Hơi ấm rừng Chò (Tiếp theo và hết)

Được đặt ở cuối và chiếm gần một nửa độ dày của “Phong Lan Về Trời” (Phạm Việt Long - NXB Dân trí, 2020), truyện vừa “Hơi Ấm Rừng Chò” chính là “hồn cốt” của cả tập truyện (Mai Nhung).

phong-lan-ve-troi-1620412379.jpg
 

Trong khi tập trung làm nương rẫy, Đội Làng Tuyên cũng dành thời gian chỉnh trang nơi ăn chốn ở. Đội đã làm thêm một căn nhà nhỏ, dành riêng cho bốn nữ đội viên. Thú vị nhất, là theo đề xuất của Hoài, Đội đã làm một chiếc cối giã gạo hoạt động nhờ sức nước. Tuy không phải là dân kỹ thuật, nhưng Hoài cũng vận dụng những điều mình biết được qua thực tế khi còn công tác ở Tây Bắc để thiết kế một chiếc cối giã gạo tự động. Anh nhớ, đồng bào Tây Bắc có hai cách để tận dụng sức nước làm cối giã gạo: Cách thứ nhất là dùng máng dẫn nước, cách thứ hai là dùng cọn nước; cả hai đều chuyển năng lượng từ động năng của nước thành động lực nâng chày, hạ chày cho chiếc cối, khiến nó tự động giã gạo cần mẫn ngày đêm. Hoài chọn cách thứ nhất, vì nó phù hợp với nơi này - có thể dùng lồ ô nối với nhau thành một máng nước dài, dẫn nước từ con thác nhỏ phía trên bếp về. Vẽ được, nhưng “chế tác” thì phải nhờ vào những bàn tay khéo léo của Giáo và anh Bá. Chỉ với rìu, rựa, anh Bá và Giáo chặt cây, tạo hình, làm nên chiếc cối, chày đặc biệt, phần đuôi to hơn toàn thân chày, được đục thành chiếc máng gỗ lớn, hứng nước tạo động lực nâng chày. Máng dẫn nước, đơn giản hơn, được Tạo, Hiến làm chỉ trong một buổi, đã dẫn về dòng nước trong vắt, chảy ào ào vào máng cối. Khi nước đầy, chày tự động bênh lên cao, xối hết nước, rồi hạ mạnh xuống - thế là hoàn thành một nhịp giã gạo. Chị Nhơn và Hải đem thóc ra, bỏ vào cối và hồi hộp nhìn chiếc chày nâng lên, hạ xuống, tạo nên những tiếng thịch, thịch đều đều, dần dần giã giập vỏ trấu, làm lộ ra những hạt gạo với lớp cám hồng hồng. Từ đó, bên suối nước Leng có một căn chòi với chiếc cối, ngày đêm tự động giã gạo, vừa giảm công sức của mọi người, vừa làm cho không khí nơi này thêm vui.

Có hôm, ngồi bên cối gạo, Hoài hỏi chị Nhơn: “Hồi này trông chị khang khác, có chuyện gì không?”. Chị Nhơn lắc đầu: “Đâu có chuyện gì!”, nhưng lại cụp mắt, nhìn xuống bụng mình.

Hoài cũng rủ Giáo ra bờ suối tâm tình. Hoài hỏi:

- Giáo, ông có định lấy vợ không?

Giáo tỏ ra ngạc nhiên:

- Tại sao ông lại hỏi mình như vậy?

- Vì, khi ở rừng Chò, mình biết chuyện rồi!

