.Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, làng hương Quảng Phú Cầu luôn được biết đến với hương thơm đặc trưng mang giá trị tâm linh. Để có được thành phẩm là một nén hương vừa mang yếu tố tâm linh vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn. Họ tỉ mỉ, kì công, cẩn
thận ngay từ những khâu đầu tiên chọn nguyên liệu, chẻ tre, vót tăm, nhuộm chân hương, làm thân hương, se hương, phơi khô và cuối cùng là đóng gói.
Cây vầu chính là loại cây chính để làm ra tăm hương, phải được chọn một cách tỉ mỉ, cây phải đạt đến độ tuổi và phải đủ tiêu chuẩn, sàng lọc kĩ càng mới được đem về Quảng Phú Cầu để bắt đầu làm những công đoạn tiếp theo. Những cây nứa, cây vầu được tuyển chọn từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn... được đem về. Trước kia, những cây vầu, cây nứa khi được đem về đều được ngâm xuống dưới ao khoảng vài tháng cho chín, sau đó vớt lên, rửa sạch rồi mới chẻ. Về sau, những cây vầu khi đem về được chẻ trực tiếp, chỉ còn một vài hộ vẫn dùng cách cũ ngâm xuống nước ao. Cách mới này đem lại hiệu quả cao hơn, không ảnh hưởng đến sức khỏe bởi mùi khó chịu bốc lên sau khi ngâm vầu, nứa trong nhiều tháng dưới ao nước.
Không chỉ vậy, ban đầu người làm hương ở Quảng Phú Cầu vót tăm, vầu bằng tay, kỹ thuật thủ công đơn sơ. Tuy nhiên sau này, để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao ở cả trong và ngoài nước, cùng với sự phát triển của kỹ thuật, máy móc đã được đưa vào sử dụng trong công đoạn vót giúp tăng năng suất, tạo sự bền đẹp, đều. Sau đó, người làm hương sẽ đem phân loại và bó lại để đem đi nhuộm chân hương. Rồi sẽ đem những bó hương đó đi phơi, trên những khoảng sân rộng, đầy nắng thấy rực cả một màu đỏ của chân hương đã được nhuộm.
Tiếp theo đó sẽ tới với công đoạn se hương. Những người thợ sẽ phải thật khéo léo và chắc tay trong việc se hương để bột có thể dính đều trên từng cây tăm. Loại bột này được làm từ các loại thảo mộc như lá quế, trầm, tùng, bạch chỉ, hoa hồi... mang đến những mùi hương dịu nhẹ. Để có màu sắc cùng mùi thơm dễ chịu, người công nhân cần phải pha trộn đều các nguyên liệu theo tỷ lệ phù hợp. Cuối cùng là đem đi phơi khô để hương không bị mốc và đóng gói vận chuyển ra thị trường và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.
Từ thôn Phú Lương Thượng, Cầu Bầu, đến Đạo Tú...không khó để bắt gặp những “đóa hoa” rực rỡ trải dài khắp các con đường vài những ngày nắng. Đây cũng là một trong những hình ảnh tuyệt đẹp mà chỉ khi ghé thăm làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu mới có thể chiêm ngưỡng. Những hình ảnh đẹp này đã nhiều lần được các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước ghi lại, giới thiệu đến bạn bè thế giới. Đầu năm 2019, những hình ảnh ấn tượng về làng hương Quảng Phú Cầu cũng đã xuất hiện trong bài viết của hãng thông tấn AFP của Pháp.
Chính vì lẽ đó mà làng hương tại Quảng Phú Cầu được nhiều bạn trẻ biết tới nhiều hơn, đặc biệt là hình ảnh mảnh đất hình chữ S được dựng lại qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ nơi đây, tạo nên nét ấn tượng độc đáo với mỗi du khách tới tham quan. Không chỉ vậy, tạo bản đồ Việt Nam qua những chân hương đầy màu sắc thu hút khách du lịch. ng Đoàn - chủ xưởng sản xuất chân hương vừa làm vừa chia sẻ: Lâu rồi làng mới đón nhiều du khách tới như vậy, điểm này được dựng ngay sân đình nên thu hút khách lắm, vừa giúp dân có công việc mà khách biết tới nhiều, đợt này xuất khẩu được nhiều tôi cũng vui... Làng hương Quảng Phú Cầu đem lại những nét độc đáo của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc, lưu giữ làng nghề và tiếp tục phát triển.
Kim Chi – Tuệ Minh – Nguyễn Dung
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ha-noi-lang-huong-quang-phu-cau-net-dep-lang-nghe-truyen-thong-viet-a18899.html