Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn lựa và sử dụng nhân tài

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam anh hùng, nhà lãnh đạo xuất chúng của phong trào Cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc, là sự kết tinh của "nhân dân và hiện thân của khát vọng đấu tranh cho tự do và cho sự đấu tranh bền bỉ của nhân dân" (Lời bài báo Ấn Độ tháng 9 năm 1969).

chu-tich-hcm-1694693655.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Công lao, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới nói chung biết ơn và ghi nhận! Nhưng, để đạt được thành công ấy; ngoài tinh thần yêu nước, quên mình vì lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là sự sáng suốt khi  lựa chọn cán bộ - những nhân tài để họ cống hiến cho Tổ quốc!  

Chỉ 15 năm, kể từ khi thành lập (3/02/1930) Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ với 5.000 đảng viên đã lãnh đạo dân tộc ta hoàn thành cuộc cách mạng Tháng Tám thành công, chấm dứt hơn 80 năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Cuộc cách mạng này đã làm rung chuyển sự thống trị của chế độ thực dân trên toàn thế giới, nhất là ở châu Phi và châu Mỹ la tinh; giúp cho các dân tộc ở các châu lục này nhận thức đúng đắn về sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập và tự do.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chính phủ non trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp với 9 năm, làm nên “một Điện Biên lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”. Có được thắng lợi vẻ vang to lớn đó là do sự lãnh đạo tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam mà đứng đầu chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Song, không thể nhắc đến công lao to lớn của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Chính phủ đã được Ông Cụ chọn lựa và đặt vào các vị trí lãnh đạo cho cuộc Tổng khởi nghĩa và kháng chiến!

Trước hết, hãy nói đến việc chọn lựa nhân tài từ trước khi thành lập Đảng cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam); Hồ Chí Minh (khi đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) đã từ Liên Xô trở về Trung Quốc móc nối với các tổ chức yêu nước ở Việt Nam để tuyển chọn những thanh niên tiên tiến đưa sang Quảng Tây và mở lớp tuyên truyền cách mạng cho họ. Những người này, sau khi được tiếp thu lý tưởng cách mạng đã về nước và ngay lập tức trở thành hạt nhân lãnh đạo các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiếp đó là việc Cụ chọn lựa nhân tài xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam: Khi tình hình thế giới biến chuyển do thắng lợi của Liên Xô và phe Đồng minh trước phát xít Đức, năm 1944 Hồ Chí Minh đã thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao cho ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy (lúc này ông Võ Nguyên Giáp đang là giáo viên lịch sử). Năm 1948, Hồ Chí Minh thăng hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp mà không qua bất kỳ một quân hàm trung gian nào! Khi được phóng viên nước ngoài hỏi về tiêu chí phong tướng, Cụ đã trả lời ngắn gọn "Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, thắng trung tướng phong trung tướng, thắng đại tướng phong đại tướng".

Và Cụ đã đúng khi đặt niềm tin vào vị tướng tài - người đã cùng Quân đội nhân dân Việt Nam làm nên bao chiến công vẻ vang, giành độc lập tự do và thống nhất nước nhà! Cùng đợt phong Tướng năm 1948, có trung tướng Nguyễn Bình và 9 thiếu tướng cũng thể hiện tài năng trí tuệ xuất chúng đã sát cánh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chặng đường lịch sử của đất nước, dân tộc; nhiều người cũng trở thành Đại tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, cũng có người giữ những chức vụ khác trong Chính phủ (bàn về các vị Tướng được Hồ Chí Minh phong ngày 20 tháng 01 năm 1948 sẽ nói sau). Sau này, năm 1959, Cụ cũng phong Đại tướng cho ông Nguyễn Chí Thanh và là người thứ 2 không qua quân hàm trung gian. Ông Nguyễn Chí Thanh dù ở cương vị lãnh đạo nào cũng khẳng định vai trò to lớn của mình trong phát triển sản xuất - với việc phát động nhiều phong trào thi đua cho các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc những năm 60 của thế kỷ trước và đặc biệt là trong việc lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước!

Không chỉ sử dụng nhân tài từ hàng ngũ những người cộng sản, Hồ Chí Minh còn thuyết phục, vận động nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước tham gia Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đó là các Bộ trưởng: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đăng Khoa, Hoàng Tích Trí, Vũ Đình Hoè, Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Tố và Bồ Xuân Luật. Các vị này đều có những đóng góp to lớn cho công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này. Đặc biệt cụ Huỳnh Thúc Kháng được Hồ Chí Minh tin tưởng giao cho Quyền Chủ tịch nước khi Người sang Pháp, lúc đó Cụ Huỳnh chỉ giữ chức Bộ trưởng – và Cụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Cố Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên cũng là một trong số đó, và có thể nói ông là vị Bộ trưởng Giáo dục tài năng, trí tuệ nhất từ khi thành lập nước tới nay, nhưng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định để ông không gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam với lý do: “ngoài Đảng có lợi cho cách mạng hơn”!

Trong suốt 24 năm là người đứng đầu Đảng, Chính phủ, Hồ Chí Minh rất sắc sảo, quyết đoán và trí tuệ trong việc lựa chọn nhân tài cho đất nước! Những cán bộ được Người lựa chọn, phó thác công việc dù bằng cấp không cao nhưng đúng chuyên ngành và rất tài năng, liêm khiết. Họ hy sinh hết thảy vì đất nước, xứng đáng là công bộc của nhân dân. Trong tất cả các cuộc họp với cán bộ trong Chính phủ, Người gần gũi, giản dị, nhẹ nhàng mà thâm trầm sâu sắc. Cụ tôn trọng cấp dưới, lắng nghe ý kiến phản biện của họ. Đặc biệt Hồ Chí Minh rất ghét thói khoa trương, hình thức. Mặc dù là người anh hùng giải phóng dân tộc, nhưng Hồ Chí Minh luôn khiêm tốn, nhắc nhở cấp dưới phải luôn “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư!”

Học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải cứ hô hào, khẩu hiệu rùm beng mà mỗi cá nhân, tập thể cần hiểu một cách sâu sắc: Học tập Người ở nhiều vấn đề, khía cạnh: từ đạo đức cách mạng, sự liêm khiết chí công vô tư; từ việc chọn lựa và sử dụng người đúng tài, đúng việc mà không câu nệ. Bởi với Cụ: quan trọng là làm được việc và liêm khiết! Chính vì thế mà trong suốt thời gian Người lãnh đạo Đảng và Nhà nước rồi đến sau này khi Người từ trần, những cán bộ lãnh đạo cấp Trung ương đến Quân đội, Công an đều phát huy tốt tài năng trí tuệ và phẩm chất người cộng sản, phụng sự hết mình cho Tổ quốc, Nhân dân. Như vậy, theo Hồ Chí Minh: Chọn lựa nhân tài để phục vụ cho đất nước, nhân dân phải chuẩn xác. Chọn được đúng người tài, chứ không phải những kẻ a dua, xu nịnh, hoặc chọn những kẻ làm chẳng ra gì nhưng báo cáo thì thành tích lên tận mây xanh hoặc nói một đằng làm một nẻo…

Nguyễn Hoàng Nguyên (Hội VHNT Nam Định)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chu-tich-ho-chi-minh-chon-lua-va-su-dung-nhan-tai-a20747.html