Quê tôi cũng đón nhận hàng ngàn người từ thành phố về sơ tán, bác tổ trưởng vận động nhà tôi rộng rãi cho một gia đình sơ tán về ở cùng. Đó là một cặp đôi khác thường – người vợ bị câm, người chồng điếc đặc, ngọng líu ngọng lô cùng hai cô con gái nhỏ hơn tôi chừng 1 hay 2 tuổi gì đó, hai đứa trẻ không biết sinh cách nhau bao lâu vì nhìn chúng sàn sàn bằng nhau, chúng rất sạch sẽ thơm tho, diện ngất ngưởng chứ không hôi hám ngịch ngợm như lũ trẻ sơ tán khác bởi người bố điếc và không khôn ngoan cho lắm chăm bẵm kỹ lưỡng có phần hơi thái quá.
Từ sớm tinh sương người mẹ câm đã gánh rau ra chợ bán, những bó rau muống, mùng tơi, rau cải bà đã mua tận bờ ruộng của các gia đình nông dân trong vùng, tối về bà nhặt sạch, bó lại nhúng nước để sớm hôm sau mang ra chợ, có hôm mới sớm ra, chợ nhà đã bị một quả bom thả trúng khiến bao người chợ sớm thiệt mạng, may mắn cho người mẹ còn sống nhưng nhìn gánh rau tươi còn nguyên khiến bà mếu máo - ú ớ phân bua ngẹn ngào làm hàng xóm mủi lòng, họ bảo nhau mua giúp mặc dù vườn nhà họ đầy rẫy rau ăn không hết.
Người bố điếc sau khi hoàn thành gánh hàng ra chợ cho vợ, ông lật đật trở về nhà đánh thức hai công chúa nhỏ dậy, lấy kem đánh răng vào bàn chải đưa chúng xong rồi đứng chờ để hoàn thành nốt việc tự tay rửa mặt cho con, vào nhà giục thay quần áo, tết hai bím tóc cài nơ y như một bà mẹ đảm thực thụ, đánh vật với bữa sáng của 2 nàng xong, dắt chúng tới trường giao cho thầy cô rồi về.
Còn tụi tôi cùng lũ nhóc sơ tán – đứa may mắn vét nồi được vài hột cơm nguội, đứa bụng lép kẹp, đứa chân đất, đứa có dép tổ ong tự giác đi tới trường, đứa bỏ lớp theo bạn cởi truồng đi tắm sông, trộm đài sen hợp tác xã ăn cho đỡ đói bị bắt giao tận nhà bố mẹ mới hay.
Người bố này ngoài chăm sóc con còn làm thêm rất nhiều việc lặt vặt khác bởi bất cứ ai thuê mướn, đan rổ rá, sửa chữa đồ gỗ hay cày, cấy ông cũng làm tất, rất khéo tay, chu đáo và cẩn thận nên ai cũng hài lòng, duy có mỗi điều là dù làm ở đâu, xa gần hay công việc đang dang dở là ông cũng bỏ đấy để về đón con đúng giờ và lo cho chúng ăn uống xong mới làm tiếp được.
Ngày đó, nước mưa là thứ xa xỉ chỉ để uống mà nhà lợp mái rạ phải có cái chum sành nhỏ đứng dưới gốc cây cau hứng từng giọt mưa tháng bảy, bão tháng ba để dùng quanh năm. Nhà tôi có mái ngói và cái bể to đùng ông nội tôi xây từ tời Pháp với tường gạch chỉ, được trát bằng vôi trộn với mật mía nên thi thoảng vài nhà chòm xóm rón rén quẩy thùng sang xin chút về uống khi cơ nhỡ, chúng tôi cũng ý thức được điều đó nên thường xuyên gánh nước từ giếng làng về, khấy chút phèn chua dùng cho rửa rau, tắm gội…giặt giũ quần áo thì bê ra sông…Tiết kiệm nước mưa trong bể phòng khi hàng xóm họ cần, vậy mà hai đứa trẻ nhà ông điếc này vẫn hồn nhiên tắm nước trong bể, quần áo hai vợ chồng giặt ở sông về rồi ông ấy phơi luôn, còn quần áo hai đứa ông ấy múc nước mưa ra giặt lại một lần rồi mới yên lòng, chúng tôi thắc mắc thì bố tôi cấm cả nhà không ai được động đến họ do hoàn cảnh thật đáng thương – bố bảo vậy.
Buồn cười nhất là giữa buổi trưa hè oi bức tháng năm năm ấy, khi cả xóm đang yên nồng giấc ngủ trưa bỗng nghe thấy tiếng kêu hốt hoảng “ Bớ bà con ơi, cứu con tôi với, giời ơi nó sắp chết rồi.. Bớ bà con “, chúng tôi trẻ con người lớn hoảng hốt choàng dậy, rồng rắn chạy theo ông điếc chân đất, quần đùi vác đứa con gái xoã xượi tóc trên vai chạy một mạch lên trạm xá xã, … Có gì đâu, con bé gọt bút chì chẳng may dao cứa vào tay nó đâu đó dài hơn phân, ứa chút máu hồng.. Nếu là tụi tôi tự xử lý ngoài bằng cách trét lên tí đất sét, còn người lớn sẽ nhét cho mấy cánh vụn thuốc lào Tiên Lãng vào là tự khỏi !!!
