Em hãy kể đi để mọi người cùng chia sẻ

Sau khi đọc bài "Ở đời sợ nhất kẻ phản bội" tôi kể về những năm tháng hoạt động cách mạng của cha và chú tôi, cô em - Hoàng Kim Thoa là con gái cụ Hoàng Trá - Đại tá, Binh trạm trưởng đầu tiên của Binh trạm 14 - Đường 20 Quyết thắng.

Mẹ là cụ Vương Thị Sửu (cùng công tác với mẹ tôi. Anh chị em tôi thường gọi là cô - Cô chú đều đã mất). Thoa đã gửi tin nhắn cho tôi, nói rằng, anh kể về chuyến đi Côn Đảo, em đọc mà không cầm được nước mắt, thương các Cụ quá anh ạ. Và rồi Thoa tâm sự về những nỗi oan khuất, đớn đau, day dứt về cuộc đời của ông bà nội, ông bà ngoại, cô dì chú bác và người cha thân yêu của mình.

b2qt2ag-1690078516.jpg

Cụ Hoàng Trá (1927-2022).

 

Thoa bảo rằng, em không kể cho ai nghe cả, vì sợ mọi người nghĩ sai về mình. Nhưng tôi nghĩ khác. Hãy kể để mọi người cùng chia sẻ. Để anh và em và con cháu tự hào về các cụ. Để con cháu chúng ta sống sao cho xứng đáng với thế hệ cha ông mình.

Có được ngày hôm nay, biết bao nhiêu người đã ngã xuống. Bao nhiêu người phải chịu cảnh tù đày, thậm chí có cả nỗi oan ức mà nhiều gia đình phải gánh chịu. Biết bao liệt sĩ đã hòa vào núi sông cây cỏ. Nhiều lắm, làm sao mà kể hết được. Cái giá của độc lập tự do là vậy đấy.

b1qt1ad-1690078594.jpg

Đồng chí Trường Chinh vào thăm Binh trạm 14. Cụ Hoàng Trá (người đội mũ cối) đi sau cụ Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tôi muốn đưa lên đây những dòng tâm sự của em tôi để mọi người đồng cảm và chia sẻ.

*

Anh ạ .

Em nghe ông ngoại, hai Bá và Mẹ em kể rằng, hai bác trai em hoạt động bí mật chống Pháp. Bà ngoại em và bá Thịnh (chị gái mẹ em), nhiều lần đi tiếp tế cho hai bác. Ngày 9/7 âm lịch năm 1950, bác Vương Trọng Đắc (sinh năm 1925, anh trai mẹ em) hy sinh do bị kẻ phản bội chỉ điểm, được dân làng chôn ở xã Thanh Mỹ. 3 ngày sau mới có người bí mật báo tin cho bà ngoại em biết, sau này mới bốc mộ về chôn. Hiện bác em đang an nghỉ ở Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Sơn Tây.

b3qt3ag-1690078688.jpg

Cụ Hoàng Trá và cụ bà Vương Thị sửu tại buổi gặp mặt truyền thông Binh trạm 14 - Đường 20 Quyết thắng. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Rồi đến bá Thịnh em bị bắt, chúng tra tấn rất dã man, dùng nước xà phòng, nước bẩn đổ vào miệng, rồi dẫm lên bụng cho phọt nước ra, vết tra điện ngày ấy vẫn còn sẹo xanh ở trên người.

Sau này bá em cũng sinh hoạt trong Ban Liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đầy thị xã Sơn Tây mà bố anh là trưởng ban liên lạc đấy ạ. (Bá Thịnh em cũng đã mất)

Ông nội em là Hoàng Kim Mại, sinh năm 1907, học giỏi được làng phong chức sắc, gọi là “Bộ Mại”. Ông em là thầy lang, bốc thuốc cho bà con quanh vùng. Gia đình cũng khá hơn so với bà con dân làng. Vì vậy mới có điều kiện để giúp đỡ, che giấu và tiếp tế cho cán bộ hoạt động cách mạng. Nhà ông em là nơi họp kín. Sau đó bố em cũng được tuyên truyền giác ngộ và tham gia cách mạng, hoạt động bí mật tại địa phương.

Lúc đó ông nội em là uỷ viên Ban kháng chiến xã Võ Ninh, bố em (Hoàng Trá 20 tuổi) là trung đội trưởng du kích huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Ông nội em bị chỉ điểm, bị bắt cùng 2 cán bộ và 1 du kích. Chúng đến đốt nhà, trói 4 người, giải lên trảng cát, sau đó cởi trói, đưa mỗi người 1 xẻng bắt đào một hố, rồi trói lại, đẩy 4 người xuống hố, bắn chết. Hôm đó là vào ngày 11/9 năm Đinh Hợi (1947) khi ông em vừa tròn 40 tuổi; Trong tốp lính đó có người ở thôn bên cạnh, nhận ra và báo tin cho biết, rồi các gia đình nhân đêm trăng sáng đến lấy trộm xác. Bố em chôn ông nội em, ngồi bên cạnh ông đến rạng sáng phải đi kẻo sợ bị địch phát hiện.

Bố em kể, nhà ông bà nội em bị chúng đốt, vơ vét hết tài sản, dỡ nhà lấy gỗ , khi đó bố em nấp trên trảng cát nhìn về thấy bà nội em cùng các em gào khóc, chỉ còn bộ quần áo mặc trên người. Bố em bật khóc khi nhìn thấy cảnh tượng đau lòng ấy mà không giúp gì được. Nhưng ý chí quyết tâm "đền nợ nước, trả thù nhà" đã dâng trào trong tim bố em, người thanh niên đầy nhiệt huyết lúc bấy giờ.

