Vợ anh mất cách đây hơn 10 năm nên sau khi về hưu anh đã sang định cư ở Úc cùng các con. Ở cái tuổi ngoài 60, nhất là với các cựu chiến binh thời chống Mỹ, bảo vệ biên giới phía Bắc thì cái khái niệm đi định cư ở nước ngoài không phải là khái niệm ưa thích, hạnh phúc mà chỉ là buộc phải đi. Đi vì các con yêu cầu, đi vì ở trong nước chỉ có một mình và vì những lý do trời ơi. Chính vì thế mà các ông ấy dù đang định cư ở Mỹ, ở Canada, ở Úc…nhưng sểnh một cái là lại tìm về Việt Nam, để gặp đồng đội, bạn hữu, đồng nghiệp cũ.
Được uống một cốc bia hơi ở quán bia hơi Cường Hói bên bờ Hồ Tây hoặc được ngồi bên nồi lẩu mắm ở một nhà hàng nào đó giữa trung tâm TP HCM với cố tri mới thấy những nụ cười thật sự hạnh phúc nở trên khuôn mặt các ông và mới thấm câu thơ “Quê hương là chùm khế ngọt”.
- Anh đang ở Việt Nam à – tôi hỏi anh Điệp
- Mình đang ở TP HCM, mình về được hai tuần rồi, nhớ Nọi nên gọi điện hỏi thăm. Nọi khỏe chứ, có rảnh không để chúng mình hàn huyên một lúc.
- Em khỏe anh Điệp ơi! Chắc có chuyện gì anh mới gọi điện cho em chứ? Em nghe đây anh.
Anh Điệp lớn hơn tôi ba tuổi, lúc nhập ngũ tôi đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Vật lý, đại học tổng hợp Hà Nội, còn anh Điệp đã là sinh viên năm thứ ba khoa Toán. Sau huấn luyện ba tháng ở Mai Sưu, Hà Bắc (Bắc Giang); đầu năm 1973, tiểu đoàn 495 mà đa số là sinh viên chiến sỹ chúng tôi được lệnh hành quân đi B, tức là hành quân vào miền Nam chiến đấu. Sáu tháng cùng “sẻ dọc Trường Sơn đi chiến đấu”, cùng chứng kiến 11 đồng đội bị chết vì bom địch ở Cà Tum, Tây Ninh. Chúng tôi cùng trung đoàn 271, chiến đấu ở mặt trận Quảng Đức, Phước Long. Những nơi mà cái chết và sự sống luôn chỉ trong gang tấc đã tạo nên tình đồng đội, tình chiến hữu, gắn kết chúng tôi cho đến ngày nay. Mỗi năm cứ đến ngày 30 tháng tư, 22 tháng 12, ngày nhập ngũ hoặc 27 tháng 7 là các cuộc gặp mặt cựu chiến binh sinh viên thường được tổ chức. Anh Điệp dù định cư ở nước ngoài nhưng anh thường không mấy khi vắng mặt ở những buổi gặp mặt chính yếu hàng năm của cựu chiến binh trung đoàn 271.
