Chương trình tập huấn nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức của người làm báo về bình đẳng giới, đồng thời bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về bình đẳng giới, bạo lực giới. Trang bị cho các nhà báo kỹ năng phát triển các vấn đề báo chí có lồng ghép giới, có yếu tố nhạy cảm giới.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, khóa tập huấn rất cần thiết cho phóng viên nhà báo, điều này góp phần nâng cao kỹ năng tác nghiệp, tính nhạy cảm giới trong quá trình hoạt động nghiệp vụ của mình. Thực tế báo chí luôn là một trong các lĩnh vực quan trọng trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới, để công chúng hiểu hơn về giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em gái… thúc đẩy quyền con người, quyền của phụ nữ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Buổi tập huấn được tổ chức ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam nơi mà học viên có thể nhìn ra trục lịch sử của báo chí Việt Nam khi tiếp cận vấn đề giới và bình đẳng giới. Qua các ấn phẩm lâu đời được trưng bày từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay chúng ta có thể biết thêm về báo chí Việt Nam trong công cuộc đấu tranh vì sự phát triển tiến bộ của phụ nữ.
Nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Ngày nay nhiều nhà báo nữ công tác ở các cơ quan báo chí và học viên nữ đang học tập tại các trường báo chí cũng đang được tạo điều kiện tối đa trong quá trình học tập và làm việc. Tuy nhiên trong quá trình chúng ta tác nghiệp trong đời sống chúng ta thấy được thực tế vẫn còn định kiến giới, rào cản về giới, bình đẳng giới, vai trò giới, định kiến giới… Người làm báo nhận thức đúng rồi nhưng còn chưa đủ khi chúng ta muốn tạo ra sự thay đổi. Mỗi nhà báo phóng viên cần hiểu rõ hơn về nguyên lý, nội dung phương thức tạo ra sự thay đổi đó…góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí hướng tới mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.
Tại chương trình, thạc sĩ Lê Văn Sơn, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng chia sẻ về một số khái niệm cơ bản và nâng cao về giới, phân tích định kiến giới, lăng kính giới trong sản phẩm báo chí.
Chương trình tập huấn “Kỹ năng nâng cao về tác nghiệp có góc độ giới cho phóng viên, biên tập viên” có hơn 20 học viên tham dự.
Ngoài ra, nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng cũng truyền đạt nội dung về yêu cầu về chất lượng đối với một sản phẩm báo chí có nhạy cảm giới, xây dựng chủ đề sản phẩm báo chí về giới, sản phẩm báo chí có lồng ghép giới và nhạy cảm giới.
Theo Ban tổ chức, thông qua lớp tập huấn hy vọng các hội viên sẽ nắm chắc và giải quyết được ba định kiến giới sâu sắc trong sản phẩm báo chí, nắm chắc một số khái niệm cơ bản và hàm ý của các khái niệm về giới trong thực tiễn.
Các học viên sẽ nắm chắc tiêu chí về chất lượng một số sản phẩm báo chí và xác định tiềm năng cải thiện chất lượng sản phẩm báo chí đáp ứng yêu cầu nhạy cảm giới trong sản phẩm báo chí. Nhận diện được các biểu hiện “mù giới” và nhạy cảm giới…
ĐK
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tap-huan-nang-cao-ky-nang-tac-nghiep-co-goc-do-gioi-cho-phong-vien-bien-tap-vien-a20818.html