Thuyết minh đề tài khoa học cấp viện: Văn hóa Thờ Mẫu của người Việt (những nội dung cơ bản)

Trước sự cấp thiết của vấn đề nghiên cứu góp phần làm rõ hơn những giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu, tác giả chọn đề tài “Văn hóa thờ mẫu của người Việt (những nội dung cơ bản) để đi sâu nghiên cứu nhằm phục vụ, giúp các cơ quan quản lý văn hoá cũng như người dân, cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hiểu đúng bản chất, giá trị văn hoá của tín ngưỡng thờ Mẫu.

tho-mau-1684597732.jfif
 

Tính cấp thiết của đề tài

Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, sinh hoạt tín ngưỡng được phổ biến rộng trên mọi miền của tổ quốc ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội,  đến tinh thần của người dân. Tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu vật chất, niềm tin, khát vọng thường nhật trong đời sống hiện đại, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một trong số đó.

Thời gian vừa qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác quản lý hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định như: hoạt động sưu tầm, phục dựng các nghi thức cổ truyền đã mai một, đã mất; việc tuyên truyền tích cực đã nâng cao hiểu biết của  người dân Việt Nam  và người dân nhiều nước trên thế giới về tín ngưỡng thờ Mẫu -  di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; mở nhiều đợt, lớp bồi dưỡng đào tạo cho các thanh đồng và những cán bộ quản lý văn hóa hiểu về lý thuyết và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu từ đó phối hợp với nhau cùng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu và giao lưu thực hành tín ngưỡng cho các thanh đồng trên mọi miền của Tổ quốc… Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được vẫn còn  những hạn chế, bất cập trong  quản lý các hoạt động bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu. Nguyên nhân của tình hình trên là do : công tác quản lý, chỉ đạo ngành dọc chưa thống nhất, thiếu đồng bộ; kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu còn ít; việc quảng bá giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu còn hạn chế .

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một loại hình tín ngưỡng dân gian chứa đựng một hệ thống nhân tố về con người với vũ trụ, con người với hệ thống siêu nhiên, con người với con người… Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (hay còn gọi tắt là tín ngưỡng thờ Mẫu) xuất hiện theo nguyên lý thờ Nữ thần, khởi đầu là thờ Mẹ thiên nhiên. Khi nói tới thờ Mẫu Tam phủ là chúng ta nghĩ ngay tới Thánh Mẫu Liễu Hạnh - vị nữ thần được xem là thần chủ - một nữ thần trong hệ thống “Tứ bất tử” của thần linh Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam cphủ của người Việt chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2016), tín ngưỡng thờ Mẫu càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội và giới nghiên cứu… Vì thế, nhu cầu đời sống tâm linh càng phát triển, cách thức thực hành tâm linh, biểu hiện đứctin, theo đó là các dịch vụ tâm linh cũng phát triển. Tuy nhiên, còn nhiều người do chưa hiểu đầy đủ nên việc hành lễ  rất dễ “lạc” sang “mê” dẫn đến sự tốn kém, lãng phí, nhận thức sai lệch về những giá trị văn hoá đích thực trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Viện Nghiên cứu văn hóa và Phát triển là cơ quan  hoạt động đa lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, sưu tầm tư liệu về văn hoá tín ngưỡng Việt Nam nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng, di sản văn hoá bao gồm: vật thể và phi vật thể; nghiên cứu nâng cao giá trị văn hoá tín ngưỡng trong đời sống nhân dân; tư vấn, bảo trợ, quy hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu về các di tích lịch sử văn hoá tín ngưỡng của các địa phương; tư vấn xây dựng các điểm giao lưu văn hoá tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh thành các điểm du lịch văn hoá tâm linh; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học và đào tạo nâng cao kiến thức về văn hoá tín ngưỡng để giúp tìm hiểu về phong tục tập quán và các tín ngưỡng vùng miền tại các địa phương trong cả nước. Viện đặc biệt quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Trước sự cấp thiết của vấn đề nghiên cứu góp phần làm rõ hơn những giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu,  tác giả chọn đề tài “Văn hóa thờ mẫu của người Việt (những nội dung cơ bản) để đi sâu nghiên cứu nhằm phục vụ, giúp các cơ quan quản lý văn hoá cũng như người dân, cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hiểu đúng bản chất, giá trị văn hoá của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài ở trong và ngoài nước