Hoài biết, Giáo có lúc bốc đồng, nhưng vốn tính thực thà, chắc sẽ không giấu giếm chuyện mà Hoài nói tới. Quả nhiên, Giáo kể cho Hoài nghe liền một mạch chuyện của mình với chị Nhơn. Với Giáo, chị Nhơn chỉ như một đồng chí lớn tuổi hơn, đáng mến. Chưa khi nào Giáo có tình cảm luyến ái với chị. Nhưng, cái hôm ở rừng Chò, hai người đã bước sang mối quan hệ đặc biệt. Hôm ấy, xuống suối, chỉ một loáng là hai người đã bắt được đầy một túi ốc. Định đi tìm đoạn suối nào có nhiều đá với những hang nhỏ để bắt cá, thì Giáo nhìn thấy “mà” cá chình trước một hang đá lớn. Giáo bảo chị Nhơn ngồi trên bờ, còn mình cởi đồ, chỉ mặc chiếc quần lót, bơi về phía hang đá đó. Chỉ lặn hụp ba lần, Giáo đã lần ra hang có cá. Rồi, chỉ một hơi lặn, Giáo đã lôi được con cá chình to tướng ra khỏi hang. Giáo cầm con cá, vẫn bị cái móc sắt xiên qua người, tiến về phía chị Nhơn. Nước lấp lánh trên cơ thể tuy không vạm vỡ, nhưng săn chắc của Giáo. Nước làm cho chiếc quần lót dính chặt, hằn lên bộ phận nhạy cảm của đàn ông. Chị Nhơn đưa chiếc gùi cho Giáo thả cá vào rồi đột nhiên ôm chầm lấy Giáo... Thế rồi hai người dắt díu nhau lên đồi tranh. Nệm cỏ tranh êm ái đã đưa hai người vào cơn cuồng say. Xong việc, Giáo định đứng dậy, thì chị Nhơn kéo lại. Nằm trên nệm cỏ êm êm, dưới bầu trời xanh dìu dịu, hai người nghe hơi thở hào hển của nhau, rồi lại cuốn nhau vào cuộc giao hoan kéo dài và cuồng nhiệt. Đó chính là lý do làm cho hai người mãi gần tối mới đem cá, ốc về lều. Và, chị Nhơn, người đàn bà tràn đầy sinh lực, người đàn bà hoang dã, bản năng, đêm đó lại giật giật võng Giáo, rủ đi...

Hoài tỏ ra thông cảm với Giáo, nhưng thể hiện sự lo lắng cho chị Nhơn:

- Nhỡ có chuyện gì, thì chị Nhơn làm sao chịu nổi? Giáo phải có trách nhiệm với chị ấy.

Giáo ngồi lặng thinh, không nói gì. Chỉ có tiếng nước suối chảy, lúc thì róc rách reo vui, khi lại xô vào hang đá oàm oạp, nghe rờn rợn.

 

8.

Hoài, Giáo, Hải, Minh được phân công chuyển thực phẩm từ đồng bằng lên. Trong nhóm có một người mới, là Minh, một cán bộ ngoài bốn mươi tuổi, vừa từ Ban vào tham gia sản xuất.

Hồi này, lính Mỹ tăng cường dùng các loại máy bay trực thăng đánh chặn các cửa khẩu, thậm chí tấn công vào vùng căn cứ của ta. Cửa khẩu Sơn Hòa vốn an toàn, đông vui, thì nay trở thành chiến địa ác liệt, rải rác đây đó những nấm mồ đắp vội.

Bốn người đã vượt qua cái cửa khẩu chết chóc đó, lầm lũi cõng bốn gùi hàng nặng tiến dần về vùng căn cứ. Khu rừng Mồ côi đón họ bằng tiếng suối róc rách reo vui. Gọi là Mồ côi, bởi khu rừng này nằm trơ trọi giữa một vùng đồi cỏ rộng lớn. Giữa ba bề bốn bên bao lá cỏ, khu rừng này nổi lên khác thường, toàn là cây cổ thụ xanh ngăn ngắt, với hình con cá quẫy đuôi, kéo dài khoảng vài cây số, nối với con dốc Bình Minh bằng một triền đồi cũng toàn một thứ cỏ dày, mọc sát mặt đất. Qua khỏi dốc Bình Minh là rừng cây ngút ngàn, dẫn về vùng căn cứ.

Đi gần hết khu rừng Mồ côi, gặp con suối chảy từ hướng Tây xuống, mọi người hạ gùi, ngồi lên những tảng đá bằng phẳng, đón cơn gió mát rượi từ đồi cỏ thổi thốc vào. Khi đã ráo mồ hôi, cả bốn lội xuống suối vục tay, tạt nước lên mặt, hưởng trọn cái mát lành của thiên nhiên. Minh vục nước suối vào bi đông, đổ vào đó gói bột cam, lắc lắc. Loại bột này có vị chua chua, ngọt ngọt, giống nước cam, được đóng thành từng gói nhỏ, đủ pha với một bi đông nước. Minh bảo để lên đến đỉnh dốc Bình Minh sẽ cùng nhau giải khát. Thứ bột đặc biệt này là hàng quân nhu của quân đội Mỹ, được các sĩ quan người Việt tuồn ra bán lậu trên thị trường. Không hiểu bằng cách nào, Minh còn mua được cho mình cả mấy lon đồ hộp cùng với cái mở hộp bằng thép đặc biệt mà lính Mỹ được trang bị. Có vẻ rất hiểu thị trường miền Nam, Minh bảo: “Lính Mỹ được trang bị thứ gì thì thị trường Sài Gòn có đủ thứ nấy. Chỉ cần có tiền thôi. Mua lương thực, thực phẩm, chứ muốn mua cả máy bay tàu chiến cũng được. Mình không nói điêu đâu!”.

