Cô Tô biển hát

Viện 481, Tổng cục kỹ thuật, Bộ Quốc Phòng được thành lập tháng 5 năm 1981 và bị giải thể cuối năm 1988. Tuy chỉ tồn tại khoảng 8 năm nhưng những dấu ấn mà cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên của Viện 481 về lĩnh vực hạt nhân, đất hiếm trong nghiên cứu triển khai cho đến nay vẫn còn khá đậm nét.

“Bánh vàng” U3O8 vẫn là thành tích đáng nể trong tuyển khoáng Việt Nam. Đá lửa Viện 481 đã làm chủ thị trường trong nước thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Dự án đất hiếm kéo theo hệ thống các cửa hàng vàng bạc đá quý phát triển mạnh mẽ từ Nam ra Bắc. Oxít nhôm đã có cơ hội phát triển theo và cho đến nay, Trung tâm nghiên cứu triển khai, Viện Công nghệ xạ hiếm mà tiền thân của nó là Phân viện hóa, Viện 481 đang là đầu ngành sản xuất Oxít Nhôm có độ tinh khiết cao trong nước. Chụp ảnh phóng xạ công nghiệp, các mẫu chuẩn phóng xạ cỡ lớn cho ngành địa chất đều có dấu ấn không nhỏ của Viện 481. Các đồng nghiệp của tôi hay gọi vui Viện 481 là Viện hạt nhân quân đội.

b1nvn1q-1684729027.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Chỉ có 8 năm được làm việc cùng nhau nhưng tình nghĩa đồng đội của các cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên vẫn luôn thắm tình theo năm tháng. Hiếm có một đơn vị, tổ chức nào tuy đã bị giải thể đến 25 năm mà luôn tổ chức gặp mặt thường xuyên, hai năm một lần và hiện nay mỗi năm một lần. Lần gặp nào cũng mặn mòi, tình nghĩa. Đặc biệt, mỗi cuộc gặp mặt luôn có một buổi giao lưu văn nghệ cây nhà lá vườn nhưng chất hơn nhiều buổi biểu diễn của các nghệ sỹ chuyên nghiệp. Vẫn những diễn viên ấy, chỉ có điều tóc đã bạc hơn, giọng đã yếu hơn, bước di chuyển đã chậm hơn nhưng “gừng càng già càng cay”. Vẫn là những bài hát, điệu múa năm trước được biểu diễn lại, những bài thơ cả cũ lẫn mới được chính các tác giả thể hiện vậy mà các khán giả vẫn của những năm trước đó vẫn tròn mắt há miệng thưởng thức như mới được nghe, được xem lần đầu – náo nức lắm, sung sướng lắm.

Tháng 5 năm nay (2023), Viện 481 tổ chức cuộc gặp mặt “Cô Tô Biển Hát” tại đảo Cô Tô từ 8–10 tháng 5. Tôi mặc dù đã có kế hoạch phải vào Nha Trang giảng bài từ 10 tháng 5 nhưng vẫn quyết định đi Cô Tô với các đồng đội. Năm 2022, vì vướng chuyến đi Hà Giang nên tôi không tham dự được cuộc gặp mặt “Mùa lúa chín” tại Trạm Tấu, Yên Bái do Viện 481 tổ chức nên năm nay tôi quyết không bỏ lỡ “Cô Tô Biển Hát”, dù chỉ tham gia được nửa chặng đường.

62 cán bộ, công nhân viên Viện 481 chia thành 2 xe xuất phát từ Hà Nội lúc 6 giờ sáng và tới cảng Ao Tiên lúc 10 giờ. Trên đường cao tốc Hà Nội – Quảng Ninh, xe đi qua cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam, cầu Bạch Đằng dài hơn 5.000m. Ba trụ tháp hình chữ H, nghe nói là biểu tượng Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long cao hơn 90m tôn thêm vẻ hiện đại cho cây cầu. Bến cảng quốc tế Ao Tiên mới được đưa vào sử dụng ở Vân Đồn là một bến cảng nhỏ nhưng khá đẹp, xứng đáng là niềm tự hào của Vân Đồn.

