Kỳ 5
Nguyễn Trãi gật gù:
-Đệ nói cũng phải. Nếu Lê Nguyên Long làm thái tử và trở thành Hoàng thượng thì bản thân Quốc Vương hoàng tử Lê Tư Tề cũng sẽ bị Lê Nguyên Long loại trừ, còn những người phò tá Lê Từ Tề thường cũng có một kết cục rất xấu, thậm chí tính mạng bị đe dọa. Nhưng hiện nay cũng chưa rõ thái độ của Lê Thái Tổ thế nào?
Trần Nguyên Hãn đáp:
-Cho đến nay Lê Thái Tổ chưa có thái độ nghiêng về Lê Tư Tề hay Lê Nguyên Long. Nhưng đệ nói thêm, đệ cáo quan còn là vì muốn nối theo chí ông nội ngày xưa, sớm rời bỏ quan trường đầy cam go, về sơn khê cho ung dung tự tại, vui thú với hoa lá chiêm muông trời đất, tĩnh tại thanh nhàn. Huynh cũng sớm nên cáo quan đi về Côn Sơn này mà thưởng thức vẻ đẹp của thần tiên nơi trần thế như ông ngoại xưa.
Nguyễn Trãi nói:
-Huynh không phải là tham quan cố giữ lại cái địa vị của mình nhưng trong huynh luôn mang nặng chữ vì dân vì nước. Đệ về trước đi, còn huynh sẽ xem xét thời cuộc rồi sẽ tính sau.
Trần Nguyên Hãn nói:
-Đúng rồi, đệ là quan võ, huynh là quan văn, các ngài quan văn bao giờ cũng nặng tình Nho gia, lời dạy của thánh hiền. Nhưng huynh ơi, thực hiện được những lý tưởng của thánh hiền trong thực tế đâu phải dễ, toàn những lý thuyết ru ngủ con người, bay trên mây trên gió.
Sau bữa cơm rượu chia biệt ở nhà Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn lên bàn thờ gia tiên đốt hương cho ông ngoại Trần Nguyên Đán, cho bác là Trần Thị Thái, bác rể là Nguyễn Phi Khanh. Xong Trần Nguyên Hãn chắp tay nói:
-Xin cáo biệt huynh, huynh bảo trọng.
Nguyễn Trãi cũng chắp tay và nói:
-Xin cáo biệt đệ, đệ bảo trọng
-Đa tạ, đa tạ.
Rồi Trần Nguyên Hãn rời Côn Sơn, xa dần sau núi rừng Côn Sơn hiu hắt. Nguyễn Trãi đứng lặng im nhìn, lòng buồn khôn tả.
Từ Côn Sơn Trần Nguyên Hãn đi về Đông Kinh. Khoảng một tháng sau ông đến hành cung của Lê Thái Tổ xin vào gặp. Lê Lợi cho vào. Trần Nguyên Hãn quỳ hành lễ:
-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.
-Miễn lễ, ái khanh đứng dậy đi.
-Tạ hoàng thượng.
Sau một lượt trà, Lê Thái Tổ hỏi:
-Hôm nay Tả tướng quốc vào gặp ta có việc gì không?
Trần Nguyên Hãn đáp:
-Đa tạ hoàng thượng đã quan tâm, thần quả nhiên có việc muốn nhờ Hoàng thượng chiếu cố.
-Tả tướng quốc có việc gì vậy?
-Muôn tâu Hoàng thượng, thần muốn cáo quan về quê nhà, nối chí ẩn dật của ông nội Trần Nguyên Đán ngày xưa, tiêu dao tự tại vui cảnh thiên nhiên hoa lá trời đất cho thanh thản tuổi già.
Lê Thái Tổ ngạc nhiên nói:
-Đất nước sau 20 năm bị giặc Minh tàn ác thống trị, lại bị 10 năm chiến tranh tàn phá, nay hòa bình rất cần nhân tài để vua tôi đồng lòng cùng đem tài năng để xây dựng phát triển đất nước, sao khanh lại sớm có tư tưởng an nhàn như vậy?
Trần Nguyên Hãn đáp:
-Dạ mong Hoàng thượng tha tội. Nay hòa bình là lúc dùng văn và chính trị, thần là võ tướng không hiểu mấy về văn trị và pháp trị. Nhưng thần về rồi bao giờ cũng sẽ nhớ đến việc nước.