Khi Giáo bảo mọi người đứng dậy chuẩn bị vượt dốc, Hải nói: “Các anh đi trước, em ở lại tắm một lát, rồi lên sau. Cứ đợi em ở đỉnh dốc!”. Hoài dặn Hải tắm nhanh nhanh, tránh bị cảm. Tỏ ra hiểu biết về phụ nữ, Giáo thúc mọi người khẩn trương lên đường. Giáo rủ rỉ với Hoài: “Em Hải đến tháng rồi! Tội nghiệp, “hành quân” giữa những ngày trèo đèo lội suối thế này...”. Giáo bỏ lửng câu nói, vẻ mặt rầu rầu.

Hoài, Giáo, Minh cõng gùi, lặng lẽ ra khỏi khu rừng Mồ côi, đi lên đồi cỏ. Trời dịu nắng, gió phóng khoáng nâng bước ba người. Họ mạnh chân băng qua đồi cỏ, vượt lên dốc Bình Minh. Con dốc này khá cao, thẳng, nằm giữa một khu rừng non, cây cối lúp xúp. Tới đỉnh dốc, ba người hạ gùi, ngồi tựa vào các gốc cây, nhìn xuống đồi cỏ và khu rừng Mồ côi. Những cơn gió như ngựa hoang chạy lồng trên ngọn cỏ, bị chặn bởi con dốc, càng cuồng nhiệt hơn, phóng ngược lên, ào ào. Ba người phanh ngực áo đón gió. Trước tầm mắt Hoài là trời, đất mênh mông. Một vùng đồi cỏ miên man nối dài từ chân dốc Bình Minh tới vùng đồng bằng mờ xa, phủ đầy màu xanh xanh, vàng vàng của loài cỏ không rõ tên mọc sát đất, tràn đầy sức sống. Giữa vùng đồi cỏ, nổi bật lên màu xanh đậm đà hình con cá quẫy đuôi của cánh rừng Mồ côi. Giá như không có chiến tranh, được đi khắp miền Nam - Bắc, thăm thú những miền đất xanh tươi như thế này thì hạnh phúc biết bao! Hoài lim dim mắt, tận hưởng không khí mát mẻ, thoáng đãng... Mở mắt, anh thấy Hải đã bước ra khỏi khu rừng, đang cõng gùi hàng mải miết bước trên đồi cỏ. Nhìn dáng Hải đi như cúi gập trước sức nặng của gùi hàng, Hoài trào lên nỗi xót thương. Em, cũng như bao chị em ở miền Nam này, chịu đựng quá nhiều khó khăn, gian khổ.

- Thôi, chết rồi! - Tiếng thét của Giáo làm cho Hoài bứt khỏi dòng suy tư.

Không gian bị khuấy động tưởng vỡ nát ra bởi tiếng động cơ máy bay trực thăng. Hoài nhìn thấy một chiếc tàu rọ lắng nhắng bay tới triền đồi mà Hải đang đi. Trên cao, hai chiếc trực thăng chiến đấu HU1A bay sóng đôi, lùi lũi.

Chiếc tàu rọ nhỏ như một món đồ chơi, vỏ nhựa nhìn xuyên thấu, chở hai thằng Mỹ, rà sát triền đồi. Gió từ cánh quạt khiến cỏ cây ngã rạp, làm cho Hải không bước đi nổi. Hoài định nhổm người, chạy xuống với Hải, liền bị Giáo nắm áo, kéo lại. Không súng đạn, chống chọi thế nào được với lính Mỹ trên trực thăng, vũ khí đầy mình! Chiếc tàu rọ lượn tròn, xả đạn đại liên xuống. Những vết đạn tạo nên một vòng tròn quanh Hải. Hải nhổm lên, định chạy trở lại khu rừng Mồ côi. Chiếc tàu rọ lại xả súng xuống chặn đường. Hải dừng lại, nó lại xoay vòng, xả đạn. Hai thằng lính Mỹ này có vẻ có máu găng xtơ - chúng vờn con mồi cho khiếp hãi, cùng quẫn rồi mới giết! Quần lượn xả đạn một hồi, rồi chiếc tàu rọ ngóc đầu lên, bay đi. Hải tưởng đã thoát, liền cõng gùi hàng chạy nhanh về phía rừng. Nhưng, chiếc tàu rọ đã quay ngoắt lại, xả một loạt đạn. Hải gục xuống... Ba chiếc máy bay gầm gừ cuốn gói.

