Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 12

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 12

  Thành Na Lữ xây bằng đất nện, chỉ cao 2 trượng và rào chắn sơ sài. Một vạn quân đã chết gần hết trong trận mai phục, chỉ còn vài chục tên lên mặt thành cố thủ bị quân Việt từ dưới bắn lên chết gần hết. Chỉ hai cú đâm mạnh của cây gỗ nhọn tông vào cửa thành, cửa mở toang và văng xuống đất. Quân Hậu Lê tràn vào chém giết, lính tráng quân phản loạn phần lớn đầu hàng. Nông Đắc Thái bị Lê Thái Tổ bắt sống. Một vùng rộng lớn của phủ Thái Nguyên (bao gồm Thái Nguyên-Cao Bằng) với một dải biên cương phía Bắc bình yên. Lê Thái Tổ cắt quân đội đồn trú và rút quân về.

Trong buổi thiết triều  ở điện Kính Thiên sau khi từ Cao Bằng về. Bá quan văn võ quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Lê Thái Tổ nói:

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ Hoàng thượng.

-Các khanh ai có tấu?

Quan Hành khiển thượng thư Bộ lại Nguyễn Trãi bước ra:

-Thần có tấu.

-Khanh nói đi.

-Dạ bẩm Hoàng thượng, quan Thái bảo Phạm Văn Xảo đã dùng thuốc độc tự sát tại tư dinh để tự minh oan cho mình. Kính mong hoàng thượng trừng trị năm tên gian thần đã vu cáo Phạm Văn Xảo để yên lòng triều đình, yên lòng bá tính, để chúng không còn hãm hại trung thần nữa.

Lê Thái Tổ im lặng buồn rầu, lát sau nói:

-Quả nhiên là quan Thái bảo Phạm Văn Xảo bị oan, giống như Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn cách đây 2 năm. Lỗi là ở trẫm và năm tên gian thần. Bay đâu.

-Dạ, bẩm Hoàng thượng.

-Lôi năm tên gian thần ra chém.

Năm tên gian thần Đinh Bang Bảng, Lê Quốc Khí, Trịnh Hoành Bá,  Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư vội bước ra quỳ xuống kêu la:

-Xin Hoàng thượng tha mạng, chúng thần bị oan, Phạm Văn Xảo cấu   kết với Đèo Cát Hãn là có thật, xin hoàng thượng minh xét.

Lê Thái Tổ gọi:

-Bay đâu.

-Dạ, bẩm Hoàng thượng.

-Đem ra đây năm bộ bút giấy mực.

-Dạ, tuân lệnh.

Khi có giấy bút mực rồi, Lê Lợi nói:

-Các ngươi ngồi dậy mỗi người viết một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt.

-Dạ, tuân lệnh Hoàng thượng.

Năm tên gian thần ngồi viết, canh giờ sau Lê Lợi nói với quan nội thị:

Thu lại đây cho trẫm xem.

Dạ.

Năm tờ giấy được đặt trước bàn Lê Thái Tổ. Cả triều đình im lặng không biết nhà vua làm  gì. Lê Thái Tổ gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Đem bức thư của Đèo Cát Hãn gửi Phạm Văn Xảo ra đây.

-Dạ,

Bức thư của của Đèo Cát Hãn gửi cho Phạm Văn Xảo được mang ra. Lê Thái Tổ đối chiếu với chữ viết của năm bài thơ và nhận ra nét chữ của Đinh Bang Bảng giống hệt nét chữ trong bức thư của Đèo Cát Hãn. Lê Thái Tổ giơ hai bản viết lên cho triều đình:

-Các khanh xem, lá thư của Đèo Cát Hãn là do Đinh Bang Bảng viết.

Cả triều đình ồ lên:

-Sao lại như vậy, sao lại tàn độc đến như vậy?

Lê Thái Tổ hỏi năm tên gian thần:

-Thế nào, chứng cớ vu oan cho các đại thần rành rành, còn chối cãi được không?

-Xin Hoàng thượng tha mạng, chúng thần sẽ không dám như vậy nữa.