Ngoài nước

Cho tới nay, do đặc thù thể chế chính trị ở nước ta, những công trình nghiên cứu chuyên sâu của học giả thế giới về Tín ngưỡng thờ Mẫu chưa nhiêu. Đáng lưu ý có một số công trình tiêu biểu sau:

Trong cuốn Kỹ thuật và thần điện của ông đồng, bà đồng Việt Nam  xuất bản tại Pari năm 1959 của M.Durand [67], tác giả nhấn mạnh đến kỹ thuật lên đồng với tính chất là nghi lễ nhập hồn nhiều lần, khi mà các ông bà đồng đã tự đưa mình vào trạng thái ngây ngất (ecstasy), giống như loại tín ngưỡng ở cư dân bản địa. Tác giả cũng đã nêu một số vị thần linh và thần tích của họ thường nhập hồn vào thân xác của các ông đồng, bà đồng.

Đã có rất nhiều nghiên cứu sâu về quá trình đi từ cái có trước là Tam phủ cho tới Tứ phủ để hình thành nên sự logic trong liên kết chặt chẽ giữa nhân thần và thánh thần với lịch sử được dân gian hóa và được truyền giáo hóa qua nghi thức diễn xướng Chầu văn hay còn gọi là lên đồng là một trong những nghi lễ quan trọng của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong hầu đồng nghệ thuật hát văn được đa dạng để phát triển theo vùng miền, từng nơi và đặc biệt đưa lối nghệ thuật hát đặc sắc của địa phương, ví dụ như: quan họ, hát then, hát ca trù, hát huế, tân cổ… vào theo lối hát văn qua các nghệ nhân hát văn từ dân gian lời cổ đến lối hát    theo xu hướng thị trường hóa của hát văn làm đa dạng và có hệ thống nhằm địa phương hóa hát văn để thích nghi theo từng vùng miền. Đồng thờ các tác giả còn đặc biệt quan tâm tới hệ thống điện thờ từ hệ thống thờ trong Tam phủ cho tới hệ thống phối  thờ của Tứ phủ,  mối liên hệ từ nhân vật - lịch sử - sự hình thành  tới phát triển một cách hệ thống và được cộng đồng tín đồ của tín ngưỡng tìm hiểu sâu, phần lớn đồng nhất quan điểm có thể coi tư liệu “Hát văn” của nhóm tác giả nghiên cứu về vấn đề trên là những công trình đầu tiên đặt cơ sở cho việc nghiên cứu nghệ thuật lên đồng.       

Trong nước

Ngày 01/12/2016, tổ chức Văn hoá, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận: “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại”, đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học trong nước và trên thế giới.

Ở trong nước, những năm gần đây có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí, sách chuyên ngành đề cập tới lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm tới các di sản văn hoá phi vật thể với nhiều chính sách nhằm bảo vệ, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá của chúng. Theo xu hướng đó, các nghiên cứu trong nước tập trung xoay quanh  những vấn đề về lý luận, kinh nghiệm thực tiễn của hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá  di sản văn hoá phi vật thể trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập và phát triển, từ đó đề ra các giải pháp, kiến nghị cho từng trường hợp cụ thể. Các bài viết theo dạng này chiếm số lượng khá lớn.

Liên quan đến đối tượng nghiên cứu của đề tài, trong những năm gần đây  đã có những nghiên cứu về giá trị văn hoá của tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong cuốn Đạo Mẫu ở Việt Nam của tác giả Ngô Đức Thịnh, tái bản năm 2010, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội [57], ngoài việc nói về tục thờ Mẫu theo phong tục của các địa phương khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Bắc Bộ, Thiên Ya Na - Pô Inư Nagar ở Trung Bộ và Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Thiên Hậu ở Nam Bộ),  tác giả xây dựng hệ thống theo hai cấp độ thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ (Tam Tứ phủ) Tam phủ gồm: Thiên phủ, Địa phủ, Thoải phủ, sau này thêm hình tượng đại diện của mẹ rừng mẹ núi gọi là Nhạc phủ thì hình thành nênTứ phủ.  Câu chuyện hình thành về Nhạc phủ được kể như sau: “dân gian tương truyền rằng gần cuối thế kỷ XV có một ông Vua dẫn quân đi đánh quân phản loạn trên đỉnh núi Na (ngày nay được gọi là núi Na – Na Sơn Động Phủ) trong lần bị quân phản loạn bao vây chân núi, trong cơn nguy tìm lối thoát thì ông nằm mơ có người xưng là mẹ của rừng núi và giúp ông đánh tan quân phản loạn nhưng đổi lại phải lập thờ bà một mình một phủ (Thanh Sơn Nhất Phái)”. Tứ phủ được hình thành thông qua những câu chuyện dân gian. Bên cạnh đó sự đồng nhất dân gian trên góc nhìn khoa học của Ngô Đức Thịnh vừa thể hiện được tính thống nhất lại vừa thể hiện được tính đa dạng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ cũng như Đạo Mẫu Việt Nam. Đạo Mẫu ở Việt Nam của tác giả Ngô Đức Thịnh không chỉ là tư liệu nghiên cứu sau mà còn có ý nghĩa xây dựng, trình bày thành công hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu rõ nét, dễ hiểu trên khía cạnh dân gian. tạo nên một cái xương sống đặc trưng theo địa phương mỗi vùng, mỗi miền.

