Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 22

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 22

Chương II

TRIỀU LÊ THÁI TÔNG (1433-1442).

I.

   Đông kinh mùa đông tháng 12 năm 1433 chìm trong giá rét. Trong Hoàng thành, phủ của Quận vương Lê Tư Tề cũng lạnh giá hơn. Một nồi than hồng rừng rực vỏ bằng đồng đặt giữa phòng nhưng cũng không đủ ấm, nỗi buồn của chủ nhân cung điện này càng làm cho không gian của phủ lạnh hơn. Thế là đã không đầy một tháng, Lê Tư Tề đã sa cơ lỡ vận, những tai họa không may liên tục đến với Quận vương. Đầu tiên là cái chết của Lê Thái Tổ. Sự ra đi của Lê Thái Tổ là một tổn thất to lớn của triều đình nhà Hậu Lê, cho đất nước Đại Việt và cho cả chính những người con của ông, mặc dù trước khi ra đi ông đã giáng cho Lê Tư Tề những đòn chí mạng, là xuống chiếu phế truất ông khỏi chức vụ Quốc Vương, không cho ông kế vị ngai vàng dù ông là con trai trưởng, dù ông đã trưởng thành trong chiến đấu chống ngoại xâm, tiễu trừ phản loạn trong nước, trong điều hành chính sự mỗi khi vắng Lê Thái Tổ. Giờ đây đứa em cùng cha khác mẹ Lê Nguyên Long đã ngồi trên ngài vàng khi mới 11 tuổi chưa trải qua lặn lộn nơi chiến trường 10 năm sinh tử  như ông. Lại còn tháng 11 năm 1427 ông cùng Lưu Nhân Chú phải làm con tin cho quân Lam Sơn, vào sống trong nanh vuốt của quân thù trong thành Đông Quan, sống chết chỉ trong gang tấc. Năm 1428 Lê Lợi lên ngôi phong Lê Tư Tề chức Hữu Tướng quốc, tước Quốc vương. Năm 1431 Lê Tư Tề đã hai lần cầm quân đi dẹp loạn Đèo Cát Hãn ở châu Phục Lễ (Lai Châu), cả hai lần đều chiến thắng trở về. Ông biết rằng khi ngôi thái tử kế vị còn chưa định thì cuộc đấu tranh  giữa các đại thần còn quyết liệt. Những người phò tá ông như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo bị vu cáo rồi tự sát mà chết. Nguyễn Chích bị đuổi đi, Khi Lê Thái Tổ ốm nặng thì bọn Lê Sát, Lê Ngân, Lê Khôi phò tá Lê Nguyên Long chắc là đã tung tin Lê Tư Tề mắc chứng bệnh điên cuồng, giết bừa cung nữ, nói năng càn rỡ. Lê Thái Tổ ốm nặng tin theo và khi triệu Lê Khôi vào để hỏi ý kiến lần cuối cùng thì Lê Khôi vẫn bảo vệ Lê Nguyên Long. Lê Thái Tổ nghe theo và đi đến quyết định cuối cùng, đã viết một tờ sắc lời lẽ rất mạnh, như là lời mắng trách nặng nề, giáng chức Quốc vương của ông, truất quyền kế vị, chỉ còn cái tước Quận vương hữu danh vô thực. Lê Tư Tề lo nhất là từ nay trở đi ông không được yên thân. Kinh nghiệm các triều đại cho hay khi anh mà lên kế vị thì bao dung với em, nhưng em mà kế vị thì bao giờ cũng hại anh vì lo sợ bị cướp ngôi. Tâm tư đó có khi là do vua em nghĩ ra nhưng cũng có khi bị gian thần và nội cung chi phối. Lê Tư Tề không phải đợi lâu, một sáng sau bữa cơm ông đang ngồi uống trà thì có gia nhân vào báo:

-Dạ bẩm Quận vương, có sứ giả của triều đình tới.

Lê Tư Tề vội mắc triều phục, bước ra sân. Quan nội thị bước vào nói:

-Quận Vương Lê Tư Tề nghe chỉ.

Lê Tư Tề vội quỳ xuống, quan nội thị đọc:

-“Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết: Nay có tin rằng Quận vương bất mãn, nói nhiều điều quái gở, tỏ ra không thuận. Nay lệnh cho các quan văn võ, đại thần và các bá quan không được tới dinh, nơi ở của Quận vương. Quận vương nếu không có người gọi thì không được vào triều. Nếu trăm quan ai tự đến nhà Quận vương thì sẽ trị tội nặng. Khâm thử. Niên hiệu Thiệu Bình năm thứ nhất, 1433.”

Lê Tư Tề không nói, giơ hai tay nhận chiếu chỉ. Khi đứng dậy ông hỏi:

-Tin tôi nói không thuận là do ai nói vậy ngài?

-Tôi nghe nói là mấy nữ tỳ giúp việc ở nhà Quận vương đến tâu với Hoàng thượng.

-Lại bọn gian thần bịa đặt như ngày xưa chúng nói với Lê Thái Tổ rằng ta giết bậy tì thiếp, ăn nói điên khùng.

-Tại hạ không rõ lắm, cáo biệt Quận vương. Quận vương bảo trọng.

