Kỳ 12
Nhà Trần tiến hơn một bước so với nhà Lý về văn bản pháp luật. Ngoài bộ “Hình thư” nhà Trần còn có nhiều bộ luật và nhiều văn bản tạo nên một hệ thống pháp luật. Pháp luật đời Trần đã làm rõ nét một số ngành luật. Pháp luật thời Trần chịu ảnh hưởng pháp luật phong kiển Trung Hoa, mang tư tưởng nhân trị Nho giáo nhưng đề cao ý thức tự chủ, độc lập dân tộc. Pháp luật đề cao việc bảo vệ chế độ tư hữu tài sản, thừa nhận chế độ tư hữu mà trước hết là tư hữu ruộng đất, thừa nhận việc mua bán ruộng đất nhưng vẫn đề cao quyền sở hữu tối cao thuộc nhà vua. Pháp luật thừa nhận con cái có quyền kế thừa tài sản của cha mẹ. Về hôn nhân gia đình, pháp luật thời Trần ít, rõ nhất là cho phép hôn nhân đồng tộc (trong họ Trần), thừa nhận tảo hôn, qui định vợ phải tuyệt đối phục tùng, chung thuỷ với chồng. Pháp luật như vậy đã bảo vệ chế độ gia trưởng, phụ quyền, bảo vệ quyền lợi quí tộc phong kiến, trừng phạt nghiêm khắc, tàn bạo đối với nhân dân lao động và tầng lớp dưới. Khác với pháp luật thời Lý, pháp luật thời Trần mang tính chất pháp trị mạnh mẽ. Do đó , hình phạt là sự đàn áp tàn khốc, sử dụng rộng rãi các hình thức phạt bằng xuy, trượng, đồ, lưu, tử. Ngoài ra còn thêm các hình phạt bổ sung như chặt ngón tay, ngón chân, thích chữ vào mặt. Còn cho phép chuộc tội bằng tiền, sung công tài sản, cách chức. Tố tụng đời Trần có chú ý kết hợp giữa lý và tình, trong xét xử trọng chứng hơn trọng cung, có sự phân biệt giữa phạm tội cố ý với phạm tội vô ý. Pháp luật miễn trách nhiệm hình sự cho các trường hợp cụ thể như người điên dại, người ra tự thú, người có công lớn, người có họ với nhà vua. Luật qui định án phí, lệ phí khi tố tụng, giấy tờ phải điểm chỉ, lăn tay.
Kế tục nhà Trần, nhà Hồ ban hành pháp luật để cải cách kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự. Năm 1401 Hồ Quí Ly cho ban hành bộ “Đại Ngu quan chế”. Nay bộ luật này không còn, chỉ còn được nhắc đến trong sách “Cương mục”.
Thời Hâụ Lê - Lê sơ là đỉnh cao của chế độ phong kiến Việt Nam nên hoạt động lập pháp được tăng cường đẩy mạnh để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của chế độ. Hệ thống văn bản pháp luật nhiều, trong đó có bộ “Quốc triều hình luật” được ban hành năm 1483 dưới triều Lê Thánh Tông nên còn được gọi là “Luật Hồng Đức”. Đây là bộ luật quan trọng bậc nhất, là văn bản pháp luật chủ đạo suốt thời Hậu Lê. “Quốc triều hình luật” là đỉnh cao nhất của thành tựu lập pháp phong kiến Việt Nam. “Quốc triều hình luật” bao gồm 6 quyển, 722 điều, nội dung là các chế định về hình sự, dân sự, tố tụng hình sự. “Quốc triều hình luật” chú ý phân biệt phạm tội cố ý và không cố ý để định tội nặng hay nhẹ. Khi xét xử án phải kèm theo tang vật. Luật cho phép dùng tiền để chuộc tội, trừ tội thập ác. “Quốc triều hình luật” qui định sử dụng 5 hình phạt: xuy, trượng, đồ, lưư, tử. Trong mỗi hình phạt lại chia thành nhiều bậc, tuỳ nặng nhẹ mà trừng phạt khác nhau. Xếp đầu bảng trong tội hình sự là tội “Thập ác”, phạm tội này bị trừng phạt rất nặng, bậc quí tộc công thần cũng không được chiếu cố. Chương cấm vệ qui định việc bảo vệ hoàng thành, bảo vệ nhà vua, hoàng tộc, gia đình nhà vua, bảo vệ bí mật quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Luật qui định trừng phặt nặng hành vi nhận hối lộ, làm trái chiếu chỉ của nhà vua, thiếu trách nhiệm khi thi hành công vụ, dùng quyền để áp bức, nhũng nhiễu nhân dân. Luật trừng phạt nặng đối với tội trộm cướp, giả mạo giấy tờ, làm những điều mê tín, dị đoan. Chương quân chính qui định xử phạt đối với binh sĩ và tướng lĩnh phạm tội.
Chế định dân luật trong “Luật Hồng Đức” bảo vệ quyền tư hữu tài sản, đặc biệt là bảo vệ ruộng đất, qui định trừng phạt nặng đối với con nợ, nghiêm cấm việc vi phạm của công. Luật qui định việc kế thừa tài sản, hôn nhân gia đình, bảo vệ chế độ phụ quyền. Điểm tiến bộ của “Luật Hồng Đức” so với pháp luật phong kiến châu Á là bảo vệ quyền của chủ sở hữu, đặc biệt là bảo vệ cho quyền lợi của người phụ nữ, một điều hiếm có ở pháp luật cổ, trung đại thế giới và Việt Nam. Trong luật tố tụng. “Quốc triều hình luật” phân cấp xét xử : Việc nhỏ xử ở cấp xã, lớn hơn xử ở cấp huyện, cấp phủ, việc lớn xử ở kinh đô. Bị cáo không thoả mãn với bản án có thể kháng cáo lên cấp trên. Luật qui định thời hạn cho quan đưa vụ án ra xét xử, quá thời hạn mà để án tồn đọng quan lại bị cách chức. Qui phạm này nhằm thúc đẩy quan lại chăm chỉ làm việc, không để án tồn đọng khiếu kiện về Trung ương. Trong khi điều tra, khởi tố, xét xử luật trọng chứng cớ hơn trọng cung. Luật trừng trị nặng việc quan lại ăn hối lộ, gian lận trong quá trình xét xử.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/quoc-hieu-viet-nam-qua-cac-thoi-ky-lich-su-ky-12-a18992.html