Trân trọng giới thiệu cuộc phỏng vấn với nhà báo Phan Khuê!
Phóng viên: Đón nhận tập truyện “Hương hoa hoàng lan” được minh họa khá xinh xắn mới xuất bản của anh, PV có chút băn khoăn: Công việc của một nhà quản lý khá bận rộn, anh đã dành khoảng thời gian nào để sáng tác cho thiếu nhi?
Nhà báo Phan Khuê: Thực ra không phải bây giờ tôi mới dành thời gian viết cho thiếu nhi. Trước đây, tôi đã có các tập truyện như “Đại uý tí hon”; “Quà của ông Ngoại” được NXB Kim Đồng phát hành đến các bạn đọc nhỏ tuổi.
Tôi vốn ham đọc sách từ nhỏ. Tại gia đình tôi, cha tôi đã dành riêng một giá sách lớn và truyền cho các con mình tình yêu với văn chương. Anh chị em tôi đều là những người “yêu chữ”, yêu văn chương từ nhỏ. Chính đọc sách đã cho chúng tôi niềm khát vọng vươn lên, bay xa từ “Những dòng chữ kỳ diệu”.
Tôi ít nhiều may mắn được làm việc trong môi trường gắn với “chữ nghĩa”, đặc biệt là trở thành người đồng hành, gắn bó thân thiết với nhiều thế hệ thiếu niên nhi đồng. Là Biên tập viên rồi trở thành người chịu trách nhiệm lãnh đạo trong tập thể Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, tôi luôn tâm niệm, qua mỗi bài báo, qua mỗi truyện ngắn, mình phải làm sao chạm tới tâm hồn trẻ và cũng truyền cho các em nhỏ niềm vui đọc sách như mình thuở ấu thơ.
Phóng viên: Nhắc đến cha anh, nhà thơ Phan Hách – Người đã truyền cho các con mình tình yêu với văn chương, chắc hẳn ông có nhiều ảnh hưởng với anh?
Nhà báo Phan Khuê: Với tôi, cha không chỉ là người cha mẫu mực trong nếp sống, yêu thương hết mực với con cái, hơn thế, ông là người cha mà tất thảy anh chị em chúng tôi cảm thấy tự hào và luôn nhắc mình phải xứng đáng. Đã có lúc tôi thấy cái bóng của cha quá lớn nên mình viết gì đôi khi cũng hơi “rón rén”. Nhưng mỗi khi nhớ đến lời nhắc cũng là lời khích lệ của cha: - “Được làm việc trong lĩnh vực vì trẻ thơ, được đồng hành cùng nhiều thế hệ trẻ thơ, con phải cố gắng làm được điều gì đó tốt nhất cho trẻ” – tôi lại thấy mình có thêm động lực và quyết tâm.
Tôi viết các tác phẩm dành cho thiếu nhi trước hết là để được nói với các em, được kể cho các em nghe về những câu chuyện nhỏ trong tuổi thơ của chính mình. Mỗi người sinh ra và lớn lên, qua những trải nghiệm cùng bạn bè, qua những câu chuyện trong gia đình, dưới mái trường… chúng ta sẽ học được cách ứng xử và trưởng thành.
Cha tôi dạy chúng tôi không phải bằng những lời dạy giáo điều. Cha dạy chúng tôi biết đọc, biết chơi với bạn, biết rút kinh nghiệm cho bản thân từ mỗi bài học nhỏ trong cuốn sách cũng như những câu chuyện xảy ra xung quanh mình. Những bài học từ cha đã giúp tôi viết nên những câu chuyện của mình dành tặng các em nhỏ.
Phóng viên: Nhắc đến những câu chuyện nhỏ dành cho thiếu nhi, anh có thể nói một chút về những câu chuyện trong tập truyện ngắn “Hương hoa hoàng lan” mới đây?