Sắc mặt Lê Lợi bỗng nhiên trầm tư. Lê Lợi suy nghĩ: Trần Nguyên Hãn đang phò tá Lê Tư Tề, dù sao cho cách xa Hữu tướng quốc Quốc vương thì cũng tốt vì ông ta là quý tộc nhà Trần. Nghĩ vậy Lê Lợi nói:
-Khanh đã có ý nối chí quan tư đồ ngày xưa thì trẫm cũng không gò ép để khanh thực hiện lý tưởng tốt đẹp. Khanh về viết một lá đơn đem vào đây trẫm phê duyệt, sau đó khanh đem sang Bộ lại để cho triều đình biết kẻo họ bảo khanh tự động đi khỏi triều đình sẽ bị tội.
Trần Nguyên Hãn vội quỳ:
-Đa tạ Hoàng thượng.
Lê Lợi căn dặn tiếp:
-Về trí sĩ nhưng một năm khanh phải hai lần về triều để ta hiểu tình hình của ái khanh.
Trần Nguyên Hãn lại quỳ hành lễ:
-Đa tạ Hoàng thượng, thần tuân chỉ.
Sau khi được Lê Thái Tổ phê chuẩn, đóng con dấu vào đơn, Trần Nguyên Hãn đem trình Bộ lại rồi rời triều đình về quê, đó là tháng 1 năm 1429 âm lịch.
Về quê, Trần Nguyên Hãn cho xây dựng biệt phủ, ốp bằng gạch hoa và đá hoa cương, tạo nên một biệt điện vô cùng tráng lệ. Ông còn cho chăn nuôi gia cầm gia súc như gà vịt hàng nghìn con, ngựa hàng trăm con, trâu bò hàng đàn. Trần Nguyên Hãn còn mở một khoảng đất rộng khoảng 4-5 sào đất khô để hàng ngày ông vui chơi cùng gia nhân bắn cung luyện võ. Một thú vui nữa của ông là cưỡi ngựa đi săn với gia nhân ở Tam Đảo với hàng đàn chó săn. Trong chuồng, ông còn nuôi hàng chục con voi to lớn. Voi để tải lúa gặt ngoài đồng về, voi còn kéo cối đá tuốt lúa. Ông thường cưỡi voi dạo quanh quê hương và dọc sông Lô. Ông còn đóng hai thuyền lớn để đi dạo trên sông Lô, sông Thao, sông Đà, hoặc cho gia nhân mang lưới cùng ông đi bắt cá trên ba con sông Đà, Thao, Lô. Đó là những trò tiêu khiển mà ông thấy tuyệt vời khi về sống với điền viên thôn dã. Ông tưởng ông đã xa được đấu trường chính trị hiểm ác. Trần Nguyên Hãn là một võ quan nên suy nghĩ đơn giản, ông nghĩ cứ có lòng trung với vua và trung với nước là được...
Hoàng thành Thăng Long chìm trong mùa đông giá lạnh năm 1429. Sau bữa ăn sáng, Lê Thái Tổ đang ngồi uống trà trong điện Kim Loan trong một căn phòng lớn nhưng lộng lẫy. Những cây cột lớn sơn màu đỏ, có những con rồng vàng cuồn cuộn leo lên thân cột. Nền nhà rải thảm đỏ. Lê lợi ngồi sau cái bàn màu gụ, khảm trai bóng loáng. Hai bên có hai nội quan đứng hầu, bên dưới đứng hai bên bàn là hai thị nữ, hai người lính thiết đột cầm giáo, đội mũ oai nghiêm đứng canh ngoài cửa. Lê Thái Tổ vừa uống trà vừa xem tấu sớ để phê duyêt. Chợt có quan nội giám bước vào:
-Dạ bẩm Hoàng thượng, có năm quan viên trong triều vào báo việc khẩn cấp.
-Cho vào ngay.
-Tuân lệnh Hoàng thượng.
Quan nội thị đi ra, một lát sau năm viên gian thần bước vào. Đó là những quan viên bậc thấp trong triều nhưng ai mà chúng không bằng lòng, bằng ba tấc lưỡi của chúng bên tai Hoàng thượng hoặc trước triều đường có thể gây cho họ án tử, án lưu, án đồ, nhẹ thì giáng tước vị, chức vụ. Các đại thần từ lâu đã truyền tai nhau đó là những tên gian thần và họ đều tránh xa chúng. Lê Thái Tổ nhìn ra thì đó là Đinh Bang Bảng, Lê Quốc Khí, Trịnh Hoành Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư. Bọn này thường đối diện gay gắt với văn võ bá quan, nhất là với những đại thần khai quốc công thần, quyền cao chức trọng nhờ những võ công trong kháng chiến. Lê Thái Tổ cũng không ưa gì bọn gian thần này nhưng không thể ghét được bọn chúng vì chúng nói những lời phỉnh nịnh dễ nghe. Vả lại vua cũng cần chúng để nắm tình hình các quan lại, nhất là các đại thần trong triều.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-4b-bi-su-nha-le-so-1428-1527-ky-5-a20228.html