Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Tính - Chính ủy bộ đội Trường Sơn

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, nhớ về Trường Sơn một thời rực lửa, Anh hùng , nhớ về những con người đã cống hiến, hy sinh xương máu của mình góp phần làm lên một Trường Sơn huyền thoại.

Tôi đang viết bài về Đại tá Đặng Tính, nhận được quyển sách của chị Đặng Mai Phương, con gái út của bác Đặng Tính gửi tặng với tên sách "Chính uỷ Đặng Tính - Thơ và đồng đội".

Thật bồi hồi xúc động.

Sau khi kết thúc chiến tranh tôi về học tại Trường Đại học kỹ thuật quân sự khoá 11, gặp chị Đặng Mai Phương học khoá 7, chúng tôi biết nhau từ trường đại học, hôm nay nhận được sách của chị gửi tặng tại nhà riêng, thật xúc động , tôi gọi điện thoại nói chuyện với chị hỏi thăm nhau,càng thôi thúc tôi viết bài về Chính ủy Đặng Tính .

b1dt1aq1-1685068475.jpg
 

Đại tá Đặng Tính tên thật Đặng Văn Ti (1920-1973), Liệt sĩ, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân (1963-1969) Kiêm Tư lệnh (1967-1969); nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương năm 1946, Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa III, IV.

Ông quê ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông nay là quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Tham gia cách mạng từ 1944 trong tổ chức thanh niên cứu quốc. Ông là một trong những người sáng lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1945). Tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Bắc Giang.

Trong Kháng chiến chống Pháp, ông đã kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo và chỉ huy: bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương (1946); Chính u Mặt trận đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng (1950-1951); Chính uỷ Liên khu III rồi Tư lệnh kiêm Phó Bí thư khu Tả Ngạn Sông Hồng (1951 -1953).

Ông được phong quân hàm Đại tá Quân đội năm 1958. Ông là Đại biểu Quốc hội các khoá III, IV.

Ông là Cục trưởng Cục Dân quân và sau đó là Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu.

Năm 1955 - 1962, Cục trưởng Cục Không quân (tiền thân Bộ Tư lệnh Không quân); năm 1971 -1973, Chính uỷ Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.

Tôi vào Trường Sơn cuối năm 1970, rồi được biết chính uỷ Đặng Tính vào làm chính uỷ Bộ đội Trường Sơn năm 1971. Tên tuổi của ông sớm được lan truyền đi khắp chiến trường Trường Sơn trong những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Trường Sơn.

Chỉ mới hơn một năm vào Trường Sơn, Chính ủy Đặng Tính đã đi gần như hết toàn tuyến, có mặt tại tất cả các binh trạm. Đến đâu ông cũng “nhìn tận mắt, bắt tận tay” hiện trạng, thực tế để cùng tập thể lãnh đạo và chỉ huy đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời. Tháng 10-1971, vừa vào làm Chính ủy Bộ đội Trường Sơn, đồng chí Đặng Tính quyết định đi khảo sát toàn tuyến đường. Ông triệu tập toàn tổ phục vụ quán triệt: “Đợt này chúng ta đi dọc tuyến Trường Sơn, toàn đường dã chiến, qua nhiều trọng điểm ác liệt, phải chuẩn bị chu đáo mọi mặt...

Chính ủy Đặng Tính qua lại những trọng điểm ác liệt có khi ngay giữa ban ngày do yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, khẩn trương, như: Dốc Ông Đời (tên một chiến sĩ lái xe anh dũng hy sinh tại đây trong khi làm nhiệm vụ), đèo Bà Nhạ (con đèo mang tên người nữ liệt sĩ, trung đội trưởng TNXP anh dũng ngoan cường)… Rồi Pha Lốp, ngã ba Lằng Nhằng, ngầm Tà Lê, đèo Phu-la-nhích trên đường 20 Quyết Thắng… Đến trọng điểm nào ông cũng bất chấp hiểm nguy, dừng lại khá lâu để quan sát địa hình, tìm hiểu thực tế, thăm hỏi và động viên bộ đội, TNXP đang làm nhiệm vụ tại chỗ…

Đến đâu ông cũng gặp gỡ nói chuyện động viên cán bộ chiến sĩ , làm thơ tặng bộ đội , thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến với không khí vui tười phấn khởi tràn đầy niềm tin và khí thế hừng hực trên con đường Trường Sơn rực lửa.

Sau khi hiệp định Pari được ký kết ngày 27/1/1973 , Mỹ ngừng ném bom trên chiến trường Đông Dương, thời cơ mới đã đến. Đảng uỷ - BTL Trường Sơn có chủ trương làm đường cơ bản để chuẩn bị vận chuyển cho cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn Miền Nam.

Cuối tháng 3-1973 hai đoàn cán bộ của BTL Trường Sơn tổ chức đi thị sát chiến trường. Đoàn phía đông do Đại tá Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh dẫn đầu. Đoàn phía tây do Đại tá Đặng Tính Chính uỷ dẫn đầu. Đầu tháng 4 năm 1973 đoàn dừng chân tại SCH Sư đoàn 472 ở phía bắc đường số 9 nam Lào. Tôi vinh dự là trợ lý Phòng công binh - Sư đoàn 472 được đón và nghe chính ủy nói chuyện tại hội trường của sư đoàn bộ. Cùng đi với chính uỷ có nhiều văn nghệ sĩ như : nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Trịnh Quí, nhà thơ Chế Lan Viên cùng nhiều cán bộ các cấp của BTL Trường Sơn. Chính uỷ nói chuyện về tình hình chung, về yêu cầu làm đường cơ bản Tây Trường Sơn, về nhiệm vụ của Sư đoàn 472 trong thời gian tới, thật phấn khởi và tự tin vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vào ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam - thống nhất đất nước . Chính uỷ đọc thơ, các văn nghệ sĩ đọc thơ, hát với không khí hào hùng chiến thắng.

