Lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền cảm hứng, lan tỏa 

Ngày này cách nay 75 năm (11/6/1948 – 11/6/2023), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt. Hưởng ứng Lời kêu gọi thiêng liêng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dấy lên phong trào toàn dân tích cực thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, để công cuộc kháng chiến, kiến quốc giành thắng lợi... 

Lời kêu gọi "Thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao truyền thống tương thân, tương ái và đoàn kết của người Việt Nam. Nó khuyến khích mọi người hướng tới lợi ích chung của cộng đồng, thể hiện lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước. Đồng thời, lời kêu gọi này cũng gợi mở về trách nhiệm cá nhân và sự đóng góp của từng cá nhân trong xây dựng và bảo vệ đất nước.

b1-hi-dua-1686411014.jpg

Tranh cổ động "Thi đua là yêu nước...". Nguồn: Internet.


Từ đó đến nay, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng, động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành một phần quan trọng của di sản tư tưởng và học thuyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


“Thi đua ái quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cách nay 75 năm gắn liền với yêu đồng bào, yêu thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc, cùng nhau xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Lòng yêu nước hướng con người đến những giá trị tốt đẹp, thôi thúc ý chí, khát vọng vươn lên, là động lực cho sự phát triển đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Yêu nước là thi đua, thi đua là yêu nước, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Trong suốt chiều dài lịch sử, lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc, ý chí kiên cường, bất khuất và niềm tự tôn của người dân Việt Nam, thể hiện hùng hồn trong bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, thấm đẫm trong từng câu chữ trong “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi.... và thời đại Hồ Chí Minh là khí thế hào hùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước cùng đi lên CNXH.


Vấn đề phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đại hội XIII của Đảng kế thừa và phát triển mạnh mẽ. Cụ thể là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc…. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia như hiện nay thì việc giữ vững độc lập, chủ quyền, môi trường hòa bình, ổn định, phát triển nhanh, bền vững đóng vai trò quan trọng.


Trên tinh thần đó, những năm gần đây, cả nước đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi gắn với các lĩnh vực của đời sống xã hội như: phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của CNVC-LĐ, lĩnh vực giáo dục và đào tạo có phong trào: “Thi đua dạy tốt, học tốt”; lĩnh vực y tế có phong trào “Lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền”, “Chống dịch CoVid 19 như chống giặc”; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; lĩnh vực quốc phòng- an ninh có phong trào "Giành 3 đỉnh cao quyết thắng", "Xứng danh anh Bộ đội cụ Hồ", "Vì an ninh Tổ quốc", "Bảo vệ đường biên, cột mốc" …


Đặc biệt nhất là phong trào thi đua “ Chung sức xây dựng nông thôn mới” với sự vào cuộc rất tích cực của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành, các địa phương, mục tiêu thi đua được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và có nhiều đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, tạo sự hài hòa giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa miền núi và miền xuôi.  Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 11/2022, cả nước đã có 5.869/8.225 xã (71,4%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã. Bên cạnh đó, đã có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 39,6% số huyện cả nước). Đồng thời, có 18 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bạc Liêu.


Lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 75 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị, như lời hiệu triệu vẫn văng vẳng đâu đây, sâu lắng trong lòng dân đất Việt. Hơn lúc nào hết, tiếp tục hưởng ứng Lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - sự nghiệp vĩ đại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

V.X.B

Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/loi-keu-goi-thi-dua-ai-quoc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-van-truyen-cam-hung-lan-toa-a19366.html