Dì kém tôi tới mấy tuổi nhưng kể từ ngày biết tôi nhập ngũ chắc vì thương tôi gian khổ nên dì đã lần ra “Hòm thư” của tôi và luôn chủ động gửi thư động viên tôi. Qua những lá thư dì cháu gửi cho nhau, dì luôn theo dõi từng bước chân của tôi từ Thái Nguyên, Hòa Bình, Thanh Hóa… rồi tới tận ngày tôi hành quân sang chiến đấu ở cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng giúp các bạn Lào, khoảng 3 tháng tôi lại nhận được thư của dì qua đường dây Quân bưu. Dì luôn động viên tôi phải giữ gìn sức khỏe và không được sa sút ý chí chiến đấu. Biết tôi nhập ngũ từ cái tuổi đang học phổ thông nên cũng chẳng có “mảnh tình rách” nào. Vào làm việc tại Nhà máy ép dầu sơ tán về huyện Thanh Chương, thuộc đơn vị Thanh niên xung phong của tỉnh được khoảng 6 tháng thì dì viết cho tôi một lá thư khá dài. Kèm trong phong bì thư còn có 2 tấm ảnh. 1 tấm ảnh phía sau ghi họ tên dì - Phạm Thị Xuân Quỳ, một tấm ảnh ghi họ tên em - Đậu Thị Thu Hiền. Đặc biệt trong thư lần này dì kể cho tôi khá rõ về hoàn cảnh của em Thu Hiền (người cùng tổ với dì):
“Thu Hiền quê ở Quỳnh Lưu,(cũng là quê ông ngoại tôi) mẹ Hiền mất sớm nên bố Hiền chịu cảnh “gà trống nuôi con”, cũng gần giống hoàn cảnh của cháu bị mồ côi cha sớn. Dì mong rằng khi hết chiến tranh cháu và Hiền về tìm hiểu nhau, nếu hợp duyên được nên vợ nên chồng thì quý lắm. Hiền là cô gái dịu hiền, chịu thương chịu khó và rất xinh ”...
Ôi! Chẳng cần dì nói Thu Hiền xinh gái mà chỉ nhìn vào tấm ảnh của Hiền cháu cũng hiểu là em rất xinh rồi – Tôi nghĩ thầm. Qua ảnh tôi thấy Hiền xinh một cách rất nữ tính, đôi mắt em long lanh nhìn về xa xăm và đôi môi nở nụ cười mơ màng như đang nghĩ về một điều gì đó, đôi má bầu bĩnh như còn có thể búng ra sữa.
Mùa khô năm 1969 - 1970, đơn vị tôi tham gia chiến dịch 139 tại cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng. Do con đường số 7 đi từ Nghệ An sang cánh đồng Chum bị địch ngăn chặn và đánh bom dữ dội nên chúng tôi từ một đơn vị lính pháo cối 82 ly phải tạm thời chuyển sang làm lính vận tải đạn gạo và khiêng cáng thương binh. Ngày đó không có điện thoại liên lạc như bây giờ. Trên đường vận tải cứ mỗi khi gặp đoàn Thanh niên xung phong của Nghệ An tôi lại gọi to “Có ai tên là Xuân Quỳ và Thu Hiền không”. Thực sự bao nhiêu lần tôi gọi thế đều có bao cô gái nhận mình là Thu Hiền hoặc Xuân Quỳ nhưng khi tôi tiến lại gần thì chẳng cô nào có khuôn mặt giống ảnh dì tôi và em Thu Hiền. Những lần “nhận vơ” như vậy đều đem lại cho cả tiểu đội tôi và cánh Thanh niên xung phong một tràng cười thoải mái. Khi đến trạm dừng chân vừa mắc được cánh võng nghỉ ngơi thì tôi lại giở thư của dì ra đọc và giở cả 2 tấm ảnh ra ngắm nhía.
Điều thú vị hơn nữa là lá thư của dì và 2 tấm ảnh chỉ một thời gian ngắn đã được lan truyền khắp đại đội 14 và nó đã như “tài sản” riêng của tiểu đội 3 của tôi. Bởi vì tiểu đội khi biên chế đầy đủ cũng chỉ có 12 mống. Riêng cái thằng Nghiêm thì mê tấm ảnh của tôi thật sự. Tôi cho nó xem ảnh dì cả chục lần rồi mà nó cứ muốn dữ làm “của riêng” mới lạ chứ. Đến cả tôi cũng chưa từng biết mặt mũi dì tôi ở ngoài đời ra sao mà!. Còn cái thằng Triều pháo thủ số 1 thì suốt ngày ganh tị:
“ Thằng S. “ngon cơm quá”. Mày nói dì mày giới thiệu cho tao một em đi”.