Bọn giặc biết bố em hoạt động du kích nên truy lùng rất ráo riết nhưng không tài nào bắt được. Vì thế, năm 1950 chúng rải truyền đơn, treo thưởng một vạn đồng (tiền Đông dương) nếu ai lấy được đầu Hoàng Trá. (khi đó bố em là xã đội trưởng du kích Võ Ninh).

Chú ruột em là Hoàng Văn Thảo bị Pháp bắn chết đêm 20/10/1953, lúc đó chú 22 tuổi. Trong 8 năm kháng chiến chống Pháp, bà nội em chịu nỗi đau mất 10 người thân: chồng, 1 con gái, 1 con trai, 2 em trai, 2 em dâu, 4 cháu ruột (gọi bà nội em bằng cô)

Vậy mà sau này, cán bộ xã (người không tham gia hoạt động cách mạng) vu oan cho ông nội em theo Pháp, và qui là thành phần địa chủ, không công nhận ông nội em là liệt sĩ.

Tháng 3/1951 bố em được cấp trên điều động ra Bắc cùng 25 cán bộ, lúc đó 24 tuổi. - Tháng 5/1951 được điều về về trung đoàn 246 trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh Quốc gia VN. - Tháng 1/5/1965 được lệnh vào Nam chiến đấu, là Binh trạm phó Binh đoàn 12 Đoàn 559 - Tháng 1/1966 : BT 12 chia làm 3 binh trạm (12,14,15) , thì bố em làm binh trạm trưởng BT14 - Đường 20 Quyết Thắng.

Có lần bố tâm sự với em, vào chiến trường B, mưa bom bão đạn, gian nan vất vả là thế mà bố vẫn cùng đồng đội chiến đấu và sẵn sàng chịu đựng gian khổ hy sinh. Nhưng có lẽ nỗi oan ức về ông nội em bao nhiêu năm, chắc bố em không thể nguôi ngoai.

Em cũng không hiểu sao người cán bộ xã đó luôn tìm cách vu oan, hãm hại bố em. Cho nên bố em cũng bao phen điêu đứng.

Ở chiến trường, không biết sống chết thế nào nên bố em viết sẵn một lá thư cho vào túi áo ngực, để nếu có hy sinh thì đồng đội còn biết về nỗi oan khuất mà bấy lâu chưa được làm sáng tỏ.

Mãi đến năm 1997, bác Đinh Đức Thiện cử cán bộ về tìm hiểu, điều tra cặn kẽ mới minh oan cho ông nội em. Cũng từ đó bố em mới thật sự yên lòng.

Vậy là, ông em mất năm 1947, mãi đến năm 1997 (sau 50 năm), ông nội mới được công nhận là liệt sĩ.

Năm đó, tháng 10 âm lịch giỗ ông em, chúng em làm cơm cúng. Bố em mời họ hàng và con cháu đến dự lễ. Bố em viết văn tế rồi đọc, bố em khóc quá trời. Tất cả con cháu đều khóc. Nỗi oan ức, đau khổ tột cùng lúc đó mới được giải toả.

Đảng ủy và chính quyền xã xin phép đưa ông nội em vào nghĩa trang liệt sĩ, nhưng bố em không đồng ý, vì ông nội em đã nằm ở nghĩa trang dòng họ lâu rồi anh ạ.

Nghĩ mà thấy đau đớn, xót xa quá. Càng nghĩ lại càng thương các Cụ.

Bố anh thì đau đớn về cả thể xác và tinh thần, bố em thì đau về tinh thần.

Biết bao nỗi đau không giống nhau, biết bao người phải chịu đựng.

Thoa

P/s:

- Em kể hơi dài, vì anh em mình cùng hoàn cảnh, nên em nghĩ anh sẽ thấu hiểu.

- Em ko kể cho ai nghe cả, vì sợ họ lại nghĩ khác về mình anh ạ.

-Càng nghĩ càng buồn về thế thái nhân tình.

Em đọc hết những bài anh viết, nên em cũng vui vì còn có những người suy nghĩ như anh em mình. Anh kể về chuyến đi Côn Đảo, em đọc mà không cầm được nước mắt, thương các Cụ quá anh ạ.

*

Còn tôi, nhân ngày 27/7 chỉ biết nói với em Thoa rằng: Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào có ý nghĩa bằng được sống. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, mồ mả của ông cha bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, họ hàng làng xóm bị đe dọa, của cải, ruộng nương làng mạc bị xâm chiếm thì lựa chọn cái chết hay bị kẻ thù bắt bớ đày đọa mà để đất nước được trường tồn là một lựa chọn vinh quang và cao cả. Mỗi một thân xác nằm xuống, mỗi một phần thi thể mất đi là một ánh hào quang đối với con cháu trong gia đình, dòng họ và lớn hơn thế là của cả một dân tộc. Con cháu xin dâng lên nén hương thơm những người đã hy sinh vì Tổ quốc lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc. Nhân ngày Thương Binh liệt sĩ 27/7, xin gửi tới các anh chị, những người may mắn trở về nhưng chẳng còn lạnh lặn lời kính chúc sức khỏe, mong mọi người sẽ luôn bình an và hạnh phúc.

Anh và em cùng con cháu trong gia đình chúng ta, đừng bao giờ quên quá khứ, “uống nước nhớ nguồn”, hãy động viên nhau sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn, để anh em, con cháu luôn tự hào về các cụ. Hãy tâm niệm, phải sống sao cho xứng đáng với thế hệ cha ông mình.

Q.T


Trái tim người lính

Quốc Toản

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/em-hay-ke-di-de-moi-nguoi-cung-chia-se-a19974.html