Trường Phổ thông dân tộc bán trú(PTDTBT) Tiểu học Bạch Ngọc là một trường vùng ba của huyện Vị Xuyên, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng dân cư không tập trung. Trường cách xã trung tâm huyện hơn 20 km. Năm học 2022-2023, trường có 10 lớp với tổng số 295 học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn học sinh ở bán trú nên ngoài việc truyền thụ kiến thức văn hóa ở trường, các giáo viên còn dạy các em cách ăn, ở, vệ sinh và ứng xử với bạn bè, thầy cô, giúp các em yêu trường, mến lớp. Trong hoạt động chuyên môn, Ban giám hiệu trường đã đổi mới, định hướng, phân luồng học sinh để có kế hoạch phụ đạo kiến thức cho học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh. Khảo sát, phân loại giáo viên, phân công giáo viên cốt cán, giáo viên có chuyên môn vững giúp đỡ giáo viên còn hạn chế về chuyên môn, phương pháp dạy học, phương pháp quản lý học sinh. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao.
Theo cô giáo Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng trường PTDTBTTH Bạch Ngọc chia sẻ: Cán bộ giáo viên luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy của ngành và trường. Trong những năm vừa qua trường không có cán bộ giáo viên vi phạm pháp luật và những điều Đảng viên không được làm. Giáo viên tích cực tự học tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với tình hình thực tế. Học sinh ngoan tích cực, chủ động trong học tập luôn là người khám phá các kiến thức mới và biết vận dụng vào thực tế linh hoạt hiệu quả. Phụ huynh học sinh luôn quan tâm, phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục và nuôi dưỡng học sinh đặc biệt đối với học sinh bán trú. Trường ngoài việc dạy học nâng cao chất lượng học sinh còn luôn chú trọng đến việc giáo dục thể chất và rèn kỹ năng sống cho học sinh. Luôn tạo cho các em có cơ hội phát triển toàn diện về Đức – Trí – Thể - Mĩ.
Nhờ có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các chế độ chính sách của nhà nước đối với học sinh mà trong những năm qua nhà trường luôn duy trì tốt sĩ số học sinh. Đặc biệt với những học sinh nhà ở cách xa trường đã được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116/NĐ-CP nên các em được ăn ở tại trường, phụ huynh học sinh yên tâm làm ăn và bớt đi những khó khăn của giá đình. Nhờ vậy mà trong nhiều năm qua chất lượng giáo dục của nhà trường ngày được nâng lên, số lượng học sinh giỏi, học sinh đạt giải trong các kỳ thi được cải thiện.
Với sự quan tâm của Nhà nước, Trường PTDTBT TH&THCS Cao Bồ được đầu tư xây dựng khang trang, phòng ăn, ở bán trú sạch đẹp. Thầy giáo Nguyễn Quốc Khánh, Hiệu trưởng cho biết: Trường có 22 lớp với tổng số 623 học sinh, 46 cán bộ, giáo viên; trước đây khi chưa có phòng học bộ môn, thời gian sắp xếp cho các giờ dạy thực hành của giáo viên tốn khá nhiều thời gian và công sức mà hiệu quả không cao. Từ khi có phòng tin học, ngoại ngữ, thiết bị máy tính được đầu tư, thầy và trò lên lớp không phải dạy học “chay”. Đáng chú ý, nhờ được sửa chữa và xây dựng mới phòng bán trú nên đã cơ bản đáp ứng cho trên 269 học sinh ở xa có điều kiện sinh hoạt tốt hơn.
Sự phối kết hợp chặt chẽ của các tổ chuyên môn, đoàn thể trong nhà trường. Tập thể CBVC đoàn kết, nhiệt tình, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Học sinh chăm ngoan, chịu khó.Đội ngũ giáo viên cơ bản đủ về số lượng và bộ môn, đáp ứng nhu cầu giảng dạy.Hệ thống kết nối Internet đảm bảo nên việc tiếp cận CNTT của cán bộ viên chức được thuận lợi và đồng đều. Công tác xã hội hóa giáo dục từng bước phát triển, công tác bán trú được duy trì đảm bảo cho học sinh được đến trường học tậpvà duy trì sĩ số. Em Bàn Thị Thảo Nguyên, học sinh lớp 9B, đang ở bán trú tại trường, chia sẻ: Em rất thích đến trường vì có các bạn cùng học, chơi, lại được thầy cô chăm sóc, dạy bảo. Ngoài ra, các giờ học thực hành có nhiều trang thiết bị lần đầu em được làm quen nên rất vui, được ăn ở bán trú bảo đảm ngon hơn ở nhà, được tổ chức các hoạt động mang nhiều ý nghĩa thiết thực.
Cô giáo Lê Thị Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vị Xuyên, nêu rõ: Đối với các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, ngành đã chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, tăng cường năng lực cán bộ quản lý, hướng tới đổi mới phương pháp dạy học, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới ngày càng có chuyển biến tích cực; hằng năm, tỷ lệ học sinh tại các trường vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có nhiều chuyển biến tích cực. Với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các thầy cô giáo trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của huyện Vị Xuyên đã và đang góp phần làm thay đổi chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn.
Đình Thơm
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ha-giang-huyen-vi-xuyen-chu-trong-giao-duc-the-chat-ren-ky-nang-song-cho-hoc-sinh-a18989.html