Sau khi đổi túi nilon nếu có bằng túi tự hủy trên bến cảng (Cô Tô nói không với rác không phân hủy), chúng tôi lên tàu cao tốc ở bến cảng Ao Tiên. Tôi ngồi ở hàng thứ hai, quay mặt ra phía đầu tàu. Đồng đội tôi, đại úy Phạm Thanh Bình (có biệt danh Bình trâu vì hắn rất khỏe, cho đến giờ vẫn khỏe), ngồi ở trước tôi phán như đúng rồi:

- Đầu xe, đuôi tàu, chúng ta đang ngồi ở đuôi tàu – theo ông ấy giải thích thì ngồi ở đuôi tàu sẽ êm hơn, đỡ bị say sóng. Tôi ngưỡng mộ sự hiểu biết của ông kỹ sư Bách khoa ấy mặc dù vẫn còn thắc mắc trong đầu “sao người ngồi lại quay mặt về đuôi tàu”. Thượng tá Phan Thị Hạnh ngồi bên ông Bình có vẻ an tâm hơn sau khi nghe ông đại úy phân tích vì chị là người luôn bị say tàu xe.

Sau khoảng 20 phút rời cảng Ao Tiên, con tàu tăng tốc và sóng biển cũng lớn dần lên. Con tàu rung lắc ngày càng lớn hơn. Tôi và những người ngồi cùng khoang đã nhận biết mình đang ngồi ở đầu tàu và đang bị nhồi lên nhồi xuống nhiều hơn vì sóng biển. Tôi cảm thấy ngất ngư vì say sóng, nhìn lên thì thấy thượng tá Hạnh sau khi nôn ọe đã phải chạy xuống dãy ghế dưới đuôi tàu.

Sau hơn 1 giờ thì tàu cập cảng Cô Tô, nhìn thấy lá cờ tổ quốc bay trên bầu trời biển đảo mà thấy lòng xốn xang, tự nhiên thấy có lỗi với đồng bào ở Cô Tô quá vì đây là lần đầu tiên tôi ra thăm đảo. Một sự tình cờ là chuyến ra thăm đảo Cô Tô của đoàn Viện 481 trùng với sự kiện huyện đảo Cô Tô tổ chức sự kiện mừng kỷ niệm 62 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm đảo Cô Tô, 9 tháng 5 năm 1961 – 9 tháng 5 năm 2023. Đoàn Viện 481 được Ban tổ chức sự kiện mời tham dự buổi biểu diễn ca nhạc tối ngày 8 tháng 5 được tổ chức tại công viên trung tâm đảo, bên tượng đài Bác Hồ. Buổi ca nhạc nội bộ “Cô Tô Biển Hát” buộc phải dời sang tối mồng 9 tháng 5, tức là tôi không được nghe, được xem các đồng đội mình biểu diễn – rất tiếc mà đành chịu vì tôi phải rời đảo trưa mồng 9, trở về Hà Nội để kịp bay chuyến bay Nội Bài – Cam Ranh vào trưa mồng 10 tháng 5.

Tối mồng 8 tháng 5, sau bữa cơm tối, tôi cùng anh Lê Kinh Thông và nhiều đồng đội khác có mặt đúng giờ (19:30) trước sân khấu biểu diễn. Mấy dãy bàn đại biểu vẫn vắng hoe, chắc các ông bà ấy ăn tối, chúc tụng vẫn chưa xong. Chúng tôi chọn hàng ghế đầu dành cho quần chúng, ngay sau dãy cuối của quan khách để ngồi. Trên sân khấu, tôi thấy hai vợ chồng Mỹ Linh – Anh Quân đang mải mê điều chỉnh âm thanh, một sự nghiêm túc đáng nể trọng của hai nghệ sỹ mặc dù đây chỉ là một buổi biểu diễn ở sân khấu ngoài trời giữa tiếng sóng gió của biển trời.

Khoảng 20:00, dãy bàn quan khách được điền đầy, MC Tường Vi, tốp 5 Hoa hậu biển đảo Việt Nam giới thiệu các quan khách tham dự và mời ông Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo lên phát biểu khai mạc chương trình. Ông bí thư kiêm Chủ tịch huyện chắc mới ngoài 40 tuổi, phát biểu ngắn gọn, rành mạch, không nhiều thưa gửi và rất trân trọng chuyển lời cám ơn đến các mạnh thường quân và cặp đôi Mỹ Linh – Anh Quân.

Khác với nhiều chương trình ca nhạc khác thường sử dụng ca sỹ hát lót, Mỹ Linh cất giọng mở đầu, hát bài “Biển hát chiều nay” của cố nhạc sỹ Hồng Đăng, người vừa nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022 vì những cống hiến ca nhạc của ông cho đất nước. Giọng hát vang xa, đẩy giai điệu bài hát lên cao rất ấn tượng. Mỹ Linh hát tiếp hai bài hát do nhạc sỹ Anh Quân và Huy Tuấn viết tặng cô trong album “Tóc ngắn” và kết thúc bằng bài hát “Nhớ mùa Thu Hà Nội” thật da diết. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe Mỹ Linh hát và giao lưu trực tiếp với khán giả. Trước đây tôi chỉ thấy nữ ca sỹ trên những chương trình ca nhạc hay game show trên truyền hình, ấn tượng là không tốt vì lối hát quá điệu và các phát biểu tự tin thái quá. Tuy nhiên, qua phần biểu diễn và giao lưu với khán giả tối 8 tháng 5 tại Cô Tô, tôi lại thấy quý đôi vợ chồng nghệ sỹ này. Tôi yêu cách trả lời thật thà của Mỹ Linh khi MC Tường Vi hỏi “khó” sau khi biểu diễn:

- Chị Mỹ Linh ơi! Lần này là lần thứ mấy chị ra thăm và biểu diễn ở đảo Cô Tô rồi ạ?

- Đây là lần đầu tiên chị với anh Anh Quân ra thăm đảo Cô Tô đấy em ơi – kèm theo một nụ cười rất biết lỗi.

Buổi biểu diễn ca nhạc đêm 8/5 trên đảo Cô Tô thật giống một buổi xem chiếu bóng bãi thủa xưa. Lúc Mỹ Linh đến gần với khán giả để giao lưu, tôi chợt nhận thấy chị Rằng, một đồng đội của tôi tiến lên tặng hoa và cố nán lại, tạo dáng bên ca sỹ để nhiếp ảnh gia Nguyễn Công Mịch, chồng chị chớp vội vài bức hình bằng điện thoại. Tôi nhớ đến những bức ảnh thập niên 80 của thế kỷ trước, chụp các lãnh tụ của đất nước với cán bộ, công nhân viên của Viện 481 mỗi khi đến thăm Viện thường có mặt cặp vợ chồng Mịch – Rằng – yêu vậy.

Tôi và anh Lê Kinh Thông rời buổi biểu diễn khá muộn, hai chúng tôi đi bộ tìm đường về khách sạn. Lúc đi chúng tôi được xe ô tô điện của khách sạn đưa đến khu vực sân khấu. Đi một lúc, hai chúng tôi phát hiện đã bị lạc đường đành tìm người để hỏi đường. Thật may một chiếc xe ô tô điện đi qua, chúng tôi gọi giật lái xe để hỏi đường. Biết chúng tôi đã lạc đường, cậu lái xe mời chúng tôi lên xe và quay đầu xe đưa chúng tôi về khách sạn. Tôi đề nghị được trả tiền thì cả cậu lái xe và cô gái ngồi trên xe đều xua tay từ chối " bọn cháu chở miễn phí" - người Cô Tô là vậy.

Sáng 9 tháng 5, trong bữa sáng tại khách sạn Golden, anh Lê Kinh Thông thông báo rất to, quân đội mà:

- Sau khi ăn sáng xong, đề nghị mọi người tập trung trước sảnh khách sạn để chụp ảnh vì trưa nay một đồng chí của chúng ta, đồng chí Nguyễn Văn Nọi có việc phải quay về Hà Nội – Nhiều tiếng xôn xao hỏi thăm lý do nào khiến tôi phải rời đoàn sớm, thật cảm động vì tình đồng đội thấm đẫm trong cách ứng xử của mỗi người.

Sáng hôm mồng 9 tháng 5, chúng tôi ra thăm và chụp ảnh ở bãi đá “Móng Rồng”, sau đó lên thăm Hải đăng Cô Tô. Lần đầu tiên được ngồi đôi đằng sau xe ôm, không mũ bảo hiểm leo dốc ngoằn ngoèo với tốc độ “tẹt ga” để lên khu nhà đèn. Khi xuống tôi chọn đi bộ cho đỡ sợ, nhưng chỉ đi được một đoạn vì bị một nữ xe ôm bắt lên xe để chở xuống. Dù sao thì cũng đỡ hơn ngồi đôi sau những ông xe ôm không biết sợ là gì.

Bữa trưa, tôi lại ngồi cùng mâm với Phạm Thanh Bình, với nhà thơ Ngô Trọng Hiệp… Bình rượu 5 lít của thượng tá Phan Thị Hạnh mang từ Nghệ Tĩnh ra đã vơi đi quá nửa. Ông Bình sách bình rượu đi hết bàn này sang bàn khác, ông đại úy ấy là cầu nối tình đồng đội Viện 481.

Thật có lỗi khi phải “rời đội ngũ” quá sớm. Nhớ lắm “Cô Tô Biển Hát” 2023, hẹn gặp lại các đồng đội Viện 481 vào mùa Hè năm tới.

Hà Nội, 21/5/2023

N.V.N.

Traqsi tim người lính

Nguyễn Văn Nọi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/co-to-bien-hat-a19025.html