Đọc Truyện ký " ỨNG NGHIỆM THÀNH ĐẠT" - Hai điều đọng lại trong tôi

 "Múa rìu qua mắt thợ ", tôi hổng dám đâu ! Bình luận, đánh giá một tác phẩm văn học, việc này dành các nhà lý luận - phê bình chuyên nghề ! Với góc độ bạn đọc thân thuộc của tác giả, đọc Tập  Truyện ký " ỨNG NGHIỆM THÀNH ĐẠT" của Quân Yên (Vũ Xuân Bân), trong tôi đọng lại hai điều.

 

bia-untd-149023-1695196748.jpg

Bìa sách ỨNG NGHIỆM THÀNH ĐẠT của Hoạ sĩ Văn Sáng.

 

 Điều thứ nhất: Bằng những câu chuyện về lịch sử, Quân Yên không ngồi viết trong " tháp ngà ", với nghề báo đi cơ sở các vùng miền trong nước, trải nghiệm thực tiễn, anh viết Sử ứng nghiệm với đời sống đương đại, rất thời sự: Chủ quyền đất nước từ thuở Nguyễn Hoàng hay còn gọi là Nguyễn Thái Tổ , Chúa Tiên - vị Chúa Nguyễn đầu tiên mang gươm đi mở cõi. Vấn đề biển đảo qua câu chuyện về " Sấm Trạng Trình" ... Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở dân ta phải học sử, biết sử nước ta ... . Thú thực qua câu chuyện " Ứng nghiệm Trạng Trình ", anh kể tôi mới được biết tường tận Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được sử sách lưu danh là nhà dự báo, mà như ngôn từ hiện nay là " nhà hoạch định chiến lược" kỳ tài, nhà tiên tri số một của nước Việt Nam ta. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp như hiện nay, thời gian gần đây, giới nghiên cứu về biển đảo đã nhiều lần dẫn hai câu thơ mang tính dự báo chiến lược thiên tài của Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm: " Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình " . 5 thế kỷ trôi qua, hai câu thơ vẫn mang tính rất thời sự lời căn dặn tâm huyết của tiền nhân .

Cũng qua Tập Truyện ký “Ứng nghiệm thành đạt”, lần đầu tiên tôi được biết Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc - Người có công lớn trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng Đế, Người mở ra Vương triều Lý - một Vương triều rực rỡ, huy hoàng trong lịch sử Việt Nam hồi thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIII. Ông là một trong 3 vị quan (cùng với Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu) được tôn thờ tại Đền Đô (Từ Sơn, Bắc Ninh). Với kiến thức Cử nhân Sử học chính hiệu, cùng với vốn sống trải nghiệm - năm 1974 , khi đó mới 24 tuổi, là phóng viên chiến trường Miền Nam Việt Nam, Vũ Xuân Bân còn trực tiếp viết Sử về Chiến Khu D trong bài ký " Nhớ Mã Đà sơn cước - Chiến khu D" - địa danh nổi tiếng ‘Miền Đông gian lao mà anh dũng” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Miền Nam.

Điều thứ hai: Tiếp theo Tiểu thuyết " TƠ VÒ ", tác phẩm văn học đầu tay của anh được đông đảo bạn đọc mến mộ, xuất bản cách nay 5 năm. Trong Tập Truyện ký " ỨNG NGHIỆM THÀNH ĐẠT " do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành, anh có một số truyện ký chống tham nhũng, tiêu cực : "Thành đạt ", "Quan mượn ", "Khó thoát ", khá thành công . Như Bác Hồ từng nói (đại ý) " Cán bộ là cái gốc của mọi công việc ... Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém ..." . " TƠ VÒ " anh đã dũng cảm phanh phui một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nọ chạy chức chạy quyền, tham nhũng đất đai gây nên tình trạng rối như tơ vò ... Nếu như " TƠ VÒ " , anh đã nhìn thẳng vào sự thật "cái gốc" của vấn đề thì ở Tập Truyện ký " ỨNG NGHIỆM THÀNH ĐẠT " này , qua mấy truyện ký; anh bóc trần những thủ đoạn gian dối “thân thuộc” ma quỷ trong cái trò " bố nuôi " , "con nuôi " (trong truyện "Thành đạt" , tr 97). “Tiền và quyền lực” đã gắn kết mật thiết hai người con nuôi với hai ông bố nuôi - cán bộ lãnh đạo địa phương cấp tỉnh. Họ bất chấp tất cả. Dựa vào thế “bố nuôi”, “hai con nuôi” nổi lên như hai “ngôi sao” sáng và băng băng trên con đường quan lộc. Cái gọi là " thành đạt " là như vậy. Khi “bố nuôi” bị kỷ luật , thất thế , con nuôi cũng "rút ván qua cầu" luôn! . Trong truyện ký "Quan mượn", tác giả phơi bày một số điều chưa thật hợp lý cơ chế luân chuyển cán bộ lãnh đạo từ trên về cấp tỉnh. Anh dùng hai từ, dân nói - rất đắt - là "quan mượn". Có lẽ anh là một trong những người đầu tiên đề cập công khai vấn đề này trên trang viết. Dân địa phương bàn tán sôi nổi về vị cán bộ được “luân chuyển” về lãnh đạo địa phương này . Đã sang nhiệm kỳ hai rồi mà vẫn chưa thấy vị " quan mượn " này rút về trên, vẫn quyết bám lấy địa phương để kiếm chác làm giàu.