Bước sang giai đoạn 2 của chiến dịch tình hình càng khó khăn hơn. Chúng tôi đã về nhận súng và trở lại vị trí chiến đấu. Quân địch đánh phá ngày một ác liệt hơn. Đến gạo đạn, thuốc men là thứ cần hàng ngày cho bộ đội còn chẳng chuyển vào kịp thì lấy đâu ra thư từ hậu phương chuyển ra mặt trận. Cả Trung đoàn 165 phải chuyển sang ăn bí ngô và ra đồng tuốt lúa “của dân bỏ chạy giặc” về ăn. Các tiểu đội bạn đã có người đem quần áo và ảnh phụ nữ đi đổi cho dân lấy gà vịt và rau quả. Cũng lạ thật, ngày đó không hiểu sao chỉ cần tấm ảnh của ca sĩ Ái Vân hoặc ảnh của nghệ sĩ Trà Giang… cũng đổi được con chó hoặc vài con gà. Thằng Thông ở tiểu đội 2 đã mấy lần sang năn nỉ tôi :
“Đem ảnh dì mày và ảnh con Hiền đi đổi khéo được 2 con gà to đấy”
Nhưng nhất định tôi và anh em trong tiểu đội không ai nghe lời dỗ ngon dỗ ngọt của thằng Thông.
Tới trận đánh cuối cùng của chiến dịch 139, tiểu đội tôi triển khai chốt trên quả đồi Mâm Xôi ở khu vực Sam Thông để yểm trợ cho bộ binh giữ chốt. Vào một buổi trưa trời nắng đẹp, bỗng có một chiếc máy bay trinh sát OV.10 bay rất thấp và lượn nhiều vòng rồi bắn một quả pháo khói vào đúng trận địa của chúng tôi. Chúng tôi hiểu thời gian này bọn phi công mỹ đã dung Tia laZe để điều khiển bom tới trúng mục tiêu. Chúng tôi chẳng ai bảo ai nhưng đều thoát ly trận địa pháo, chạy và lăn xuống dốc núi. Khi bom nổ thì đất đá cũng bắn tung tóe và xô chúng tôi xuống khe núi. Bọn máy bay thả bom có 2 đợt rồi bỏ đi. Khi bầu trời yên tĩnh chúng tôi mới hoàn hồn gọi nhau ý ới. Hú hồn vì không có thằng nào bị thương nhưng mặt mũi chân tay người nào cũng xước xát ngang dọc và bê bết bùn như con cua mới ở trong hang bò ra. Chúng tôi lên kiểm tra thấy hầm pháo đã thành một cái hố như cái ao nhỏ không có nước. Cả khẩu pháo cối 82 ly gồm nòng pháo, chân pháo và bàn đế nặng tới gần 1 tạ và 30 quả đạn pháo giờ đã biến mất đến không còn một mẩu sắt vụn. Cách hầm pháo khoảng 10 mét là hầm chúng tôi ngủ nghỉ và để tư trang bị đất đá vùi lấp. Mỗi chúng tôi cũng chỉ có chiếc ba lô xẹp lép với một bộ quần áo cộc và mấy thứ lặt vặt, nếu bỏ cũng không ai tiếc lắm. Thứ đáng giá nhất là 2 tấm ảnh và lá thư của dì, tôi đang giữ làm kỷ niệm. Tôi chưa kịp nói gì thì cậu Nghiêm đã đề nghị khẩn khoản:
- Anh em ơi, Tôi biết bây giờ mọi người cũng mệt và đói lắm rồi. Tư trang của chúng ta cũng chẳng có gì đáng giá, nhưng còn 2 tấm ảnh của dì và bạn thằng S nếu bị mất thì tiếc quá. Chúng ta cùng nhau bới đất đá để tìm 2 tấm ảnh nhé.
Vậy là mọi người đều đồng tình với đề nghị của Nghiêm. Cả 5 anh em phải thay nhau đào bới gần một tiếng đồng hồ mới tìm thấy chiếc ba lô của tôi và 2 tấm ảnh kỷ niệm. Tôi và anh em trong toàn tiểu đội lại có 2 tấm ảnh để mà ngắm nghía sau những giờ phút lâm nguy và gian khổ không bút nào tả xiết.
