Giáo sư toán học Hoàng Xuân Sính

Giáo sư Hoàng Xuân Sính sinh năm 1933 tại làng Cót huyện Từ Liêm nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nhưng đến năm 1941 ông Hoàng Thúc Tấn, cha cô Sính đã chuyển gia đình đến ở 102 phố Hàng Bông thuộc phố cổ Hà Nội.

Lúc này ông đã tài trợ cho tờ Thanh Nghị, một tờ báo tiến bộ do các tri thức yêu nước như giáo sư Hoàng Xuân Hãn, giáo sư Vũ Đình Hòe, luật sư Phan Anh,…lập ra đồng thời ông cũng khuyên cô Sính nên theo học các môn khoa học để sau này xây dựng đất nước và ngay từ đầu cô Sính đã tỏ ra yêu thích môn Toán.

Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1 ban Sinh ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp ở trường cấp 3 Chu Văn An Hà Nội, cô được cậu ruột là ông Nguyễn Văn Phúc đang là kỹ sư sản xuất máy bay của Pháp đón sang Pháp tiếp tục học thêm bằng tú tài 2 chuyên ngành Toán học. Tốt nghiệp đại học, cô tiếp tục học lên và lấy bằng master  (dịch là thạc sĩ) Toán năm 1959. Cô Sính là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam có bằng thạc sĩ.

b1-giao-su-hoang-xuan-sinh-1685005498.jpg

Chân dung Giáo sư Hoàng Xuân Sính.

 

Năm 1960 trở về nước, cô giảng dạy tại khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học. Thời gian này, cô đã viết luận án: "Lý thuyết Gr-phạm trù" dưới sự hướng dẫn của nhà toán học nổi tiếng người Pháp Alexander Grothendieck.  Năm 1975, cô sang Pháp bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris 7  thuộc hệ thống Đại học Sorbonne và nhận bằng nữ Tiến sĩ toán học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.  Rồi đến năm 1980 được nhận chức danh Giáo sư. Như vậy, Giáo sư Hoàng Xuân Sính vừa là nữ tiến sĩ vừa là nữ giáo sư Toán học đầu tiên ở Việt Nam. Trong quá trình giảng dạy cô còn là người biên soạn giáo trình đại học: Đại số hiện đại và sách giáo khoa đại số phổ thông. Cô cũng nhiều năm là chủ nhiệm bộ môn Đại số của khoa Toán.

Ngoài ra cô Sính cũng là một trong những người sáng lập Đại học Thăng Long, là trường đại học dân lập đầu tiên của Việt Nam và là Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Những năm về sau, cô  được tặng nhiều giải thưởng, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và  năm 2003 được chính phủ Pháp tặng “Huân chương Cành cọ Hàn lâm” về những đóng góp cho việc phát triển và hợp tác khoa học giữa hai quốc gia.  Đồng thời giáo sư Hoàng Xuân Sính cũng là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng Kovalevskaya cho các nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam.

Cô Sính đã nhiều lần được cử làm Trưởng đoàn học sinh Việt Nam đi dự Olympic Toán Quốc tế. Trong quá trình giảng dạy và hoạt động khoa học cô cũng giành thời gian tham gia nhiều hoạt động xã hội như Phó chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khóa VI (1987 - 1992),Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI (2004- 2008), Phó chủ tịch Ủy viên Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Ủy viên Hồi đồng Từ điển Bách khoa Việt Nam,….

Góp phần hiện đại hóa chương trình đại số phổ thông

Chương trình toán phổ thông môn Đại số được bắt đầu dạy từ lớp 7. Trong lần thay sách giáo khoa thứ hai từ năm 1976 đến năm 2000, vào  những năm 1989 - 1991, môn Đại số phổ thông đã được thay đổi khá nhiều trên tinh thần hiện đại hóa. Vấn đề đặt ra là làm sao thể hiện được sự hiện đại đó qua sách giaó  khoa đặc biệt là cuốn Đại số lớp 7 cuốn đầu tiên của môn đại số  (hồi đó Đại số và Hình học là hai cuốn riêng). Một trong những yêu cầu là sách giáo khoa Đại số lớp 7 (và các lớp 8,9 tiếp theo) là ngoài phần đại số sơ cấp phải viết trên cơ sở được soi sáng bởi Lý thuyết Nhóm gồm những khái niệm cơ bản của Đại số hiện đại nhưng đảm bảo giáo viên dễ dạy và học sinh tiếp thu được.

