Ký ức chiến tranh: Vào trận -P23

Lúc này, anh Nguyễn Trọng Cầu (người mà tôi đã kể về việc bị kỷ luật do sự cố ĐKZ ở Quảng Bình hồi tháng 10/1971) được điều về làm chính trị viên đại đội tôi. Anh Nguyễn Tiến Đắc (Gia Lương, Hà Bắc) làm đại đội trưởng. Anh Đắc và anh Cầu là những người người giới thiệu kết nạp Đảng cho tôi vào tháng 7 - 1973 sau này. Anh Đắc nay là thượng tá, nghỉ hưu tại quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh.

Bổ sung về D8 với tôi đợt ấy có Vũ Duy Tòng (Diễn Hoàng, Diễn Châu, Nghệ An) Đào Xuân Nhuận (Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh), Nguyễn Viết Kỷ (Thượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) Nguyễn Văn Tý (Yên Thành, Nghệ An). Là đồng hương Nghệ Tĩnh nên chúng tôi nhanh chóng kết thân, hòa nhập với nhau. Đặc biệt, từ đó đến khi Trung đoàn được lệnh chuyển hướng ra mặt trận Bù Bông (Bình Phước) chúng tôi, tất cả mấy anh em đều được điều về tiểu đoàn 7 để bàn giao cho Tỉnh đội Long An vào tháng 8-1973. Có rất nhiều những kỷ niệm chiến đấu và sinh hoạt gắn bó giữa chúng tôi đã trở thành máu thịt. Đặc biệt là bộ tứ: Tòng, Kỷ và Nhuận và tôi.

b1td1ad-1685805631.jpg

CCB Vương Khả Sơn thắp hương tại tượng đài Thành Cổ Quảng Trị ngày 27/7.

 

Vũ Duy Tòng, nhập ngũ tháng 8-1970. Trước khi về D8, Tòng thuộc đại đội 23 vận tải của Trung đoàn. Chúng tôi thân nhau ngay vì Tòng vốn là người tính tình nhẹ nhàng, có tâm hồn lãng mạn và năng khiếu thơ, văn đặc biệt là thơ. (những ngày đầu, sau giải phóng, chúng tôi di chuyển chiến thuật nhiều nơi. Có rất nhiều cô gái ở thị xã Tân An, các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc... đem lòng yêu mến Tòng nhưng Tòng đều khéo léo từ chối). Chúng tôi kể cho nhau nghe những kỷ niệm của tuổi học trò, tình yêu, ước mơ, hoài bão... và những kỷ niệm quân ngũ. Hai đứa chúng tôi như một cặp tình nhân. Đi đâu cũng có nhau. Lúc chiến đấu vẫn thường ở gần công sự của nhau để sẵn sàng chi viện, yểm trợ cho nhau. Tòng cũng được giao giữ hoả lực B40. Chúng tôi tham gia nhiều trận đánh ác liệt từ đấy cho đến hết chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hiện nay Vũ Duy Tòng là giáo viên dạy Ngữ Văn trường THPT Diễn Châu II, Nghệ An. Anh là một giáo viên giỏi. Tôi sẽ kể lại những kỷ niệm máu thịt giữa hai chúng tôi sau này...

Nguyễn Viết Kỷ nhập ngũ một ngày với tôi, tính tình trầm lặng, ít nói, da bánh mật, bình thường tính tình bẽn lẽn như con gái nhưng cũng rất nóng tính lúc bức xúc; là xạ thủ cối 61 li. Chiến đấu ngoan cường trong mọi tình huống. Kỷ vào Đảng trước tôi.

Đào Xuân Nhuận sôi nổi, vui vẻ, với khiếu nói chuyện khôi hài và đặc biệt có giọng điệu "Ruồi Trâu", phớt đời, lắm lúc hơi lỗ mãng trong phát ngôn. Nhuận là xạ thủ trung liên. Tôi và Nhuận cùng tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch đã trở thành ký ức. Tôi nhắc lại một trong nhiều kỷ niệm giữa hai chúng tôi. Lần ấy sau khi xuống Mỹ Thạnh Đông rồi sang Mỹ Quý Tây, trung đội tôi được lệnh phục kích chặn đánh tàu địch trên sông Vàm Cỏ Đông từ bờ tây, đoạn gần đối diện với Gò Nổi. Nằm phục chờ đã nhiều ngày rồi rồi mà tàu địch vẫn chưa đến...

Có tiếng làm y tá nhưng thực chất tôi là một tay súng chiến đấu. Luôn thường trực một khẩu AK cùng bốn băng đạn. Tôi và Nhuận được phân công chốt ở một công sự sát mép bờ sông. Chờ mãi mà tàu địch vẫn chưa xuất hiện, đâm ra chủ quan...

Hôm ấy là ngày 20-8-1972. Khoảng 9 giờ sáng, khi chúng tôi đang ngồi kháo chuyện rì rầm ở phía sau, cách công sự chiến đấu khoảng 30- 40 mét. Bỗng anh Báo (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), trung đội trưởng bò đến, nói trong hơi thở gấp: "Tàu... Tàu...". Chúng tôi liếc nhanh ra hướng bờ sông, nơi có công sự được che khuất bởi nhiều cây trâm bầu. Tuy vậy, vẫn thấy rõ mạn hông phải của chiếc tàu “mặt dựng” (há mồm) màu xám, án ngữ ngay sát công sự (cách chừng 10 mét). Tôi và Nhuận lội nhanh theo mép nước của con rạch ra công sự, rồi trườn ngay vào hầm. Nước trong hầm dâng lên tới vai. Vừa lúc B40, B41 của các công sự bên cạnh đồng loạt nổ. Các loại súng AK và trung liên RPĐ kéo từng loạt dài. Tàu địch vội tăng ga bỏ chạy và bắn như đổ đạn về phía chúng tôi. Tất cả bắn đuổi theo, nhưng chúng đã kịp chạy thoát ra khỏi tầm bắn. Hai trong ba chiếc trúng đạn nhưng không chìm. Nhuận không kịp bắn được phát nào vì trung liên lúc ấy vướng quá, không đưa được lên khỏi miệng công sự để bắn. Tôi kéo mấy loạt AK đuổi theo tàu địch. Mấy chiếc bo bo (loại ca nô nhỏ đi kèm bảo vệ tàu “mặt dựng”) tăng tốc rồi chĩa 12,8 li về phía chúng tôi bắn không tiếc đạn để bảo vệ cho tàu lớn chạy thoát.

Sau lần ấy, họp rút kinh nghiệm trận đánh có nói đến việc Nhuận không nổ súng để "chia lửa" cùng đồng đội (bị quy kết về tư tưởng). Tôi không thể bảo vệ được Nhuận vì đầu súng trung liên của cậu ta vẫn còn bịt vải. Trong cuộc họp, trước sau tôi chỉ nêu vấn đề là do chủ quan nên hoàn toàn bị động. Lúc tàu đến sát ngay công sự, súng mắc kẹt dưới hầm không thể đưa lên kịp được (!?)

(Còn nữa)

Trái tim người lính

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô ( biên tập-giới thiệu)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-chien-tranh-vao-tran-p23-a19248.html