Tháng bảy trong tôi: Cỏ non thành cổ

Trong hành trình xuyên Việt, chúng tôi dừng chân tại Quảng Trị. Bạn học cùng tôi thời phổ thông là Phan Thị Hải Thanh, hiện đang sinh sống tại thành phố Đông Hà, đã dành thời gian đưa chúng tôi đến viếng Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị và cây cầu bên dòng sông Thạch Hãn...

Hải Thanh bảo, Quảng Trị mảnh đất đầy nắng và gió, diện tích không lớn nhưng có đến 72 nghĩa trang liệt sĩ. Lần nào đi viếng tôi cũng xúc động, khói hương nhòa trong nước mắt. Nhưng cứ nghĩ đến hiện tại, nghĩ đến những ông quan mang danh "đầy tớ trung thành" tham nhũng ngàn tỷ mà thấy căm phẫn và niềm tin bị xói mòn...

b1qt1a-1689753937.jpg
 

b1qt2ad-1689753845.jpg

hai ảnh trên do tác giả cung cấp.

 

Không xúc động sao được khi tận mắt thấy hơn mười ngàn nấm mộ có tên, không tên của các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi đây. Tôi thấy mình thật bé nhỏ trước những mất mát quá lớn bởi cuộc chiến đầy bi tráng này.

Tôi chụp khá nhiều ảnh, trong đó có tấm bia ghi danh sách 36 liệt sĩ quê ở thị xã Sơn Tây. Thật bất ngờ, tôi thấy tên anh, liệt sĩ Nguyễn Như Chung, người phố tôi. Mắt tôi nhòa đi vì xúc động. Tôi biết anh từ nhỏ. Anh hơn tôi 5 tuổi, là người rất hiền lành, gia đình anh làm thợ may có tiếng ở Sơn Tây. Sau này, tôi đi bộ đội cùng em trai anh là Nguyễn Như Tâm. Anh Chung hy sinh đúng ngày sinh nhật Bác, 19-5-1972, khi anh vừa tròn hai mươi tuổi.

- Anh Chung ơi, vậy là hơn 45 năm sau em mới biết là anh nằm đây, hãy an giấc anh nhé. Em xin đặt nhẹ bàn tay lên dòng tên anh và đồng đội của anh, của em. Dòng tên "mãi mãi tuổi hai mươi" tạc vào đá núi, vào non sông, vào tấm lòng những người đang sống.

*

Nếu ai chưa có trong mình một hình dung trọn vẹn về hai chữ Tổ quốc, hãy một lần đứng trước bạt ngàn những nấm mồ liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, tại nấm mồ liệt sỹ chưa biết tên khổng lồ trong Thành cổ Quảng Trị. Nơi đây không chỉ sẽ cho chúng ta câu trả lời chân thực về hai chữ Tổ quốc, mà còn giúp mỗi người hôm nay thấu hiểu hơn sự vô giá của độc lập, sự vô giá của hoà bình, của hòa hợp dân tộc.

"Đò xuôi Thạch hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm..."

Tôi là người lính tham gia hai cuộc chiến, chống Mỹ và chống Tàu. Là người may mắn được trở về. Nhưng đứng trước sự mất mát hy sinh của đồng đội, lòng luôn thầm hỏi đằng sau mỗi tấm bia mộ bạc màu nắng gió, ẩn sau cả những nấm mồ còn chưa biết tên kia, là một cuộc đời. Họ rất trẻ, quá trẻ, họ đã từng sống, từng yêu thương, ước vọng. Nếu không có chiến tranh, họ đã có một số phận khác. Nhưng khi đất nước có ngoại xâm, họ đã gác lại tất cả. Cũng như chúng tôi và đồng đội, lúc ra đi, làm sao không day dứt khi biết rằng dõi theo người lính ra trận là ở quê nhà, mẹ già, người thương mỏi mắt ngóng trông, vợ trẻ, con thơ ngày đêm thẫn thờ tựa cửa... Nhưng rồi họ vẫn đón nhận sự hy sinh mà không hề mảy may suy tính bởi khát vọng Tổ quốc được thống nhất, đất nước sạch bóng thù. Chỉ có ước mong vô cùng lớn lao đó mới khiến họ sẵn sàng đón nhận sự hy sinh nhẹ nhàng như thế, hiển nhiên như thế.

Hôm nay, đứng trước bạt ngàn những hàng mộ liệt sỹ bên thành cổ Quảng Trị, mới thấy sự hy sinh xương máu của các anh, những người đồng đội chúng tôi to lớn biết nhường nào.

Tôi trở lại Nghĩa trang với một nén hương trầm

Xin thơm khắp linh hồn đồng đội

Phút bình yên

Giữa bạt ngàn tang trắng

Các anh là Nốt lặng... cuộc đời tôi.

Tôi lặng lẽ cúi đầu, rưng rưng nén hương trên tay, tôi bỗng nghe đâu đây vang vọng bài hát Cỏ non Thành cổ.

"...Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ

Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ

Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ

Xin chớ vô tình với người hy sinh

Trên mảnh đất quê mình..."

Q.T

7.2017

Trái tim người lính

Quốc Toản

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thang-bay-trong-toi-co-non-thanh-co-a19908.html