Ký ức chiến tranh: Vào trận - P38

Trong tiểu đội, tôi và Nguyễn Viết Kỷ được má Sáu yêu quý nhất. Nhà má nghèo nhưng má thương tụi tôi lắm. Má có người con gái út (Út Lan) năm đó mới chừng 17 tuổi (chúng tôi thường gọi cô Út). Má biểu: "Nó ưng thằng nào thì ngày thống nhứt, tao cho không hà!".

Tôi chỉ cười, nhưng Kỷ thì có vẻ quyến luyến cô nàng lắm. Thật ra thì Út Lan có gương mặt trái xoan, hai mắt sáng, lông mi dài, miệng luôn mỉm cười thật dễ thương. Khi ra bưng với má, thấy chúng tôi làm thịt cá rô không đánh vẩy, cô bé cười ngất, giành lấy dao và cá rồi thoăn thoắt làm, trông rất điệu nghệ chứ không lóng ngóng như chúng tôi. Út rất mến tôi và Kỷ. Thỉnh thoảng liếc mắt, tôi thấy em lén nhìn tôi cười nụ. Tôi ý tứ, rồi gán ghép cho Kỷ. Kỷ khoái lắm (bởi hai chúng tôi làm sao có thể cùng yêu một người). Nghe ra có vẻ như là tôi... cao thượng lắm? Thực lòng tôi cũng xao động trước nhan sắc và tình cảm của em dành cho mình, nhưng biết làm sao được trong khi tôi và Kỷ lại hết sức thân nhau, không thể như thế được...

b1td1ad-1687089215.jpg

Tác giả Vương Khả Sơn tại Pháo đài Đồng Đăng.

 

Hồi đó ở bưng, nước phèn nên quần áo mau hỏng. Quân trang không được cấp phát, chúng tôi chỉ dựa vào dân. Má Sáu nghèo nên không thể cho hết anh em trong đơn vị. Lâu lâu ra, má và em thường mua cất riêng, rồi lén đưa cho tôi và Kỷ, khi thì cái quần cộc khi thì cái áo vải "pô lin phăng" (pô pơ lin pha nilon) màu lá. Lúc này, đối với chúng tôi, đó là thứ "xa xỉ". Những hình ảnh ấy, những ân tình sâu nặng ấy đã hơn 30 năm qua rồi, tôi vẫn khắc sâu trong dạ, luôn tự hứa và thầm nhắc với mình: Phải sống sao cho xứng đáng với tình cảm và tấm lòng trung trinh của người dân cách mạng Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc".

Ở bưng Tân Phú, chúng tôi phải ém quân trên những bờ kinh, hai bên nước mấp mé bờ. Không thể đào công sự trú ẩn. Đêm đêm, pháo địch bắn ra bưng tràm, chúng tôi không thể mắc võng nằm được. Mà phải lội xuống bưng, be bờ, tát nước, vét bùn, sau đó rải cỏ vào rồi dùng tăng nilon lót lên để có thể ngủ. Nhiều người, đêm không may vỡ bờ be, nước tràn ngập chỗ ngủ gây sặc nước; mình ướt sũng như chuột lột. Nếu giăng võng nằm, pháo bắn, ngủ quên sẽ chết vì đạn pháo. Đã có nhiều đồng chí hy sinh khi đang ngủ. Đêm đạn pháo nổ, sáng mai đã chết cứng trên võng vì mảnh găm vào. Đau lòng nhất là sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Văn Ước (Diễn Châu, Nghệ An), đại đội trưởng đại đội 16 trực thuộc (cối 82 ly) đêm đang ngủ, một trái pháo 105 ly của địch đánh đáo ngay chỗ nằm. Sáng hôm sau chúng tôi đau đớn đi tìm kiếm những phần thi thể sót lại. Cố gắng lắm chúng tôi cũng chỉ góp nhặt được khoảng một túi nilon nhỏ di hài thi thể anh….

