Trước khi lên đường, Thành đã bảo mẹ, soạn cho anh các lá thư của bố mình gửi về từ mặt trận, trước khi bố anh hy sinh.. Trong những lá thư gửi về ngày ấy, Thành thấy bố anh thường ghi đầu đề:Đường Chín, ngày... Chỗ khác lại thấy ghi: Khe Sanh ngày... Thành hy vọng, có thể bố anh đã từng chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên... rất có thể ông sẽ nằm xuống trên mảnh đất này...
Trên đường đi, Thành được ngồi cùng xe với rất nhiều ông tuổi sáu mươi, bảy mươi, đều ở chạc cha chú mình.
Thấy anh trẻ trung, các chú, các bác hỏi thăm:
- Có phải cháu đi tìm mộ liệt sĩ ?
- Dạ vâng ạ. Thành trả lời. Cháu đi tìm tin tức về mộ phần của bố cháu.
Rồi anh kể
- Bố cháu là Nguyễn Quốc Trung, hy sinh ngày...tháng... năm sáu tám. Ở nhà, mẹ con cháu không biết bố cháu hy sinh hy sinh ở chiến trường nào. Cháu biết một chút, bố cháu có thời gian chiến đấu ở Khe Sanh, Đường Chín... Trong những lá thư gửi về, bố cháu thường ghi ở đầu lá thư như thế...
Người lính cựu còn hỏi thêm:
- Ngoài thư ra, cháu còn có tin tức gì hơn không?
Thành trả lời:
- Dạ không ạ. Trên giấy báo tử về cho gia đình, chỉ có nói: “hy sinh tại mặt trận phía Nam thôi ạ”...
Người lính cựu ban nãy, quay sang hỏi các đồng đội khác:
- Các ông ơi! Ông Nguyễn Quốc Trung, nghe tên có vẻ quen quen. Có lẽ nào là anh Trung đại đội trưởng, của mình ngày trước không nhỉ?
Một ông khác nói:
- Thủ trưởng Trung là đồng hương cùng tỉnh với chúng mình. Anh ấy hy sinh ở Khe Sanh năm “sáu tám”... Rồi ông lại hỏi thêm chàng trai:
- Thế cháu ở xã nào?
- Dạ nhà cháu ở xã Xuân Phúc, huyện Bình Yên ạ... Thành trả lời.
Vừa nói, anh vừa đưa mấy lá thư của bố mình gửi về ngày trước, cho các chú bác xam...
Chú lính cựu vừa rôi vỗ vào vai Thành, nói:
- Ở xã Xuân Phúc, huyện Bình Yên... Nếu không có ai trùng tên, thì bố cháu là đại đội trưởng ngày trước của chú rồi!
Các ông lần lượt chuyền tay nhau, xem những lá thư đã nhuốm màu thời gian của bố anh Thành...
Mọi người rôm rả thi nhau nói:
- Đúng rồi! Đây là chữ của thủ trưởng Trung đây rồi. Ngày trước, huấn luyện quân sự, chữ anh Trung viết trên bảng đẹp lắm...
Có chú còn hỏi thêm Thành:
- Cháu có tấm ảnh nào của bố cháu hay không?
Thành trả lời:
- Dạ cháu không có ạ. Ở nhà cháu chỉ có một tấm ảnh nhỏ xíu, chụp ngày cưới của bố mẹ cháu thôi ạ; nhưng tấm ảnh ấy mờ lắm rồi, cháu không đem theo. Bố cháu ở chiến trường, nên từ khi sinh ra, cháu chưa được gặp bố lần nào...
Có chú khác động viên:
- Vậy thì chắc chắn bố cháu hy sinh ở chiến trường Quảng Trị rồi Thành ạ. Ngày ấy chú bị thương, đang nằm ở bệnh viên nghe được tin đại đội trưởng Trung hy sinh, chắc vào tháng sáu hay tháng bảy gì đó. Lâu rồi, chú không nhớ rõ nữa...
Thành xúc động thưa chuyện:
- May quá, trong chuyến đi này, cháu lại được đi cùng các chú, các bác ngày xưa là đồng đội của bố cháu. Cháu mong các chú, các bác hãy cố gắng đưa cháu đến thăm những trận địa ngày xưa, mà đơn vị đã từng chiến đấu; hay những nghĩa trang ở lân cận... Biết đâu may mắn sẽ tìm được tung tích gì của bố cháu...
- Cháu cứ yên tâm. Một chú động viên. Các chú lần này trở lại chiến trường xưa, là để ôn lại những kỷ niệm thời trẻ trung chiến đấu gian khổ mà thôi. Việc tìm kiếm tin tức của những người đồng đội hy sinh, mất tích... cũng là một việc làm tình nghĩa, mà các chú có nghĩa vụ và là sự tri ân với người hy sinh vì đất nước cháu ạ....