Cuốn Đức Mẫu Liễu (2018) của Vũ Ngọc Khánh [28] đã nói đến hình thức lên đồng của dòng đồng cốt và dòng thanh đồng qua các giá hầu diễn, chầu văn, cung đàn tiếng hát… mang nặng những giá trị tâm linh, nghệ thuật… những giá trị văn hoá này có tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần của cộng đồng. Từ thế kỷ XVIII như tác giả Lê Hữu Trác trong Thượng kinh ký sự đã nói đến việc nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, cùng với đó có rất nhiều công trình nghiên cứu khác về hiện tượng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong tín ngưỡng dân gian.

Trong cuốn Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị của tác giả Nguyễn Ngọc Mai, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội tái bản năm 2017 [34] là công trình tiêu biểu về nghiên cứu sự biến đổi tâm sinh lý của các thanh đồng - chủ thể của diễn xướng nghi lễ lên đồng.

Trong cuốn Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt - Những công trình nghiên cứu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (2019), Nxb Thế giới, Hà Nội [47], trong một bài viết, tác giả Đinh Gia Khánh đã đưa ra một nhận định hết sức tinh tế: “Tục thờ Mẫu đầy sức sống đã dựng nên hình tượng Mẫu Liễu Hạnh, tức chúa Liễu Hạnh và đã kéo thần linh (mà đạo Tam phủ bắt đầu đẩy lên cao, xa vời đối với con người) trở về với cõi nhân gian, với muôn mặt đời thường”… và “Tục thờ Mẫu gắn với những truyền thống văn hóa dân gian của nhân dân ta từ buổi đầu dựng nước, trải qua trường kỳ lịch sử cho tới tận ngày nay. Và, đến nay, đó vẫn là một hiện tượng đầy sức sống…”.

Cuốn Các nữ thần ở Việt Nam của Đỗ Thị Hảo, Mai Thị Ngọc Chúc (1984), Nxb Phụ nữ, Hà Nội [23]. Đây là một công trình nghiên cứu tổng hợp về các nữ thần ở Việt Nam, về nguồn gốc, quá trình hình thành, sự thiêng hóa cũng như vai trò và tầm ảnh hưởng của những thần nữ này đối với đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, nhiều công trình khoa học nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu được xuất bản như như Đạo Mẫu ở Việt Nam (1996); Đạo Mẫu và các hình thức shaman trong các tộc người ở Việt Nam và Châu Á (2004); Lên đồng – Hành trình của thần linh và thân phận (2010); … Những công trình này phần lớn đề cập tới nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, những giá trị văn hoá, nghệ thuật của diễn xướng hầu đồng.

Với nhan đề Nhập đồng hầu bóng – bản chất, những giá trị văn hoá đặc sắc (2002) của tác giả Lê Thị Chiêng [16] có đề cập tới trị liệu tâm linh không dùng thuốc trong tín ngưỡng thờ Mẫu, là một sinh hoạt tín ngưỡng mang tính thiểu số trong xã hội Việt Nam, tuy nhiên lại gắn liền một cách chặt chẽ đáp ứng nhu cầu trong đời sống tâm linh của người việt.