Anh Điệp học giỏi, anh đã từng đạt giải nhì thi toán lớp 10/10 toàn miền Bắc thời còn chiến tranh. Anh luôn là thủ khoa khi học đại học, kể cả sau khi quay về trường học lại sau chiến tranh. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Điệp được phân công về làm việc tại Viện toán học Việt Nam, tiếp theo là được sang làm nghiên cứu sinh ở trường đại học tổng hợp Budapet, Hung ga ri. Trở về nước với cái bằng tiến sỹ toán học, anh tiếp tục làm việc ở Viện Toán rồi sau đó chuyển sang làm giảng viên ở trường đại học bách khoa Hà Nội. Anh Điệp còn rất yêu văn học, anh đọc rất nhiều tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn của các nhà văn nổi tiếng của Liên Xô, của Pháp được dịch ở miền Bắc trước 1975. Anh có trí nhớ tuyệt vời nên chúng tôi có cơ hội được nằm giữa rừng nghe anh kể những tác phẩm của Puskin, của Đô-xtôi-ép-xki, của Aimatop, Balzac, Vích to huy gô… cứ như anh đang đọc những truyện đó vậy, Tôi ngưỡng mộ anh không chỉ vì anh là tiến sỹ toán học mà vì những kiến thức văn học, những hiểu biết của anh về nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Anh quý tôi, không bao giờ xưng anh với tôi mà chỉ xưng mình và cậu, còn tôi luôn gọi anh bằng anh và xưng em với anh. Hôm hội sách của trang nhóm Chuyện Làng Quê ở TP HCM, anh và một số đồng đội của tôi có ghé qua. Tôi tặng anh tuyển tập Truyện ký 1 Chuyện Làng Quê, trong đó có truyện ký “Cô nữ sinh Sài Gòn và anh giải phóng quân” của tôi. Ngay tối hôm đó anh Điệp gọi điện cho tôi:
- Mình vừa đọc truyện của cậu, truyện hay quá. Một tình yêu đầy chất thơ, đẹp và đáng trân trọng – anh lặng đi một lúc rồi nói tiếp:
- Tớ cũng có mối tình đầu gần giống vậy với một nữ sinh Long An hồi mới giải phóng. Câu chuyện của cậu làm tớ không ngủ được vì ký ức thức dậy dày vò tớ. Có lẽ khi nào đó tớ sẽ kể cho cậu nghe - Hôm nay, anh gọi điện thoại cho tôi là để kể về mối tình đầu của anh với cô nữ sinh Long An của những ngày tháng 5 năm 1975.
Những ngày đầu tháng 5 năm 1975, trung đoàn 271 quân giải phóng miền Đông Nam Bộ được chuyển về Long An đóng quân. Anh Điệp, khi ấy đang là y tá, được giao quản lý kho thuốc quân y của đơn vị. Anh được phân về ở nhà thím tư Huệ, Bình Hữu, Đức Hòa. Thím tư Huệ quê Cần Thơ nên mang nét đẹp đoan trang của phụ nữ Cần Thơ, da trắng, tóc dài, mắt bồ câu, nói năng luôn nhẹ nhàng. Chú thím tư Huệ có bốn sắp nhỏ, Kim Lan là con gái lớn của chú thím đang học tú tài. Kim Lan khi ấy 17 tuổi, mang nét đẹp nền nã của mẹ và luôn dịu dàng, lễ phép vì được sinh ra trong một gia đình gia giáo.
Các anh giải phóng quân “sinh viên chiến sỹ” của trung đoàn 271 đang ở độ tuổi 21 đến 25, phần lớn là sinh viên của trường đại học tổng hợp và đại học bách hoa Hà Nội. Các anh đã mang một làn gió mát lành đến với nhân dân Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), nhất là với các má, các chị, các em. Kiến thức toán lý, kiến thức văn học, lịch sử và sự tuân thủ kỷ luật quân đội của bộ đội cụ Hồ đã xua tan sự hoài nghi do bị tuyên truyền trước đây. Rất nhanh chóng, các anh chiến sỹ sinh viên đã được các má các chị tin yêu còn các em thì luôn náo nức đến mê mệt vì các chân trời kiến thức do các anh mang lại. Thêm nữa, đa phần các anh đều mang dáng vẻ thư sinh, những khuôn mặt thông minh với những nụ cười, cách ứng xử luôn cuốn hút. Chỉ có khoảng ba bốn tháng đóng quân ở Long An, nhưng đã có khá nhiều mối tình chiến sỹ sinh viên với các nữ sinh Long An nảy nở. Phần lớn các mối tình đẹp đó không đơm hoa kết trái vì bị cản trở bởi khoảng cách không gian, thời gian và những khó khăn kinh tế sau chiến tranh do chính sách cấm vận của Mỹ và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc do Trung Quốc phát động. Gần 50 năm đã trôi qua mà tình quân dân giữa các cựu chiến binh trung đoàn 271 và nhân dân Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) vẫn nồng thắm như xưa. Cứ mỗi cuộc họp mặt là cười là khóc, là ôm nhau để nhắc lại những chuyện xưa. Đã có nhiều cuốn sách viết về tình quân dân giữa các cựu chiến binh trung đoàn 271 và bà con Đức Hòa, Đức Huệ, vậy nhưng những chuyện tình giữa những chiến sỹ sinh viên và các nữ sinh Long An vẫn được giữ kín ở trong tim của những người trong cuộc. Thật may mắn cho tôi là đã được anh Điệp bộc bạch mối tình đầu của mình với một nữ sinh Long An chỉ vì ký ức trỗi dậy mạnh mẽ và buộc anh phải chia sẻ.
