Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 5)

Trân trọng giới thiệu tiếp "Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử" của PGS TS Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành.

b1download-1683882868.jpg

Nguồn: Internet.

 Kỳ 5.

IV.  QUỐC HIỆU ĐẠI CỒ VIỆT (968-1054)

1.  Vương triều Ngô: Sau khi nước Vạn Xuân bị xâm lược,  nhà Tuỳ sau đó là nhà Đường thống trị nước ta. Đầu thế kỷ thứ X nhà Đường sụp đổ.  Trung Quốc bị phân liệt trong cục diện năm đời mười nước,  trong đó có nước Nam Hán Lãnh thổ Quảng Đông, kinh đô Phiên Ngung, nay là thành phố Quảng Châu.  Năm 906 Khúc Thừa Dụ (quê ở Hồng Châu,  Hải Dương),  rồi đến con là Khúc Hạo,  cháu là Khúc Thừa Mỹ đã giành được quyền tự chủ,  có nghĩa là ta đã nắm được chính quyền nhưng không xưng đế vương mà chỉ xưng là Tiết độ sứ, một chức quan thời nhà Đường cai trị An Nam đô hộ phủ. Đó là một sách lược mềm dẻo khi ta còn non yếu. Nhưng năm 923 Khúc Thừa Mỹ bị nhà Nam Hán đánh bại. Nước ta mất vào tay nhà Nam Hán. Năm 931 Dương Đình Nghệ một hào trưởng ở Ái Châu (nay là Thanh Hoá) đã đánh bại quân Nam Hán, giành lại quyền tự chủ. Năm 937 Dương Đình Nghệ bị tuỳ tường là Kiều Công Tiễn giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ và cầu cứu quân Nam Hán vào để bảo vệ địa vị của mình.  Năm 938 quân Nam Hán chia quân làm hai đạo thủy bộ tiến vào xâm lược nước ta.  Đạo Thủy binh đã bị Ngô Quyền (quê ở Sơn Tây, Hà Nội ngày nay) là quan trấn thủ Ái Châu,  con rể Dương Đình Nghệ tiêu diệt trên sông Bạch Đằng,  giết chết Thái tử Nam Hán là Lưu Hoàng Thao. Đạo bộ binh do vua Nam Hán Lưu Cung chỉ huy khiếp sợ tháo chạy về nước. Với chiến thắng Bạch Đằng năm 938, nước ta từ giành quyền tự chủ tiến lên giành độc lập hoàn toàn, thoát khỏi ách thống trị của phong kiến Trung Quốc. Năm 939 Ngô Quyền lên ngôi vua, xưng là Ngô Vương, đóng đô ở Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh-Hà Nội). Ngô Vương bắt tay vào xây dựng một bộ máy nhà nước phong kiến qui củ, qui định nghi lễ trong triều, trang phục cho quan lại các cấp, phong tước vương cho các Hoàng tử. Ngô Vương là người đặt nền móng cho việc xây dựng một quốc gia phong kiến tập quyền. Thời Ngô không có sách nào ghi triều đại này đặt quốc hiêụ là gì.

 Nhà Ngô do Ngô Quyền sáng lập, tồn tại 26 năm qua ba đời vua: Ngô Vương (939-944), Ngô Xương Ngập (Thiên Sách Vương (950-965), Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn (em Ngô Xương Ngập  950-965).

          Năm 944 Ngô Vương mất, 11 thế lực phong kiến địa phương không phục tùng chính quyền trung ương, nổi dậy cát cứ gây ra cuộc “Loạn 12 sứ quân”, gây nên nội chiến chết chóc đau thương, phá vỡ sự thống nhất quốc gia, làm tiêu tan sức mạnh đoàn kết  để bảo vệ độc lập dân tộc còn non trẻ. Yêu cầu bức thiết  của lịch sử là phải khôi phục lại nền thống nhất đất nước và xây dựng chính quyền trung ương tập quyền vững mạnh. Người có công hoàn thành nhiệm vụ lịch sử đó là Đinh Bộ Lĩnh (quê ở Hoa Lư-Ninh Bình). Bằng mưu lược quân sự tài giỏi, bằng tinh thần cương nghị, ông lần lượt tiêu diệt 11 sứ quân và thống nhất đất nước vào năm 968. Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh là thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia đối với xu hướng cát cứ, là thắng lợi của tinh thần dân tộc, của ý chí độc lập mạnh mẽ.

