Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 44

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 44

 Tên người hầu đỡ bát thuốc cho Trịnh Khả uống. Những đứa con cháu, các phu nhân và các gia nhân quỳ bên cạnh kêu khóc. Phút sau ông trào máu ra miệng mà chết. Trịnh Công Lộ và Trịnh Công Đán đỡ cha. Tiếng khóc của các phu nhân, của các con vang khắp phủ đường thảm thiết, chấn động phố phường. Dân kinh thành xót thương. Những người đi qua cổng phủ Trịnh đều quỳ xuống vái vọng vào trong phủ.

    Cùng sáng hôm đó, tại pháp trường Giảng Võ đao phủ đã chém đầu Trịnh Bá Quát cùng Trịnh Bá Giai.

  Trong đêm mà Trịnh Khả thức trắng để hồi tưởng và nhớ lại cuộc đời chiến đấu và tham gia triều chính của ông thì bên phủ Trịnh của Trịnh Khắc Phục, ông thức suốt đêm và hồi tưởng: Trịnh Khắc Phục sinh năm 1400, quê quán ở làng Thủy Chú, xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cha là Trịnh Nhữ Lương, mẹ là quốc trưởng công chúa Lê Ngọc Tiên, chị ruột của Lê Thái Tổ. Cao Hoàng đế là cậu ruột của Trịnh Khắc Phục.

   Tháng 2 năm 1428, Lê Thái Tổ khởi nghĩa đánh giặc Minh, giải phóng đất nước. Trịnh Khắc Phục cùng 50 tướng văn võ tham gia. Trịnh Khắc Phục chỉ huy quân thiết đột, chiến đấu ở miền thượng du Thanh Hóa lập được nhiều chiến công. Có một đêm Trịnh Khắc Phục phá được 3 thành của giặc. Năm 1424 nghĩa quân tiến vào giải phóng Nghê An. Trịnh Khắc Phục chiến đấu ở chiến trường này. Khi nghĩa quân tiến ra Bắc, Trịnh Khắc Phục chiến đấu ở mặt trận Giang Bắc, đóng quân trên sông Bồ Đề và qua Đông Đạo đánh giặc. Cuối năm 1427 hai đạo viện binh 15 vạn quân Minh tiến sang chi viện cho Vương Thông, ngày 19 tháng 8 Trịnh Khắc Phục đem 1.000 quân mai phục ở ải Chi Lăng, Lạng Sơn rồi sai Trần Lựu đem quân khiêu chiến giả thua bỏ chạy, Liễu Thăng đuổi theo lọt vào ổ mai phục. Trịnh Khắc Phục và các tướng chém chết Liễu Thăng, Tổng chỉ huy đạo quân tiếp viện 10 vạn tên, mở đầu cho cuộc tập kích, phục kích, tổng công kích tiêu diệt 10 vạn và nhiều võ quan quân Minh trong chiến dịch Chi Lăng-Xương Giang. Đạo quân mộc Thạnh theo đường từ Vân Nam tiến vào khiếp sợ bỏ chạy bị ta truy kích giết 2 vạn tên, bắt sống hàng nghìn tù binh. Quân tiếp viện bị đánh bại, các thành bị vây như Đông Quan đành phải mở cửa đầu hàng, thề rút quân về nước và thề không bao giờ xâm lược Đại Việt.

  Đất nước được giải phóng, Trịnh Khắc Phục vâng mệnh Lê Thái Tổ lên biên giới cùng nhà Minh dựng cột đồng phân định biên giới hai nước. Trịnh Khắc Phục được phong tước Tả Kim Ngô vệ Thôi Trung tá lý Dương vũ Công thần, được ban Quốc Tính, sau được phong Bình Chương quân Quốc Binh Bộ thượng thư, Nhập nội hành khiển, tước Sơn ngọc hầu.

  Năm 1433 Lê Thái Tổ băng hà, Lê Thái Tông kế vị. Vua còn bé nên nhiếp chính Lê Sát nắm hết quyền. Lê Sát có tư thù với Lưu Nhân Chú, anh em cùng mẹ với Trịnh Khắc Phục, nên Lê Sát bãi chức Nam đạo hành khiển của Trịnh Khắc Phục, giáng làm  Đại tông chính.

  Tháng 6 năm 1437, Lê Thái Tông giết tư mã Lê Sát, nắm lại quyền hành, phong Trịnh Khắc Phục làm Bắc đạo quân dân vệ tịch.

  Vậy mà nay Thái hậu đẩy ông và đứa con đầu Trịnh Bá Giai vào chỗ chết vì tội làm phản mà không có bằng chứng. Ông là  con ruột của chị Lê Thái Tổ. Trong quan hệ gia đình, Lê Thái Tông phải gọi ông là huynh, Lê Nhân Tông phải gọi ông là ông bác. Thái hậu cũng phải gọi ông là huynh, vậy mà không nghĩ tình anh em gia đình, nghe lời bọn gian thần, bọn hoạn quan mà giết hại trung thần. Ông có nghe đồn đại Lê Nhân Tông không phải là con của Lê Thái Tông. Dù đó có là thật thì ông cũng không bao giờ nói ra với ai. Có thể Nguyễn Thị Anh giết ông và Trịnh Khả để bịt mối nguy hiểm này. Vu cáo cho ông và Trịnh Khả tội làm phản thì thật là độc ác. Tối hôm 25 tháng 7 các con, cháu, các phu nhân đều về đầy đủ, khi nghe tin ông và phò mã đô úy Trịnh Bá Giai bị xử tử thì cả nhà khóc lóc thảm thương vang cả phủ đường. Trịnh Khắc Phục có 8 con trai và 6 tiểu thư, trưởng nam là Trịnh Bá Giai được phong là Phò mã đô úy vì lấy An Nam công chúa, thứ hai là Trịnh Trọng Ngạn, thứ ba là Trịnh Trọng Phong, thứ tư là Trịnh Phúc Thông, thứ 5 là Trịnh Phúc Tùng, thứ 6 là Trịnh Đại Hưng, thứ 7 là Trịnh Như Sơn, thứ 8 là Trịnh Quý Nham.

    Cũng vào buổi sáng ngày 26 tháng 7 năm Tân Mùi 1451, niên hiệu Thái Hòa thứ 9, Thái hậu Nguyễn Thị Anh sai đem cho Trịnh Khắc Phục bát thuốc độc. Cả nhà kêu khóc. Ông uống xong bát thuốc thì ứa máu ở miệng mà chết. Trịnh Trọng Ngạn, Trịnh Trọng Phong đỡ cha. Sau đó đưa ông và cả nhà lên xe ngựa trở lại cố hương, Lam Sơn Thọ Xuân Thanh Hóa vì nhà và tài sản đã đã bị niêm phong để tịch thu cho nhà nước. Ba chiếc xe do ngựa kéo tung gió bụi đường trường trong cảnh đau xót thương cảm của dân kinh thành Đông Kinh. Cùng ngày đó ở pháp trường Giảng Võ, Trịnh Bá Giai cũng bị đao phủ chém đầu cùng Trịnh Bá Quát.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-4b-bi-su-nha-le-so-1428-1527-ky-44-a20768.html