Anh Điệp cao một mét bảy lăm, người Hà Nội, sự uyên bác và vẻ đẹp trai của anh thì đến cánh đàn ông còn thích chứ nói gì đến phụ nữ. Kim Lan cũng vậy, không thể không phải lòng anh Điệp. Chú thím tư Huệ thì quý anh Điệp ra mặt, chú đi tiệc tùng nhà nào cũng lôi anh Điệp đi theo như ngầm giới thiệu con rể tương lai với bà con chòm xóm. Anh Điệp không uống được rượu, nên mỗi lần được mời rượu anh chỉ nhấp môi còn chú tư thay anh uống hết. Sau mỗi cuộc rượu như vậy chú luôn liêu xiêu và anh Điệp phải dìu về, nhưng thím tư Huệ không bao giờ trách chú bởi vì thím còn quý anh Điệp hơn cả chú. Anh Điệp nói với tôi Kim Lan là cô gái đẹp nhất Long An hồi ấy, anh nói thêm là anh cảm nhận như thế - những người si tình luôn như vậy. Gia đình thím tư Huệ là gia đình khá giả trong vùng hồi ấy, hiên nhà rộng, được lát gạch men và là chỗ tâm sự mỗi tối của anh Điệp và Kim Lan. Anh Điệp thường kể cho Kim Lan nghe về cuộc sống và con người Hà Nội, về gia đình anh còn Kim Lan thì lắng nghe và mơ một lần được đặt chân đến Hà Nội, được ăn một bữa cơm với gia đình anh, được gọi mẹ anh là má. Những tối khác thì anh Điệp kể cho Lan nghe về những truyện tình anh đã đọc, tôi tin rằng anh có kể cả năm cũng không hết được những truyện anh đã đọc, đã nhớ. Kim Lan chắc chưa đủ lớn, đủ khôn để hiểu hết những thông điệp trong những truyện anh kể. Nhưng đâu có sao, chỉ cần nghe anh thủ thỉ mối tối là Lan đã thấy hạnh phúc lắm rồi, em cứ mong chuỗi ngày ấy cứ mãi kéo dài. Thật lạ là trong những ngày ấy cả anh Điệp và Kim Lan luôn muốn gần bên nhau, nghe tiếng của nhau và không hề bị ba má cấm đoán nhưng luôn chỉ có vậy, không một nụ hôn. Anh Điệp nói:
- Không hiểu do mình được giáo dục hay sự tôn trọng tình cảm của Kim Lan và gia đình, hoặc sự ngu ngơ của anh lính sinh viên mà mình không dám và cả không nghĩ đến một nụ hôn dành cho em. Kim Lan cũng vậy, chắc vì là con nhà lành nên em luôn giấu tình cảm vào trong tim.
Rồi anh Điệp cũng như nhiều chiến sỹ sinh viên trung đoàn 271 ngày ấy, phải rời Đức Hòa để lên Bình Phước rồi trở ra miền Bắc vào tháng 11 năm 1975, tiếp tục việc học dang dở của mình. Tình cảm của anh Điệp và Kim Lan được tiếp tục bằng những bức thư thấm đẫm nước mắt của nỗi nhớ thương. Chú thím tư Huệ thì luôn tin yêu anh Điệp và nhận xét về anh rất kiểu Nam Bộ “Thằng út Điệp là đứa đàng hoàng và gia đình nó cũng đàng hoàng”. Thím tư còn chuẩn bị hành trang cho con gái mình để làm dâu Hà Nội “Người ngoài Bắc sống có nề nếp, lễ giáo lắm đó, không dễ dàng như trong mình đâu”. Gia đình anh Điệp cũng ủng hộ tình yêu của anh với Kim Lan, tuy nhiên mẹ anh có cái nhìn rất thực tế “xa vậy thì làm sao đến được với nhau đây”. Cái xa chỉ 2 giờ bay thời nay thì ngày ấy quả là xa khủng khiếp, từ Hà Nội đi TP HCM mà chẳng khác đi nước ngoài - “khó hơn lên trời”. Sau khi trở về Việt Nam từ Hung ga ri với tấm bằng tiến sỹ toán học, anh Điệp đã phải khó khăn để lựa chọn một thực tế, chia tay với Lan để cô ấy tìm hạnh phúc khác. Anh chọn phương án yên lặng rút lui, chứ không dám viết thư chia tay với Lan bởi vì anh vẫn rất yêu Lan.