Tam Toà Thánh Mẫu (1991) [32]; Mẫu Liễu đời và đạo (1993) [33] của tác giả Đặng Văn Lung. Các công trình này đề cập rõ về sắc thái biểu cảm (tính đồng, cốt), một loại hình sinh hoạt văn hoá nghệ thuật mang giá trị văn hoá bản sắc dân tộc, dáng dấp của một tôn giáo bản địa.

Ngô Đức Thịnh trong cuốn Lên đồng hành trình của thần linh và thân phận, Nxb Trẻ, Hà Nội năm 2008 [55]. Qua cuốn sách này lại một lần nữa tác giả tái hiện rõ hơn hình thức Saman giáo của một số tộc người thiểu số khác với hầu đồng hay còn gọi là nghi thức lên đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tác giả đã điêu khắc lên một hình tượng sống động về thân phận thể xác “đồng bóng” (đồng nhân, bóng thánh) qua các ông đồng, bà đồng, thanh đồng… từ những thân phận này thông qua nghi thức lên đồng (hầu bóng) để có thể giao tiếp với hệ thống thần linh, những thế lực siêu nhiên được nhân dân phong làm thiên thần, thánh thần cho tới nhân thần từ đây tái hiện lại gương mặt, hành động, sắc thái hay còn gọi là “bóng thánh” của các thần linh trong điện Mẫu Tam Tứ phủ cũng qua sự thăng giáng vào các thầy đồng đã trở nên rõ ràng, đa dạng và sinh động hơn đối với đời sống tâm linh. Bên cạnh đó các yếu tố như: thần linh, thầy đồng, thầy cúng, pháp sư, cho tới trang phục, âm nhạc (cung văn, nhạc cụ), tạo nên một vấn hầu (chầu văn) trong không gian thờ tự đền, phủ, điện thờ... tất cả đó tạo nên nghi thức lên đồng hoàn hảo tạo cho người xem một sự nương tựa linh thiêng nơi cửa thánh, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều sự tranh cãi về việc giao tiếp của các ông đồng bà đồng với hệ thống thần linh có thật hay không, trong xư hướng đời sống hiện nay, đây cũng chính là một giả thiết cơ bản của chúng tôi - tác giả chuyên luận này

Ngô Đức Thịnh (2012) trong cuốn hội thảo khoa học: Văn hóa thờ nữ thần - Mẫu ở Việt Nam và châu Á, bản sắc và giá trị, Nxb Thế giới, Hà Nội [58]. Trong suốt chiều dài lịch sử người Việt, thời kỳ xã hội nào cũng được kiến tạo trên nền tảng chính là gia đình, trong đó, hình ảnh người mẹ luôn được trân trọng và đề cao. Đối với một đất nước nông nghiệp mà nền canh tác lúa nước và xã hội mang dấu tích mẫu hệ có dấu ấn to lớn, hình tượng người mẹ đã đi sâu vào đời sống văn hóa nghệ thuật, tinh thần, tín ngưỡng và tâm thức của mỗi người Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ra đời từ rất sớm, thỏa mãn tâm lý của người nông dân mong cầu phồn thực, sinh sôi, nảy nở. Tín ngưỡng thờ Mẫu và các nghi thức hầu đồng ẩn chứa những giá trị văn hóa nghệ thuật vô cùng phong phú chính là một bảo tàng sống của văn hóa truyền thống Việt Nam. Văn hóa thờ nữ thần - Mẫu ở Việt Nam và châu Á, bản sắc và giá trị là cuốn sách tập hợp sưu tầm bài viết của nhiều tác giả nghiên cưu sâu theo xu hướng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Nhà nghiên cứu Đặng Văn Lung (1991) đã ra cuốn Tam tòa Thánh Mẫu, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội [32]. Nội dung cuốn sách đề cập đến hệ thống thờ Mẫu nói chung và hiện tượng thờ Mẫu Liễu Hạnh nói riêng. Trong đó, hiện tượng thờ Mẫu Liễu Hạnh được Đặng Văn Lung nhìn nhận, đánh giá trên cơ sở đối chiếu, so sánh với những nữ thần khác của các tộc người trên lãnh thổ Việt Nam. Ông cũng đưa ra những lý giải/giải mã những giá trị biểu tượng vốn có, nay đã bị khuất lấp trong đời sống xã hội. Có thể nói, cuốn sách đã trình bày một số quan điểm khá độc đáo về hiện tượng thờ Mẫu Liễu Hạnh

Bên cạnh những công trình nghiên cứu, những cuốn sách đã nêu trên, còn có một  khối lượng khá lớn các bài viết đều có xu hướng đề cập vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta. Do đó công trình nghiên cứu của tôi về bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là sự nối tiếp các nghiên cứu trước đây và làm rõ hơn về công tác nghiên cứu và quản lý về lĩnh vực liên quan.

