Biết là ngày toàn thắng đang đến gần nhưng trong số chúng tôi, ai sẽ là những người tiếp theo ngã xuống như Thuất, như Đồng (?!). Ai sẽ là người may mắn còn lại sau cuộc chiến? Điều ấy không phải hoàn toàn không ai nghĩ đến. Cũng có những phút giây giữa hai trận đánh, suy nghĩ ấy chợt loé lên trong đầu mỗi người. Nhưng tất cả chỉ trong khoảnh khắc rồi nó nhanh chóng tan biến đi nhường lại là hào khí của chiến dịch và quyết tâm chiến đấu trong trận cuối cùng... Nét tâm lý ấy hoàn toàn có lý và cũng dễ cắt nghĩa. Bởi sau bao năm chiến đấu, trải qua bão đạn mưa bom, mất mát hy sinh đến vô cùng ấy, ai cũng có một khát vọng rằng ngày toàn thắng, may ra mình còn sống sót để trở về...
...Từ trận địa nơi chúng tôi phục kích, nhìn về hướng Bắc và Đông Bắc khoảng 30 dặm, tiếng bom pháo xen lẫn tiếng chiến đấu cơ gào rít và những cột khói đen khổng lồ, từ phi cảng Tân Sơn Nhất và tổng kho Long Bình cuộn lên. Phía ấy, chiến sự đang diễn ra vô cùng ác liệt. Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất. Máu của chiến sỹ ta cứ từng giờ từng phút đổ xuống. Đặc biệt là tại ngã ba Xuân Lộc (Long Khánh), nơi có hàng trăm đồng đội chúng ta đã và đang ngã xuống trước giờ toàn thắng...
... Ngày 25 tháng Tư, trận đánh phục kích bọn địch sư 23 nguỵ âm mưu giải toả căn cứ Lương Hoà bị ta bao vây, diễn ra.
Nơi chúng tôi phục kích gần lộ 21 nối Chi khu Bến Lức đến căn cứ Lương Hoà, bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, tỉnh Long An, cách Sài Gòn khoảng 30 cây số . Đã 2 ngày nằm chờ nhưng bọn địch không dám mò ra. Chúng co cụm, cố thủ trong mấy ruộng mía của dân. Có những tên liều lĩnh lấy mũ sắt tát cá ở con kinh nhỏ cách chúng tôi chừng 300 mét. Tôi và Chu Văn Lương cùng một công sự. Tôi B40; Lương trung liên. Phía trái chếch ra sau chừng 50 mét là công sự của Vũ Duy Tòng và Nguyễn Văn Từ, trung đội phó (Quảng Xương, Thanh Hoá). Phía sau nữa là cối 60 và 82 ly.
Chừng 8 giờ, trong mấy ruộng mía, bọn địch vẫn la ó, đi lại, nấu nướng gì đó... vì khói toả lên. Tôi nhìn thấy Lương vừa đứng dưới hầm cảnh giới, vừa ngủ gật, liền bảo: "Thôi, cậu xuống hầm ngủ một lúc đi, lát nữa tớ gọi thay gác" (ở chiến trường lúc chờ địch vào là lúc thần kinh cực kỳ căng thẳng do bị ức chế, nên ai cũng buồn ngủ). Hơn 9 giờ, tôi cũng bắt đầu thấy hai mắt díp lại, nặng trĩu. Biết rằng, chỉ cần một lúc nữa là tôi sẽ ngủ quên. Cúi xuống hầm, tôi gọi Lương dậy thay gác cho mình. Lương dụi mắt, đứng dậy thay tôi. Trước khi chui xuống, tôi còn dặn với: "Phải hết sức cảnh giác, hôm nay không chừng chúng nống ra. Ngủ quên là chết đó!"
Tôi ngồi dựa ngay lưng vào thành công sự. Cơn ngủ kéo đến tự lúc nào...