Hai bảy năm sau, 2002, khi điều kiện kinh tế ổn định. Anh Điệp cũng như nhiều cựu chiến binh đã chiến đấu ở miền Nam luôn tìm về thăm chốn cũ. Anh Điệp đi cùng hai đồng đội cũ tìm về Đức Hòa, cảnh vật Đức Hòa so với 1975 cũng thay đổi chưa nhiều. Anh Điệp nhanh chóng tìm được nhà thím tư Huệ, vào đến sân thì đứa em út của Kim Lan gọi với vô trong nhà:
- Má ơi! Có mấy chú bộ đội vô chơi – em chưa nhận ra anh út Điệp xưa – từ nhà sau, thím tư Huệ bước ra sân, nhìn thấy anh Điệp thím chợt sững lại.
- Út về đấy hả con – trái tim anh Điệp chợt thắt lại, thím không hề trách cứ anh mà vẫn coi anh như đứa con đi xa nay đã trở về. Chú tư đã mất cách đấy mấy năm, anh Điệp vào trước bàn thờ thắp hương tạ lỗi chú rồi ngồi nói chuyện với thím tư.
- Em Lan đang ở đâu hả thím? – quá nóng ruột vì không thấy Lan đâu nên anh Điệp hỏi thím.
- Con Lan lấy chồng ở ấp bên, đã có hai đứa con
– anh Điệp yên lòng một chút và cũng không dám hỏi gì thêm. Ngay buổi chiều hôm đó anh phải quay về TP HCM để kịp chuyến bay sáng mai về Hà Nội, anh xin số điện thoại nhà thím tư, nhà Lan và hứa sẽ sớm quay trở lại thăm thím và gặp em Lan.
Bốn tháng sau, nhân dịp vào giảng bài tại Đồng Tháp, anh Điệp mượn xe máy về Đức Hòa thăm gia đình thím tư Huệ và để gặp Kim Lan. Kim Lan được má thông báo kế hoạch anh út về thăm nhà má nên đã xin phép chồng về thăm nhà má đẻ và ngủ lại một đêm ở nhà má. Anh điệp đi xe đến đầu ngõ thì đã nhìn thấy Kim Lan đứng ở đầu sân chờ anh. Hai bảy năm chưa gặp lại, Kim Lan từ một thiếu nữ tuổi mười bảy giờ đã là một thiếu phụ ngoài bốn mươi nhưng vẫn mặn mà gợi cảm.
- Dạ! anh út về chơi – ánh mắt Kim Lan nhìn anh Điệp không chớp như muốn nuốt trọn hình ảnh anh, hai bảy năm cho nỗi nhớ rồi còn gì.
- Chào em! Lan vẫn khỏe chứ? – anh Điệp hỏi cho có hỏi, hỏi để thay lời xin lỗi, đã mang lỗi với Lan suốt hai bảy năm rồi mà.
Giữ ý trước mọi người nên anh Điệp và Lan không tâm sự với nhau nhiều, chỉ được nhìn thấy nhau, được gần bên nhau hình như là đủ. Tối hôm đó anh Điệp ngủ ở giường ngoài còn Lan ngủ trong buồng. Nửa đêm, tự nhiên tỉnh giấc, anh Điệp đi ra ngoài sân thì giật mình thấy Lan đứng ở hiên nhà từ hồi nào. Anh Điệp bước về phía Lan, Lan vòng tay ôm nhẹ hông anh và ngả đầu vào vai anh. Anh Điệp thấy xốn xang, đau thắt trong lòng. Hai tay anh ghì nhẹ đôi vai Lan, anh thơm lên mái tóc dày còn thơm hương lá gội đầu của Lan, Lan nhắm mắt thổn thức, cả người rung nhè nhẹ. Cô đã chờ vòng tay ôm này suốt hai bảy năm trời, hôm nay nay nó đến thật như mơ. Anh Điệp ghé môi thơm vào đôi má không còn mịn màng như thời thiếu nữ của Kim Lan mà sao tim anh bỗng đập dồn, hai bảy năm mong mỏi giờ đây anh mới được đặt nụ hôn lên mái tóc ấy, đôi má ấy. Đôi môi Lan khẽ hé mở, hơi thở Lan nồng ấm chờ đợi nụ hôn mối tình đầu của anh, vậy mà anh bỗng dừng lại.
