Rưng rưng cá diếc, khế chua

Hắn vừa về đến ngõ đã nghe mẹ nói với các chị : - Con đã rắc lá lốt vào canh cá chưa? - Rồi mẹ ạ! Thơm phức, chắc là bố thích lắm đây! Chị Cả hắn vừa bưng bát canh cá diếc khế chua vừa hít hà, nhẹ nhàng đặt lên mâm.

Hôm nay là ngày giỗ bố hắn. Các chị lấy chồng gần đã về từ chiều hôm qua chuẩn bị cùng mẹ, còn hắn lập nghiệp mãi trên thành phố cách nhà hơn 100 km, công việc lại bận tối mặt sáng nay mới lái xe về từ sớm. Ngày giỗ bố, có bận rộn thế nào hắn cũng bỏ đấy.

b1ntd1a-1685718192.jpg

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp

 

Về đến nhà, hắn thấy bình yên, ấm áp như thuở còn thơ, ngôi nhà ngói ba gian, nép trong vườn cây xanh mát, vây quanh là rào chè tàu phủ tơ hồng bốn mùa. Ngôi nhà từ thời ông ngoại để lại cho mẹ, đã xuống cấp, đã nhiều lần hắn và các chị muốn xây nhà mới nhưng mẹ không đồng ý. Hắn biết với mẹ, đây là ngôi nhà đầy ắp kỉ niệm:

-Mẹ còn sống, các con cứ để yên nó cho mẹ ở, khi mẹ mất đi muốn làm gì cũng được.

Hắn và các chị muốn mẹ về ở chung nhưng mẹ bảo để lo hương khói cho ông bà và bố. Người già thường sống với kỉ niệm. Hắn tu sửa cho chắc chắn để mẹ ở.

Mẹ và các chị đã làm đầy đủ các món ngon: nem chả chị Cả mang về, gà mẹ nuôi trong vườn, chặt phay vàng ươm tươm mỡ, canh miến măng nấu nước luộc gà, món xào, món trộn…nhưng có lẽ bát canh cá diếc nấu với khế, rắc lá lốt thái chỉ thơm ngào ngạt là món bố rất thích.

Nhìn bát canh, mẹ con hắn ai cũng nghẹn ngào nhớ bố, nhớ cái thời cơ cực của những năm đất nước vừa thống nhất, thoát khỏi chiến tranh, cái nghèo, cái đói ám ảnh những nhà đông con. Bố mẹ hắn có năm người con, bốn chị gái, hắn là út trai. Quê hắn nghèo, bố mẹ lại thuần nông. Bố đi chiến trường B về với tấm thẻ thương binh ¼ , đau ốm suốt, trái gió trở trời các vết thương nhức nhối, hành hạ . Bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn đổ hết lên đôi vai gầy guộc, tần tảo của mẹ. Tuy nghèo đói, thiếu thốn nhưng mẹ luôn động viên năm chị em phải cố gắng học hành. Bốn chị của hắn đều học hành đến nơi đến chốn, hai chị gái đầu là giáo viên Tiểu học lấy chồng ở xã bên cạnh, hai chị kế đều làm kế toán cho các công ty gần nhà. Ngày giỗ bố, đông đủ các con cháu, mâm cỗ không thiếu thứ gì nhưng năm nào mẹ hắn cũng nấu bát canh cá diếc khế chua, rồi nhìn bát canh mắt đỏ hoe .

Thời ấy, ai cũng nghèo nhưng nhà hắn là nghèo và đói nhất! Ăn không không đủ no đừng nói đến ăn ngon. Chuyện cơm độn sắn khoai cho đầy cái dạ là chuyện thường ngày, bữa cơm của nhà đông con cả năm chưa có tí thịt hay tí cá nào, chủ yếu rau, mắm thế mà mấy cái tàu há mồm nhà hắn cũng không có để ăn .

Hôm ấy, trời mưa dông, bố hắn vác cuốc ngoài vườn vào nhà:

- Mưa ẩm ương thế này, chỉ nóng thêm chứ có mát gì đâu !