Sau đó đoàn vào làm việc với Bộ Tư lệnh Sư đoàn 471 ở Phù Trường. Sáng 3-4-1973, từ Bộ Tư lệnh Sư đoàn 471, Đoàn công tác của Chính ủy Đặng Tính được chính ủy Sư đoàn bộ binh 968 Vũ Quang Bình đón lên thăm sư đoàn. Đoàn đi theo đường 18 lên Pắc Xoòng (vùng mới được Sư đoàn 968 giải phóng thuộc cao nguyên Bôlôven). Đó là một điểm chốt ác liệt, rất nhiều bom, mìn còn vương lại. Để bảo đảm an toàn, chuyến đi có 3 xe, đi trước là xe tải vừa làm nhiệm vụ kiểm tra đường và làm nhiệm vụ bảo vệ rồi mới đến xe ông.

Hai chiếc xe đầu đi qua an toàn, không may chiếc xe chở Chính ủy Đặng Tính đi sau bị trúng mìn chống tăng, ( do hai xe tải đi trước khoảng cách hai bánh xe rộng hơn, xe con đi sau hai bánh xe lọt vào trong nên đè trúng mìn)

Chính uỷ Bộ đội Trường Sơn và Chính uỷ Sư đoàn 968 và 3 đồng chí ngồi cùng xe : Trung tá Nguyễn Thúc Yêm - Cục phó Cục Tham mưu Công binh, Nhạc sĩ Trịnh Quí, và đồng chí lái xe hi sinh tại chỗ. Đây là một tổn thất lớn của Bộ đội Trường Sơn, của Quân đội ta. Năm 2010, Đại tá Đặng Tính đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Có thông tin là Đại tá Đặng Tính sẽ ra Bắc nhận chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị sau chuyến công tác đó. Nếu không hy sinh, năm 1974 ông sẽ là một trong 3 người được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Nhiều đồng đội Trường Sơn đều đặt câu hỏi là tại sao Đảng và nhà nước không truy thăng quân hàm từ Đại tá lên cấp tướng cho đồng chí Đặng Tính. Trong thời bình hiện nay, một số trường hợp sĩ quan lực lượng vũ trang nhân dân khi làm nhiệm vụ hy sinh đã được truy thăng quân hàm .

Việc truy thăng quân hàm từ Đại tá lên cấp tướng cho đồng chí Đặng Tính - cố Chính uỷ Bộ đội Trường Sơn là hoàn toàn xứng đáng.

*****

" Chính ủy Đặng Tính - Vị tướng đeo quân hàm cấp Tá trong huyền thoại Trường Sơn" - Thơ Thân Đức Chính - Hội viên Trường Sơn tại Tây Ninh

CHÍNH UỶ ĐẶNG TÍNH

VỊ TƯỚNG ĐEO QUÂN HÀM CẤP TÁ

TRONG HUYỀN THOẠI TRƯỜNG SƠN

Đầu năm 1971 Bộ Quốc phòng điều ông về làm Chính uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Ông được phong quân hàm Đại tá năm 1958 và cũng là lần phong duy nhất, nếu ông không hy sinh thì năm1974 ông sẽ được phong lên Trung tướng cùng với các đồng chí: Lê Đức Anh và Đồng Sỹ Nguyên. Ông là người đa tài trong mọi lĩnh vực công tác, không những chỉ huy lãnh đạo tổ chức giỏi mà ông còn làm nhiều thơ động viên Cán bộ Chiến sĩ, ông sống gần gũi với cấp dưới, ông hiểu và rất thương Cán bộ, Chiến sĩ. Con người ông như con dao pha sắc lẹm trong những ngày lửa đạn...

Chính ủy Đặng Tính

Ngày bốn tháng tư năm một chín bảy ba

Giữa cao nguyên Bô Lô ven lộng gió

Một tiếng nổ vang lên chát chúa

Như sụp góc trời.. Chính uỷ hy sinh

Một trái mìn đã nổ trúng xe anh

Trên đỉnh cao nguyên anh ra đi mãi

Vị đại tá với cuộc đời từng trải

Một nhân tài đang độ tuổi năm mươi

Tiếc thương anh như sập cả góc trời

Người chỉ huy cũng là người đồng chí

Nhiệm vụ nặng nề anh là chính uỷ

Mười mấy năm lon đại tá trên vai

Anh hy sinh đi mất một nhân tài

Một ông tướng đeo quân hàm cấp tá

Bộ đội Trường Sơn chẳng ai xa lạ

Chính uỷ hay cười giản dị trẻ trung

Gặp lính đang làm nhảy xuống làm cùng

Thươnng linh tóc dài tự tay anh cắt

Khắp dải Trường Sơn anh luôn có mặt

Nhiều chiến sĩ nhầm cậu tớ với anh

Anh hay cười tính lại thích thơ văn

Anh thường làm thơ động viên chiến sĩ

Anh hy sinh giữa những ngày đánh Mỹ

Để lại Trường Sơn bao nỗi tiếc thương

Con người anh sống vui vẻ đời thường

Chẳng nghĩ cho mình chỉ thương đồng chí

Anh ngã xuống đỉnh Trường Sơn hùng vĩ

Với một cấp hàm chưa một lần phong..

T.Đ.C

Trái tim người lính

 Thân Đức Chính - Hội viên Trường Sơn tại Tây Ninh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dai-ta-anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-dang-tinh-chinh-uy-bo-doi-truong-son-a19092.html