Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 40

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 40

Từ khi khởi nghĩa cho đến khi nghĩa quân bao vây Đông Quan, Nguyễn Trãi không ngừng viết thư cho quân Minh, vạch rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà quân Minh đang tiến hành ở Đại Việt, kêu gọi quân Minh về với chính nghĩa, mở cửa thành đầu hàng và rút quân về nước để tỏ rõ tình hữu hảo giữa hai dân tộc Việt-Trung. Nhiều thành đã nghe theo và mở cửa thành đầu hàng.

Cuối năm 1427, khi nhận được thư xin cứu viện của Tổng binh Vương Thông, vua Minh Tuyên Tông cử 15 vạn quân tiến sang. Đạo thứ nhất gồm 10 vạn quân do một tướng trẻ là An Viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy từ Quảng Tây tiến vào Quỷ Môn Quan ải Chi Lăng Lạng Sơn tiến xuống. Đạo thứ hai gồm 5 vạn quân do Kiềm Quốc công Mộc Thạnh, một tướng già chỉ huy từ Vân Nam tiến vào Lào Cai. Quân Lam Sơn phải đối mặt với 3 khối quân: Thứ nhất đạo 10 vạn của Liễu Thăng, thứ hai đạo 5 vạn quân của Mộc Thạnh, thứ ba, các đạo quân Minh ở các thành và ở Đông Quan đang bị vây: Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh, Xương Giang (Bắc Giang), Tam Giang (Phú Thọ) tổng cộng còn đến 10 vạn quân. Bây giờ đánh khối quân nào? Nguyễn Trãi bày kế cho Lê Lợi tập trung quân đánh tan đạo quân của Liễu Thăng. Đạo quân này mà bị tiêu diệt thì đạo quân Mộc Thạnh không đánh cũng sẽ tháo chạy, quân ở các thành cũng mở cửa ra hàng vì quân cứu viện không còn. Lê Lợi nghe theo, tập trung quân đánh tan đạo quân của Liễu Thăng. Liễu Thăng bị phục binh quân ta giết chết tại gò Mã Yên, ải Chi Lăng cùng 1 vạn quân. 9 vạn quân còn lại cố tiến vào, bị quân ta phục kích tiêu diệt ở các trận Kép, Cần Trạm, cuối cùng 5 vạn quân còn lại và nhiều võ quan cao cấp bị ta tổng công kích tiêu diệt toàn bộ ở Xương Giang. Đó là chiến dịch Chi Lăng -Xương Giang nổi tiếng trong lịch sử chống ngoại xâm. Đạo quân 5 vạn tên của Mộc Thạnh nghe tin đạo quân Liễu Thăng bị tiêu diệt hoảng loạn tháo chạy về nước, bị các tướng Lam Sơn đuổi đánh, diệt 2 vạn tên ở Đan Xá-Lãnh Câu.

Nguyễn Trãi là mưu sĩ, là quan văn, nhưng khi đó thành Xương Giang bị quân ta vây đánh trong 6 tháng mà không hạ được, đó là thành nằm trên đường tiến quân của địch nên phải tiêu diệt bằng được, không để cho đạo quân Liễu Thăng tiếp quản, có thành trì kiên cố để chống lại quân ta. Nguyễn Trãi xin Lê Lợi ra chỉ huy đánh thành Xương Giang. Ông đã cho huy động thêm quân, điều các khẩu thần công ở các thành mà ta đã chiếm được, đào hầm ngầm. Thành Xương Giang bị súng thần cộng bắn vào như sấm sét, quân Lam Sơn đông gấp bội từ bốn bên đánh vào, từ dưới đất đánh lên. Thành Xương Giang thất thủ, quân Minh còn lại phải đầu hàng. Do đó khi 5 vạn tàn quân của Liễu Thăng do Hoàng Phúc và Thôi Tụ tiến xuống, phải đóng quân ở cánh đồng không hào lũy bị quân ta tổng công kích tiêu diệt.

  Sau các chiến thắng của quân Lam Sơn, viện binh không còn, Vương Thông đành phải thực bụng đầu hàng. Lê Lợi cho quân Minh ở các thành bị vây kéo ra Đông Quan hội quân với Vương Thông, thề không bao giờ xâm lược Đại Việt nữa, Lê Lợi cấp lương ăn nước uống cho 15 vạn quân Minh và tha cho về nước. Ngày 4 tháng 12 âm lịch 1427 đất nước sạch bóng quân thù. Năm 1428 Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập ra một triều đại mới, Nhà Hậu Lê. Lê Lợi lấy niên hiệu Thuận Thiên, sử gọi là Lê Thái Tổ. Lê Thái Tổ phong thưởng cho các tướng lĩnh. Tháng 2 năm Thuận Thiên thứ nhất 1428 phong thưởng cho 211 công thần, đợt 2 vào tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) gồm 93 người được phong thưởng, trong đó có Nguyễn Trãi, được phong tước Quan Phục Hầu và sau đó là Á hầu.