II
Trong chiến dịch 139, Sư đoàn 312 cùng với các đơn vị của mặt trận đã giải phóng hoàn toàn cách đồng Chum đợt 1. Chúng tôi được rút ra khu rừng ven bờ sông Lậm Ngừm để củng cố.
Việc mừng vui đầu tiên đối với chúng tôi là hầu hết mọi người đều nhận được thư nhà hoặc thư của bạn bè, người yêu…
Với tôi điều mong ngóng nhất là nhận được thư của dì Quỳ, vì lúc này mẹ tôi đã già, chỉ cần qua thư của dì là tôi biết hết tình hình sức khỏe của mẹ và mọi người thân yêu trong gia quyến. Hơn nữa chắc thể nào dì chẳng cho tôi biết thêm một vài thông tin về em Thu Hiền.
Trái với điều mong mỏi của tôi là tôi đã không nhận được thư của dì Quỳ mà lại nhận được thư của cậu Cường (Cậu Cường là em của mẹ tôi và là anh dì Quỳ). Tay tôi run run bóc thư ra xem. Sau dòng hỏi thăm sức khỏe của tôi, cậu Viết:
“Cậu báo cho cháu một tin buồn là dì Quỳ của cháu đã hy sinh rồi. Dì hy sinh ở sông Lam sau khi cứu được 2 đồng đội bị đuối nước. Hôm ấy sau một ngày đi làm về, dì Quỳ cùng 2 bạn ra sông Lam tắm. Không hiểu sao mới xuống tắm được ít phút thì cả 2 người bạn cùng bị dòng nước cuốn trôi. Hai người cùng vùng vẫy và kêu cứu tuyệt vọng. Sẵn biết bơi từ nhỏ nên dì Quỳ quyết lao ra dòng nước xiết cứu bạn. Đưa được người thứ nhất vào bờ an toàn thì người thứ 2 đã bị nước cuốn đi hàng trăm mét, dì phải chạy theo mép nước một đoạn rồi mới bơi ra cứu bạn thứ 2. Vì bạn đuối sức nên cứ bám chặt lấy dì như thể muốn dìm cả 2 người xuống đáy sông. Khi dìu được bạn vào bờ thì dì không còn sức và ngất đi bên mép nước. Hàng chục người vây quanh làm những động tác cấp cứu nhưng thân hình dì cứ mềm nhũn và đôi mắt nhắm nghiền. Dì đã ra đi ở tuổi đời 20 và được đơn vị Thanh niên xung phong và nhân dân huyện Thanh Chương chôn cất ở một sườn đồi bên bờ sông Lam, có rất nhiều hoa cúc quỳ và hoa sim”... !
Giữa đám đông đồng đội đang đứng vây quanh mà tôi khóc hu hu. Mọi người đều ngạc nhiên, sửng sốt. Thằng Nghiêm vội giật lá thư tôi đang cầm trên tay đọc qua rồi lu loa.
“Trời đất ơi! Chị Quỳ dì thằng S hy sinh rồi”!...
Vậy là bữa chiều hôm đó cả tiểu đội tôi gần như đều bỏ ăn. Trong lúc tôi còn đang đau buồn tới tột độ thì cậu Hữu bỗng đưa ra ý kiến.
“Chúng mày ơi! Tập trung dựng cho thằng S cái bàn thờ dì nó đi. Thằng Dũng thằng Toàn đi chặt cây về ghép cái bàn thờ, thằng Nhẫn thằng Thơi đi vào bản xin dân đu đủ, quả na, mắc cọp, chuối dân thiếu gì, còn thằng Nghiêm với tao sẽ ra chùa xin hoa chăm pa. Hoa cúc quỳ và hoa mua thì vô vàn ở ngoài sườn đồi, muốn bao nhiêu cũng có. Thằng S đưa tao mượn tấm ảnh của dì mày, tao dán hờ tấm ảnh lên một tờ giấy là có ảnh thờ”.
Hữu lúc này chỉ là pháo thủ số 3 nhưng nó đã đứng ra phân công cả tiểu đội đi lo vật chất lập bàn thờ dì tôi mà cả tiểu đội chấp hành răm rắp. Tôi thầm cảm ơn Hữu và anh em.