Rồi còn nhiều trận ông kêu cứu con ông lắm, hơi tí đau là ông vác nó chạy lên trạm xá, chúng nó ho hắng tí ông cũng kêu cứu, ăn ít ông cũng rầu rĩ cả ngày.. Tụi tôi chả đứa nào dám rủ hai đứa nó chơi cùng bởi trò chơi của chúng tôi vốn rất mạo hiểm, bố tôi cũng dặn vậy, thành ra hai đứa nhà ông nó như cánh chim lạc loài, nó cũng chẳng thèm kết bạn với chúng tôi mà luôn chí choé với nhau chán tệ.
Chiến tranh kết thúc, gia đình chồng điếc vợ câm cùng hai đứa con trở về thành phố, tôi cũng rời nhà đi học xa, lập gia đình và một chiều bên bờ sông Tam Bạc – Chợ Đổ tôi gặp lại vợ chồng nhà ấy, người vợ bạc trắng mái đầu, đôi mắt nhìn tôi mừng rỡ, lắc lấy lắc để cánh tay tôi ú ớ nói như khóc, người chồng sụt sịt kể lể ngọng ngịu líu lô thành ra tôi chả biết họ nói gì, chỉ thấy mấy bà bán rau ngồi cạnh chép miệng thở dài nói với tôi: “Nhìn cô chắc lại nhớ tới hai đứa con gái trạc tuổi đấy, đến khổ, lũ con bất hiếu, chỉ cần chúng về cho bố mẹ đỡ tưởng chúng bị bắt cóc là được mà sao chúng tệ đến thế!”
Vậy ra, bà con khu chợ này không ai lạ gì vợ chồng nhà này, họ yêu thương chăm bẵm hai đứa con như cánh mỏng, chúng lớn lên xinh xắn, yểu điệu sống đài các trên mồ hôi nước mắt của bố mẹ rồi một ngày chúng tự nhận ra mình thuộc tầng lớp khác cha mẹ chúng, những đồng tiền thấm đẫm mùi cỏ, mùi bùn, mùi mồ hôi chát mặn đâu thoả mãn nhu cầu của chúng như xưa, những ánh mắt yêu thương cùng sự quan tâm thăm hỏi từ những câu ú ớ không đầu đuôi khiến chúng thấy phiền phức khó chịu rồi một ngày đủ lông đủ cánh chúng lần lượt bỏ đi không lời từ biệt.
Sau những ngày lo lắng, buồn bã và khóc lóc ngóng trông, hai vợ chồng có đồng nào lại dắt díu nhau lên cửa khẩu Lạng Sơn, Móng cái tìm con, họ héo hắt, mòn mỏi trong hành trình vô vọng, về nhà lại ngồi chợ bán rau, dành tiền được tiếp lại đi, hành trình của một người câm và một người điếc ngọng líu ngọng lô sẽ quá vất vả gian nan bởi không ai hiểu họ muốn truyền tải thông điệp gì hay tới đâu họ lại bị xua đuổi như người ăn xin phiền nhiễu vậy?
Cho đến ngày có một người quen ở chợ đã nhìn thấy đứa con gái bé của họ lấy chồng sống tại thành phố này, đứa lớn sống cặp kè với tay giang hồ đất Cảng cũng sống ở đây, cả hai đứa đều có cuộc sống vương giả và mặc dù sống rất gần nhà nhưng chúng không hề muốn sự có mặt của người bố người mẹ bất hạnh trong cuộc đời chúng nó.
- Tôi có khuyên nó hãy bảo với chị về gặp bố mẹ lấy một lần để họ đỡ ngóng trông nhưng chúng không về, lũ mất dậy – Bà ấy nói.
- Sao bác không nói với cô chú ấy, cả cái nơi bác nhìn thấy nó ý, tôi gợi ý
- Nói rồi nhưng không tin, hình như họ cũng đến đó một lần nhưng hàng xóm bảo không có, giơ cái ảnh hồi chúng nó bé xíu thế ai mà nhận ra được.
Tôi nhìn họ và nhớ lại ngày gặp họ về sơ tán, nhớ lại ánh mắt tươi vui rạng ngời hạnh phúc với ánh mắt đờ đẫn vô hồn mòn mỏi ngóng trông bây giờ mà chạnh lòng, thời gian làm hoen ố vẻ bề ngoài nhưng ánh mắt con người ta luôn nói lên điều sự thật. Tôi nắm tay họ hồi lâu, nhận lấy mấy mớ rau họ đã nhặt sạch sẽ bắt mang về, xua tay không lấy tiền mà cảm động thương họ rớt nước mắt.
Cũng may, cuối con đường hành hương vẫn còn hai người họ bên nhau, họ tật nguyền nhưng tâm hồn họ thánh thiện hơn bao người lành lặn khác, cả cuộc đời họ là một sự hy sinh vô bờ bến cho những đứa con, yêu thương- cho đi là tâm nguyện và bất chợt đâu đây văng vẳng câu ca:
…Cha không tham ngãi bạc vàng
Bỏ con ở lại lang thang cơ hàn..!
Chuyện Làng Quê
Nguyễn Hằng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-bo-tat-nguyen-a19012.html