Hoài bỏ lại gùi, chạy xuống dốc. Vừa chạy Hoài vừa gọi thảng thốt: “Hải ơi! Em ơi!”. Giáo chạy sát phía sau. Bỗng nhiên, Hoài bị Giáo xô ngã lăn quay vào vệ dốc. Giáo cũng đã nằm sát bên Hoài. Tiếng động cơ máy bay trực thăng vang rền, mỗi lúc một gần. Hai chiếc HU1A bay dọc đồi cỏ, tiến về phía dốc Bình Minh. Một phát rốc két xé không khí, nổ chát chúa trên đỉnh dốc.

Minh cũng đã bỏ gùi, chạy kịp Hoài, Giáo. Giáo bảo: “Coi chừng, chúng đổ quân!”. Vừa dứt lời, lại một tiếng rốc két nữa nổ chát chúa trên đỉnh dốc. Súng đại liên trên máy bay vãi đạn rào rào xuống đỉnh dốc. Minh bật sang cánh rừng bên trái, chạy chéo lên núi. Hoài, Giáo cũng chạy vào cánh rừng bên trái. Hai chiếc trực thăng quần đảo trên bầu trời, liên hồi xả dạn đại liên xuống dốc Bình Minh. Những làn đạn xé không khí thuốn ào ào xuống con dốc, bắn nát những chiếc gùi hàng, hạ gục cây cối.

Chạy một đoạn, Hoài gọi Giáo: “Dừng lại thôi. Chúng không bắn nơi này!”. Giáo dừng lại, thở hổn hển: “Phải xuyên rừng mà về. Nhỡ chúng đổ quân trên đỉnh dốc!”. Hoài đứng lại, khiến Giáo cũng dừng theo. “Phải chờ xem thế nào, chưa chắc chúng đổ quân đâu!”. Nghe Hoài nói vậy, Giáo đồng tình. Hai người ẩn mình sau một cây lim, lắng nghe. Bọn trực thăng vẫn quần lượn, bắn phá. Hàng tràng đại lên nổ xé nát không khí, thỉnh thoảng xen vào tiếng rốc két nổ chát chúa. Nhưng không nghe thấy tiếng máy bay hạ cánh.

Hai chiếc trực thăng chiến đấu đã biến khỏi bầu trời. Hoàng hôn dần buông. Mặt trời ẩn sau dãy núi, hắt lên bầu trời xám một chút ráng đỏ. Một màu ảm đạm bao phủ bầu trời. Một màu tang thương lan tràn mặt đất. Hoài, Giáo ra khỏi khu rừng, thận trọng đi đến nơi Hải nằm.

Hoài thấy như có một bàn tay thép lùa qua lồng ngực, bóp trái tim mình đến quặn thắt, tưởng có thể vỡ nát ra. Ruột gan nóng rát như có muôn ngàn ngọn lửa thiêu đốt. Hải ơi! Em ơi! Hoài phủ phục bên xác Hải, lúc này vẫn còn âm ấm! Gỡ thùng hàng khỏi người Hải, Hoài ôm xác Hải lên, ghì chặt vào ngực mình. Em ơi, Hải ơi, ở lại với anh!

Giáo cũng đau đớn ngồi bên xác Hải. Một hồi sau, lấy lại tỉnh táo, Giáo bàn:

- Tranh thủ chưa tối hẳn, ta mai táng cho Hải đi!

- Không được! - Hoài quát lên!

Ở chiến trường, trong các trường hợp bị hy sinh khi địch tập kích hoặc phục kích như thế này, người ta thường mai táng liệt sĩ tại chỗ. Có trường hợp địch đổ quân, đồn trú mấy ngày, khi địch rút, xác chiến sĩ ta đã trương lên, không thể khiêng đi được, mọi người đành phủ ni lông lên, xếp đá xung quanh, rồi đổ đất lấp dần dần, tạo thành ngôi mộ nổi. Với Hải, Giáo nghĩ có thể đưa vào mai táng ở khu rừng Mồ côi. Nhưng, Hoài nhất quyết không nghe. Hoài yêu cầu Giáo cùng mình chuyển Hải về căn cứ, mai táng ở gần đồng đội. Giáo thương xót, đau đớn không kém Hoài, nhưng làm cách nào mà chuyển Hải về được? Bây giờ, còn có hai người. Minh chạy bạt vào rừng, giờ này không biết ở đâu!