Ngày hôm sau, xe bon bon chạy từ thành phố Đông Hà dọc theo đường số Chín ngược lên Khe Sanh... Đi đến từng địa điểm, có những cao điểm đánh nhau ác liệt giữa ta và quân đội Mỹ ngày trước; xe dừng lại, các ông thay nhau kể lại trận đánh mà mình tham gia, để các đồng đội và những thân nhân người lính cùng nghe. Đồi núi nay đã phủ xanh của sự sống, nhưng trong lòng mọi người, ai cũng đều vô cùng xúc động.
Buổi chiều, khi các cựu chiến binh và thân nhân các gia đình liệt sĩ đang thăm quan khu bảo tồn chiến thắng Khe Sanh; thì có một ông già người dân tộc Vân Kiều đi đến chào hỏi. Ông vui vẻ hỏi thăm những vị khách bằng tiếng kinh rất lưu loát. Ông tự giới thiệu mình tên là Hồ Đăng, ngày kháng chiến, cũng là du kích, chiến đấu ở vùng này. Nay ông là già làng ở địa phương...
Một cựu chiến binh trong đoàn khách lên tiếng:
- Ôi anh Đăng! Anh có nhớ tôi không? Tôi là Dũng đây, mùa hè năm sáu tám (1968), khi ấy anh làm giao liên, đưa đơn vị tôi đánh vào quân Mỹ ở Khe Sanh...
Hồ Đăng chằm chằm nhìn vào người khách lạ, rồi ông nói:
- Mình không nhớ nổi. Mấy chục năm rồi còn gì. Mà ngày ấy thường đi với nhau khi đêm tối, chẳng nhìn rõ được nhau...
- Anh Đăng. Hồi ấy em là tiểu đội trưởng trinh sát, được anh dẫn ra vào trận địa địch mấy lần. Em vẫn nhận ra anh. Dũng đổi cách xưng hô. Ngày trước anh chỉ có khác là để tóc dài như phụ nữ thôi...
Nhìn kỹ lại, Đằng ồ lên một tiếng:
- Đúng rồi, anh Dũng đơn vị ông Hoàng Đan sư đoàn 304!
Hai người chạy lại ôm lấy nhau, trong sự vui vẻ và cảm động của những người đồng đội sau nhiều năm gặp lại...
Ông Đăng, chỉ tay về phía ngọn đồi phía trước mặt. Ông nói:
- Nhà miềng (mình) ở đằng nớ, không xa đâu. Mời các đồng đội đến thăm nhà. Nhà sàn rộng, có gì nghỉ ngơi tại nhà miềng cũng được (à mà nói như ngoài nớ là nhà tôi chứ nhỉ) ... Ông Đăng cười khà khà khà cải chính...
Ông Dũng hỏi thăm:
- Đường về nhà anh có đi được xe ô tô hay không?
Ông Đăng trả lời:
- Xe nào cũng đi vào được cả. Các đồng đội cứ cho xe chạy vào tận nhà.
Đoàn khách mời ông Đăng lên xe, để các ông đến thăm người già làng, người lính một thời chung một chiến hào.
Sau khi mọi người rửa mặt mũi tay chân xong vào nhà nghỉ ngơi, trò chuyện. Nhà ở của Già làng là một căn nhà sàn rộng rãi. Nền nhà đươc lát gạch men màu đỏ au. Chủ nhà bố trí bàn uống nước và rất nhều ghế ngồi. Chứng tỏ nhà người cựu chiến binh, đã từng đón tiếp khá nhiều khách, đến thăm vùng đất lịch sử này.
Mời mọi người uống nước, Hồ Đăng mới hỏi thăm đoàn đi xa vậy có mệt lắm không? Ông bảo nếu có ai cần nghỉ thì lên nhà, có nhiều chỗ để nằm nghỉ lắm..
Nhìn thấy đoàn khách có một số người trẻ tuổi đi theo, ông chủ nhà hỏi thăm:
- Vậy các anh chị em trẻ đi theo các đồng đội là con cháu của các bạn, hay là con em các gia đình đi tìm liệt sĩ?
Nghe nói đến đây, ông Dũng mới hỏi già làng:
- Ông Đăng ơi! Ở đây có cháu Thành là con của anh Nguyễn Quốc Trung, đại đội trưởng của tôi ngày trước. Bố cháu hy sinh năm “sáu tám”, đợt này cháu muốn đi tìm phần mộ của bố cháu...
Ông Đăng gãi đầu như để cố nhớ ra một điều gì. Rồi ông bảo:
- Nghĩa trang ở đây tôi đến nhiều lần lắm rồi. Tôi không thấy có liệt sĩ nào là Nguyễn Quốc Trung cả. Mà anh Trung là đại đội trưởng ngày ấy thì tôi không biết, tôi chỉ dẫn đường vào đêm tối, hay các anh gọi nhau là thủ trưởng nên miềng không có rõ... Hay là anh Trung hy sinh vì không biết tên, quê quán, đang nằm trong số các ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên?
