Hoạt động của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh từ lúc hình thành và phát triển

Sau đây là tham luận của ThS. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên - Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Âm nhạc TP.HCM tại Hội thảo "Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh - Dấu ấn những chặng đường" nhan đề " Hoạt động của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh từ lúc hình thành và phát triển" tổ chức ngày 22/8/2023.

1. Mái nhà chung

Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh được thành lập ngày 28/11/1981. Trước đó, Hội mang tên Ngành Âm nhạc Giải phóng thuộc Hội Văn nghệ Giải phóng TP. Hồ Chí Minh. Tính từ 30/4/1975 đến nay, đã 48 năm biến chuyển qua nhiều giai đoạn phát triển của thành phố, tựu chung Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh hình thành và phát triển qua hai giai đoạn:

-        Từ 30/4/1975 đến 27/11/1981: Ngành Âm nhạc Giải phóng thuộc Hội Văn nghệ Giải phóng TP. Hồ Chí Minh.

-        Từ 28/11/1981 đến nay (2023): Với tên gọi chính thức Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong 42 năm qua, quá trình hình thành và phát triển của Hội đã hòa nhịp cùng sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Những gì đạt được trong hơn 42 năm qua, Hội Âm Nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đã được Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh, Liên Hiệp Các Hội Văn học – Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn khen tặng: Cờ truyền thống, Bằng khen, Lá cờ đầu, Giấy khen… là kết quả của nhiều năm tháng lao động, sáng tạo của tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và toàn thể hội viên dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực về mặt tinh thần và vật chất của các cấp lãnh đạo Thành phố và các tỉnh bạn, của bạn bè đồng nghiệp cả nước, đặc biệt công chúng yêu âm nhạc là động lực thúc đẩy quan trọng cho mọi hoạt động và sự phát triển của Hội Âm Nhạc Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Ngày 20/12/1960 Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Giải phóng) ra đời. Trong xu thế cách mạng ấy, ngày 20/7/1961, Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, một tổ chức thành viên của Mặt trận được thành lập, do soạn giả nổi tiếng Trần Hữu Trang làm Chủ tịch, nhằm đoàn kết lực lượng văn nghệ sĩ toàn miền Nam trong cuộc đấu tranh chung.

Ngày 14/12/1963, Hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh (trong thời kỳ chiến tranh gọi là Hội Văn nghệ Giải phóng Khu Sài Gòn – Gia Định ra đời. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng Hội Văn nghệ Giải phóng tiếp quản trụ sở ở số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3. Hội hoạt động với nhiều chuyên ngành văn học nghệ thuật, trong đó có Ngành Âm nhạc Giải phóng thuộc hội.

Sau ngày 30/4/1975 miền Nam được giải phóng, hoàn toàn thống nhất đất nước, riêng về lĩnh vực âm nhạc, các nhạc sĩ, ca sĩ từ nhiều nguồn lực lượng: hội viên Hội Văn nghệ Giải phóng Khu Sài Gòn – Gia Định, từ các chiến khu, từ miền Bắc, từ các đoàn Văn công Quân Giải phóng, Văn công Giải phóng, Đoàn Ca múa Nhân dân miền Nam, Đài phát thanh Giải phóng… trở về tiếp quản Sài Gòn–Gia Định và được sắp xếp trong các đơn vị mới như: Ngành Âm nhạc Giải phóng thuộc Hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Văn hóa Văn nghệ Thành ủy, Viện Nghiên cứu Âm nhạc, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh (lúc đó là Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn), Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam 2, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Ca nhạc nhẹ Tháng Tám, Đoàn Ca múa nhạc Dântộc Bông Sen, Đoàn Văn công Quân khu 7, Nhà Nghệ thuật Quần chúng thuộc Sở Văn hóa – Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh (chủ lực là các nhạc sĩ trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe)…

Từ các nguồn nhân lực ấy, cùng với sự kết hợp với các nhạc sĩ, ca sĩ tại chỗ và lực lượng sáng tác trẻ của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: thành lập Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước sự phát triển nhanh chóng của đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố, ngày 28/11/1981 Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đã được thành lập và ra mắt tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh.

Với mục đích của Hội là tập hợp những người hoạt động âm nhạc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, từ đây Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành mái nhà chung của lực lượng sáng tác, chỉ huy, lý luận, đào tạo, quản lý Nhà nước về âm nhạc… không phân biệt tuổitác và trình độ, để cùng cống hiến cho sự nghiệp chung của thành phố là xây dựng một nền âm nhạc đậm đà tính dân tộc và hiện đại mang bản sắc Thành phố Hồ Chí Minh.