Vẫn ôm xác Hải, Hoài nói với Giáo, giọng kiên quyết: “Phải đưa Hải về với anh em. Phải làm đòn, khiêng Hải!”.

Biết rằng không thể lay chuyển được Hoài, Giáo đồng ý và đi lên dốc Bình Minh thu dọn đồ đạc của ba người. Các thùng mắm, dầu đều đã bị đạn bắn vỡ nát. Chỉ còn lại tăng, võng, quần áo, cũng bị đạn xuyên lỗ chỗ. Trong ráng chiều nhập nhoạng, Giáo vội vã gói ghém đồ dùng của ba người, rồi nhanh chóng trở lại khu rừng.

Khi tình hình chưa căng thẳng như bây giờ, khu rừng Mồ côi là nơi dừng chân của mọi người trước khi lên căn cứ. Còn rải rác đây đó những chiếc cọc võng, thanh ngang mắc võng, cây tre bắc làm nóc lều... Giáo nhanh chóng kiếm được một cây lồ ô nhỏ nhưng già, chắc chắn. Hai người buộc hai đầu võng vào cây lồ ô ấy, hạ xuống đất, chuyển xác Hải vào, rồi khiêng lên, gác vào hai thanh ngang buộc võng. Họ thống nhất: Nghỉ qua đêm, rồi bốn giờ sáng dậy chuyển Hải về căn cứ.

Đêm, Giáo và Hoài mắc võng nằm hai bên, còn võng của Hải ở giữa. Hoài đau đớn nhớ tới ngày nghỉ tại rừng Chò, hai người cũng nằm ngoài canh cho Hải, Nhơn; bây giờ canh cho Hải, nhưng... em ơi, còn đâu cuộc sống! Những kỷ niệm với Hải, tuy không nhiều, nhưng để lại cho Hoài bao cảm xúc, ngọt ngào có, thương cảm có. Hồi cõng hàng ở Nước Oa, Hải rẽ vào kho cõng dầu, còn Hoài cùng ba thanh niên cõng ngô tiếp tục đi về hướng nóc Ông Chanh, hẹn gặp nhau ở sông Tranh. Tới sông, mọi người dăng tăng, mắc võng, ăn cơm và đợi mãi mà vẫn chưa thấy Hải đến. Anh em đoán Hải gặp khó khăn gì đó, chắc là ngủ lại kho. Nhưng tới khi trời nhoà tối và lất phất mưa thì mọi người ngạc nhiên thấy Hải cắm cúi cõng thùng dầu đi tới. Đúng là Hải gặp khó khăn: thùng bị thủng mấy lỗ nhỏ, dầu chảy ra, không thể cõng đi được. Xoay xở mãi tới bốn giờ chiều mới có thùng thay, song Hải vẫn nhất quyết đi cho kịp đoàn. Trong buổi tối hôm ấy, Hoài ngồi lặng nhìn Hải ăn cơm - những hạt cơm lạnh ngắt - với chút xì dầu mặn chát, cười nói vui vẻ, mà thấy lòng mình trào lên những đợt sóng yêu thương.

Rừng Mồ côi im lặng lạ thường. Chỉ có tiếng suối chảy róc rách vô tình. Gió xào xạc, đem theo cái giá lạnh của rừng đêm lùa vào võng khiến người ta rùng mình. Hoài không ngủ, nằm lặng bên cạnh võng Hải, nhớ đến hơi thở của em nhè nhẹ, nồng ấm khi nghỉ nơi rừng Chò, mà bây giờ, sao lặng im và lạnh lẽo quá. Em ơi, bao kỷ niệm sống dậy trong anh! Tấm vải mưa bị rách mà em vá lại cho anh, vẫn còn đây, nhưng bị đạn Mỹ xuyên thủng thêm mấy lỗ rồi. Tấm áo mà em đơm cho anh chiếc cúc khác kiểu, anh đang mặc đây. Tấm áo mang hơi ấm bàn tay em, đang sưởi ấm cho anh. Tờ báo, Tạp chí có bài viết của anh, em giữ làm kỷ niệm, em để lại Đội, đang chờ em đấy!