Trước yêu cầu khó khăn đó Bộ Giáo dục và Nhà xuất bản Giáo dục chủ trương “đặt  hàng” cho 4 nhóm tác giả, trong đó có nhóm của trường Đại học Sư phạm Hà Nội của cô Sính.  Cuối cùng nghiệm thu thì cuốn sách Đại số 7 (và cả sách giaó viên) do GS Hoàng Xuân Sính chủ biên đã được chọn.

Tâm huyết với nghề dạy học

Trong một lần trả lời phỏng vấn nhà báo Đặng Chung về chủ đề: Phụ nữ làm khoa  học nhân ngày 8/3, cô Sính cho biết: “Tôi may mắn hơn nhiều nhà khoa học nữ khác, khi sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và có những người phụ nữ dũng cảm đấu tranh để tôi được đi học. Bà nội tôi chẳng biết chữ gì cả, vì thời đó con gái không được đi học. Mẹ tôi chỉ mới biết làm sổ sách bằng tiếng Việt nhưng chưa thành thạo.  Các cô tôi cũng vậy, chỉ được học về công-dung-ngôn-hạnh.

Vậy mà mẹ tôi luôn có niềm tin và quyết tâm phải cho tôi đi học. Khi tôi lên 8 thì bà mất, bố tôi thực hiện tâm nguyện của mẹ, cho tôi đi học gửi tôi sang Pháp. Rồi tôi vào đại học, sau đó lấy bằng thạc sĩ về toán học ở nước ngoài. Sự nghiệp đang rộng mở, nhưng đến năm 1960 hưởng ứng phong trào kêu gọi trí thức người Việt đang sinh sống ở nước ngoài về nước để gây dựng nền khoa học nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tôi quyết định trở về”.

Khi cô Sính về đến Hà Nội bộ Giáo dục đã sắp xếp đưa cô về công tác tại khoa Toán trường đại học Tổng hợp Hà Nội lúc đó đang ở nội thành để cuộc sống đỡ vất vả hơn nhưng cô đã từ chối và nhất quyết xin về trường Đại học Sư phạm. Cô nói rằng: “Nghề của tôi là dạy học, tôi sẽ theo đuổi nghề này suốt đời”.

Ở khoa Toán trường đại học Sư phạm Hà Nội  thời gian đầu số người đủ trình độ dạy lý thuyết không nhiều nên cán bộ giảng dạy gần như phân thành hai loại. Người có bằng  thạc sĩ, phó tiến sĩ hoặc giảng dạy lâu năm được phân công dạy lý thuyết. Giờ lý thuyết hai lớp gộp lại học chung. Những người còn lại có trình độ thấp hơn lên lớp những giờ chữa bài tập. Có lần cô Sính tâm sự là thời gian mới về  nước có những giờ không đủ ngôn ngữ tiếng Việt để diễn tả cho sinh viên hiểu những khái niệm Toán học hiện đại.

Là người luôn yêu nghề dạy học lại có năng khiếu sư phạm, thường vui vẻ với sinh viên nên qua những giờ lên lớp của cô Sính giờ Toán đã không còn là môn “3 K”  (khó, khô, khổ) như nhiều người vẫn than phiền. Lợi thế của cô là viết bảng chữ đẹp và nhanh, kẻ đường thẳng không cần thước, vẽ vòng tròn không dùng đến com pa, kiến thức sâu và rộng, dạy hay và luôn thuộc giáo án . Qua mỗi giờ học sinh viên  thấy có thêm những kiến thức mới, những điều bổ ích nên họ say sưa ngồi nghe và ghi chép . Đối với những tiết cuối buổi khi mà thầy trò đã thấm mệt cô thường kể những chuyện vui làm cho giờ học bớt căng thẳng. Có lẽ điều hạnh phúc nhất đối với một nhà giáo như cô Sính (và nhiều thầy giáo giỏi khác) là nhiều sinh viên ra trường hàng chục năm vẫn nhớ mãi những giờ lên lớp của các thầy cô.  