2.       Tổ chức các hoạt động âm nhạc

          Hoạt động sáng tác

Có thể nói, sáng tác là hoạt động chính và nổi bật trong các hoạt động của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Trong 48 năm qua các nhạc sĩ hoạt động trong lĩnh vực sáng tác đãcống hiến sức sáng tạo của mình qua hàng ngàn tác phẩm âm nhạc đủ thể loại. Từ các ca khúc gần gũi với phong trào ca hát của quần chúng, kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ chính trị trong sản xuất, xây dựng thành phố cũng như trong phong trào nhân dân bảo vệ tổ quốc ở biên giới và biển đảo quê hương, đến các thể loại đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc cao hơn như giao hưởng, thính phòng, hợp xướng…

06 Chi hội sáng tác của Hội đã hoạt động tích cực trong các lĩnh vực: đi thực tế sáng tác, tổ chức biểu diễn quảng bá tác phẩm mới.

Hàng năm Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đều tổ chức các cuộc đi về nguồn gắn liền với đi thực tế sáng tác và biểu diễn phục vụ công chúng. Những chuyến đi như thế đã thu hoạch được nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng.

          Hoạt động lý luận

Song song với hoạt động sáng tác, lý luận là một lĩnh vực Hội rất quan tâm. Đó là sự định hướng kịp thời giúp những người hoạt động trong các lĩnh cực âm nhạc của thành phố có sự nhận định, đánh giá kịp thời những lệch lạc, thị hiếu thấp kém trong nhu cầu thưởng âm nhạc.

Nhiều buổi tọa đàm, hội thảo kết hợp với các đơn vị truyền thông đại chúng về nhiều vấn đề trong nhiều thời điểm đã được tổ chức như bàn về âm nhạc thị trường, âm nhạc dành cho thiếu nhi, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong âm nhạc, Tính hình sáng tác, biểu diễn và công chúng đối với nhạc trẻ, thực trạng và giải pháp đối với hiện tượng nhạc nhái… và nhất là những vấn đề định hướng trong sáng tác âm nhạc. Nhiều nhạc sĩ ngành lý luận đã viết báo phổ cập kiến thức âm nhạc đồng thời giúp cho công chúng yêu nhạc hiểu thêm về thị hiếu thưởngthức âm nhạc cũng như phân biệt những sai trái của những hoạt động âm nhạc chạy theo thị trường…

          Hoạt động biểu diễn

Kịp thời đưa âm nhạc cách mạng đến với quần chúng nhân dân, các ca sĩ của hội đã nhanh chóng có những chương trình hát giữa phố phường trong các dịp lễ cũng như những đợt hoạt động chính trị của thành phố (điển hình là Chương trình “Âm nhạc xuống phố”,“Nhạc Cách mạng xuống phố” v.v… của chi hội Hợp xướng và Thanh nhạc; Chương trình “Âm nhạc tỏa sáng”, “Nhạc sĩ hát” của Tung tâm biểu diễn) và các chương trình kết hợp với Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu chân dung âm nhạc của các nhạc sĩ. Các Chi hội biểu diễn ca khúc hoặc khí nhạc đã hoạt động tốt trong công việc phổ cập âm nhạc đến với công chúng.

Nhiều buổi công diễn ngoài trời ở các phường, xã, và các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy đã được tổ chức thu hút nhiều người tham dự.

          Hoạt động đào tạo

Như đã đề cập ở trên, Hội là tổ chức Chính trị - Xã hội – Nghề nghiệp, tập hợp những người hoạt động âm nhạc trong thành phố do đó có một tình trạng cần giải quyết: đó là kiến thức, trình độ âm nhạc không đồng đều. Có người tốt nghiệp từ các trường lớp chuyên nghiệp như các trường Cao đẳng có khoa âm nhạc, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh; nhưng đa số đến với âm nhạc do năng khiếu, tự học qua sách vở hoặc các lớp nhạc riêng.

Nhận thấy tình trạng này, hàng năm Hội đã tổ chức nhiều lớp Bồi dưỡng kiến thức về âm nhạc để giúp cho nhữngngười hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc của thành phố nâng cao trình độ hiểu biết của mình hầu làm việc tốt hơn.