Trong truyện ký " Khó thoát ", ngoài cái ý như một số đọc giả bình luận tác giả đề cập "Luật nhân quả" ứng nghiệm không chừa một ai. Luật pháp có thể nhầm nhưng “Luật nhân quả” không bao giờ nhầm. Do đó, những kẻ “thất nhân tâm”, “gây thù chuốc oán” khó thoát ... phải trả giá. Qua câu chuyện tác giả kể một quan chức lãnh đạo địa phương - Phụng Tơm với chức vụ, quyền lực đứng đầu một sở đã lộng hành ”hình sự hoá quá mức”, “đâm lao phải theo lao”, dựng lên vụ án gọi là "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Dự án " Trang trại Đồng Cạn " nhưng cuối cùng không có thiệt hại để triệt hạ Ngọc Quý - "đồng chí " "!" của mình - đang nằm trong cơ cấu quy hoạch nguồn lãnh đạo của tỉnh. Trong khi đó, Phụng Tơm tìm mọi cách dựng “thân hữu” của mình là Ba Trương lên vị trí đứng đầu tỉnh cho dễ sai khiến ... Vụ án kéo dài tới chục năm trời chưa ngã ngũ . Dân bức xúc, nhức nhối về tình trạng thực thi công lý, công bằng và trật tự kỷ cương xã hội ở địa phương nọ. Những kẻ như Phụng Tơm sớm muộn đều “thân bại danh liệt”, đến lúc pháp luật rờ tới, công lý được thực thi, rất có thể hắn phải vào “nhà đá” bóc lịch thay thế cho những người bị án oan sai. Hiện tại hắn về hưu, hàng xóm láng giềng và dân chúng coi khinh, trở nên cô độc, “sống không bằng chết”, còn lo "có khi chết cùng không được yên thân”.

Qua câu chuyện " Khó thoát " tôi nghĩ ngay đến tình trạng suy thoái của các vị lãnh đạo chủ chốt xú Thanh - một trong những tỉnh lớn nhất của nước ta, có đủ mọi vùng miền như Việt Nam thu nhỏ - vừa bị Uỷ Ban Kiểm Tra Trung ương của Đảng kết luận sai phạm nghiêm trọng suốt hai nhiệm kỳ Bí thư Tỉnh uỷ. Mãi tới khi cả hai ông đầu tỉnh về hưu – mấy năm trời - mới phát hiện và xét xử. Những chuyện như thế khiến tôi nhớ lại Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói tới nguy cơ suy thoái của một Đảng cầm quyền. Cụ còn nói không sợ giặc bằng sợ cán bộ sai phạm lỗi lầm, khuyết điểm, làm mất lòng dân. Nói chuyện với văn nghệ sĩ mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khuyến khích các văn nghệ sĩ đi thực tế, sâu sát cơ sở, gần gũi dân; phát huy chức năng của văn học nghệ thuật phát hiện và dự báo để có những tác phẩm có giá trị cao, vượt thời gian.

Tác giả Quân Yên (Vũ Xuân Bân) là một Nhà báo trọn nghề. Trong cả đời viết báo, anh từng có những năm làm phóng viên TTXVN thường trú ở một số tỉnh, thành phố trong nước và cả ở Campuchia những năm đầu gian khổ cùng với quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn vùng dậy đánh đổ chế độ diệt chủng Khơ me đỏ. Nhờ vậy, trong nghề viết, anh có thuận lợi tích luỹ giàu vốn sống thực tế. "Ba cùng "- cùng ăn , ở , làm việc gần dân - nên chẳng những anh " thông " , mà cái chính là " cảm " nhận được dân nghĩ gì, nói gì, muốn gì. Có thể nói ở góc độ nào đó, anh "đi guốc trong bụng " những quan chức tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở từ tỉnh, huyện đến làng xã... Và như ở đầu bài tôi đã viết, tôi là bạn đọc thân thuộc của anh bởi đọc những bài viết sống động của anh, ngồn ngộn hơi thở đời sống thực tiễn ở cơ sở; giúp tôi - một người sống ở thành thị - phần nào hiểu biết được cuộc sống ở nông thôn hiện nay.

Tôi không phủ nhận những thành tựu ta đã đạt được, đưa cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ được như ngày nay. Nhưng còn một nửa sự thật nữa là nạn tham nhũng, tiêu cực ; nạn lãng phí tài sản quốc gia (tai hại không kém) đang còn đấy. Cuộc vận động chống tham nhũng, tiêu cực đang tiếp diễn kiên định và quyết liệt nhằm quét sạch lũ " quan tham vô lại " để đưa đất nước ta tiến nhanh, tiến vững chắc hơn.

Cảm ơn tác giả Quân Yên (Vũ Xuân Bân) - Tập Truyện ký ƯNG NGHIỆM THÀNH ĐẠT, chờ đọc tiếp tác phẩm mới của anh !

N.V.T

---------------

Địa chỉ phát hành sách: 11 Phan Huy Chú - Phường Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. ĐT liên hệ: 0984451930  

Nguyễn Văn Trường

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/doc-truyen-ky-ung-nghiem-thanh-dat-hai-dieu-dong-lai-trong-toi-a20832.html