Từ sớm tinh mơ, Giáo, Hoài đã khiêng Hải đi. Qua dốc Bình Minh, trời mới nhờ nhờ sáng. Đỉnh dốc ghi đầy dấu tích trận oanh tạc của máy bay Mỹ, cây cối trúng đạn đổ gục hàng loạt, nát nhừ, đất đai bị đạn cày xới lở loét. Giáo bảo, cũng may mà bọn địch không đổ quân, chứ nếu chúng đóng quân trên đồi này mấy ngày thì không thể nào chuyển Hải về được.

... Cắn răng, lần bước, Hoài, Giáo tiến dần về căn cứ. Chỉ cần vượt qua một con dốc là đã về gần đội sản xuất, đường dễ đi rồi. Thật không may, khi lên đến đỉnh dốc, Giáo bị trượt chân. Gắng gượng lắm, hai người mới khỏi ngã. Nhưng, chân Giáo đau đớn, không thể khiêng nặng được nữa. Đặt võng Hải ghếch một đầu lên rễ cây chò, một đầu gác vào tảng đá lớn, hai người ngồi nghỉ mà lo lắng. Hoài ngồi bóp bóp chân Giáo, thấy nó đang sưng lên, liền lấy khăn thấm nước tiểu đắp vào. Hoài nghe loáng thoáng anh em bảo nhau cách chữa đau chân theo phương pháp dân gian như vậy thì làm thử, chẳng biết có công hiệu không.

Giáo đứng lên đi thử, nhưng chỉ khập khiễng bước, không có khả năng đi bình thường chứ nói gì đến chuyện khiêng vác nặng.

Ngồi lặng bên Hải, Hoài nói với Giáo:

- Bây giờ, tôi sẽ cõng Hải về rừng Chò. Giáo cố chống gậy về Đội, bảo anh em ra đó mai táng Hải!

Giáo nhìn Hoài, ái ngại. Giáo nghe đồn rằng, khi chết, con người trở nên rất nặng, cho nên cõng một xác chết, sẽ nặng gấp mấy cõng người sống, làm sao mà Hoài đủ sức! Nhưng, biết tính Hoài rất cương quyết, Giáo đành nghe theo. Anh nhắc cho Hoài nhớ đường đi gần nhất, dễ nhất tới rừng Chò, rồi cùng Hoài chuẩn bị phương tiện cõng Hải. Giáo lấy một chiếc võng dù cùng với mấy cái ruột tượng, dây võng tạo thành một chiếc địu lớn. Nhìn vẻ mặt đau đớn và cương nghị của Hoài, Giáo hiểu rằng con người này sẽ đủ sức mạnh để vượt qua mọi thử thách. Anh hô: “Nào, ta nhấc Hải lên!”.

Không biết do tình người ấm áp luôn luôn sưởi ấm cho Hải hay do trời thương mà xác Hải vẫn mềm như người còn sống. Hai người đỡ Hải khỏi cáng, đặt lên chiếc địu. Hoài ngồi xuống áp với xác Hải. Giáo cầm hai tay Hải đặt qua vai, thòng trước ngực Hoài. Chiếc địu được kéo lên, buộc lại, áp chặt Hải vào lưng Hoài. Hoài rùng mình, cảm thấy một luồng điện chạy rần rật sau lưng. Em ơi, lúc này em vẫn sống mãnh liệt trong anh... Hoài chống gậy, từ từ nhổm dậy. Giáo ngạc nhiên thấy Hoài đứng lên rất nhẹ nhàng và bước đi cũng nhẹ nhàng như vậy. Nhìn theo Hoài địu Hải đi từng bước vững chắc xuống dốc, tới khi Hoài tạt sang con đường mòn nhỏ phía bên phải, Giáo mới chống gậy đi theo con đường trước mặt, lần bước về Đội để huy động anh em ra rừng Chò.

***

Đến tối, nơi an nghỉ cuối cùng của Hải đã được hoàn tất. Trên nấm mồ mới đắp, Hoài phủ lên tấm vải mưa của mình, vật kỷ niệm nồng ấm với Hải mà anh đem theo suốt thời gian qua. Đầu ngôi mộ, đặt ngay ngắn một khúc gỗ chò, khắc đậm dòng chữ: Kiều Thị Hải, 1950 - 1970.