Thực tiễn cho thấy sau năm 2016, khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO vinh danh, trong nước xuất hiện nhiều nhóm các thanh đồng tự đứng ra tổ chức các buổi hầu đồng ở nhiều nơi thờ Mẫu

Qua tiếp xúc với các thanh đồng nhận thấy hiểu biết của những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu về đạo Mẫu và quy trình diễn xướng hầu đồng còn rất khác nhau

Trên cơ sở những kiến thức khoa học và thực tiễn liên quan đến đạo Mẫu, chúng tôi thấy cần thiết phải biên soạn một tập tài liệu có tính chuyên đề cung cấp những kiến thức cơ bản nhất, có tính lý luận về đạo Mẫu, diễn xướng hầu đồng để các thanh đồng và tín đồ đạo Mẫu hiểu đúng về đạo Mẫu ở Việt Nam.

Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Văn hoá và Phát triển về thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ để đánh giá đúng và đề xuất các giải pháp hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ trong thời gian tới.

Nhiệm vụ nghiên cứu

Đề tài làm rõ những cơ sở lý luận liên quan đến công tác quản lý hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ. Đánh giá thực trạng công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ tại Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển.

Đề xuất các giải pháp quản lý bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ tại Viện Nghiên cứu Văn hóa Văn hóa và Phát triển.

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu

Văn hoá thờ Mẫu tại Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu

Những khái niệm cơ bản về văn hoá thờ Mẫu tại Việt Nam.

Nội dung: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Tập hợp các tư liệu từ sách, báo, tập chí nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, từ đó tổng hợp, phân tích và sử dụng những phân tích khoa học của các nghiên cứu trước đó trong quá trình thực hiện luận văn.

- Phương pháp khảo sát điền dã: Với mục đích thu được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau nhằm làm sáng tỏ nội dung nghiên cứu, tác giả luận văn sử dụng phương pháp khảo sát điền dã như: phỏng vấn, quan sát, chụp ảnh để làm tư liệu phục vụ cho quá trình nghiên cứu.

Việc lấy ý kiến của người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, cán bộ quản lý văn hoá trong lĩnh vực liên quan, bằng hình thức phỏng vấn sâu, cùng sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật khác nhưng máy ghi âm, máy ảnh,… để làm rõ hơn về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống hiện nay.

- Phương pháp tiếp cận nghiên cứu liên ngành: Tiếp cận vấn đề nghiên cứu từ các góc độ Văn hoá học, Quản lý văn hoá, Sử học…

NỘI DUNG NGHÊN CỨU

Phần mở đầu: Tín ngưỡng thờ mẫu trong văn hóa tâm linh Việt

CHƯƠNG I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN

I. Điện thần đạo Mẫu

II. Đàn mã trong nghi lễ hầu đồng

III. Người hầu đồng

IV. Thanh đồng

V. Trang phục hầu đồng.

VI. Nguyên tắc chung trong hầu đồng

VII. Nghi thức mở phủ- trình đồng

VIII. Cung văn và nghệ thuật hát Chầu văn        

CHƯƠNG II. HẦU ĐỒNG VỚI VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT

 I.  Hầu đồng ngày xuân

II. Hầu đồng - nguồn cảm hứng với văn hóa nghệ thuật

III. Tín ngưỡng thờ Mẫu – hầu đồng Thăng Long – Hà Nội     

CHƯƠNG III. VĂN HÓA THỜ MẪU  VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

I. Thực trạng tình hình thờ Mẫu hiện nay

II. Phát huy vai trò của chủ thể thực hành trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thờ Mẫu Việt Nam

III. Ngăn chặn biến tướng và lợi dụng trong nghi lễ hầu đồng

IV. Bài học kinh nghiệm: liên kết cộng đồng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt

Phần kết luận

           

 

PV

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuyet-minh-de-tai-khoa-hoc-cap-vien-van-hoa-tho-mau-cua-nguoi-viet-nhung-noi-dung-co-ban-a19017.html