-Tha cho các ngươi thì các ngươi sẽ giết hết đại thần ư? Các ngươi không chỉ vu cáo đại thần mà còn phạm tội lừa dối cả ta. Bay đâu.

-Dạ.

-Lôi năm tên gian thần ra ngoài chém.

           -Dạ, tuân lệnh Hoàng thượng. 10 võ sĩ, hai võ sĩ lôi một tên ra ngoài hành quyết. Tiếng kêu xin của        chúng vẫn vọng vào điện Kính Thiên. Lê Lợi nói với các quan văn võ:

-Là đồng lưu với nhau thì phải đoàn kết để cùng trẫm mưu việc lớn đưa nước nhà đến hùng cường, bách tính no ấm. Chỉ suốt ngày đêm mưu sát hại lẫn nhau thì còn đâu thời gian để lo nghĩ cho dân cho nước. Thật là đáng hổ thẹn. Các Khanh phải nhớ lấy.

Bá quan văn võ quỳ xuống hô to:

-Hoàng thượng anh minh, chúng thần tuân chỉ.

Chợt có quan nội thị vào báo:

-Dạ, bẩm Hoàng thượng, có thám mã biên cương Tây Bắc về báo tin khẩn cấp.

-Cho vào ngay.

-Dạ, tuân lệnh.

Thám mã vào quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế.

-Miễn lễ, đứng dậy nói đi.

-Dạ bẩm Hoàng thượng, tù trưởng Đèo Cát Hãn ở châu Mường Lễ- Châu Ninh Viễn nay gọi là Châu Phục Lễ (Lai Châu) cấu kết với Kha Đôn (bề tôi phản nghịch của Ai Lao liên kết với tù trưởng Mường Bồ là Đinh Quế cùng phản tặc Hối Khanh đánh chiếm Mường Mỗi (Thuận Châu Sơn La) chiếm đóng Gia Hương, Đà Giang, định thống trị toàn bộ Tây Bắc Đại Việt ạ.

Cả triều đình sửng sốt:

-Hả. Đèo Cát Hãn ba lần làm phản đã được chiêu dụ đầu hàng, được phong tước cao, cai quản xứ Phục Lễ, giàu có sung sướng quyền lực, nay lại trở chứng làm phản lần nữa sao?

Lê Thái Tổ nói:

-Đúng như các khanh đã nói, trước năm 1427, khi ta còn đánh giặc Minh, Hãn đã theo quân Minh phản bội quê hương, phản lại Đại Việt. Năm 1427 trẫm đã cho Chủ thư Thị sử Trần Hổ đi tuyên dụ. Thấy quân Minh sắp thua, Hãn quy thuận, ta đã cho cai quản xứ Phục Lễ. Năm 1431, Hãn lại làm phản lần thứ 2, ta đã cho Quốc vương Lê Tư Tề đi đánh, Hãn thua lại quy phục, được khoan hồng, được phong chức, vẫn cai quản xứ Phục Lễ, trông coi xứ Tây Bắc. Đến nay lại mưu phản lần 3, quy mô to lớn, tham vọng ngông cuồng, muốn thâu tóm cả vùng Thuận Châu Sơn La. Phàm các quan chức bất trung, phạm tội mưu phản vì tham vọng mưu bá đồ vương quá lớn, bất chấp tính mạng, bất chấp họ hàng vợ con, lăn vào chỗ chết. Ở miền núi xa xôi, tham vọng đó càng cuồng nhiệt vì cách kinh đô xa xôi, địa thế núi rừng hiểm trở, tưởng có thể vùng vẫy mà thoát lưới trời. Nếu triều đình mà ngại chinh chiến xa xôi thì kẻ kia càng ngông cuông càn rỡ. Quốc vương Lê Tư Tề nghe chỉ:

-Dạ, Tề nhi xin nghe chỉ

-Khanh đem 2 vạn bộ binh hành quân theo đường bộ  tấn công Ninh Viễn, tiêu diệt Đèo Cát Hán.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-4b-bi-su-nha-le-so-1428-1527-ky-12-a20319.html