Mặc dù tuổi cao, sức khoẻ yếu nhưng ông vẫn vui vẻ dành cho tôi thời gian khá dài để trao đổi về chuyện nghề báo xưa và nay, trong đó có chuyện đến với nghề báo của ông.
Nhà báo Phạm Xuân Yên, sinh năm 1945 tại xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, trong một gia đình có 07 anh em, trong đó có 05 người tham gia cách mạng. Hai người thân của ông là Phạm Thủ Phận, sinh năm 1949, tham gia kháng chiến năm 1965, nhập ngũ D2012 năm 1968, đạt danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt máy bay, dũng sĩ diệt cơ giới, được Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà Miền Nam Việt Nam tặng Huân chương chiến công giải phóng Hạng Ba, hy sinh năm 1969. Phạm Hoàng Minh, sinh năm 1951, tham gia cách mạng năm 1966, nhập ngũ D2012 năm 1968, đạt danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt máy bay (08 chiếc), dũng sĩ diệt cơ giới, được Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà Miền Nam Việt Nam tặng Huân chương chiến công giải phóng Hạng Nhất, hy sinh năm 1969. Bà Mai Thị Khá, mẹ chú, vinh dự được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 2014.
Nhà báo Bảy Yên (Phạm Xuân Yên) chậm rãi kể. Chú tham gia cách mạng năm 1962. Năm 1964 công tác tại Ban tuyên huấn huyện Vĩnh Thuận, sau đó chú được điều động sang làm phóng viên chiến trường tiểu ban thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá. Trước khi chuyển sang làm phóng viên, có thời điểm chú là đội trưởng đội vũ trang tuyên truyền huyện Vĩnh Thuận nên thường xuyên viết bài cộng tác với báo chí của tỉnh. Khi được chuyển sang làm phóng viên, chú được cử đi đào tạo nghiệp vụ viết báo ở C112 Trung ương cục Miền Nam, nhưng do địch đánh phá ác liệt, đường dây giao liên không thể đưa qua lộ Cái Sắn nên phải ở lại.
Không được tham gia lớp đào tạo viết báo, chú rất tiếc. Bù đắp những kiến thức, nghiệp vụ viết báo cho chú là những người anh, người đồng nghiệp giàu kinh nghiệm như Tư Hảo, Trưởng tiểu ban, Nguyễn Văn Thâu, Phó trưởng tiểu ban. Mỗi khi xuất bản tin, bài, Ban biên tập báo đều họp để đọc, nhận xét, góp ý các bài viết sau đó duyệt đăng. Từ những sự gợi ý, góp ý của Ban biên tập mà kĩ năng, kinh nghiệm viết báo của chú ngày càng được tích luỹ để những bài viết sau đáp ứng đúng yêu cầu của Ban biên tập. Nhà báo Nguyễn Văn Thâu sau này hy sinh ở Hòn Me, huyện Hòn Đất năm 1969, nhà báoTư Hảo hy sinh ở Vĩnh Hoà căn cứ địa U Minh Thượng năm 1970. Giọng chú chùng xuống ngậm ngùi khi nhắc lại người đồng đội, đồng nghiệp đã hy sinh.
Chú tâm sự, muốn có được những bài báo hay, người phóng viên phải luôn bám sát địa bàn để tác nghiệp để có những tin, bài nóng hổi, đầy tính thời sự. Còn nhớ, năm 1973, khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, chú được cơ quan cho phép về thăm nhà thì bất ngờ được chứng kiến cảnh làng quê bị pháo 105 ly ở Chi khu Vĩnh Thuận bắn phá, được nghe bà Sáu Thìn kể chuyện có con bị địch bắt đầy ra Côn Đảo. Có được tin, chú đã lội đồng gần 20 cây số về cơ quan viết bài tố cáo tội ác của giặc trên thông tấn xã.
Cũng trong năm 1973, cơ quan cử chú đi công tác tại huyện Giồng Riềng thì được ông Nguyễn Dũng Liêm, tên thường gọi là Tư Liêm, Bí thư huyện uỷ Giồng Riềng gợi ý chú xuống xã Thạnh Hoà viết bài phản ánh du kích xã đang tiến hành binh vận địch ở đồn Soóc Ngò Om. Tham gia cùng đội du kích xã địch vận binh sĩ địch tại đồn Soóc Ngò Om thì đến đêm địch trong đồn nổ súng, những ánh lửa đạn chằng chịt trên đầu một thời gian rồi im bặt. Không gian chìm vào tĩnh mịch. Chú nhận địch địch đã rút chạy khỏi đồn nên đã yêu cầu anh em du kích vận động vào đồn nhưng không ai dám vào vì nghi ngờ địch vẫn còn ở trong đồn, chỉ cần quân ta tiến vào là sẽ nổ súng tiêu diệt.
Nhận thấy mọi người còn nghi ngại, chần chừ, chú nói với mọi người chú sẽ vào đồn một mình, khi vào đến đồn thấy an toàn chú sẽ báo hiệu bằng ba chớp đèn pin thì mọi người tiến vào. Với kinh nghiệm của mình, chú đã vượt qua 9 lớp hàng rào dây thép gai có gài đủ các loại mìn của địch. Khi vào đến đồn, dưới ánh đèn pin, chú thấy quân địch chạy trốn. Trận binh vận Soóc Ngò Om, quân ta không tốn một viên đạn, không tổn thất một người và thu được nhiều vũ khí của quân địch bỏ lại. Riêng chú khi tham gia trận đánh này vừa có vũ khí thu được của địch vừa có tin bài gửi về Ban biên tập để phát sóng trên báo tỉnh, trên bản tin Thông tấn xã Giải Phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam).