  2.  Vương triều Đinh: Sau khi thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng đế (vị Hoàng đế đầu tiên), định đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình. Việc xưng đế minh chứng triều Đinh tiến thêm một bước trên con đường khẳng định ý chí độc lập dân tộc. Đinh Tiên Hoàng định giai phẩm cho các quan văn võ. Phong Nguyễn Bặc làm Định Quốc Công, Lưu Cơ làm  Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, phong Vương cho các hoàng tử: Nam Việt Vương Đinh Liễn, Vệ Vương Đinh Toàn, sư Ngô Chân Lưu được phong Khuông Việt Đại sư làm cố vấn cho vua, tham dự triều chính. Cả nước được chia thành 10 đạo tương ứng với 10 đạo quân trong biên chế quân sự. Dưới đạo là các công xã nông thôn mà đơn vị nhỏ nhất là làng, bản. Nhân dân Đại Cồ Việt và cả triều đình đều tôn sùng đạo Phật.  Những sư tăng có tri thức đều là cố vấn của nhà vua,  tham gia chính sự.

          Năm 979 Đỗ Thích, một thuộc tướng trong triều đình đã giết chết Đinh Tiên Hoàng và con cả của vua là Nam Việt Vương Đinh Liễn. Vệ Vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên nối ngôi. Lợi dụng tình hình đó, Chiêm Thành đe dọa biên giới phía Nam, nhà Tống uy hiếp biên giới phía Bắc của Đại Cồ Việt. Vệ Vương Đinh Toàn còn nhỏ không đủ khả năng, uy tín tổ chức, lãnh đạo kháng chiến. Triều đình và Thái hậu Dương Vân Nga tôn Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn (quê ở Thọ Xuân-Thanh Hoá ngày nay) lên ngôi vua, lập ra nhà Tiền Lê.

  Nhà Đinh do Đinh Bộ Lĩnh sáng lập trị vì được 12 năm trải qua hai đời vua: Đinh Tiên Hoàng  (968-979), Vệ Vương Đinh Toàn ở ngôi 8 tháng năm 980.

 3.Vương triều Tiền Lê: Nhà Tiền Lê do Lê Hoàn sáng lập. Sau khi lên ngôi Lê Hoàn xưng là Lê Đại Hành, quốc hiệu Đại Cồ Việt, kinh đô Hoa Lư. Nhà Vua chăm lo phát triển kinh tế, phát triển nền chính trị của đất nước. Ở triều đình trung ương, Lê Đại Hành đặt ra chức Thái sư, Thái uý, Tổng quản, Đô chỉ huy sứ. Tổng quản trông coi hành chính, quân sự, Thái uý chỉ huy quân sự. Năm 981 Lê Đại Hành đánh bại cuộc xâm lược qui mô to lớn gồm 20 vạn quân của nhà Tống vào Đại Cồ Việt do tướng Hầu Nhân Bảo chỉ huy. Năm 982 Lê Đại Hành tự thân cầm quân vào tận Đồng Dương (Quảng Nam) đánh Chiêm Thành, ổn định biên giới phía Nam. Lê Đại Hành xây dựng quân đội thường trực trung ương hùng mạnh. Trên trán mỗi binh sĩ có khắc chữ “Thiên tử quân”.  Như vậy từ thời Tiền Lê vua ta cũng đã được thần thánh Hoá là Con trời (Thiên tử), vâng mệnh trời xuống để cai trị quốc gia,  làm cho quốc gia phồn vinh và hạnh phúc. Nhà Tiền Lê chia đơn vị hành chính lớn nhất là Lộ, dưới Lộ là Phủ, dưới phủ là Châu, dưới Châu là Xã,  dưới Xã là làng (bản ở miền núi).

          Năm 1005 Lê Đại Hành mất, Lê Trung Tông lên ngôi được 3 ngày thì bị em  là Lê Long Đỉnh giết chết cướp ngôi. Năm 1009 Lê Long Đỉnh (Lê Ngọa Triều) mất. Sự tàn bạo của Lê Ngọa Triều làm cho lòng người chán ghét nhà Tiền Lê. Triều thần và giới phật giáo  tôn Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn (quê ở Từ Sơn-Băc Ninh), con rể Lê Đại Hành và Dương Vân Nga lên ngôi lập ra nhà Lý.

  Nhà Tiền Lê do Lê Hoàn sáng lập tồn tại 29 năm, trải qua 3 đời vua: Lê Đại Hành (980-1005), Lê Trung Tông (1005), Lê Ngoạ Triều (1005-1009).

  Ba triều đại Ngô-Đinh-Tiền Lê có vai trò đặt nền tảng cho việc xây dựng xã hội và nhà nước phong kiến Việt Nam.  Tuy nhiên cả ba triều đại chưa có pháp luật thành văn, chỉ mới đặt ra những hình phạt để trừng trị kẻ phạm tội như ném tội nhân vào vạc dầu, cho hổ, báo xé xác.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/quoc-hieu-viet-nam-qua-cac-thoi-ky-lich-su-ky-5-a18877.html