Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 9)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc cuốn sách “Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu” của PGSTS Cao Văn Liên, do NXB Thanh Niên ấn hành.

Kỳ 9

CHƯƠNG II

KHỞI NGHĨA NÔNG DÂN VÀ CHIẾN    TRANH  NÔNG DÂN TÂY  SƠN  THẾ KỶ XVIII

KHỞI NGHĨA NÔNG DÂN THẾ KỶ XVI, XVII, XVIII:   Những nhiệm vụ cấp thiết của lịch sử Việt Nam khi đó là phải lật đổ chế độ phong kiến,  đưa Việt Nam sang một hình thái kinh tế xã hội cao hơn: Hình thái kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa, mở đường cho xã hội Việt Nam phát triển. Tức là xã hội Việt Nam khi đó cần có một cuộc cách mạng dân chủ tư sản, lật đổ chế độ phong kiến, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, mang lại ruộng đất cho nông dân, quyền dân chủ cho nhân dân.

Bi kịch của lịch sử ở chỗ làViệt Nam khi đó chưa có những tiền đề kinh tế, xã hội,  tư tưởng cho một cuộc cách mạng tư sản do chính sách ức thương của nhà cầm quyền phong kiến. Giai cấp tư sản Việt Nam chưa ra đời để lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc cách mạng tư sản. Vì thế giai cấp nông dân,  để cứu mình, cứu nước đã đứng dậy tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt chống chế độ phong kiến nhằm giải quyết những  nhiệm vụ mà lịch sử đang đặt ra cho giai cấp, cho dân tộc trong thời đại đó.

  Ở một quốc gia nông nghiệp như Việt nam thì nông dân chiếm đa số,  tới 90% dân số, họ là lực lượng sản xuất chính ra của cải vật chất cho xã hội. Giai cấp phong kiến cầm quyền thống trị áp bức, bóc lột chủ yếu là áp bức bóc lột nông dân. Cho nên mâu thuẫn giữa nông dân với giai cấp quí tộc phong kiến, với nhà nước phong kiến là mâu thuẫn cơ bản, bao trùm toàn bộ xã hội. Khi các triều đại vừa mới thành lập, các vua ông,  vua cha còn biết ‘Khoan thứ sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ “thì mâu thuẫn giữa hai giai cấp này còn tạm thời chưa gay gắt. Nhưng thế kỷ XVI, XVII, XVIII chế độ phong kiến đã tha hoá, các vua con, vua cháu, các quan con, quan cháu quên lời dặn dò, quên những kinh nghiệm lịch sử quí báu của ông cha, chỉ biết tăng cường áp bức bóc lột nông dân để có nhiều tiền ăn chơi sa đoạ thì nông dân là ngườì chịu hậu quả nặng nề nhất của một chế độ tha hoá, thối nát. Từ thế kỷ XVI, XVII nông dân đã bị cướp đoạt ruộng đất. Sang thế kỷ XVIII hầu hết ruộng đất trong nước đều nằm trong tay giai cấp địa chủ phong kiến. Nông dân còn phải chịu nộp hàng trăm thứ thuế phi lý, nặng nề, quanh năm không bao giờ đủ thóc và tiền để nộp thuế. Chính quyền không chăm lo bảo vệ tôn tạo đê điều, do đó nạn vỡ đê lụt lội xẩy ra thường xuyên, sản xuất bị tàn phá dẫn đến nạn mất mùa đói kém liên tục suốt các thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Nạn đói năm 1740 nhiều địa phương chết 9/10 dân số, một mẫu ruộng không đổi được một cái bánh đa, 100 đồng tìên không đổi được một bữa ăn. Nông dân phải bỏ nhà cửa, quê hương tha phương cầu thực.  Ở Đàng Ngoài vào các thế kỷ này có 527 xã cư dân phiêu bạt hết. Năm 1741 con số này lên đến 3.691 xã[1]. Trong khi đó,  tầng lớp cầm quyền coi tiền bạc như cỏ rác, coi mạng người như chó ngựa. Hàng chục vạn nông dân phơi xác ngoài chiến trường bởi các cuộc chiến tranh Nam-Bắc triều, chiến tranh Trịnh-Nguyễn. Hàng vạn nông dân còn phơi xác trên con đường đói khát, tha phương cầu thực.  Số còn lại bị áp bức bóc lột, bị hành hạ gần như nô lệ bởi một bộ máy bạo lực khổng lồ, bởi tầng lớp cầm quyền hoàn toàn vô nhân tính. Mâu thuẫn giữa nông dân với phong kiến vào thế kỷ XVI, XVII, XVIII đã bị đẩy đến mức độ gay gắt nhất trong lịch sử xã hội Việt Nam. Vì vậy các thế kỷ này nông dân đã vùng dậy khởi nghĩa với một khí thế quật khởi rung trời chuyển đất, với mục đích lật nhào chế độ bất công tham lam tàn ác.