Hoạt động đào tạo chính vì thế đã trở thành hoạt động thiết thực, bên cạnh việc nâng cao kiến thức âm nhạc còn có ý nghĩa tạo điều kiện tốt để Hội kết nạp những thành viên mới vào hội viên chính thức của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.

3.       Kết nghĩa với các Hội bạn ở các tỉnh, thành phố

Ý thức được hoạt động âm nhạc không chỉ đơn độc trong phạm vi địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh. Từ những năm cuối thập niên 80, Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đã kết nghĩa với Hội Âm nhạc Hà Nội, Huế, và sau đó là Hội Âm nhạc thành phố Cần Thơ… Đây là dịp để các nhạc sĩcác hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực sáng tác, lýluận phê bình và các hoạt động biểu diễn…

Bên cạnh các lễ kết nghĩa chính thức ấy, Hội còn liên kết với các địa phương, các tỉnh,thànhđểtổchứccácchuyếnđithựctếsángtácvàbiểudiễngiaolưuphụcvụcôngchúng.Qua các chuyến đi ấy đã có hàng trăm bài hát về các đề tài truyền thống của thành phố và các địa phương trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, nhiều bản tình ca, tình yêu quê hương và các ca khúc thiếu nhi đã ra đời góp phần xây dựng phong trào ca hát ở cơ sở.

4.       Quảng bá tác phẩm

Nếu trong nền kinh tế, sau giai đoạn sản xuất sản phẩm, một khâu vô cùng quan trọng để phát triển kinh tế là lưu thông phân phối sản phẩm nhằm đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, thì trong lĩnh vực âm nhạc, sau khi các nhạc sĩ sáng tác ra các tác phẩm, khâu quan trọng kế tiếp chính là phổ biến tác phẩm, là quảng bá tác phẩm.

Nhận thức được tầm quan trọng này, ngay từ những ngày đầu thành lập hội, đã có nhiều chuyến đi biểu diễn, giới thiệu các ca khúc mới đến với công chúng, nhất là đến với thanh niên, sinh viên học sinh và công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp…

Hội đã phối hợp với Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV9), Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều chương trình giới thiệu ca khúc mới.

Trong giai đoạn hiện nay, thời đại 4.0 Hội đã giới thiệu nhiều tác phẩm âm nhạc trên mạng internet qua các chương trình mang tên Âm nhạc tỏa sáng, Sắc màu Âm nhạc…

Các Chi hội sáng tác như Chi hội 1, 2, 3, 4, 5 và 6 cũng có nhiều chương trình quảng bá tác phẩm. Trong đó nổi bật Chi hội 3 với 252 kỳ Nhạc chiều Chủ nhật tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM.

Để góp phần lan tỏa tác phẩm âm nhạc, và cũng để tránh những sai sót hoặc nhầm lẫn ca từ trong khi chỉ nghe và hát lại, Hội đã tổ chức thực hiện các albums, CD, Video đồng thời ấn hành nhiều tập ca khúc để phổ biến chính xác đến công chúng yêu nhạc.

5.       Nhạc thiếu nhi:

Thiếu nhi là rường cột, là tương lai của đất nước. Trong thư gửi học sinh vào tháng 9 năm 1945, Bác đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Những vần thơ của Bác Hồ dành cho thiếu nhi chứa đựng tình thương yêu sâu sắc và thắm thiết. Người luôn nhắc đến trẻ em với một tình cảm trìu mến, nâng niu:

“Trẻ em như búp trên cành Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan

Chẳng may vận nước gian nan

Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”…

Bác ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên nay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất,độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Ba tháng trước ngày đi xa, Bác lại viết bài: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” in trên báo Nhân dân. Bác viết: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”.

Cho đến ngàyBác phải đi xa, trong Di chúc của mình, Bác còn gửi gắm: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…”.

