Cao Bồ mùa nước đổ - Bức tranh hoang sơ giữa đại ngàn

Thời điểm gieo cấy của người dân xã Cao Bồ năm nay đến chậm hơn so với lịch dự kiến khoảng 12 đến 15 ngày vì lượng mưa ít. Mùa nước đổ tạo cho nơi đây một bức tranh hoang sơ tuyệt đẹp khắc tạo nên từ cuộc sống lao động của đồng bào nơi đây.

Từ đầu tháng 7 những cơn mưa mới bắt đầu mang nước từ thượng nguồn đổ xuống những thửa ruộng bậc thang. Đó cũng là lúc người dân xã Cao Bồ rộn ràng xuống đồng đổ ải, gieo hạt lúa mới sau một thời gian dài chờ đợi, mang theo bao hy vọng về một vụ mùa bội thu, thóc lúa đầy bồ, dân làng ấm no…

picture1-1690993550.jpg

Từ đầu tháng 7 những cơn mưa mới bắt đầu mang nước từ thượng nguồn đổ xuống những thửa ruộng bậc thang

picture2-1690993590.jpg
 

Cao Bồ thuộc huyện Vị Xuyên nằm cách thành phố Hà Giang hơn 20km, nằm giữa dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vỹ, nơi có những con thác lớn với dòng chảy mạnh, hoang sơ giữa đại ngàn. Trong ảnh là thác Lùng Tao đẹp tựa dải lụa trắng. (Thôn Lùng Tao xã Cao Bồ được tỉnh Hà Giang công nhận Làng Văn hóa du lịch cộng đồng năm 2009).

picture3-1690993772.jpg
 
picture4-1690993803.jpg
 

Người Dao áo dài – dân tộc cư trú và sinh sống chủ yếu tại xã Cao Bồ – luôn tự hào với phong cảnh quê hương và văn hoá dân tộc mình. Những quần thể ruộng bậc thang trùng điệp nối tiếp quanh bản làng là công sức kiến tạo và dựng xây từ nhiều đời cha ông đã sinh sống trên mảnh đất này. Nối tiếp quá khứ cuộc sống người Dao ngày nay luôn gắn kết hoà hợp giữa con người và thiên nhiên.

picture5-1690993848.jpg
 

Khi những cơn mưa rào đầu hạ trắng xóa núi rừng Tây Côn Lĩnh cũng là lúc người dân ngâm lúa giống để ủ mầm, đàn ông làm chân mạ để phụ nữ gieo hạt, độ 10 đến 15 ngày cây mạ lên xanh và phát triển khoảng một gang tay mới nhổ mang đi cấy.

picture6-1690993892.jpg
 
picture7-1690993918.jpg
 

Mùa nước đổ ruộng bậc thang Cao Bồ trải dài như một tấm gương sáng khổng lồ, phản chiếu lấp lánh đủ thứ sắc màu: Màu vàng của nắng hạ, nâu  sẫm của bùn non, xanh mướt của mạ... Thấp thoáng bóng người cày, cấy giữa lưng núi vờn mây.

picture8-1690993955.jpg
 

Quãng thời gian chờ mạ lớn người dân tiến hành đổi công cho nhau làm cỏ, đắp bờ, sửa lại những địa hình sạt lở do thời tiết hoặc chăn thả trâu bò để giữ nước lại ruộng, sau đó tiến hành cày bừa một lượt và chờ những cơn mưa nối tiếp nhau để đón nước về ngập đồng. Thời tiết ở Cao Bồ mùa nước đổ có những ngày chìm trong sương mây bồng bềnh.

picture9-1690993993.jpg
 
picture10-1690994109.jpg
 

Năm nay vì lượng mưa ít nên nhiều địa hình ruộng ở sâu chân núi đón nhận lượng nước ít hơn so với những khu ruộng tập trung đành phải chờ để cấy sau nên vụ cấy của người dân Cao Bồ năm nay kèo dài đến tận cuối tháng 7. Mùa cấy là một công việc tập thể, nên người Dao đi cấy đổi công cho nhau, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn và thuận lợi của mùa vụ.

picture11-1690994154.jpg
 

Hoạt động canh tác thời điểm hiện tại đã có nhiều thay đổi, các loại máy móc nhỏ như máy cày, máy gặt... và các công cụ khác phù hợp với địa hình đã được người dân áp dụng. Nhờ những thay đổi và ứng dụng công nghệ trong canh tác, người dân Cao Bồ đã giảm bớt công lao động mà vẫn có thể duy trì và cải thiện năng suất trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết.

picture12-1690994189.jpg
 

Nhằm đa dạng hóa hoạt động nông nghiệp, ngay sau khi cấy xong, người dân sẽ thả thêm cá chép vào các thửa ruộng bậc thang để tận dụng ăn bùn đất, côn trùng trong ruộng lúa. Sau khi thả cá chỉ cần tháo nước vào ruộng và đảm bảo duy trì ở mức 5 – 10 cm để cây lúa và cá cùng sinh trưởng. Sau mỗi vụ thu hoạch cũng là lúc thu hoạch cá chép. Hình thức tận dụng này người Dao đã làm từ nhiều đời trước đến nay vẫn áp dụng và cho thấy nó tạo thêm một đầu ra cho người dân phục vụ nhu cầu cuộc sống cũng như bảo tồn những nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc, phục vụ phát triển du lịch.