  Nguyễn Trãi nhớ lại ngày ông được Lê Thái Tổ giao cho viết “ Bình Ngô đại cáo”. Có lẽ trong cuộc đời viết thơ văn của ông, chưa bao giờ ông lại phóng bút viết hào sảng, hào hùng như áng văn chương này, khi phách của một dân tộc vừa chiến thắng quân ngoại xâm, giành lại giang sơn gấm vóc sau mười năm gian khổ hy sinh của toàn dân, toàn quân . “Bình Ngô đại cáo” được thiên hạ gọi là bản hùng văn thiên cổ, bản “Tuyên ngôn độc lập” thứ hai sau bài thơ '‘Thần" của Lý Thường Kiệt thời Lý đánh giặc Tống (1076-1077).

  Năm 1433 Lê Thái Tổ mất khi mới 49 tuổi, con thứ là Lê Nguyên Long lên nối ngôi, sử gọi là Lê Thái Tông, Niên hiệu Thiệu Bình. Nguyễn Trãi được lệnh soạn bia Vĩnh Lăng trên mộ Lê Thái Tổ ở Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ngày 3 tháng 12 năm 1434, Lê Thái Tông bổ nhiệm 156 quan chức lớn nhỏ, trong đó có Nguyễn Trãi. Do bất đồng với hoạn quan Lương Đăng trong việc định ra lễ, nhạc, trang phục của triều đình, cuối năm 1437 Nguyễn Trãi xin về nghỉ ở Côn Sơn, định xa lánh cung đình đầy hiểm nguy. Năm 1439 vua Lê Thái Tông lại mời ông trở lại triều đình. Với ý muốn đem tài văn- chính trị ra giúp vua, xây dựng một xã hội vì bách tính, vì xã tắc nên ông lại ra, giữ các chức vụ Vinh Lộc đại phu, Nhập nội Hành Khiển Môn hạ sảnh Tả ty hữu gián nghị đại phu kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ tri tam Quân sự. Tháng 3 năm 1442, ông được chỉ định chấm thị hội, lựa chọn những nhân tài thực sự cho đất nước. Ra làm quan lần hai, tính tình ông vẫn cương trực như xưa là chướng ngại vật của bọn gian thần cả quan văn và quan võ, tham ô hủ bại, cả bọn hoạn quan xu nịnh làm hỏng nhà vua và triều đình. Ông không muốn tham dự vào những chuyện hậu cung nhưng ông và Nguyễn Thị Lộ do nhân nghĩa, thương người đã cứu giúp mẹ con Ngô Thị Ngọc Giao, do đó đã mua thù chuốc oán với Thần phi Nguyễn Thị Anh. Nguyễn Trãi cũng nghe đồn đại rằng Lê Bang Cơ không phải là con của Lê Thái Tông vì Lê Thái Tông đón Nguyễn Thị Anh về được 7 tháng thì sinh Lê Bang Cơ. Nguyễn Trãi đắn đo không biết  có nên nói chuyện đó cho Lê Thái Tông hay không? Nói chưa chắc nhà vua sẽ nghe. Vị vua này tuy là anh minh nhưng có nhược điểm là say mê nhan sắc, chứng cớ duy nhất là sổ ghi chép của hai hoạn quan  Đinh Thắng và Đinh Phúc, nhưng hai hoạn quan này có chịu đem sổ ra làm chứng không khi không có lệnh của vua Lê Thái Tông. Trên con đường xây dựng một xã hội công bằng, nhân nghĩa, vì bách tính, Nguyễn Trãi biết rằng tai họa chính trị có thể ập xuống đầu ông bất cứ lúc nào. Nhưng đại họa tru di tam tộc thì không bao giờ dự báo được nhất là do cái chết đột ngột của Lê Thái Tông. Nguyễn Trãi cũng không lường được sự tàn bạo của Nguyễn Thị Anh, đã ép và đe dọa năm quan đại thần có mặt ở Lệ Chi Viên buộc họ phải câm lặng không dám nói lên sự thật, có lẽ do lo sợ cho gia đình mình nên thái y khám cho Lê Thái Tông đêm đó cũng không dám lên tiếng. Nguyễn Thị Anh đã dùng quyền lực để trả thù, để ép gia đình  ông và ba họ nhà ông vào con đường chết. Ông không ra tay với Nguyễn Thị Anh trước khi ông có thể, như vậy ông đã đặt lòng nhân ái không đúng chỗ. Ông chết cũng không sao. Năm nay ông đã 62 tuổi (1380-1442), nhưng ông thương các phu nhân, các con ông, những người trong họ hàng nhà ông đã vì ông mà chết oan uổng. Không biết có ai chạy thoát được không. Chỉ có phu nhân Phạm Thị Mẫn đang mang thai đứa con thứ bảy của ông được người học trò đưa ra khỏi nhà trước khi quân triều đình đến. Ông tạ ơn người học trò, ơn của trò thầy không bao giờ báo đáp được nữa. Than ôi!!!