Về giải thưởng  Kovalevskaya ở Việt Nam

 Theo tác giả Hàm Châu năm 1985, tiến sĩ Ann Koblitz người Mỹ nhận được số tiền nhuận bút về cuốn sách của chị nhan đềVề cuộc đời và các công trình của Sofia Kovalevskaya. Bà Ann nảy ra ý định lập một quỹ khoa học mang tên Quỹ Kovalevskaya (tên một nhà nữ toán học Nga thế kỷ 19) để khích lệ phụ nữ làm khoa học. Những người phụ nữ mà chị nghĩ đến đầu tiên là ở mấy nước đang tiến hành cách mạng gian nan: Việt Nam, Cuba, Nicaragua,…

Tiến sĩ Ann Koblitz muốn dùng tên tuổi nhà nữ bác học Nga kiệt xuất, được dư luận Liên Xô thời ấy đánh giá rất cao, để đặt cho giải thưởng trao tặng những người phụ nữ làm khoa học xuất sắc ở Việt Nam, Cuba, Nicaragua… Bà tin chắc rằng việc sáng lập giải thưởng này chắc sẽ được phía Việt Nam - một đồng minh của Liên Xô lúc bấy giờ - nồng nhiệt hưởng ứng. Nhưng rồi cũng có người chưa hiểu gây cản trở , bà Sính đã phải trực tiếp  đến Phủ Thủ tướng, xin gặp Phó Thủ tướng thường trực Tố Hữu.  Sau khi nghe bà Sính trình bày câu chuyện ông nhận định đây là việc rất nên làm và hứa sẽ  giúp đỡ, nhờ đó giải thưởng được triển khai ở Việt Nam ngay từ những năm đầu.  

Sau này các bạn Mỹ nhường cho chị Sính quyền chọn mẫu huy chương và tấm bằng của giải thưởng. Trong một tiệm kim hoàn ở Mỹ, ông chủ hiệu đưa cho chị Sính một số mẫu để chọn. Chị hài lòng nhất là mẫu Ngọn đèn tri thức. Nhìn nó, chị ao ước các nhà khoa học nữ Việt Nam rồi đây sẽ được xã hội chăm sóc để có thể toàn tâm toàn ý làm việc dưới “ngọn đèn tri thức”,…Mấy thập niên đã trôi qua việc trao tặng Giải thưởng Kovalevskaya diễn ra đều đặn hằng năm, góp phần khích lệ các tài năng khoa học nữ Việt Nam.
Thành lập trường Đại học dân lập đầu tiên

Cô Sính là một trong những người sáng lập trường Đại học dân lập Thăng Long, ngôi trường ngoài công lập đào tạo bậc đại học và trên đại học đầu tiên tại Việt Nam. Cô là Chủ tịch kiêm Hiệu trưởng của trường từ khi thành lập. Đến nay ở tuổi 90 cô vẫn đảm nhiệm công việc Chủ tịch Hội đồng nhà trường.

Trường ra đời vào những năm cuối thập kỷ 80, khi đất nước bắt đầu mở cửa, kinh tế xã hội khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến giáo dục. Mặt khác là trường đại học dân lập đầu tiên mới ra đời nên Quy chế Đại học dân lập tạm thời tại Việt Nam chưa có, mọi cái đều phải mò mẫm. Nhờ sự giúp đỡ về tài chính của các giáo sư Việt Kiều ở Paris gửi về  ngày 15 tháng 12 năm 1988 trường  tổ chức lễ khai giảng đầu tiên tại Văn miếu Quốc tử giám, lúc đầu mang tên “Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long”, tên do cô Sính chọn. Đến năm 1994 đổi thành: “Trường Đại học dân lập Thăng Long” và đến năm 1995, Thủ tướng chính phủ mới có quyết định chuyển đổi sang hệ trường tư thục mang tên: “Trường Đại học Thăng Long”.

