Thi Nại Am nguyên tên là Nhĩ, lấy tên khác nữa là Tử An, quê gốc Tô Châu (ngày nay thuộc huyện Hưng Hóa tỉnh Giang Tô) sau chuyển đến Bạch Câu Hưng Hóa Tô Bắc. Thi Nại Am sinh năm Bính Thân 1296, về thân thế của ông sử sách ghi chép rất ít. Năm Tân Mùi 1331, Thi Nại Am 35 tuổi, đỗ Tiến Sỹ, sau đó ông làm quan ở Huyện Đường, lúc bấy giờ nhà Nguyên đang thống trị Trung Quốc, Thi Nại Am chỉ làm quan có hai năm, vì bất mãn với thời cuộc, chán cảnh vào luồn ra cúi ở chốn quan trường và bất mãn với vương triều nhà Nguyên, cho nên lui về quê ở ẩn tại trấn Bạch Châu Giang Tô, rồi từ đó ông chuyên tâm vào việc viết văn, sáng tác thơ ca.
Trong sự nghiệp văn chương của mình, ông viết nhiều bộ truyện như Tùy Đường Chí Truyện, Tam Toại Bình Yên Truyện, Giang Hồ Thảo Khánh Truyện (tức Thủy Hử - Đầm nước) trong số trên nổi tiếng nhất là truyện Thủy Hử. Tương truyền mỗi lần viết xong một tác phẩm, Thi Nại Am đều đưa cho các môn sinh của mình xem lại, trong đó có La Quán Trung (1330 – 1400) vừa là môn đệ, vừa là bạn văn chương của Thi Nại Am, La Quán Trung đã đóng góp nhiều ý kiến cho Thi Nại Am trong việc biên soạn bộ truyện Thủy Hử.
Thủy Hử là một trong những bộ sách nổi tiếng của văn xuôi tự sự cổ điển Trung Quốc (Thủy là nước; Hử là bến: Thủy Hử là bờ nước). Nguồn gốc của câu chuyện là kể về một sự kiện lịch sử, về một cuộc khởi nghĩa lớn của nhân dân Trung Quốc nổ ra vào cuối thời Bắc Tống, đó là cuộc khởi nghĩa nông dân do Tống Giang lãnh đạo.Thi Nại Am đã sưu tầm, sáng tạo thành cuốn tiểu thuyết gồm 120 hồi, về sau nó được chia thành 72 hồi.
Thủy Hử là một kiệt tác kể về những việc xảy ra trong dân gian ở thời Bắc Tống (960 – 1127), nó liên quan đến 108 vị anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc.
Phần lớn truyện Thủy Hử miêu tả các loại nhân vật khác nhau, họ bị bức phải lên Lương Sơn Bạc tham gia cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Đồng thời Thi Nại Am ca ngợi hành động phản kháng của những anh hùng Lương Sơn Bạc. Tương truyền trước đó Thi Nại Am bất mãn với triều đình nhà Nguyên, nên ông tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Trương Sỹ Thành chống lại nhà Nguyên. Chính vì vậy mà ông hiểu về nguyện vọng và ước muốn của nghĩa quân, cho nên khi biên soạn cuốn Thủy Hử, ông đã ca ngợi hành động phản kháng của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc cuối thời Bắc Tống.
Truyện Thủy Hử có nhiều tình tiết gay cấn, thu hút người đọc, ngôn ngữ trong truyện thanh thoát điêu luyện, phương pháp sinh động. Thủy Hử có tác dụng rất lớn đối với sự đấu tranh của nhân dân, nhân dân yêu thích Thủy Hử, nên bộ sách này đã được lưu truyền rộng rãi. Nhân vật chính trong truyện không phải là các công hầu khanh tướng, mà là các nhân vật nghịch “vô đạo”, về bọn làm giặc chống lại triều đình.
Như trên đã nói, Thi Nại Am đã tỏ ra là đứng hẳn về phía người “làm loạn”, đồng tình với những nổi ân oán của họ, chia sẻ vui buồn với họ mỗi khi thành bại. Thủy Hử đã kể lại toàn bộ quá trình phát sinh, phát triển và thất bại của cuộc khởi nghĩa, nhiều nhân vật nổi bật như Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Lâm Xung, Tống Giang, quân sư Ngô Dụng… Cuối câu truyện Thủy Hử, Lư Tuấn Nghĩa nằm mơ nhìn lên trần nhà thấy bốn chữ “Thiên hạ thái bình”.
Về sau này còn có hậu Thủy Hử, nhưng lúc đó tác giả Thi Nại Am đã qua đời, trước đó vào năm Mậu Thân 1368, Chu Nguyên Chương (1328 – 1398) đã đánh bại nhà Nguyên, dựng nên triều đại nhà Minh, Chu Nguyên Chương có mời Thi Nại Am ra làm quan, nhưng ông đã từ chối, vì ông không muốn dính dáng đến quan trường . Vào năm Canh Tuất 1370, Thi Nại Am mất, hưởng thọ 74 tuổi.
Thi Nại Am chính là một nhà văn xuất sắc nhất cuối thời nhà Nguyên, đầu thời nhà Minh. Cống hiến to lớn nhất suốt cuộc đời của Thi Nại Am là bộ tiểu thuyết trường thiên Thủy Hử. bộ truyện này được lưu truyền rộng rãi cho đời sau, và nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, và nhờ tác phẩm bất hủ để đời này mà tên tuổi của Thi Nại Am còn mãi mãi được người đời sau biết đến, bởi ông chính là một trong những tác gia lớn của văn xuôi cổ điển Trung Quốc.
Vương Quốc Hoa
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuy-hu-tac-pham-bat-hu-cua-thi-nai-am-a19126.html