Chợt nhớ ra một thông tin. Hồ Đăng lại nói tiếp:
Ở bản bên, tôi biết có một người nói tiếng miền Bắc. Ông ấy sống lang thang ở đây suốt từ trước ngày giải phóng, mấy chục năm rồi. Theo tôi, ông ấy là bộ đội giải phóng, bị mất trí nhớ; lại còn không biết cả cái tên của mình. Không biết quê quán ở đâu mà tìm về. Người khác gọi hay hỏi, ổng chỉ trả lời có hay không, có khi chỉ lắc đầu thôi. Bà con chúng tôi quen gọi ông ấy là Bắc. Bà con dân bản chúng tôi tìm thấy giữa bãi bom B 52, thấy ông ấy còn sống thoi thóp đem về, may mà sống lại được. Ông ấy đã ở suốt từ đấy, cùng với một người dân tộc Vân Kiều chúng tôi. Ông chủ nhà tên là Công, trước đây cũng là du kích, sống độc thân không vợ con, hai người đàn ông ấy sống nương tựa vào nhau.
Nghe già làng nói thế, ông Dũng sốt sắng giục mấy người đồng đội và cháu Thành cùng đi. Ông Đăng ngồi lên hàng ghế ở đầu xe chỉ đường.
Xe ô tô đi uốn lượn qua mấy vườn cây hồ tiêu, cà phê chừng mươi phút. Đến một sườn đồi dốc thoai thoải, có ngôi nhà sàn nhỏ nép sau những rặng cây sum xuê; ông Đăng bảo cho xe dừng lại. Mở cửa xe bước xuống, già bản gọi bằng tiếng kinh:
- Ông Công có nhà không? Ra mà tiếp khách.
Ông Công hỏi lại:
- Khách nào?
- Khách miền Bắc. Già làng Đăng trả lời.
Ông Công xuống cầu thang rồi lật đật đi ra cổng đón khách. Đi theo sau là một ông già, chạc tuổi ông Công. Ông Công cất tiếng chào:
- Chào già Đăng, chào các ông. Người đi theo ông Công không nói năng gì; ông chỉ ngắm nghía mọi người một cách lạ lùng.
Già Đăng lên tiếng:
- Có mấy ông ở miền Bắc về thăm lại chiến trường xưa. Các đồng chí ấy, năm Mậu Thân đã chiến đấu tại Khe Sanh mình, . Lại còn có cả cháu là con liệt sĩ đi tìm mộ của bố nó...
Trong lúc già Đăng đang nói, ông Dũng chăm chú nhìn người đàn ông đi ra cùng với chủ nhà. Ông Dũng nhận thấy ở người này vẫn còn nước da khá trắng trẻo và ánh mắt nhìn quen thuộc... Khi người đàn ông quay đi chỗ khác, ông Dũng bỗng đột ngột gọi:
- Thủ trưởng Trung!
Bất thình lình, người đàn ông (bà con địa phương gọi tên là Bắc) giật mình, quay lại nhìn ngơ ngác. Ông trố mắt nhìn, còn miệng thì ú ớ...
Ông Dũng nói với mọi người:
- Có lẽ đây là thủ trưởng Trung rồi. Để tôi lại xem, nếu đúng là anh Trung, thì anh ấy cụt mất một vành tai bên trái. Anh Trung bị mảnh pháo cắt cụt vành tai trong trận đánh ngày trước...
Đến lại gần quan sát. Dũng nhờ ông Công vén mái tóc của bạn ra. Trên mái đầu bạc trắng của người đàn ông lưu lạc, hiện ra bên tai trái bị cắt cụt mất cả vành tai...
Dũng reo lên:
- Bố Trung của cháu đây rồi Thành ơi! Anh lao đến ôm chầm người thủ trưởng cũ. Người đàn ông gầy gò, già hơn cái tuổi bảy mươi, sững sờ nhìn trân trân vào người xa lạ, đang ôm chặt thân thể mình, chẳng nói được lời nào...
Thành cũng vội vàng nhào đến. Anh chỉ gọi được một tiếng:
- Bố ơi!
Rồi anh ôm ghì lấy người bố chưa một lần biết mặt. Anh nghẹn ngào nấc lên từng hồi. Niềm hạnh phúc quá bất ngờ, nước mắt của bố con Thành chảy giàn giụa lên vai áo của nhau!...
Viết ngày 22/6/2023.
Đ Q B,
Trái tim người lính
Đỗ Quang Bình
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/di-tim-mo-bo-a19530.html