Anh chị em trong Đội đều tới rừng Chò tiễn đưa Hải. Minh đến bên Hoài, mà anh không nhận ra. Đó là một người đàn ông tóc bạc trắng, da mặt nhăn nheo! Minh phải tự xưng tên mình, rồi nói với Hoài: “Tôi hèn nhát quá. Hôm ấy, tôi cầm bi đông nước trong tay rồi chạy bán sống bán chết trong rừng. Chạy trong luồng đạn từ máy bay xả xuống, vượt qua sông, núi, về tới Đội lúc nào không hay. Tới nơi, tôi mới biết chiếc bi đông bị đạn xuyên thủng, không còn một giọt nước, tóc tôi thì bạc trắng như thế này đây! Tôi hèn nhát quá!”. Trong ánh lửa bập bùng của những bó đuốc lồ ô mà anh chị em Đội sản xuất đốt lên quanh mộ Hải, Hoài động viên Minh: “Thôi, đừng tự trách mình nữa! Ta hãy sống xứng đáng với Hải!”.

Rừng Chò hôm nay lặng gió lạ thường. Ánh đuốc bập bùng. Hương chò thoang thoảng. Tiếng người râm ran. Tất cả hòa quện vào nhau, tỏa ra hơi ấm nồng nàn.

***

Chiều hôm ấy, Hoài một mình lặng lẽ đi về phía rừng Chò. Khu rừng đã trở nên thân thiết đối với anh, bởi ở đó, có Hải đang yên giấc. Rừng Chò tỏa bóng che chở cho Hải. Tới với rừng Chò, Hoài cảm thấy có hơi ấm xua đi nỗi đau băng giá trong anh.

Hoài ngồi như tượng đá bên mộ Hải. Bao nhiêu kỷ niệm dồn về, sống động trong anh. Chính tại khu rừng này đây, bốn anh em dăng tăng, mắc võng, trao cho nhau những câu chuyện ấm tình đồng chí. Em kể lại chuyện có hôm phải đi một mình suốt hai ngày đêm trong rừng, tay không vũ khí, chỉ sợ bị hổ vồ. Em ơi, rừng Trường Sơn âm u là thế, lũ cọp beo không làm hại em; nhưng giữa đồi cỏ bao la và bầu trời hiền hòa, bọn giặc ngoại xâm lại đến cướp cuộc sống của em! Em ơi, anh đau đớn biết bao khi thấy bọn giặc hung ác tước đoạt cuộc sống của em ngay trước mắt mình mà bất lực, không cứu được em! Em ơi, con sóc nhỏ của chúng ta buồn biết mấy khi về thăm chúng ta, nhưng không được gặp em! À, bây giờ con sóc đã có bạn rồi, chúng đã có đôi, còn anh lại mất em!

Hoài vẫn cứ ngồi lặng thầm như vậy, cho tới khi nghe tiếng nói sau lưng: “Hoài ơi, bọn mình muốn nói chuyện với Hoài!”, Hoài mới đứng lên, lặng lẽ quay lại. Trước mắt anh là Giáo và Nhơn. Ba người ngồi xuống bên mộ Hải. Giáo ngập ngừng một lúc, rồi nói: “Mình... mình và Nhơn muốn nhờ Hoài cùng về gặp anh Bá!”. Nói tới đó, Giáo lại im. Nhơn tiếp lời: “Có cả em Hải đây, tôi muốn nói với Hoài, là anh Giáo đã nói sẽ lấy tôi!”. Giáo nói một cách chắc chắn: “Trước Hoài và Hải, tôi nói là tôi và Nhơn sẽ lấy nhau! Tôi nhờ Hoài cùng về để báo cáo chính thức với anh Bá, với Đội, chuyện của chúng tôi!”.