Trong sự nghiệp báo chí của mình, nhà báo lão thành trên 55 tuổi Đảng, 78 tuổi đời, Nhà báo Phạm Xuân Yên nhớ nhất thời khắc lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trưa hôm đó tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, chú tổ phóng viên lên đường theo kênh xáng Đòn Dong ra vàm Tắc Ráng bám sát cụm chỉ huy Ô 3, căng ăngten đài minh ngữ đấu vào máy phát tín hiệu sẵn sàng. Trong khi đó, Rạch Sỏi súng vẫn còn nổ ở Chi khu Kiên Thành và hải quân Rạch sỏi. Trên bầu trời thị xã chiếc L19 trinh sát bay mấy vòng rồi biến mất. Bất ngờ anh em chiến sĩ ở tổ thông tin reo vang khi bắt được sóng vô tuyến của Vương Văn Trổ, Tiểu Khu trưởng Tiểu khu Kiên Giang xin gặp chỉ huy của ta về việc bàn giao chính quyền. Đồng chí Tiêu Kim Huy (Hai Huy), Tỉnh đội phó nói ngay vào ống nghe “Các anh chỉ buông súng đầu hàng chứ không con gì để bàn giao” và yêu cầu Vưong Văn Trổ ra lệnh cho binh lính các chi khu, đồn bót, các binh chủng buông súng đầu hàng cách mạng, đồng thời cho hai “con cá” (tàu mặt dựng) từ kênh ông Hiển vào kênh Đòn Dong đón quân giải phóng, hướng dẫn Vương Văn Trổ đi xe zip và hai cận vệ không mang vũ khí, mặc thường phục theo đường Mạc Cửu đến đoạn cấu số 1 gặp người của cách mạng. Lúc đó, bám sát lắng nghe trực tiếp suốt cuộc điện đàm của đồng chí Tiêu Kim Huy với Vương Văn Trổ, chú lập tức lấy sổ kê lên đầu gối viết ngay tin ngụy quân tại Kiên Giang đã đầu hàng, các lực lượng cách mạng và đồng bào nội ô đã làm chủ hoàn toàn thị xã Rạch Giá đưa cho Nguyễn Thanh Hà chuyển bản tin về Hà Nội và đài minh ngữ cơ quan ở xã Vĩnh Hòa, U Minh Thượng. Đây là bản tin cuối cùng về đề tài chiến tranh cách mạng tại chiến trường tỉnh Rạch Giá ngày đó. Với sự kiện lịch sử đặc biệt ấy, chú là người đưa tin đầu tiên về giải phóng tỉnh Rạch Giá năm 1975.
Sau giải phóng, chú đảm nhận Đài truyền thanh của Ty thông tin chiêu hồi ngụy và trở thành người đầu tiên phụ trách Đài truyền thanh tỉnh Rạch Giá với những tin tức là các văn bản, chính sách của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, văn bản của Ủy ban quân quản tỉnh Rạch Giá kêu gọi anh em sĩ quan quân đội Sài Gòn trình diện giao nộp vũ khí, tin tức về tình hình an ninh trật tự. Chương trình truyền thanh tuy đơn sơ nhưng được các giới đồng bào đặc biệt chú ý lắng nghe.
Từ năm 1976 đến khi nghỉ hưu năm 1994, chú kinh qua các chức vụ: Trưởng phân xã thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Kiên Giang, Phó Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Kiên Giang và Tổng biên tập báo Kiên Giang.
Ở cương vị lãnh đạo cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình của tỉnh trong những năm tháng sau giải phóng, tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất của toà soạn còn thiếu thốn, đời sống của đội ngũ phóng viên còn không ít khó khăn, chú đã cùng với Ban lãnh đạo cơ quan đề ra nhiều giải pháp thiết thực để giúp đời sống vật chất, tinh thần của phóng viên được cải thiện, đề xuất, gợi ý đề tài, chủ đề thực hiện tuyến bài viết, góp ý bài viết của anh em phóng viên một cách chân tình, cởi mở, không dấu nghề, từ đó, chất lượng tin bài ngày càng được nâng lên đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của bạn đọc.
Tâm sự về nghề với cánh phóng viên, nhà báo trẻ trong thời kỳ hội nhập quốc tế, công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, nhà báo Phạm Xuân Yên, chia sẻ, muốn trở thành phóng viên, nhà báo giỏi, có năng lực, có bản lĩnh, có uy tín với Đảng bộ, với nhân dân, với bạn đọc thì mỗi nhà báo, phóng viên cần phải giữ cho mình một cái TÂM trong sạch, giữ vững đạo đức nhà báo, say mê, nhiệt huyết với nghề, nắm chắc các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước, bám sát thực tế hơi thở cuộc sống, phong trào của quần chúng để phản ánh đúng, trúng, vấn đề trọng tâm mà độc giả quan tâm.
Trương Anh Sáng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-nha-bao-pham-xuan-yen-moi-nha-bao-phong-vien-phai-giu-cho-minh-cai-tam-trong-sach-a19512.html