picture13-1690994229.jpg

 

Du khách khi đến Cao Bồ mùa này không chỉ cảm nhận được sự độc đáo của nền nông nghiệp vùng cao với những phương thức canh tác nguyên sơ, mà còn hòa mình vào thiên nhiên khoáng đạt, chứng kiến khoảnh khắc hồn hậu của lũ trẻ đang mải miết nô đùa trên những “Bể bơi” lưng chừng trời.

picture14-1690994272.jpg

Ánh mắt hồn nhiên của những đứa trẻ ngày mùa theo bố mẹ đi cấy

Đất đai, khí hậu và nguồn nước tại Cao Bồ còn sản sinh ra một đặc sản, được mệnh danh “báu vật” của những người Dao nơi đây đó là: Trà Shan tuyết cổ thụ. Theo tiếng Dao, Shan Tuyết nghĩa là tuyết trên núi cao. Trà sống ở trên núi độ cao từ 1000 – 2000m so với mặt nước biển, bám rễ sâu vào núi rừng Tây Côn Lĩnh để sinh trưởng và phát triển. Người Cao Bồ luôn tự hào rằng đây là nơi có quần thể những cây Trà shan cổ được công nhận là cây di sản nhiều nhất Việt Nam.

picture15-1690994310.jpg

Người dân Cao Bồ thu hái Trà Shan Tuyết phục vụ khách du lịch

Người dân Cao Bồ luôn thân thiện chào đón “Những vị khách lạ” đến thăm quê hương mình. Mỗi mùa ở Cao Bồ đều mang vẻ đẹp riêng. Hết mùa nước đổ, tháng 10 đầu thu Cao Bồ lại chuẩn bị bước vào mùa gặt ngập tràn sắc vàng của quần thể ruộng bậc thang trùng điệp. Rồi nối tiếp là mùa du lịch trekking chinh phục đại ngàn Tây Côn Lĩnh cao 2428 mét ngắm hoa đỗ quyên nở khiến nhiều du khách không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Đó là lợi thế và tiền đề để Cao Bồ phát triển mạnh các hoạt động du lịch cộng đồng trong tương lai.

picture16-1690994344.jpg

Người dân Cao Bồ thu hái Trà Shan Tuyết phục vụ khách du lịch

Có thể nhận thấy sự khác biệt lớn ở Cao Bồ là sở hữu quần thể Trà Shan Tuyết rộng lớn, trải dài khắp núi rừng, đó là một trải nghiệm du lịch độc đáo thu hút nhiều sự quan tâm. Bên cạnh hành trình khám phá vùng trà di sản, du khách còn được chìm đắm trong rất nhiều điều kỳ thú xung quanh con người và thiên nhiên nơi đây.

picture17-1690994380.jpg

Lượng du khách đến với Cao Bồ ngày càng đông

Trao đổi với chúng tôi, ông Lại Quốc Tĩnh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Giang – đơn vị đã tiến hành khảo sát hoạt động du lịch tại xã Cao Bồ đánh giá: “ Đây là địa bàn có tiềm năng lớn về du lịch cộng đồng bởi sự mới lạ trong hoạt động khám phá, trải nghiệm. Đặc biệt người Dao nơi đây đã ý thức rất rõ việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình. Sắp tới hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động liên kết khai thác tại đây.”

Văn hoá bản địa của người Dao chính là điểm nhấn độc đáo để lại ấn tượng, níu chân du khách khi đến Cao Bồ. Kho tàng dân ca Dao những làm điệu hát, múa, và các lễ hội truyền thống tạo nên sức hút khó cưỡng. Làm sao để du khách tò mò, sẵn sàng trải nghiệm và hòa mình vào cuộc sống của người bản địa, tìm hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa độc đáo mà người Dao nơi đây mang lại.

Bà Triệu Thị Tình – Phó GĐ Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch Hà Giang cho biết: Tỉnh Hà Giang rất quan tâm phát triển du lịch tại huyện Vị Xuyên. Hiện các làng văn hoá du lịch cộng đồng được công nhận đã và đang tổ chức tốt hoạt động đón khách du lịch đó là: Lùng Tao (xã Cao Bồ), Thanh Sơn (xã Thanh Thuỷ), Bản Bang (xã Đạo Đức), Khuổi Lác (xã Trung Thành). Người dân đã biết tận dụng những nét đẹp, thế mạnh của địa phương như: ẩm thực, các giá trị văn hoá, các đội văn nghệ dân gian để tạo nên những trải nghiệm hấp dẫn. Sở VHTTDL sẽ luôn đồng hành cùng địa phương để phát triển du lịch đúng hướng và bền vững. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá để phát triển du lịch.”

 

Vũ Đạo

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cao-bo-mua-nuoc-do-buc-tranh-hoang-so-giua-dai-ngan-a20146.html