- Em à! Mình dừng ở đây thôi, anh sợ có lỗi với chồng em, với má tư – ma dẫn lối, quỷ đưa đường hay cái phẩm hạnh do anh tưởng tượng ra đã cướp mất nụ hôn mối tình đầu lẽ ra phải có của Kim Lan và của cả anh trong thời khắc đó. Lan nghe anh mặc dù trong tâm thức cô muốn cưỡng lại – tại sao anh lại cướp đi nụ hôn mối tình đầu của em.
Anh Điệp dìu lan trở lại buồng ngủ của cô và anh quay lại giường ngủ của mình, để rồi dằn vặt, tự vấn mình đến sáng hôm sau. Khi chia tay, anh nắm tay Lan và nhắc đi nhắc lại đủ cho mình Lan nghe thấy.
- Anh sẽ sớm quay lại và sẽ đền bù cho em, anh hứa đấy, chờ anh em nhé! – Lan e lệ gật đầu. Cô mỉm cười chào anh và tin rằng anh sẽ sớm quay trở lại để trả mình nụ hôn mối tình đầu.
Số phận thật run rủi, chưa kịp quay lại để thăm thím tư và đền đáp tình cảm của Lan thì anh Điệp bị ung thư thanh quản vào đầu năm 2005. Phẫu thuật bóc tách khối u và hóa trị liệu đã cứu anh khỏi lưới hái tử thần nhưng lại cướp đi của anh giọng nói. Anh đã phải nghỉ giảng bài và mọi giao tiếp phải nhờ chữ viết. Cùng dịp đó thì thím tư Huệ có chuyến ra thăm chùa Hương, và bằng cách nào đó thím đã tìm đến được nhà anh để thăm anh. Vẫn bằng cách giao tiếp, thím nói anh nghe và để trả lời thím anh phải viết ra giấy. Anh nhớ mãi lời thím nói với anh và gia đình anh trong lần đến thăm ấy.
- Thằng út và con hai Lan nhà tôi có duyên mà không có phận nên tôi luôn thương cả hai đứa – thím chia tay anh trong nghẹn ngào, còn anh ôm thím và chuyển cho thím mảnh giấy có ghi số điện thoại di động của mình.
Mấy ngày sau, vào buổi trưa, điện thoại anh rung chuông, anh bấm nút nhận cuộc gọi thì nghe thấy tiếng Lan nức nở đầu dây bên kia.
- Anh út à! Em đây, Lan của anh đây, anh có nghe em nói không? – anh Điệp trào nước mắt, tắt máy. Ông trời đã cướp đi khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ của anh, anh quyết định xa Lan lần nữa.
Cuộc đời cũng kỳ lạ, không cho ai tất cả, cũng không cướp của ai tất cả; cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác lại mở ra. Sau khi chuyển sang định cư ở Úc cùng các con, anh Điệp được đưa vào bệnh viện của Úc để làm phẫu thuật phục hồi dây thanh quản. Thật kỳ diệu, kỹ thuật y học tiên tiến cộng với ý chí luyện tập của cá nhân, anh Điệp đã lấy lại được giọng nói cho dù còn ngọng và khàn. Năm tháng dần qua và đến sáng nay tôi có thể vừa nghe vừa đoán hết câu chuyện mối tình đầu của anh kể qua zalo, thỉnh thoảng anh phải tạm dừng để uống nước cho đỡ khô họng.