Thời điểm ấy chúng tôi khát ngủ bởi mất ngủ triền miên hàng tháng trời cho những chiến dịch. Một khát khao hết sức bình dị lúc ấy là ước gì có được một chỗ đất tương đối khô ráo, không có sự đe doạ của bom, pháo để trải tấm tăng nilon ra rồi vùi vào ngủ một giấc đến mấy ngày đêm liền. Vậy mà không thể có cách gì thực hiện được cái ước mơ nhỏ nhoi ấy. Bởi mật độ bom pháo dày đặc, trực thăng quần thảo săm soi liên miên. Rồi các trận đánh cứ nối tiếp nhau liên tục…

Sau trận đánh nhổ bốt Rạch Nhum, chi bộ thấy thời gian thử thách cùng những thành tích chiến đấu và công tác cũng như lập trường tư tưởng của tôi không có vấn đề gì phải băn khoăn nữa, nên đã họp bất thường ra quyết nghị kết nạp tôi vào Đảng.

Ngày mùng 1 tháng 7 năm 1973, lúc 14 giờ 30 phút, tôi chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ giây phút này tôi trở thành một đảng viên của Đảng. Như vậy là sau gần hai năm phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi với những tháng ngày gian khổ vượt Trường Sơn và trực tiếp chiến đấu ở những chiến dịch ác liệt nhất như Chiến dịch Nguyễn Huệ-“Mùa hè đỏ lửa” 1972 cho đến chiến dịch bảo vệ Hiệp định Paris cộng với lòng kiên định và tin tưởng vào thắng lợi của Cách mạng với hai lần bị thương nặng, cuối cùng Chi bộ C2-D8-E271 (Đại đội 2, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 271) đã chuẩn y kết nạp tôi vào Đảng (lúc bấy giờ ở chiến trường nên lấy tên là Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam). Tôi nhớ mãi giây phút đồng chí Chính trị viên Nguyễn Trọng Cầu, Bí thư chi bộ, đọc quyết định kết nạp và tôi giơ cao nắm tay thề dưới Đảng kỳ năm ấy. Giờ phút thiêng liêng đó như một sự ghi nhận của Đảng đối với tôi về tinh thần yêu nước, sự trung thành với Đảng và cách mạng, lòng thuỷ chung, tận tuỵ với đồng đội và sự cống hiến xương máu cho chiến thắng. Với Đảng, tôi gắng vẹn toàn chữ Trung. Với Dân tôi lo tròn chữ Hiếu. Với đồng đội, tôi tự hào đã thực hiện trọn vẹn nội dung lời thề thứ bảy của Quân đội nhân dân Việt Nam: "Trong tình thương yêu giai cấp, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội... lúc thường cũng như trong chiến đấu". Tôi luôn tự hứa và thầm nhắc với mình, cần phải cố gắng hơn nữa. Không làm điều gì để phương hại đến uy tín và danh dự của người Đảng viên Cộng sản và tủi hổ vong linh những bạn bè, đồng đội đã hy sinh...

Đến thời điểm này (3-2005) chỉ hơn ba tháng nữa là tôi tròn 32 tuổi Đảng. Trong suốt 32 năm ấy, tôi tự hào thấy mình chưa bao giờ làm điều gì trái với những lời thề trong buổi lễ kết nạp ở chiến trường tuy đơn sơ mà hết sức trang trọng và thiêng liêng lúc 14 giờ 30 ngày 01-7-1973.

Có thể nói, đó là một dấu ấn sâu đậm và bước ngoặt trong cuộc đời cũng như đời sống chính trị của cá nhân tôi!

... Từ Tân Phú, chúng tôi nhận nhiệm vụ trở lại Gò Nổi để đứng chân tiếp tục đánh địch lấn chiếm, bảo vệ Hiệp định Paris. Nơi đây, kẻ địch vừa mới đóng thêm bốt An Sơn trên lộ 8 cách đồn Lớn (Lộc Giang) chừng hơn một kilômét. Lại thêm một nhiệm vụ nặng nề và khó khăn đối với chúng tôi. Cấp trên yêu cầu buộc phải nhổ cái gai này.

(Còn nữa)

Trái tim người lính

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-chien-tranh-vao-tran-p38-a19475.html