Theo đó, các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc tham gia dự thi Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc với các tiết mục gồm: Hòa tấu Khát vọng tỏa sáng (sáng tác, hòa âm phối khí và dàn dựng: NSƯT Huỳnh Tú); Hòa tấu Xuôi nhịp trống quân (sáng tác và dàn dựng: NSƯT Quang Hưng); Hòa tấu dàn nhạc: Giai điệu Asean (chuyển soạn: Thanh Nhã); Độc tấu đàn Bầu với 2 tác phẩm Phận (sáng tác và dàn dựng: NSƯT Huỳnh Tú); Hồi tưởng (sáng tác: Xuân Khải); Độc tấu sáo mèo: Trăng núi; Độc tấu sáo trúc: Mùa xuân quê hương (sáng tác và dàn dựng: NSƯT Đức Liên), do nghệ sĩ Quốc Tuấn biểu diễn; Độc tấu đàn nhị qua 2 tác phẩm: Sứ dừa quê mẹ (sáng tác, hòa âm phối khí và dàn dựng: Anh Tấn – Huỳnh Tú), Tò Vò (phát triển Thế Sơn), do nghệ sĩ Ngọc Sơn cùng dàn nhạc biểu diễn.
Tại buổi báo cáo chương trình biểu diễn, các đại biểu đều đánh giá cao các tiết mục được tập thể nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng công phu, mang màu sắc, âm hưởng dân gian kết hợp hiện đại đặc sắc, mang tính nghệ thuật cao.
Các tiết mục vừa thể hiện truyền thống hào hùng của dân tộc, vừa mang đậm dấu ấn của đất và người Vĩnh Phúc nói riêng, đất nước nói chung trên đà phát triển, hội nhập.
Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2023 có sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ đến từ 38 đơn vị nghệ thuật trên cả nước.
Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.
Cuộc thi diễn ra tại hai địa điểm: Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa từ ngày 10 đến 14/6 và thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình từ ngày 20 đến 26/6.
Tại cuộc thi, các đơn vị nghệ thuật tham gia cả hai loại hình độc tấu và hòa tấu, có thể kết cấu thành chương trình nghệ thuật thời lượng 20-35 phút.
Các tác phẩm tham gia dự thi là bản cổ nhạc, làn điệu trong các loại hình kịch hát dân tộc, nguyên bản hoặc được chỉnh lý, cải biên, phát triển và sáng tác mới nhưng vẫn giữ được những phong cách, âm hưởng dân gian đặc trưng của từng loại hình nghệ thuật và phải được trình diễn trực tiếp bằng nhạc cụ dân tộc.
Hội đồng Giám khảo là các nhạc sỹ, nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có uy tín, tài năng và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Cuộc thi là sân chơi nghệ thuật nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là dịp để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật thể hiện khả năng cá nhân, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật; bảo tồn, gìn giữ, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Lê Hoàn