Nhà báo Phan Khuê: Tập truyện “Hương hoa hoàng lan” gồm 14 truyện ngắn mà bạn đọc có thể tìm ở đó, mỗi truyện ngắn là một “câu chuyện nhỏ xinh” . Những câu chuyện ấy là ký ức tuổi thơ, là những kỷ niệm đẹp và ngộ nghĩnh của tôi hồi thơ bé. Tôi tin là mỗi truyện ngắn trong tập sách đều chứa đựng những tình huống có thể xảy ra với bất kể bạn nhỏ nào trong cuộc sống hằng ngày. Chọn cách kể chuyện với ngôn ngữ giản dị, gần gũi, tôi thực sự mong muốn tập sách sẽ trò truyện được cùng các em, để các em nhận ra hình bóng mình trong đó.
Tuy nhiên, điều tôi mong muốn hơn nữa là các em, hoặc những bậc phụ huynh đọc sách cùng con nhận ra, đằng sau mỗi câu chuyện nhỏ còn ẩn chứa một lời nhắn gửi, một “điều gì đó” bé nhỏ nhưng ấm áp, giản dị mà thiêng liêng về tình bạn, tình yêu gia đình.
Khi người lớn biết dạy trẻ trân quý với những kỷ niệm của cha ông, những kỷ niệm của chính mình trong đời sống thường ngày, tâm hồn trẻ sẽ tràn đầy lòng biết ơn, tình yêu cuộc sống, biết trân trọng những điều đẹp đẽ để sống nhân ái – đó chính là những giá trị mà chúng ta hướng đến!.
Phóng viên: Anh có thể kể tên một số truyện ngắn mà anh tâm đắc trong tập truyện mới?
Nhà báo Phan Khuê: Như tôi đã chia sẻ, ở mỗi truyện ngắn đều có “một điều gì đó” tôi tâm tình và nói với các em. Ví dụ, ở truyện ngắn “Hương hoa hoàng lan”, qua chi tiết những cánh hoa đã héo khô được nâng niu cất giữ, tôi muốn bạn đọc sẽ nhận ra hương thơm không phải chỉ của loài hoa ngát hương này mà hơn thế, đó là hương thơm của tình cảm thủy chung, là sự ghi nhớ của những người còn sống để người ra đi không bị biến mất mà luôn hiển hiện thật đẹp trong cuộc sống này.
Hay ở truyện ngắn “Những dòng chữ diệu kỳ” qua chi tiết cu Minh ham chơi đem các cuốn sách hay đổi lấy cánh diều và xé các quyển báo để làm máy bay, các em sẽ hiểu câu chuyện của người yêu chữ, cái chữ sẽ cùng ta khám phá muôn vàn điều ký thú và giúp ta viết nên những giấc mơ của riêng mình.
Hoặc ở truyện ngắn “Điều ước”, qua câu chuyện của hai bà cháu, tôi muốn kể với các em về bộ trang phục cùng cách vấn tóc của bà – chính những điều tưởng rất bình thường ấy lại là nơi lưu giữ hồn cốt văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Song tôi cũng đặc biệt mong các em nhỏ nhận ra chuỗi tràng hạt nhẵn bóng va vào nhau lách cách, mỗi hạt này chứa đựng một điều ước nhiệm màu trong câu chuyện mà bà đã gieo vào trong tâm hồn cô cháu gái – đó là những hạt giống, là mầm thiện mà bao đời người Việt muốn truyền dạy cho cháu con.
Phóng viên: Đằng sau tập sách, anh có muốn chia sẻ thêm điều gì với độc giả?
Nhà báo Phan Khuê: Tôi đã viết như một nhu cầu được chia sẻ và dành tặng các em. Khi yêu mến đã trao đi, tôi mong các em hãy đón đọc và “lượm lặt” được những điều ý nghĩa cho riêng mình. Tôi xin gửi đến các em và các phụ huynh yêu mến sách lời cảm ơn chân thành từ trái tim.
Phóng viên: Xin cảm ơn nhà báo Phan Khuê và chúc sứ mệnh “làm được những điều tốt đẹp cho thiếu nhi” của anh luôn có nhiều thành tựu!
Bảo Ngọc
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nha-bao-nguyen-phan-khue-toi-viet-boi-su-thoi-thuc-lam-mot-dieu-gi-do-cho-tre-tho-a20092.html