Lê Tư Tề đi vào ngồi xuống bàn uống nước suy nghĩ: "Thế là từ nay trở đi thằng em đã giam lỏng ta rồi, không cho vào triều đình, không cho các quan lại bạn bè đến giao tiếp, có khác gì người bị tù tội." Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu Lê Tư Tề: “Hay là ta khởi binh chống lại triều đình để thoát khỏi cảnh bức bách này? không được, làm như vậy có khác gì làm phản, vả lại gây chiến tranh chỉ làm cho bách tính lầm than chết chóc, khổ cực, đất nước vừa mới hòa bình được vài năm. Những năm trước ta còn nắm quyền Quốc vương, còn thế mạnh thì đã không tìm cách giết chết Lê Nguyên Long, khi đó giết nó thật là dễ dàng, nhưng ta đã hiền lành thương yêu nó vì nó là đứa em sớm mồ côi mẹ lúc mới 3 tuổi, ta đã quên bài học lịch sử thằng anh làm vua thì thằng em sung sướng, nhưng thằng em làm vua thì thằng anh phải chết. Lịch sử nước Tàu đày rẫy những chuyện bi thương, lịch sử nước Việt thì có nhà Tiền Lê, Lê Long Đỉnh đã giết vua anh để cướp ngôi. Nay đến lượt ông phải chứng kiến cảnh ngang trái này trong gia đình mình. Để khuây khỏa, Lê Từ Tề nghiên cứu kinh Phật ngày tháng qua đi.

  5 năm trôi qua, tháng 5 năm 1438, Lê Tư Tề đang ngồi trong cung uống nước sau bữa ăn sáng thì có gia nhân vào báo:

-Bẩm Quận vương, có quan nội thị đến tuyên chiếu của Hoàng thượng.

-Cho vào.

-Dạ.

Quan nội thị bước vào tay cầm chiếu chỉ, miệng nói:

-Lê Tư Tề tiếp chỉ.

Lê Tư Tề quỳ xuống, quan nội thị đọc: “Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết: Nay vì an nguy của xã tắc, của triều đình, giáng Quận vương Lê Tư Tề thành thứ dân, buộc cả nhà phải rời khỏi kinh thành ngay. Khâm thử. Niên hiệu Thiệu Bình năm thứ 5,1438”.

  Lê Tư Tề choáng váng đang quỳ suýt ngã. Người gia nhân quỳ bên cạnh vội đỡ. Lê Tư Tề run rẩy cầm tờ chỉ. Cả nhà phu nhân Xuân Hoa, bốn công tử khóc lóc. Thân mẫu quận vương Trịnh Thị Ngọc Lữ buồn rầu nói trong nước mắt:

-Sao Hoàng thượng không nghĩ tới tình anh em ruột thịt, không nghĩ tới ngày con có quyền lực không mưu sát hại nó mà còn yêu quý nó. Không nghĩ công lao tình nghĩa của ta suốt bao năm trời lúc nó còn nhỏ sớm hôm vất vả chăm nó khi Phạm Thị Ngọc Trần sớm ra đi lúc nó 3 tuổi. Bây giờ nó đuổi cả nhà ra khỏi kinh thành biết đi đâu mà sống bây giờ?

 Xuân Hoa phu nhân cũng khóc lóc:

-Mà cũng không nghĩ tới suốt bao năm trời thiếp cũng yêu thương và chăm sóc nó.

Lê Tư Tề chưa biết đem gia đình đi đâu thì chiều hôm đó có gia nhân vào báo:

-Dạ bẩm chủ nhân có ngài Nguyễn Thúc Câu xin vào gặp.

 Lê Tư Tề nói:

-Cho vào ngay.

-Dạ.
Nguyễn Thúc Câu bước vào, chủ khách chia nhau ngồi. Sau một lượt trà, Lê Tư Tề nói:

-Đa tạ Hoằng Tín hầu đã tới thăm. Chắc ngài đã biết Hoàng thượng đã phế truất ta làm dân thường và đuổi cả nhà ra khỏi kinh thành. Ta cũng chưa biết đi tá túc phương nào, ta định về quê cũ Lam Sơn.

Nguyễn Thúc Câu đáp

-Hoàng thượng không còn tình nghĩa như vậy là do bọn gian thần và các quan phụ chính đại thần xúi dục, sợ Quận vương với uy tín của mình sẽ gây bất lợi cho ngai vàng.

-Ta thì đã đành, nhưng mẫu thân ta từ năm 1425 khi nó mới 3 tuổi tại Nghệ An, Hà Tĩnh khi Phạm Thị Ngọc Trần mất đi đã thay mẫu thân nó vất vả chăm sóc nó, trong khi một gắnh nặng khác là chăm sóc Lê Thái Tổ để ông có sức khỏe mà lãnh đạo kháng chiến. Bây giờ nó nắm quyền thì giáng ta làm thường dân, đuổi cả mẫu thân khỏi kinh thành. Mẫu thân ta từ Quốc vương Thái hậu xuống Quận Vương Thái hậu và nay thì thành thường dân.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-4b-bi-su-nha-le-so-1428-1527-ky-22-a20464.html