Màn dạo đầu của khởi nghĩa nông dân và chiến tranh nông dân bắt đầu từ thế kỷ XVI. Năm 1511 bùng nổ cuộc khởi nghĩa do Trần Tuân lãnh đạo từ vùng Tây Bắc lan khắp các vùng Phú Thọ, Phúc Yên. Quân khởi nghĩa có lần uy hiếp cả kinh thành Thăng Long. Năm 1512 khởi nghĩa của Lê Hi, Trình Hưng, Lê Minh Triết lan khắp vùng Nghệ An, Thanh Hoá. Tiếp đó quân khởi nghĩa do Phùng Chương lãnh đạo đã làm rung động khắp một vùng Sơn Tây, Vĩnh Phúc.  Đặng Hân, Lê Cát bạo động chiếm giữ Thanh Hoá. Trần Công Minh làm mưa làm gió vùng Phú Thọ. Trần Cao hùng cứ một vùng Đông Triều,  Quảng Ninh. Năm 1521, từ Quảng Ninh nghĩa quân đã ba lần tấn công kinh thành Thăng Long khiến nhà Lê phải chạy về Tây Đô Thanh Hoá. Từ năm 1522 phong trào nông dân Đàng Ngoài bị nhà nước phong kiến đàn áp thẳng tay nên tạm thời lắng xuống,  nhưng ngọn lửa căm thù chế độ vẫn đang âm ỉ, sấm chớp vẫn đang tích tụ sẵn sàng tạo nên những cơn bão táp dữ dội hơn. Khởi nghĩa nông dân làm cho chế độ phong kiến Lê-Trịnh kiệt sức,  đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Bước sang thế kỷ XVIII giai cấp nông dân bị nhà nước đẩy đến bước đường cùng, do đó khởi nghĩa đã biến thành những cuộc chiến tranh nông dân,  nội chiến thực sự. Năm 1737 khởi nghĩa do nhà sư Nguyễn Dương Hưng lãnh đạo bùng nổ ở Sơn Tây lan khắp vùng Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Nguyễn Dương Hưng xây dựng căn cứ ở Tam Đảo rồi từ đó làm chủ suốt một vùng tây bắc Kinh thành. Khởi nghĩa Nguyễn Dương Hưng mở màn cho chiến tranh nông dân Đàng Ngoài suốt thế kỷ XVIII. Nguyễn Tuyển,  Nguyễn Cừ, Vũ Trác Oánh dấy binh ở Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương và sau đó khởi nghĩa lan tràn đến Bắc Ninh, Sơn Nam (Nam Định, Hà Nam, Thái Bình), Hà Đông, uy hiếp phía nam kinh thành Thăng Long.  Ở Sơn Nam có nghĩa quân Hoàng Công Chất, Vũ Đình Dung,  Đoàn Doanh Chấn và Tú Cao. Năm 1738 Lê Duy Mật phất cao cờ nghĩa nông dân ở Thanh Hoá. Năm 1740 đến năm 1751Nguyễn Danh Phương tung hoành ở mạn Sơn Tây. Các dân tộc thiểu số cũng vùng dậy chống lại triều đình bởi sự bi thảm của họ còn hơn cả người Việt. Từ năm 1740 đến năm 1752 Tượng Cầm khởi nghĩa ở Sơn Tây. Toản Cơ đã lãnh đạo người Tày -Nùng vùng dậy ở miền Lạng Sơn. Năm 1741-1751 tại Đồ Sơn Hải Phòng,  Nguyễn Hữu Cầu đã phất cao cờ: “Đông đạo Tổng quốc bảo dân đại tướng quân” kêu gọi nông dân khởi nghĩa. Ngọn lửa chiến tranh lan tràn khắp các tỉnh ngoài Bắc đếnThanh Hoá. Lá cờ nghĩa “Bảo dân” của Nguyễn Hữu Cầu tung bay suốt 10 năm trời, làm cho triều đình Lê-Trịnh khốn đốn. Nguyễn Hữu Cầu là anh hùng nông dân kiệt xuất nhất Đàng Ngoài thế kỷ XVIII. Các cuộc khởi nghĩa của nông dân Đàng Ngoài cuối cùng bị đàn áp thất bại nhưng đã làm rung chuyển nền tảng thống trị của giai cấp phong kiến.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] :Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam:Lịch sử Việt Nam t1, sách đã dẫn, tr. 324.

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/phong-trao-nong-dan-tay-son-va-dai-do-doc-tay-son-bui-huu-hieu-ky-9-a19877.html