Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ tài tử, nghệ nhân, góp phần tích cực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng nông thôn mới
Chất lượng phong trào Đờn ca tài tử được nâng cao
Trong những năm qua, Sở Văn hoá và Thể thao, Trung tâm Văn hoá tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thành phố đã xây dựng, kiện toàn các mô hình đờn ca tài tử theo hệ thống mạng lưới từ huyện đến xã và ấp; sưu tầm, phân loại, hệ thống hóa, hiệu chỉnh và nhân bản các bài bản về nghệ thuật đờn ca tài tử, xây dựng cơ sở dữ liệu về nghệ thuật Đờn ca tài tử, mở lớp truyền dạy đờn ca tài tử từ căn bản đến nâng cao các loại nhạc cụ, hướng dẫn lý thuyết, thực hành các bài bản tổ: 3 thể điệu nam, 6 thể điệu bắc, 4 thể điệu oán, 7 thể điệu bắc lễ. Tổ chức 02 Hội thi đờn ca tài tử cấp tỉnh và 06 hội thi cấp huyện, Cuộc thi sáng tác lời mới 20 bản tổ “Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Kiên Giang năm 2020” với 180 tác phẩm dự thi của các tác giả trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình Kiên Giang đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục quảng bá Đờn ca tài tử nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân trong việc tham gia bảo tồn và phát huy giá trị Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh với 15 chương trình đờn ca tài tử “Ấm mãi lửa đam mê” giới thiệu thể điệu của 20 Bản Tổ, các tài tử tiêu biểu, hoạt động của các Câu lạc bộ đờn ca tài tử, giới thiệu bản gốc “Dây đờn Rạch Giá”, giới thiệu các Nghệ nhân ưu tú, những tài tử đờn, ca có nhiều năm gắn bó với đờn ca tài tử,…
Các địa phương cũng đã đa dạng hoá hình thức truyền thông thông qua các cuộc hội nghị, đoàn viên công đoàn trong cơ quan; lồng ghép vào các cuộc họp chi tổ hội, Tổ nhân dân tự quản; treo băng rôn, pano tuyên truyền; cấp phát tờ rơi, đĩa CD cho các Câu lạc bộ, công chức phụ trách văn hóa các xã; mở chuyên mục tuyên truyền trên báo, đài...đến đông đảo quần chúng nhân dân để mọi người hiểu về giá trị của nghệ thuật dờn ca tài tử. Định kỳ 2,5 năm một lần Sở Văn hóa và Thể thao lập danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú có nhiều đóng góp trong phong trào Đờn ca tài tử của địa phương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phong tặng. Đến nay toàn tỉnh có 5 nghệ nhân ưu tú, trong đó có 3 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực đờn ca tài tử, gần 100 CLB với trên 1.500 hội viên tham gia.
Các huyện, thành phố làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng đối với những người đóng góp cho công tác bảo tồn phát huy Đờn ca tài tử là huyện An Biên với 38 cá nhân là nghệ nhân đờn ca tài tử được biểu dương khen thưởng cấp huyện. Thành phố Hà Tiên có 02 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương có thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Đờn ca tài tử. Ngoài ra còn nhiều tập thể, cá nhân trong tỉnh được khen thưởng, biểu dương kịp thời.
Các hoạt động đờn ca tài tử đi vào hoạt động nề nếp, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ngày càng được nâng lên, từng bước nâng cao chất lượng phong trào Đờn ca tài tử của địa phương, số lượng, chất lượng các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ngày càng nâng cao. Các tài tử đờn, tài tử ca ca biết thực hành các bài bản tổ, biết phân biệt giữa các bài bản tài tử và bài bản cải lương rành mạch hơn, biết phân biệt sự khác nhau giữa các làn điệu, các hơi tài tử, từ đó phát hiện thêm nhiều nhân tố mới có năng khiếu về đờn ca tài tử.