Chỉ hơn một tiếng đồng hồ anh em toàn tiểu đội đã làm xong chiếc bàn thờ rất trang nghiêm trước đầu võng của tôi. Trên bàn thờ có treo ảnh của dì, mặt bàn có rất nhiều trái cây như đu đủ, mãng cầu, chuối, mắc cọp… và các loại hoa. Đặc biệt là hoa cúc quỳ với màu vàng rực rỡ và hoa chăm pa với hương thơm ngát, lan tỏa khắp cánh rừng. Lần lượt các cán bộ đại đội, trung đội, tiểu đội và anh em chiến sĩ trong toàn đại đội đều đến động viên và chia buồn cùng tôi.
Trung đoàn rút ra củng cố được trên một tháng thì chúng tôi lại hành quân qua cánh đồng Chum đi về phía Sam Thông để tham gia chiến dịch 74B (mùa mưa năm 1970) và chiến dịch Z (mùa khô năm 1971- 1972) .Hành quân trên thảo nguyên bao la, ở đâu cúc quỳ cũng mọc tràn lan và nở hoa vàng rực. Hoa nở như muốn tiễn chân chúng tôi vào tới tận Sam Thông rồi lại cùng chúng tôi vượt qua dẫy 1.300 vào tới dẫy núi Nam Cha ở cửa ngõ căn cứ Long Cheng là sào huyệt của tên tướng Vàng Pao làm tay sai cho Mỹ giết hại người dân Lào vô tôi. Mỗi lần nhìn ngắm hoa cúc quỳ tôi lại thương nhớ dì tôi xiết bao. Và khi ngắm bầu trời thu xanh thẳm tôi lại hình dung ra đôi mắt của em Thu Hiền với ánh nhìn xa xăm vời vợi…Chỉ tiếc là từ khi dì tôi hy sinh đến nay tôi không biết địa chỉ để liên lạc với em Thu Hiền. Nhưng linh tính mách bảo tôi rằng Thu Hiền vẫn luôn nhớ đến tôi và cầu mong cho tôi bình an trong lửa đạn.
Kì lạ thay, tháng 6 năm 1972 Sư đoàn 312 chúng tôi về nước để kịp tham gia chốt giữ Cổ thành Quảng Trị vừa mới được giải phóng, đang bị quân đội Việt Nam Cộng hòa lấn chiếm. Tới đâu tôi cũng thấy hoa cúc quỳ mọc miên man và nở hoa vàng rực rỡ những mặt trời nhỏ.
Có một điều rất tiếc là trong một trận đánh giáp lá cà ở đồi Cây Mít đầu tháng 7 năm 1972, vì sợ rơi vào tay địch nên tôi đã phải đốt 2 tấm ảnh là di vật duy nhất mà dì Quỳ gửi tặng tôi từ năm 1970
Mùa xuân năm 1975, toàn sư đoàn 312 hành quân thần tốc bằng cơ giới theo đội hình Quân đoàn 1, đi từ Thanh Hóa vào Quảng Bình vượt dẫy Trường Sơn, theo đường Hồ Chí Minh qua Nam Lào vào Tây Nguyên rồi thẳng tiến tới tận Sông Bé. Ngồi trên xe ngoài những vùng rừng núi bạt ngàn, tới đâu tôi cũng thấy hoa cúc quỳ trải thảm vàng như những tấm lụa ai phơi từ vùng đồi núi này sang vùng đồi núi khác. Hình như nơi nào bom đạn địch trải nhiều thì hoa cúc quỳ lại nở để vá lành những vết thương chiến tranh. Tôi thầm nghĩ rằng: Hoa cúc quỳ mọc xanh tốt và nở những bông hoa vàng rực rỡ như vậy là do đã hút được một phần máu thịt của hàng triệu đồng đội và đồng bào cả nước ngã xuống, trong đó có những giọt máu đỏ của dì Quỳ.
Tiếc rằng 2 tấm ảnh dì Quỳ tặng tôi không còn nữa nhưng hình ảnh dì và em Thu Hiền vẫn luôn khắc sâu trong trái tim tôi tới ngày hôm nay và trong suốt cuộc đời này.
Dì Quỳ thì đã hóa thân vào cát bụi tròn 50 năm rồi. Thu Hiền có còn thì nay cũng ở độ tuổi U 70 rồi, đã có chồng con và có cháu nội ngoại. Ước gì Thu Hiền và 2 đồng đội Thanh niên xung phong được dì tôi cứu khi suýt chết đuối ở sông Lam năm 1970, đọc được những dòng tâm sự này.
T.D.S
Trái tim người lính
Trịnh Duy Sơn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hoa-cuc-quy-a19904.html