Ý thức được tầm quan trọng và với lòng yêu thương thiếu niên nhi đồng, các nhạc sĩ nhiều thế hệ, từ lâu đã quan tâm và viết nhiều bài hát dành cho thiếu nhi. Và, từ ngày Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh được thành lập đến nay, rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng với các tác phẩm âm nhạc thiếu nhi như: Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân, Trương Quang Lục, Phạm Minh Tuấn, Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Vũ Hoàng, Lê Quốc Thắng, Lê Vinh Phúc, Thảo Linh, Khánh Vinh, Nguyễn Quang Vinh, Lê Anh Tú, Nguyễn Văn Chung, Lê ChungTình…

Hàng năm, trong danh mục xét đầu tư tác phẩm, Hội luôn dành một chỗ đứng quan trọng cho thể loại âm nhạc thiếu nhi, tuổi hồng. Các ca khúc thiếu nhi được Hội đồng Nghệ thuật của hội xét chọn hoặc đạt giải thưởng hàng năm đều được hội quan tâm quảng bá tác phẩm: in thành các tập nhạc, thực hiện CD, VCD hoặc đưa vào thư viện âm nhạc số hóa. Ngoài ra còn tổ chức các chương trình Âm nhạc tỏa sáng (phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TP.Hồ Chí Minh),

…Đặc biệt là năm 2020 Hội đã thực hiện Thư viện âm nhạc Thiếu nhi, gồm các ca khúc thiếu nhi mà hàng năm Hội đã đầu tư và trao Giải thưởng, thư viện gôm có audio master và nhạc nền chất lượng cao phục vụ miễn phí, đến nay thư viện đã có khoảng 400 ca khúc thiếu nhi.

6.       Nhạc Tuổi hồng:

Tháng 8 năm 1988, Báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh đã có sáng kiến tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa các học sinh các trường cấp III (Trung học Phổ thông) với các nhạc sĩ thuộc Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh tại khuôn viên tòa soạn báo. Trong buổi gặp gỡ này các em phát biểu: Các bác, các chú các anh nhạc sĩ lâu nay viết rất nhiều bài hát cho lứa tuổi thiếu nhi và nhất là với người lớn. Các bài hát thiếu nhi thì chúng cháu đã quen với tuổi ấu thơ bây giờ không còn hợp nữa, còn các bài cho người lớn thì quá nhiều đề tài tình yêu mà chúng cháu chưa thể trải nghiệm, chưa thể hát được. Sao các bác, các chú, các anh chị không viết cho lứa tuổi mới lớn của chúng cháu - lứa tuổi mà thiếu nhi thì quá nhỏ còn những bài tình ca cho người lớn thì chưa thể chạm vào!

Chính vì thế, qua buổi gặp gỡ giao lưu này nhiều nhạc sĩ trong hội đã bắt đấu quan tâm mà tiên phong là các nhạc sĩ trong hội đang hoạt động trong CLB Sáng tác trẻ Thành Đoàn như: Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đức Trung, Thế Hiển, Phạm Đăng Khương, Vũ Hoàng, Lê Văn Lộc, Lê Quốc Thắng, Lê Vinh Phúc…

Hiện nay, hàng năm Hội luôn khuyến khích các nhạc sĩ viết về lứa tuổi hồng qua việc xét đầu tư và giải thưởng của Hội.

7.       Nhóm Nhạc sĩ Những người bạn:

Những năm cuối thập niên 80, các sân khấu ca nhạc của thành phố hầu như bị lũng đoạn. Các ca sĩ đua nhau những bài ca hải ngoại hoặc nhạc nước ngoài thậm chí là nhạc cũ chưa cho phép hát nhưng họ sửa vài từ để “qua mặt” các nhà quản lý. Có người nói vui nhạc cách mạng (nôm na gọi là nhạc đỏ) đang rút vô hoạt động bí mật. Giới thông tấn, báo chí còn phanh phui trường hợp một hang bang đĩa của nhà nước chạy theo lợi nhuận còn xuất bản 120 bài hát về lính cộng hòa!

Trước tình hình cung (nhạc sĩ sáng tác) mà không có cầu (tổ chức biểu diễn) 8 ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh khóa II gồm các nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện và Nguyễn Văn Hiên đã thống nhất thành lập Nhóm nhạc sĩ Những Người Bạn.