Trong bếp, mùi khói tỏa ra sau vườn, mẹ hắn đã dọn cơm lên cái chõng tre, mấy cái ghế cọc cạch vây quanh. Bữa cơm chiều, ngoài bát nước mắm và ngọn khoai luộc, hôm nay có cả một bát canh cá diếc nấu khế cùng với là lốt thái chỉ nổi váng mỡ, hắn nuốt nước miếng ừng ực. Nhìn khúc đầu, khúc đuôi của con cá nằm gọn trong cái bát sành lớn lớn trông thật hấp dẫn. Vây quanh mâm cơm, cả nhà chan húp, ăn uống vui vẻ. Các chị gái sợ hóc xương hom chỉ chan nước, gỡ miếng nạc ở gáy . Còn bố và hắn thì không chê gì cả, cả nước lẫn cái đều được hai bố con ủng hộ nhiệt tình. Mẹ hắn chỉ nhìn chồng, nhìn con chan húp rồi thỏ thẻ mút mấy cái xương, gắp mấy lát khế, ánh mắt chan chứa hạnh phúc. Hắn ăn một bụng no kềnh, đến khuya, khoảng bắt đầu gà gáy canh ba, hắn đau bụng dữ dội, mò xuống gọi mẹ “đi ngoài”. Đưa mắt nhìn quanh, hắn thấy mẹ cũng đang dìu bố từ ngoài cửa thất thểu đi vào. Thế là suốt mấy tiếng đồng hồ, hai bố con thay nhau “đi ngoài” đến lả cả người, mẹ và chị hắn hoảng hốt cõng bố và hắn lên trạm xá . Các cô y sĩ trong trạm bảo : Bố và hắn bị ngộ độc thức ăn, may mà cấp cứu kịp thời, không bị mất điện giải. Cả hai được ở lại trạm theo dõi sức khỏe . Hắn mệt quá thiếp đi đến lúc mặt trời chiều vào khung cửa sổ, hắn chợt tỉnh, nghe mẹ nói chuyện với bố :

-Em có lỗi với mình và con, may mà cứu kịp thời chứ cả đời này em mang tiếng giết chồng, giết con. Mẹ vừa nói, vừa khóc nức nở. Hắn nằm im nghe mẹ kể với bố và chợt hiểu ra nguyên nhân hai bố con ngộ độc! Hắn thương mẹ quá !

Nhà hắn nghèo, ngày nào mẹ cũng đạp chiếc xe cọc cạch, móc hai cái thùng sắt hai bên yên sau lên thị trấn xin nước vo gạo hay thức ăn thừa đem về nuôi lợn. Con lợn là gia tài cả năm bố mẹ hắn trông vào để lo toan: cúng giỗ, Tết nhất cho con cái. Ở thôn hắn, nhà nào cũng tranh thủ cọng rau, chút cám chăn nuôi kiếm thêm thu nhập nên mẹ phải đi xa đến nơi người ta không tăng gia mới có cơm thừa canh cặn đem về chăn nuôi. Hôm ấy, mẹ hắn đến nhà chủ, thấy người ta làm hai con cá diếc rất to, còn giãy đành đạch nhưng chủ nhà chỉ lấy khúc giữa, con khúc đầu và khúc đuôi bỏ vào thùng nước vo gạo cho lợn. Mẹ hắn thấy tiếc, về nhà vớt ra rửa sạch sẽ khúc đầu, khúc đuôi của con cá người ta đã bỏ đi, hái khế và lá lốt nấu lên. Thế là nhà hắn có bữa canh ngon lành. Nhưng chính bà cũng không ngờ rằng : khi đầu và đuôi cá bị vứt vào thùng nước gạo, thức ăn thừa trong đó đầy vi khuẩn thì mấy miếng cá ấy cũng bị phân hủy theo. Bố nó thích ăn canh cá diếc, thấy các con không ăn thì tiếc, ngồi cố ăn cho hết, thấy hắn cũng ăn ngon lành nên bố cũng bỏ vào bát cho hắn, nên cả hai bố con đều đau bụng. Bố thể trạng yếu nên bị nặng hơn. Nghe mẹ kể, hắn thấy trong hốc mắt sâu hoắm của bố chảy ra hai nước mắt :

-Anh thật vô dụng mình ạ ! Ngay cả miếng ăn cũng không lo được cho vợ con.

-Mình đừng nói thế! Mình và thằng Hiếu không sao là tốt rồi, lỗi tại em hết ! Mẹ hắn vừa nói vừa đưa cánh ta áo chùi những giọt nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen, vất vả.

Bố không còn nữa, chị em hắn học hành thành đạt. Hắn bôn ba khắp chốn nếm đủ cao lương mĩ vị nhưng bát canh cá diếc khế chua mẹ nấu ngày mưa dông nắng hạ là ngon nhất. Mẹ già đi, côi cút đi ra, đi vào một mình một bóng. Hắn thương mẹ, thương cả những món ăn nghèo khổ, giản dị mà đầy ắp tình cảm gia đình ngày thơ ấu ….

Chuyện làng quê

Si Trang

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/rung-rung-ca-diec-khe-chua-a19230.html