Kỳ 22
Trong chiến dịch Ngọc Hồi-Thăng Long đại phá quân Thanh, đạo quân chủ lực do vua Quang Trung trực tiếp chỉ huy có nhiệm vụ đập nát hệ thống phòng thủ phía Nam Thăng Long. đạo quân này chia làm 3 doanh: đạo tiên phong do Đại tư mã Ngô Văn Sở chỉ huy, đạo hậu quân do Hám Hổ Hầu chỉ huy, đạo trung quân do vua Quang Trung chỉ huy có Đại đô đốc Vũ Văn Dũng làm phó tướng. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Quang Trung, đạo chủ lực đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, chiến thắng oanh liệt, chỉ một buổi sáng công phá đạp nát toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở phía nam, mở toang cánh cửa vào Thăng Long. Có khả năng rằng ông Bùi Hữu Hiếu được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Quang Trung và chiến đấu bên cạnh phó tướng Vũ Văn Dũng, tham gia các trận đánh Hà Hồi, Ngọc Hồi. Trong các trận chiến đấu này ông Bùi Hữu Hiếu đã lập được những chiến công xuất sắc nên ngay từ năm đó ông đã được vua Quang Trung tin cậy cất nhắc Cũng trong các trận đánh này ông Bùi Hữu Hiếu còn giành được sự khâm phục của phó tướng Tây sơnVũ Văn Dũng cùng quân doanh với hoàng đế Quang Trung. Từ đây cho đến ngày sụp đổ của chính quyền Tây Sơn, số phận, cuộc đời và sự nghiệp hai ông Dũng và Hiếu gắn bó với nhau trên con đường phụng sự vương triều này. Có lẽ sau trận này Bùi Hữu Hiếu được đứng vào hàng tướng lĩnh trong quân ngũ Tây Sơn, mở đầu cho bước tiến của ông lên chức Đô đốc thời vua Quang Trung và Đại đô đốc thời Cảnh Thịnh (1796) đi sứ sang Trung Quốc: Vấn đề bang giao hữu hảo giữa triều Tây Sơn với nhà Thanh chỉ được bắt đầu sớm nhất là vào trung tuần tháng 1 năm 1789, tức là sau khi cuộc xâm lược của nhà Thanh bị Quang Trung đè bẹp. Như chương II đã trình bày từ giữa tháng 1 năm 1789 đến tháng 4 năm 1790 là thời gian các quan chức nhà Thanh ở Quảng Đông, Quảng Tây lo liệu thuyết phục Càn Long không mở cuộc chiến tranh tấn công Đại Việt lần 2 để báo thù. Do tài năng khéo léo của Ngô Thời Nhậm và ý tưởng muốn hoà bình của quan chức nhà Thanh ở Lưỡng Quảng mà chiến tranh không tái diễn, lại còn nâng quan hệ hai nước lên một bước cao hơn. Thời kỳ này chủ yếu giao thiệp giữa các quan chức hai bên ở vùng biên giới. Do đó ông Bùi Hữu Hiếu không tham gia sứ bộ trong thờì điểm này.
Từ tháng 4 đến tháng 11 năm 1790 là thời gian phái đoàn vua Quang Trung giả bao gồm 159 người do Võ Huy Tấn cầm đầu sang tận Yên Kinh, Nhiệt Hà mừng “Bát tuần thượng thọ” vua Càn Long. Trong 159 người ngoại trừ Phạm Công Trị cháu của Nguyễn Huệ đóng vua Quang Trung, Nguyễn Quang Thuỳ, con thứ Nguyễn Huệ, số còn lại hầu hết là văn quan, võ tướng của Bắc Hà. Ít có khả năng ông Bùi Hữu Hiếu tham gia phái đoàn vua Quang Trung giả này, phần ông là võ tướng đã theo Nguyễn Huệ vào Nam, chuẩn bị tác chiến chống Nguyễn Phúc Ánh, phần vì ông mới về với nhà Tây Sơn hai năm, tài năng quân sự đã được công nhận, nhưng tài năng ngoại giao chưa được bộc lộ.
Chúng tôi đã nói rằng sau trận Ngọc Hồi-Thăng Long, do tài năng đức độ của mình, ông Bùi Hữu Hiếu không chỉ chiếm được cảm tình tin cậy của vua Quang Trung mà còn chiếm được sự yêu mến của Đại đô đốc Vũ Văn Dũng. Từ đó mở ra sự gắn bó giữa hai người không chỉ trong quân sự mà cả trong chính trị, ngoại giao. Tháng 4 năm 1791 Vũ Văn Dũng được vua Quang Trung cử thành lập và cầm đầu đoàn sứ bộ sang Trung Quốc đòi đất Quảng Đông, Quảng Tây, xin cho Quang Trung một công chúa nhà Thanh về làm cung phi. Vũ Văn Dũng trong khi thành lập phái đoàn sứ bộ không thể không chọn những người tài năng và đáng tin cậy của mình để hoàn thành sứ mạng nặng nề mà vua Quang Trung giao phó. Trong danh sách đệ trình vua Quang Trung, ông không thể không ghi tên ông Bùi Hữu Hiếu, một người tài cán và tin cậy của ông. Vì thế có khả năng ông Bùi Hữu Hiếu đi Trung Quốc vào tháng 4 năm 1792 trong phái bộ do Vũ Văn Dũng cầm đầu.
