Trần Lệ Chiến từ âm nhạc đến thơ ca

Trần Lệ Chiến tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Lý luận phê bình Âm nhạc – Khoa Sáng tác – Lý luận - Chỉ huy, Trường Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trước khi trở thành nhà báo, Trần Lệ Chiến từng có thời gian giảng dạy bộ môn âm nhạc tại Trường Múa Việt Nam và làm công tác biên tập âm nhạc tại Hệ phát thanh Đối ngoại, Đài TNVN.

Năm 2003 – 2006, chị tốt nghiệp Khoa báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Thời gian công tác tại Đài TNVN là cơ hội để Trần Lệ Chiến đi nhiều, cọ sát thực tế, học hỏi và sáng tạo trong cả nghề báo lẫn trong lĩnh vực âm nhạc. Trong những năm qua, nhiều tác phẩm thơ, những bài báo, tiểu luận của Trần Lệ Chiến được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Không chỉ dừng lại ở việc viết báo, sáng tác thơ, nhạc, Trần Lệ Chiến còn tham gia viết kịch bản, tổ chức sản xuất, biểu diễn.

b01-tran-le-chien-1685667557.jpg

Nhạc sĩ – nhà thơ Trần Lệ Chiến

 

Phóng viên Tạp chí Điện tử Văn hoá và Phát triển đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ – nhà thơ Trần Lệ Chiến.

PV: Cảm xúc làm thơ của chị xuất phá ttừ khi nào?

Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến:Tôi nghĩ rằng, trong mỗi con người đều có những tố chất để có thể viết được lên những cảm xúc của mình. Làm thơ đối với tôi là cảm xúc tự nhiên trước những rung cảm của mình trong cuộc sống và tôi chuyển những rung cảm ấy thành thơ, thành nhạc.

Có lẽ vì không được đào tạo để trở thành nhà thơ nên ngôn ngữ trong những bài thơ của tôi rất là đơn giản, nó là những tâm tình, những giãi bày của tôi về cuộc sống. Tôi bắt đầu làm thơ từ năm 1989, bài thơ “Vô đề” với hình ảnh chiếc thuyền và biển khơi là bài thơ đầu. Trước đó, khi còn trên ghế nhà trường, tôi thường làm những câu thơ 4 dòng. Ở cái tuổi học trò mộng mơ, mỗi lần nhìn ra ngoài cửa sổ thấy cây bằng lăng đẹp quá, tôi cũng viết thành thơ.Tôi thường viết lên những trang vở, lúc thì vở toán, lúc thì là vở văn, lúc thì là vở chép nhạc...

PV: Được biết, chị có khoảng 400 bài thơ,và trong đó có những bài được 3-4 nhạc sĩ phổ nhạc, chị nghĩ sao về điều này?

Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến:Việc các nhạc sĩ cùng phổ nhạc bài thơ nào đó của tôi thì đấy là một niềm động viên khích lệ vô cùng to lớn đối một người làm thơ từ cảm xúc, làm thơ tay ngang. Tôi cảm thấy đó là điều may mắn vô cùng. Cho đến bây giờ, tôi có khoảng 70 ca khúc được các nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ của mình và có những bài thơ có đến 3-4 nhạc sĩ phổ nhạc, mỗi người đem đến cho tôi một xúc cảm đặc biệt vì họ kể ra theo những cách khác nhau.

Nhưng có lẽ, thơ tôi giàu nhạc tính bởi vì tôi vốn được đào tạo về âm nhạc cho nên thơ tôi có vần có điệu và có đầy nhạc tính, đấy là lý do vì sao mà các nhạc sĩ chọn thơ tôi để phổ nhạc. Tôi thường đăng tải những bài thơ của mình lên facebook và có rất nhiều nhạc sĩ ngỏ ý muốn phổ nhạc cho thơ của tôi. Tôi luôn luôn tôn trọng và sẽ không phổ nhạc lại bài thơ của mình nữa mặc dù có những bài tôi rất là thích.

PV: Là người làm nhiều lĩnh vực, chị có thể đưa ra mối tương hỗ giữa một người làm nhạc, làm thơ và làm báo không?

Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến:Tôi nghĩ rằng với nhiều người thì tôi là một người tham lam bởi vì cùng một lúc làm rất nhiều lĩnh vực khác nhau.Nhưng một người được làm nhiều nghề như tôi, tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc. Trong nghệ thuật, tôi nghĩ đó là một sự liên kết mật thiết với nhau. Nghề viết dù là viết báo, viết nhạc, viết lý luận hay làm thơ thì điều đầu tiên đó là phải cần sự đam mê, học hỏi.Tôi được đào tạo về lý luận phê bình âm nhạc, dànhđể viết chuyên về nghiên cứu nhưng tôi cũng là người ưa khám phá, thích đi nhiều cho nên sau khi tốt nghiệp lý luận phê bình âm nhạc và đã đi ở trường múa Việt Nam nhưng tôi vẫn quyết định thi tuyển phóng viên ở Đài tiếng nói Việt Nam lĩnh vực biên tập âm nhạc..

Trong thời gian công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam thì tôi học thêm ngành báo chí, bởi tôi nghĩ mình không thể đi làm báo tay ngang vì nếu muốn viết phê bình trên báo chí thì cũng cần phải có phương pháp luận của báo chí, phải nắm vững thể loại báo chí thì khi viết bất cứ một bài phê bình nào đó nó mới gắn liền với đời sống thực tiễn. Sau khi tốt nghiệp báo chí, tôi tiếp tục công tác ở ban đối ngoại- Đài tiếng nói Việt Nam 24 năm và cộng tác với rất nhiều tòa soạn báo khác như báo Nông thôn ngày nay, Dân Việt điện tử... Sau đó, tôi chuyển công tác về làm phó tổng biên tập Tạp chí âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng nghề viết dù là viết báo, viết nhạc, viết lý luận hay làm thơ, thì điều đầu tiên đó là phải cần sự đam mê, học hỏi. Tôi luôn luôn học hỏi từ những người đi trước, từ đồng nghiệp, bạn bè hay thậm chí tôi còn học từ chính học trò của mình.

Và dù làm báo, làm nhạc hay viết phê bình, thì tất cả cũng là nghề viết và viết hay sáng tạo trong nghệ thuật thì đều đòi hỏi sự nỗ lực về học tập, nghiên cứu, đọc, nghe, tích lũy kinh nghiệm. Để khi chúng ta đặt bút viết về một lĩnh vực nào đó, một vấn đề nào đó, một vùng miền nào đó thì chúng ta đã có những kiến thức nền tảng.

Trân trọng cảm ơn chị!

 

Chu Thuý Quỳnh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tran-le-chien-tu-am-nhac-den-tho-ca-a19218.html