Cô Sính kể: “Ban đầu, chúng tôi được chấp thuận thực nghiệm mô hình cho toàn quốc về đại học tự chủ tài chính, không xin kinh phí nhà nước. Giai đoạn này phải chịu nhiều sự mò mẫm về quy chế hoạt động. Với 74 sinh viên tuyển được cho năm học đầu tiên, số sinh viên các năm sau tiếp tục tăng nhanh, nhưng học phí thu chỉ ngang giá 10 kg gạo một tháng.…kinh phí hàng năm bị hụt nhiều  Cũng may là hàng tháng  có mấy chục giáo sư Việt kiều ở Pháp trích lương gửi về giúp đỡ. Mãi đến năm 1992, khi trường hướng tới các tổ chức tư nhân, quỹ phi chính phủ để xin hỗ trợ thì sự viện trợ của các giáo sư Việt kiều mới chấm dứt”.

Nhưng có lẽ, khó khăn nhất giai đoạn này chính là việc cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp. Vì  bộ Đại học yêu cầu phải tổng kết  mô hình thí điểm, mà muốn tổng kết thì phải có Quy chế đại học dân lập nhưng lúc đó lại chưa có.  Tâm sự với một nhà báo, cô nói: “Ngày đó, tôi ở tình thế tiến không được, lùi không xong. Bộ Đại học không cho cấp bằng, còn phụ huynh thì lo, gây sức ép liên tục.  Không những thế, tiền lương phải nợ giảng viên và nhân viên nhiều tháng, cán bộ hành chính của trường nhiều người bỏ việc. Tôi vừa là Hiệu trưởng, vừa là người lao công….  Phải mất mấy năm khó khăn như vậy, bộ Đại học mới có Quy chế Đại học dân lập tạm thời và chúng tôi mới được “cởi trói”.

Nhưng rồi những khó khăn ban đầu nhà trường cũng dần vượt qua để rồi, hôm nay, sau gần 35 năm xây dựng và phát triển trường Đại học Thăng Long  đã có cơ sở vật chất  hiện đại, tiện nghi đầy đủ được xây dựng trên diện tích khuôn viên 2,5 ha nằm trên đường Nghiêm Xuân Yêm quận Hoàng Mai, Hà Nội. Với đội ngũ hùng hậu gồm giảng viên cơ hữu 375 người trong đó có 16 giáo sư, 55 phó giáo sư, 78 tiến sĩ và 188 thạc sĩ và 80 giảng viên thỉnh giảng, trong đó có 34 giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ cùng với chất lượng, phương thức đào tạo tiên tiến, hiện đại, cộng với cơ chế năng động và được điều hành bởi những giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học có tên tuổi, trường Đại học Thăng Long  đã là trường đại học đa ngành hiện đang mở rộng hợp tác đào tạo với các trường đại học danh tiếng trên thế giới và các tổ chức doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Như vậy Đại học Thăng Long đang là ngọn cờ đầu và là mô hình thành công của khối Đại học, Cao đẳng ngoài công lập Việt Nam. Sự thành công của trường đã mở đường cho hàng loạt trường Đại học, Cao đẳng và Trung học tư thục khác tiến hành xin đăng ký cấp phép hoạt động sau này.

Cuộc đời cùa Giaó sư Hoàng Xuân Sính thật là phong phú. Gần như trên lĩnh vực công tác và hoạt động nào cô cũng luôn thể hiện là người có ý chí, có bản lĩnh, dám đi tiên phong. Trên nền tảng lòng yêu nước, lòng nhân ái bao dung, tình yêu toán học và yêu nghề đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn và đạt được nhiều thành tựu.

Nguyễn Tâm Cẩn, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/giao-su-toan-hoc-hoang-xuan-sinh-a19086.html