... Ầ...m... Một tiếng nổ rung chuyển căn hầm. Mùi khói đạn phả vào nồng nặc. Tiếp theo, nhiều tiếng nổ khác cùng tiếng AK lẫn AR15 dồn dập. Tôi chụp vội B40 định đứng dậy siết cò nhưng chợt nghĩ nhanh: "Đứng dậy lúc này có thể bị ăn đạn!" Tôi rút vội quả lựu đạn "da láng" của Mỹ, rút chốt, thảy qua cửa công sự về phía trước. Lựu đạn nổ. Tôi bật dậy chụp vội B40, nhắm hướng địch siết cò. Quả đạn lao đi. Lương cũng xả trung liên vào bọn địch tháo chạy phía trước. Tôi xoay tay, đẩy quả đạn thứ hai vào nòng, nhảy lên công sự nhắm tốp địch đang chạy thục mạng vào phía rặng trâm bầu, kéo cò. Quầng lửa da cam và khói quen thuộc trùm lên che khuất tốp lính. Tôi lắp tiếp quả thứ ba, lấy góc bắn 45 độ nhắm vào hướng bọn địch đang tháo chạy trở lại. Viên đạn lao vút đi, tiếng nổ nghe rất xa. Lúc này bắn chỉ để uy hiếp, vì bọn tàn quân đã tháo chạy vào gần ruộng mía. Đang mải nhìn về phía bọn lính, bỗng "đoành..." một tiếng nổ lớn rất gần, tiếp theo là bùn và cỏ bàng (cói) bắn vào người tôi. Tôi chẳng hiểu mô tê gì cả. Mãi sau mới biết, đó là tiếng nổ của quả cối 60 ly (cối tép), đo khẩu đội Nguyễn Viết Kỷ và Nguyễn Văn Tý bắn lên. Vì lún bàn đế nên quả đạn bị rút tầm, rơi nổ cách chỗ tôi chừng 4-5 mét chếch phía tay phải. May mà đạn rơi xuống bưng nếu không, tôi đã "anh dũng hy sinh" vì nó. Sau trận ấy, Kỷ kể lại rằng, khi bắn lên do không lắp liều phụ nên trông rất rõ đường đi của viên đạn. Bởi vậy, khi thấy viên đạn cối rơi gần ngay chỗ tôi đứng, Kỷ và Tý cố sức la hét để tôi có thể nghe thấy. Nhưng vì tôi vừa bắn ba quả B40, tai đang ù đặc; vả lại lại lúc ấy tiếng súng các loại còn rền vang nên tôi không thể nghe được tiếng la của Kỷ và Tý để tránh!
Khói tan... Bây giờ, tôi mới kịp nhìn xuống dưới chân mình. Khúc cẳng chân của một tên lính nguỵ bị cắt cụt từ đầu gối còn mang giày trận và dính cả ống quần hất lên công sự tôi do hơi B40. Phía trước chừng ba mét, năm cái xác đen đúa đè lên nhau. Cách đó vài mét, có hai xác nữa. Mấy khẩu AR15 văng ra, có khẩu gẫy nát.
Thì ra, lúc tôi chợp mắt, Lương thay gác, đã ngủ quên. Bọn địch mò vào ngay chân công sự mà Lương không hề hay biết. Chỉ cần vài bước nữa là chúng sẽ phát hiện được hầm chúng tôi. Chắc chắn chúng tôi sẽ được "ăn đủ” lựu đạn. May mà chỗ ấy rất bất ngờ với địch. Hơn nữa, chúng tôi nguỵ trang rất khéo nên chúng chưa kịp phát hiện. Nhưng khả năng nhiều hơn theo nhận định của tôi là bọn lính sư 22 nguỵ quen tác chiến ở vùng núi, khi tháo chạy về đồng bằng, chúng không có kinh nghiệm. Tiếng nổ ấy là quả B40 của Vũ Duy Tòng bắn đến để giải nguy cho tôi và Lương. Sau trận ấy, Tòng cho biết, lúc thấy địch vào cứ tưởng chúng tôi đã biết nhưng còn chờ cho vào gần mới nổ súng. Đến lúc chúng vào sát chân công sự rồi, vẫn không thấy động tĩnh gì, Tòng nghĩ là chúng tôi ngủ quên nên đã vội giáng quả đạn ấy tiêu diệt tốp lính, cứu chúng tôi. Cậu ta cho biết rất có thể sức nóng và sức ép của đạn sẽ làm chúng tôi bị thương, nhưng không còn cách nào khác. Quả B40 định mệnh ấy đã kết liễu 7 tên lính của sư đoàn 23 nguỵ, cứu sống tôi và Chu Văn Lương.
(Còn tiếp)
Trái tim người lính
CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-chien-tranh-vao-tran-p54-a19694.html