Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội cho phép thành lập theo Quyết định 1218 QĐ - UB ngày 8/7/1991 trên cơ sở chuyển đổi mô hình hoạt động của CLB Sinh Vật Cảnh Hà Nội được các vị tiền bối thành lập những năm 60 của Thế kỷ XX để phát huy những giá trị và ý nghĩa thiết thực từ Phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ khởi xướng và phát động.
Thú chơi Sinh Vật Cảnh Hà Nội được kế thừa và vận động phát triển qua các giai đoạn: Từ truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc, đến phong trào trồng cây do Bác Hồ phát động những năm 60 của thế kỷ XX; Giai đoạn đổi mới hội nhập hiện nay. Đặc biệt, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020), bộ mặt nông thôn Hà Nội đã đổi thay rõ rệt, nhiều vùng quê trở thành điểm du lịch trải nghiệm, thưởng ngoạn hấp dẫn. Để thúc đẩy kinh tế nông thôn, Hà Nội có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp; trong đó, hoa, cây cảnh là một sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của thành phố.
Thực tế, hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh không đòi hỏi quá nhiều về đất đai, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; dễ áp dụng công nghệ mới và cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng khác. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN& PTNT), nhu cầu về hoa, cây cảnh trên thị trường ngày càng tăng cao (tăng bình quân khoảng 15%/năm). Hà Nội có thị trường tiêu thụ rộng lớn, lại là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước nên có lợi thế để phát triển hoa, cây cảnh một cách bài bản.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, đến hết năm 2020, thành phố có 7.960ha trồng hoa, cây cảnh, trong đó 70% diện tích được canh tác tập trung tại các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh ở Hà Nội đạt trung bình 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Hà Nội đã công nhận 11 làng nghề chuyên sản xuất hoa, cây cảnh. Tại huyện Thường Tín có các làng nghề sinh vật cảnh ở thôn Cơ Giáo và thôn Xâm Xuyên (xã Hồng Vân); thôn Nội Thôn (xã Vân Tảo); tại huyện Mê Linh có làng nghề hoa, cây cảnh thôn Hạ Lôi và thôn Liễu Trì (xã Mê Linh), thôn Đại Bái (xã Đại Thịnh); tại huyện Gia Lâm có làng nghề hoa giấy Phù Đổng (xã Phù Đổng); tại quận Bắc Từ Liêm có làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu)…
Đảng và Nhà nước ta quan tâm phát triển Sinh Vật Cảnh thành ngành kinh tế sinh thái
Trong những năm qua, từ trung ương đến địa phương đều có chính sách hỗ trợ phát triển hoa, cây cảnh nhưng áp dụng vào thực tiễn còn nhiều khó khăn, bất cập. Bên cạnh việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh hoa, cây cảnh để phát triển thành một ngành kinh tế sinh thái chưa được nhiều địa phương quan tâm, chú trọng thì chính sách về ứng dụng công nghệ cao cũng chưa thực hiện được rộng rãi. Cụ thể Nghị định số 52 năm 2018 xác định rõ hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 7 nhóm ngày phát triển kinh tế Nông thôn; Quyết định 919 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ xác định Sinh Vật Cảnh là một trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực được xét công nhận sản phẩm OCOP.
Với thành phố Hà Nội, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” xác định, thành phố sẽ tăng diện tích hoa, cây cảnh từ 8.500ha đến 9.000ha.
Trong thời gian tới, mục tiêu của thành phố là quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, trong đó có làng nghề hoa, cây cảnh; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; tăng cường xúc tiến thương mại gắn kết với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Sinh Vật Cảnh là một trong những nội dung quan trọng được đề nghị bổ sung vào Luật Thủ đô; Sinh Vật Cảnh cũng là một thành tố quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, thành phố đang dự thảo Đề án phát triển Nông nghiệp đô thị thông minh trên địa bàn Hà Nội cũng đã xác định Sinh Vật Cảnh là một trong những nội dung quan trọng...
Thành phố cũng đã đề nghị các hội, hiệp hội ngành hoa, cây cảnh phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm định giá hoa, cây cảnh, gắn mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thiết lập bản đồ số về hoa, cây cảnh để minh bạch thông tin và phục vụ công tác quản lý, giám sát...Ngoài ra, thành phố đã chỉ đạo các huyện, thị xã làm tốt công tác quy hoạch, phát triển hoa, cây cảnh thành một ngành kinh tế góp phần cải thiện môi trường nông thôn cũng như xây dựng đô thị tại địa phương.
Trong những năm qua, được sự phối hợp và giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội, hoạt động của Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội ngày càng sôi nổi và sát với những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Nhờ đó, Sinh Vật Cảnh Hà Nội là một trong số ít tổ chức Hội trong cả nước có chương trình phối hợp chặt chẽ với một số sở ngành trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố Hà Nội.
Là tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự quản, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm, Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội, trong những năm qua đã kế thừa và phát huy truyền thống 22 năm xây dựng và trưởng thành, luôn tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nỗ lực cùng ngành nông nghiệp và PTNT Hà Nội định hình Sinh Vật Cảnh thành ngành kinh tế mũi nhọn trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đóng góp thiết thực vào chiến lược phát triển nền nông nghiệp đô thị thông minh và tham gia kiến tạo không gian văn hoá, kiến trúc xanh tại Thủ đô ngàn năm văn hiến anh hùng.
Những sự kiện Sinh Vật Cảnh luôn thu hút sự quan tâm của công chúng
Đặc biệt, trong phong trào Sinh Vật Cảnh Hà Nội với cả nước, Sinh Vật Cảnh cả nước với Hà Nội, Hội SVC Hà Nội đã thường xuyên nhận được sự quan tâm phối hợp và giúp đỡ của nhiều tồ chức Hội, cá nhân, đơn vị đã tích cực ủng hộ vật chất và tinh thần giúp Hội hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Theo đó, phần lớn các sự kiện, hội thi, triển lãm Sinh Vật Cảnh của Hà Nội được các Nghệ nhân, Doanh nhân, Chủ nhà vườn Sinh Vật Cảnh tiêu biểu của cả nước hưởng ứng tham gia nhiệt tình. Và ngược lại các sự kiện hội thi, triểm lãm của các tỉnh/thành bạn, các Nghệ nhân, Doanh nhân, Chủ nhà vườn Sinh Vật Cảnh của Hà Nội đều nhiệt tình hưởng ứng tham gia tích cực đóng góp vào thành công chung của tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh của cả nước. Điều này được thể hiện một cách hết sức sinh động tại Triển lãm Sinh Vật Cảnh khu vực miền Trung Tây Nguyên mở rộng năm 2023 vừa tổ chức tại Bình Định vừa qua. Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội tham gia tích cực cả về quy mô lẫn chất lượng được BTC đánh giá cao.
Nhân dịp này, Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội tri ân sâu sắc và trân trọng vinh danh các Nghệ nhân, Doanh nhân, Chủ nhà vườn tiêu biểu toàn quốc vì sự phát triển Sinh Vật Cảnh Thủ đô. Đồng thời bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội tổ chức Đại hội lần thứ 6 dự kiến vào cuối năm nay, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp và giúp đỡ của UBND thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, Hội Sinh Vật Cảnh các tỉnh bạn, đặc biệt là các Nghệ nhân, Doanh nhân, Chủ nhà vườn Sinh Vật Cảnh tiêu biểu trong cả nước./.
Vương Xuân Nguyên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/sinh-vat-canh-thu-do-voi-nhung-buoc-phat-trien-an-tuong-a20641.html