Giáo đã cùng anh Bá xây dựng đội sản xuất này ngay từ những ngày đầu thành lập, cùng nhau cắn răng chịu thiếu thốn, vất vả, lao động quần quật từ sớm đến tối, gắn bó biết bao nhiêu. Giáo hiểu anh Bá, một người giàu tình cảm và sống rất chuẩn mực. Anh Bá cùng vợ thoát ly gia đình, lên căn cứ tham gia kháng chiến đã năm năm. Hai vợ chồng anh được cơ quan quý mến, bởi họ chung tình với nhau và sống đầy trách nhiệm với công việc, đầy tình nghĩa với đồng chí. Chị Tám, vợ anh Bá, làm chị nuôi, chẳng quản mệt nhọc lần mò bắt từng con ốc, hái từng cọng rau về làm bữa cho anh chị em. Chị bị trận sốt rét ác tính quật ngã, hồng cầu chỉ còn hơn một triệu rưỡi đơn vị, chỉ bằng một phần ba mức bình thường, tưởng không qua khỏi. Anh Bá đã truyền máu của mình cho vợ, chăm nom chị đến kiệt sức mình. Sức mạnh của tình vợ chồng đã giúp chị Tám có thêm năng lượng, chiến thắng thần chết. Bây giờ, anh Bá ở khu sản xuất, chị Tám vẫn làm việc tại Ban, hai người phải chịu cảnh ngưu lang chức nữ, cả năm mới gặp nhau một lần. Khi thấy Giáo có những cư xử khác thường với Nhơn, anh Bá sinh nghi, nhưng vốn tính ôn hòa, anh chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, chủ yếu là chỉ cho Giáo thấy trách nhiệm của mình đối với người phụ nữ, không thể vì sự vui thú của mình mà làm hại đời người ta. Chính sự nhẹ nhàng của anh, lại khiến Giáo hết sức nể sợ, không dám tự mình đến gặp anh, bộc bạch chuyện riêng tư. Cảm nhận sự thông cảm của Hoài đối với mình và lại biết rằng anh Bá có sự quan tâm đặc biệt đến Hoài, cho nên Giáo tìm đến Hoài như một cứu cánh.

Ngay trong buổi tối hôm ấy, Hoài và Giáo gặp riêng anh Bá. Giáo cứ tưởng là chuyện vợ chồng nói ra với anh Bá lúc này sẽ căng thẳng lắm. Cuộc chiến tranh đang tới hồi ác liệt. Đội sản xuất ngày một gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn để cung cấp lương thực cho Ban. Chuyện riêng tư lúc này có thể ảnh hưởng tới nhịp sống, lao động chung. Thế nhưng, anh Bá không hề làm căng, cũng không hề tỏ ra ngạc nhiên. Anh cười hồn hậu: “Mình đang chờ Giáo nói chuyện này. Mình mừng cho hai đồng chí. Hai đồng chí xem, có thể tổ chức cưới sớm. Và mình sẽ phân công người phụ giúp đồng chí Nhơn, để Nhơn bớt việc, khỏi ảnh hưởng tới cháu bé...”. Giáo toát mồ hôi hột. Người bí thư Chi bộ, đội trưởng sản xuất này biết mọi chuyện rồi, ngay cả chuyện cái thai đang lớn dần trong Nhơn! Trời ơi, Giáo hạnh phúc biết mấy khi được sống giữa những người đồng chí thân thương như thế này. Anh Bá, tính tình sởi lởi, bận rộn bao nhiêu với việc sản xuất, chăm lo cho toàn thể anh em trong Đội, lại còn một lòng vun đắp hạnh phúc cho Giáo và Nhơn. Hoài, người thanh niên Hà Nội, có một tình yêu thầm kín nhưng mãnh liệt, trong sáng; tình yêu ấy âm thầm tiếp lửa cho anh. Giáo bỗng cảm thấy yêu Nhơn vô cùng và tự hứa với lòng mình sẽ cùng Nhơn vượt qua mọi thử thách, vun đắp hạnh phúc ngay cả khi chiến tranh muốn cướp đi cuộc sống bình thường của con người.

Anh Bá quay sang nói với Hoài:

- Ban rất khen Đội mình. Lương thực cung cấp ra cho Ban rất đầy đủ. Tình hình chiến trường đang tiến triển tốt. Cần người phản ánh kịp thời phong trào đấu tranh và nổi dậy của quân dân ta, Ban điều Hoài về để đi Quảng Đà.

Anh Bá tiếp lời:

- Còn một tin vui nữa: Đảng Ủy vừa họp, đã có quyết định kết nạp đồng chí vào Đảng!

Hoài vừa ngỡ ngàng, vừa vui sướng, lại vừa ngậm ngùi. Thế là nguyện vọng trở thành một Đảng viên, ước muốn được đi tuyến trước, sống cùng đồng bào trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc để viết nên những bài báo, những tác phẩm văn chương, đã đến lúc trở thành hiện thực. Nhưng, sẽ phải xa em, xa rừng Chò ấm áp, thân thương...

Hà Nội, 02/12/2020

 

 

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hoi-am-rung-cho-tiep-theo-va-het-a1968.html