Sau khi ra mắt vào buổi sáng chủ nhật 08/3/1992 tại khuôn viên tòa soạn báo Tuổi Trẻ thu hút đông đảo thanh niên đến tham dự, nhóm đã tiếp tục tổ chức sân khấu ca nhạc tại Nhà Văn hóa Thanh niênvới tên gọi CLB Nhạc sĩ mà mọi người vẫn quen gọi Quán Nhạc sĩ. Chính tại nơi đây hàng trăm tác phẩm của nhóm nhạc sĩ Những Người Bạn đã được giới thiệu rộng rãi đến công chúng yêu nhạc. Sân khấu ca nhạc của nhóm “sáng đèn” suốt các đêm trong tuần với nhiều chủ đề cho từng đêm: Thứ Hai với chương trình Một thời Áo trắng dành cho lứa tuổi hồng Sinh viên Học sinh với phần biểu diễn của các ca sĩ chuyên nghiệp, Thứ Ba đến Thứ Sáu là các chương trình Nhạc tiền chiến, nhạc của các nhạc sĩ trong nước và nhạc Trịnh Công Sơn. Riêng đêm Thứ Bảy và Chủ nhật dành riêng cho các ca khúc của Nhóm Nhạc sĩ Những Người Bạn. Ngoài ra, nhóm còn tổ chức các chương trình đến với Sinh viên Học sinh trên địa bàn thành phố và các chuyến lưu diễn xuyên Việt đến với thành phố biển Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng và các trường đại học, trung học chuyên nghiệp ở Hà Nội và Thái Nguyên…

Nhìn chung, nhóm Nhạc sĩ Những Người Bạn đã hoạt động hai mươi năm một cách tích cực và đã góp phần không nhỏ về các ca khúc của trào lưu nhạc pop rock, nhạc trữ trình đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi với hàng trăm tác phẩm của các nhạc sĩ trong nước qua một trăm ngàn đêm diễn.

8.       Uống nước nhớ nguồn

Uống nước nhớ nguồn là nền tảng vững chắc tạo nên một xã hội nhân ái, đoàn kết. Từ xưa đến nay truyền thống Uống nước nhớ nguồn vẫn luôn là một đạo lý được gìn giữ và phát huy bởi biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Nguồn ở đây tôi muốn nói đến Nguồn nhân lực. Tựu trung có hai nguồn: Lực lượng trẻ và Các nhạc sĩ lão thành.

          Quan tâm đến lực lượng kế thừa

Ngay từ những ngày đầu thành lập Hội đã rất quan tâm lực lượng sáng tác trẻ. Đó là lực lượng kế thừa để tiếp tục công tác xây dựng hội bền vững trong tương lai. Đã có 23 nhạc sĩ trẻ thuộc Câu lạc bộ Sáng tác Trẻ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh được vinh dự kết nạp là Hội viên sáng lập hội.

Những nhiệm kỳ tiếp theo, nhạc sĩ trẻ luôn là vấn đề các Ban chấp hành quan tâm trongcông tác phát triển hội. Thực tiễn cho thấy, 48 năm qua đã có hàng chục nhạc sĩ trẻ sau khi được kết nạp hội đã phát huy năng khiếu của mình trong lĩnh vực sáng tác với hàng ngàn tác phẩm phục vụ được nhu cầu ca hát của phong trào thanh niên, sinh viên học sinh và thiếu niên nhiđồng. Đó là chưa kể những bài ca đáp ứng kịp các yêu cầu chính trị của thành phố và cả nước. Chính vì thế đã có hàng chục nhạc sĩ trẻ được kết nạp thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

          Quan tâm đến nhạc sĩ lão thành

Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến hàng năm với tinh thần xã hội hóa, vận động các hội viên đóng góp để có phần quà tặng các nhạc sĩ lão thành và các nhạc sĩ từ 70 tuổi trở lên. Sự đóng góp thành quả của các nhạc sĩ lớn tuổi đối với Hội không chỉ là những tác phẩm âm nhạc được sáng tạo từ thời thanh xuân đến nay mà còn những lúc trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các nhạc sĩ trẻ, giúp họ có thêm nhiều kiến thứctrong lĩnh vực sáng tác và trải nghiệm cuộc sống.

Uống nước nhớ nguồn, hàng năm đã trở thành tập quán mới của Hội dành cho các nhạc sĩ lão thành. Tôi nghĩ, đây cũng là một điểm son của Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh.

9.       Kiến nghị:

Hội là tập hợp những người hoạt động âm nhạc trong thành phố:

 Kết nạp những người có tác phẩm âm nhạc tốt nhưng chưa có bằng cấp.

Kết nạp người lớn tuổi.

N.V.H

"Theo Kỷ yếu Hội thảo Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh"

ThS. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên - Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Âm nhạc TP.HCM Mái nhà chung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hoat-dong-cua-hoi-am-nhac-thanh-pho-ho-chi-minh-tu-luc-hinh-thanh-va-phat-trien-a20772.html