  Nguyễn Trãi đau xót thở dài, đau xót cho mình và cho thời cuộc, khi các thế lực tàn ác mà thắng thế nắm quyền thì thật tai họa cho bách tính, cho các bậc trung thần. Điều nữa làm ông lo lắng là qua thảm họa này, các trước tác của ông sẽ bị hủy diệt. Ông chỉ còn nhớ được các tác phẩm là Bình Ngô đại cáo, Quốc âm thi tập (Thơ chữ Nôm), Quân trung từ mệnh tập, Dư địa chí, Ức Trai thi tập... Nó không phải là những đứa con tinh thần của riêng ông mà là di sản, là văn hóa của dân tộc.

  Ngày 10 tháng 8 âm lịch năm 1442 (Nhâm Tuất), sau khi chuẩn bị xong, triều đình Đông Kinh làm lễ và rước linh cữu vua Lê Thái Tông về Hựu Lăng Lam Kinh Thọ Xuân, Thanh Hóa mai táng, bên tả Vĩnh Lăng-Lăng Lê Thái Tổ. Lê Thái Tông hưởng Thọ 20 tuổi, ở ngôi 9 năm. Văn bia do Hàn lâm viện Thị độc học sĩ Nguyễn Thiên Tích soạn. Triều đình dâng miếu hiệu là Thái Tông, Thụy Hiệu Kế Thiên thế Đạo Hiển đức thánh công Khâm Minh văn tư Anh Duệ, Nhan Triết chiêu Kiến Trung Văn Hoàng Đế.

  Lịch sử Thăng Long đã chứng kiến nhiều sự kiện bi thảm trong quá trình tồn tại của mình. Mùa thu ngày 16 tháng 8 âm lịch 1442, kinh thành lại chứng kiến một sự kiện giết hại đại công thần-trung thần bi thảm nhất: Tru di ba họ nhà Nguyễn Trãi với tội danh oan khuất mà không được minh oan, không được điều tra, bị cường quyền áp đặt. Trời hôm đó đã đến giờ ngọ rồi mà vãn còn u tối. Tại Pháp trường Giảng Võ, 400 người nhà trong gia đình và họ hàng nhà Nguyễn Trãi bị trói và bắt quỳ xuống bên cạnh những khúc gỗ tròn to cắm sâu vào đất cao bằng cánh tay, 400 võ sĩ cẩm dao to bản cực sắc đứng cạnh. Trên nền cao, một viên quan có lẽ là Thượng thư Bộ hình ngồi chủ trì buổi hành hình. Chung quanh nền cao của pháp trường, lính tráng cầm giáo dài sáng loáng đứng dày đặc. Dưới thấp dân chúng Thăng Long ra chứng kiến cảnh đau lòng nhất trong cuộc đời của họ. Khi đã đến giờ Ngọ, viên quan chủ trì đứng dậy cầm thẻ bài và hô:

-Đã đến giờ Ngọ, trảm. Viên quan hô và ném thẻ bài xuống, 400 tên đao phủ ngậm rượu phun vào rửa dao của mình, đè tội nhân kê đầu vào khúc gỗ và vung dao bổ xuống, 400 cái đầu rơi xuống, máu phun lên đỏ ối cả bầu trời. Nhân dân kinh thành gào khóc. Cùng lúc đó trời bỗng nhiên nổ sấm chớp rồi mưa như trút nước. Một cụ già nói:

-Trời cũng căm thù nổi giận cho sự tàn ác của Hoàng Thái hậu và khóc than cho Nguyễn Trãi và ba họ của ông.

Một cụ khác nói:

-Biết đến bao giờ có một ông vua anh minh rửa nỗi oan này cho đại công thần Nguyễn Trãi và ba họ của ông? Tàn ác quá, than ôi!!!

Bên cạnh hai cụ già có đến hàng vạn bách tính Thăng Long quỳ xuống kêu khóc. Họ lầm rầm cầu khấn Thiên lôi hãy đánh vào cung Trường Lạc, giết chết mụ thái hậu Nguyễn Thị Anh dã man, tàn ác.

  Đối với người dân Thăng Long và Đại Việt, ngày 16 tháng 8 năm 1442 là ngày đau xót mãi không bao giờ nguôi. Họ chịu nỗi đau oan khuất nhất trong lịch sử!!! Dân tình gọi ngày đau xót đó là ngày “Huyết án Lệ Chi Viên !!!”.

  Sau ngày hành quyết ghê rợn đó, Thái hậu Nguyễn Thị Anh gần như phát điên, đêm nào cũng mơ thấy những giấc mơ rùng rợn. Bà ta mơ lai lịch của Lê Nhân Tông bị lộ và bị trừng phạt khủng khiếp. Thức dậy, Thái hậu cho người bắt và giết hai hoạn quan là Đinh Phúc và Đinh Thắng, hai viên quan này mới là người đã ghi chép ngày Nguyễn Thị Anh gặp hợp hôn với Lê Thái Tông. Nguyễn Thị Anh cho rằng những ai bị nghi ngờ biết điều bí mật này sẽ phải giết dù đó là khai quốc công thần.

(Còn nữa)

 CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-4b-bi-su-nha-le-so-1428-1527-ky-40-a20705.html