- Nọi biết không, như chuyện tâm linh ấy. Tối thứ sáu vừa rồi, mình đang ngủ thì mơ thấy thím tư Huệ và em Kim Lan. Thím tư thì đang ở bên Mỹ cười nói với mình, còn em Lan thì vẫy gọi mình. Sáng thứ bảy mình bèn lấy số điện thoại nhà Lan mà mình lưu giữ từ năm 2002 và bấm gọi thử - lưu giữ số điện thoại bàn từ hơn hai mươi năm trước, chắc chỉ có tình yêu mới cho con người khả năng lưu giữ đó.
- Rồi sao anh? – tôi hỏi lại anh Điệp
- Hai lần đầu không thấy tín hiệu, lần thứ ba thấy chuông kêu mà không có người nhấc máy, lần thư tư chuông reo và đầu dây bên kia có tiếng trẻ em trả lời: “dạ! cháu nghe đây ạ, ai gọi vậy ạ?”
- Cháu là con má Lan à?
- Dạ đúng ạ, bác là ai ạ?
- Bác là bạn cũ của má cháu, cho bác nói chuyện với má một chút được không?
- Dạ được ạ! Bác chờ con gọi má – thời gian lặng lẽ trôi, rồi có tiếng trả lời từ đầu dây bên kia
- Alo! Dạ.. Lan nghe máy ạ.
- Anh Điệp đây Lan ơi, em có nghe anh nói không, giọng anh không được tốt.
- Trời đất! Anh út, sao anh có số điện thoại của nhà em? – tiếng Lan thảng thốt như chưa tin đó là sự thật.
- Anh xin số điện thoại của nhà em khi về thăm má tư lần đầu, hơn hai mươi năm rồi đấy. Thật may mà nhà em vẫn dùng số đó, đúng là trời còn thương anh.
Ngay sáng thứ Bảy anh Điệp và một đồng đội đã về Đức Hòa để gặp Lan. Hai lần tưởng đã chia lìa rồi hai lần gặp lại của một mối tình đầu 48 năm thật xúc động biết bao. Cả anh Điệp lẫn Kim Lan đã phải dấu cảm xúc vào trong vì chồng con, vì bạn bè và bà con chòm xóm. Chỉ có chưa đầy một ngày cho lần gặp lại, chưa được ngồi riêng để tâm sự vậy mà trông Lan như trẻ ra mấy tuổi còn anh Điệp thì vẫn tràn cảm xúc hạnh phúc khi gọi điện thoại cho tôi, sau cuộc gặp lại hai ngày.
- Em Lan nói với mình là em cảm động lắm vì không ngờ mình vẫn giữ số điện thoại sau hơn hai mươi năm và đúng là thật may là em vẫn còn sử dụng điện thoại bàn. “Trời thương mình anh ạ!”. Mình nói “anh còn nợ em”. Em cười “Dạ!”. – tôi biết anh Điệp còn nợ Kim Lan nụ hôn mối tình đầu mà anh anh vẫn giữ gần 50 năm.
- Mình sẽ sớm quay lại để trả em nụ hôn mối tình đầu mà mình còn nợ em – anh Điệp nói với tôi mà như một khẳng định.
Tôi tin rằng Kim Lan cũng đang mong chờ đón nhận nụ hôn mối tình đầu mà Lan tưởng rằng đã mất đến hai lần. Tôi tin rằng dù ở tuổi nào thì khi trao nụ hôn mối tình đầu thì cảm xúc của đôi lứa vẫn luôn như thủa ban đầu. Anh Điệp và chị Lan xứng đáng được trao nhau nụ hôn mối tình đầu. Tôi mong người thân và bạn đọc hãy tha thứ cho họ nếu coi sự trao nhận nụ hôn mối tình đầu của Điệp và Lan là vi phạm đạo đức.
Nụ hôn mối tình đầu sau 48 năm mới được trao nhận cho nhau chắc sẽ ngọt ngào lắm đấy.
P/s: Do yêu cầu của nhân vật chính nên tôi đã phải đổi tên các nhân vật, tuy nhiên cốt chuyện tôi gần như giữ nguyên. Hy vọng các đồng đội và bạn đọc cảm nhận được sự trân trọng của tôi với chuyện tình này.
7/8/2023
N.V.N.
Trái tim người lính
Nguyễn Văn Nọi
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nu-hon-moi-tinh-dau-a20235.html