Các huyện, thành phố đã thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Văn hoá và Thể thao trong việc ban hành Kế hoạch riêng về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn và củng cố kiện toàn các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ở các xã, phường, thị trấn gắn với xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Một số Câu lạc bộ Đờn ca tài tử được trang bị âm thanh nhạc cụ, tập huấn nghiệp vụ đờn, ca và đổi mới phương thức họat động của Câu lạc bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân giao lưu, học hỏi, trao đổi nghề nghiệp từng bước nâng cao chất lượng và phát triển mạnh mẽ phong trào Đờn ca tài tử ở các địa phương phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật
Thực hiện “Đề án bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ giai đoạn 2021-2025”, Ngành văn hoá và thể thao tỉnh sẽ chú trọng nâng cao chất lượng và số lượng các Câu lạc bộ, nghệ nhân Đờn ca tài tử. Đẩy mạnh các mặt truyền dạy, sáng tác, thực hành Đờn ca tài tử, xây dựng môi trường tốt cho hoạt động Đờn ca tài tử thông qua các hình thức liên hoan, hội thi, hội diễn. Huy động các nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng phong trào nhằm quảng bá Đờn ca tài tử.
Đồng thời, các cấp các ngành cần phối hợp chặt chẽ trong việc bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Đờn ca tài tử, xây dựng phong trào Đờn ca tài tử, nâng cao chất lượng hoạt động của các Câu lạc bộ và kết nối các Câu lạc bộ trong các hoạt động chung. Tổ chức định kỳ các hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu, quảng bá Đờn ca tài tử ở các cấp để tạo không gian và môi trường thuận lợi cho việc thực hành Đờn ca tài tử, có chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân và Câu lạc bộ Đờn ca tài tử.
Cùng với đó lồng ghép các hoạt động Đờn ca tài tử trong sinh hoạt của cộng đồng khu dân cư, trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa hình thức, phương tiện và nội dung tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân về giá trị, ý nghĩa, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của Đờn ca tài tử; kiểm kê, sưu tầm và hệ thống hóa các bài bản Đờn ca tài tử để phục vụ công tác truyền dạy, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng cơ sở dữ liệu cho loại hình Đờn ca tài tử ở Kiên Giang; nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các loại sách, đĩa DVD, tài liệu tham khảo về Đờn ca tài tử.
Kiện toàn bộ máy tổ chức các Câu lạc bộ từ tỉnh xuống cơ sở, quy tụ những nghệ nhân có tâm huyết, có kiến thức về âm nhạc tài tử. Khuyến khích phát triển thêm các Câu lạc bộ, đội, nhóm, gia đình tài tử ở các địa phương. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức và trình độ kỹ năng chuyên môn về Đờn ca tài tử cho Ban Chủ nhiệm và thành viên các Câu lạc bộ. Tập huấn nghiệp vụ quản lý các Câu lạc bộ cho đội ngũ cán bộ văn hóa từ cấp huyện đến xã, mở lớp truyền dạy kiến thức cơ bản về Đờn ca tài tử cho đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên để kịp thời phát hiện và có kế hoạch chăm bồi tài năng Đờn ca tài tử tại các địa phương.
Tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới về Đờn ca tài tử, mở lớp bồi dưỡng kỹ năng sáng tác cho các soạn giả trẻ, chuyên và không chuyên; đưa đờn ca tài tử vào sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa cơ sở như Trung tâm Văn hóa xã, phường, thị trấn, Nhà Văn hóa ấp, khu phố. Tạo môi trường thuận lợi, thân thiện để thực hành Đờn ca tài tử trong cộng đồng góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Triển khai thực hiện tốt Nghị định số 02/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, hỗ trợ tài chính và định mức hỗ trợ đối với nghệ nhân thuộc các loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại trong đó có nghệ thuật Đòn ca tài tử. Hỗ trợ về trang thiết bị âm thanh nhạc cụ cho các câu lạc bộ đờn ca tài tử,... nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực Đờn ca tài tử.
Trương Anh Sáng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-don-ca-tai-tu-lam-phong-phu-doi-song-van-hoa-tinh-than-cua-nhan-dan-a1976.html