lãnh đạo thành phố Tam Kỳ và lãnh đạo huyện Phú Ninh đã phối hợp chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan và được sự giúp đỡ của ngành Văn hóa tỉnh đã nghiên cứu, khảo sát, lập Hồ sơ đề nghị công nhận Di tích lịch sử cách mạng Thị ủy Tam Kỳ trong thời kháng chiến chống Mỹ tại thôn Phước Lợi, xã Tam Lãnh huyện Phú Ninh. Hiện nay đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam ra quyết định công nhân khu Căn cứ địa Thị Ủy Tam Kỳ trở thanh Di tích lịch sử cấp tỉnh.

 Để xứng tầm với khu di tích lịch sử của Thị uỷ Tam Kỳ nằm trên đất huyện Phú Ninh trong hơn 10 năm kháng chiến, lãnh đạo thành phố Tam Kỳ cần phối hợp với lãnh đạo huyện Phú Ninh lập Đề án đề nghị nâng cấp vùng căn cứ này trở thành khu di tích quốc gia. Theo đó phục dựng lại nơi đóng quân của các cơ quan thuộc khối dân chính đảng, quân sự, an ninh, hậu cần thuộc Thị uỷ Tam Kỳ nằm trên những ngọn đồi nổi lên giữa lòng hồ Phú Ninh. Lấy đó làm nơi giáo dục truyền thống, đồng thời là nơi du khách khi bơi thuyền tham quan danh thắng Hồ Phú Ninh cập bến thăm viếng, thưởng ngoạn tâm linh. Phải chăng đây là một đặc điểm nổi trội của của khu danh thắng du lịch Phú Ninh thuộc vùng đất Quảng Nam anh hùng.

Phạm Thông

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/quang-nam-can-cu-dia-su-hinh-thanh-thi-uy-va-phat-trien-luc-luong-cach-mang-cua-tam-ky-a18874.html