Bùi Hữu Hiếu và Vũ Văn Dũng từ 1792 đến 1802: Sau khi vua Quang Trung mất năm 1792, Thái tử Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh hoàng đế mới 15 tuổi. Vì thế, quyền hành triều đình lọt vào tay cậu của nhà vua là thái sư Bùi Đắc Tuyên. Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, thanh trừng những người không cùng phe cánh: Giáng chức thu binh quyền của Đô đốc Nguyễn Văn Lộc khi ông đang chỉ huy chiến đấu chống quân Nguyễn Phúc Ánh ở mặt trận Kỳ Sơn (Bình Định), gây tổn thất cho quân đội Tây Sơn. Năm 1795 Bùi Đắc Tuyên giết chết Đại tư mã Ngô Văn Sở, một đại công thần của vương triều. Để ổn định triều chính, cứu nguy cho nhà Tây Sơn, năm 1795 Vũ Văn Dũng đã tổ chức giết chết Bùi Đắc Tuyên và phe cánh. Bùi Hữu Hiếu người sát cánh cùng với Vũ Văn Dũng có khả năng cũng tham gia vào việc tiêu diệt tên quyền thần này và phe lũ của y, góp phần ổn định triều chính. Công lao này cùng với những chiến công khác của ông trong cuộc chiến chống quân Nguyễn nên vua Cảnh Thịnh đã phong Bùi Hữu Hiếu chức Đại đô đốc Tây Sơn vào năm 1796 (Bính Thìn). Theo quan chế nhà Tây Sơn thì từ Tướng quân lên Đô đốc mới lên Đại đô đốc. Vậy trước đó dưới triều vua Quang Trung Bùi Hữu Hiếu đã được phong làm Đô đốc. Vào thời gian này cuộc chiến đấu của Tây Sơn chống quân Nguyễn diễn ra quyết liệt trên các chiến trường miền Trung. Năm 1799 Nguyễn Phúc Ánh chiếm được thành Qui Nhơn. Năm 1800 đến năm 1801 Đại đô đốc Vũ Văn Dũng cùng thiếu phó Trần Quang Diệu tiến đánh vây hãm 14 tháng ròng và hạ được thành Qui Nhơn. Là người tin cậy của Vũ Văn Dũng có lẽ ông Bùi Hữu Hiếu cũng tham gia cuộc vây hãm và công phá thành Qui Nhơn. Tháng 1 năm 1801, kinh thành Phú Xuân thất thủ trong cuộc tấn công của Nguyễn Phúc Ánh. Hoàng đế Cảnh Thịnh phải chạy ra Bắc Hà. Những trận giao tranh quyết tử giữa quân đội Tây Sơn và quân Nguyễn Phúc Ánh diễn ra quyết liệt ở Nghệ An. Ở mặt trận này quân Tây Sơn hết sức nguy ngập. Vũ Văn Dũng, Trần Quang Diệu và Đại đô đốc Bùi Hũu Hiếu đem quân từ nam Trung Bộ ra Nghệ An ứng cứu cho vua Cảnh Thịnh và Bùi Thị Xuân nhưng không kịp. Tháng 3 năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh chiếm được Nghệ An. Tháng 4 năm đó quân Nguyễn chiếm được Thanh Hoá. Đô đốc Đặng Xuân Bảo chỉ huy mặt trận Thanh Hoá bị bắt. Ông nhịn ăn mấy ngày mà chết. Cả nhà Thiếu phó Trần Quang Diệu bị bắt và bị Nguyễn Phúc Ánh sát hại ở Nghệ An, Ngày 10 tháng 6 năm 1802 quân Nguyễn Ánh chiếm Thăng Long. Triều đại Tây Sơn hoàn toàn sụp đổ.
Trong bước đường cùng hai ông Bùi Hữu Hiếu và Vũ Văn Dũng đêm tàn quuan chạy về Nông Cống, đến làng Ngọ Xá (Thăng Bình) thì bị truy sát gắt gao. Ông Vũ Văn Dũng phải tự nộp mình mong lấy cái chết để mưu lợi cho dân làng. Ông Bùi Hữu Hiếu theo lời dặn của ông Vũ Văn Dũng là phải sống để gây dựng lực lượng mong khôi phục lại nhà Tây Sơn. Có lẽ hai ông hi vọng vào sự sống còn của vua Cảnh Thịnh. Nhưng vua Cảnh Thịnh bị bắt và bị giết. Đại cục tan vỡ. Ông Bùi Hữu Hiếu được anh em xóm làng che chở, mai danh ẩn tích, lập gia đình sống những ngày còn lại ở quê nhà.
Ông Bùi Hữu Hiếu đã giáo dục cho con cháu truyền thống bất khuất anh hùng đại nghĩa của các bậc tiền bối Tây Sơn.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/phong-trao-nong-dan-tay-son-va-dai-do-doc-tay-son-bui-huu-hieu-ky-22-a20096.html