Còn đây là chiếc thuyền gỗ cỡ lớn của ông Xuyên, ông Thành là hai anh em ruột, chuyên thợ chở đò ngang sông đưa bà con qua lại những phiên chợ Gò, chợ Cời những ngày con nước sóng cả luôn tâm niệm “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, cập hai bờ bến sông đi chợ của bà con nông dân, mua bán nông sản đặc trưng nối hai bờ, vui từng chuyến đi, đi về, vượt sóng sang ngang mênh mông sóng nước Sông Hồng, và đâu đó vẫn vang vọng tiếng gọi đò vào không trung khu xóm nhà tôi ở, nghe rõ tiếng gọi đò của khách lỡ chuyến vào chiều tối.
“Đò ơi! Cho tôi sang với... với...”
Mỗi lần con tàu khách Hà Nội - Nam Định kéo còi báo hiệu khách màn tàu bến Lở đi qua, thì lập tức tất cả hơn chục chiếc bè gỗ cỡ lớn cũng dềnh lên phì phì ì ọp thở, kéo kèn kẹt các cánh buồm nín siết chặt của gốc tre rừng rắn như đinh giữ cho bè không bị phá vỡ lúc lên thác xuống ghềnh nơi đầu nguồn YÊN BÁI thượng nguồn Sông Hồng.
Bên dưới là các cây gỗ to khổng lồ xếp hạng tứ quý ĐINH, LIM, SẾN, TÁU, còn lấp ló cây gỗ Vàng Tâm quý hiếm, cây gỗ nghiến xoan đào gỗ dổi chò chỉ được đục lỗ đóng sẹo đánh số luồn chằng mây sít chặt được ghim nổi lên với từng bó lớn tre luồng dài thườn thượt, bó nứa bó tre hợp bó giang rừng xanh mượn mướt để tạo độ nổi đỡ cho các Cụ gỗ rừng quý hiếm, vượt qua bao thác ghềnh đầu sông ngọn nguồn theo con nước tuần Trăng gió nồm nam xuôi theo dòng nước hai về bến sông chợ Gò, trên cùng bè sắp măng các cối lá gồi (lá cọ) xanh vàng cao hơn đầu người đứng trật tự bên cái lều giành cho thợ sơn tràng kiêm thả bè nghỉ ngơi lúc “Thuận buồm xuôi gió để chén chú chén anh”, hớp rượu nút lá chuối bằng nếp nương Yên Bái nhâm nhi với thịt Nai rừng gác bếp xông khói thơm mê mẩn hoà quyện cùng điếu thuốc Lào Vĩnh Bảo hút ống điếu sòng sọc tỏa khói ngấm dần đến độ no và say lim rim sóng nước.
Cũng có lúc ngược gió ngược buồm, thì đỏ mặt, tía tai để vặc nhau lớn tiếng át cả tiếng sóng vang vọng chát chúa văng ra cả thùng, khi bè mắc vào đồi cát ngầm hoặc chệch luồng nước thuận chẳng may vào dòng nước dữ thì khác nào bị ma chơi quỷ hơn Hà Bá, trêu ghẹo vào vũng xoáy nó như bị lên đồng xoay trong dòng nước cả ngày, quanh quẩn mãi chả xuôi dòng, lấy vài ba cây số đường sông.
Cái nghề bè giang sông nước nó được đúc kết từ qua bao đời nay vẫn thế, chả có gì phải cười cợt, cái nghề đặc biệt nặng nhọc cần cả sự mưu trí và dũng cảm, và trên hết nghề sông nước rừng rực rỡ này còn nhuốm màu tâm linh huyền bí của rừng, của sông, của núi, của cả người ra đi, không bao giờ trở về!!!
Người nghe yếu bóng vía muốn rụng tim thổn thức vì sợ. Đúng là một sự chiêm nghiệm thật 100% của các tay thợ cả bè giang sơn tràng sóng nước mênh mang.
Từ bến Giáng lừ lừ thêm một chiếc bè lớn nữa đang về khoảng còn chừng cây số. Các bác thợ bè lão luyện đã bơi chèo cật lực bằng chiếc mảng nứa bên trên có bắp cày nhọn hoắt dòng theo giây xích sắt to như cổ tay để táp vào bờ bằng động tác điêu luyện bê bắp cày nhảy vọt lên bờ với sức mạnh cơ bắp gân cốt nổi lên cuồn cuộn của thợ bè sung sức nhất, kinh nghiệm nhất, nương bè từ từ quay vào bến chợ Gò. Vừa vác bắp cày vừa chạy chuẩn xác để ước tính đến đúng điểm cắm phập thật sâu bắp cày vào bờ sông, cả chiếc bè to lớn bị neo lại rung lên bần bật như muốn kéo phăng bắp cày bằng thép lên nước sáng choang đầu mũi nhọn hoắt kia khỏi mặt đất để trôi tuột cả bè xuống tận ngã ba Tuần Vường chứ chẳng chơi. Rồi khuất phục, bè ngoan ngoãn dừng lại trong tiếng reo hò phấn khích mừng rỡ vang động cả bến sông chợ Gò, đánh dấu cả hơn chục ngày thuận chuyến trôi nổi trên sóng nước sông Hồng, nếm mùi đủ cả, thuồng luồng Hà Bá thủy thần; trạm kiểm lâm nọ với tàu tuần tra kia đường sông đường thủy ghé thăm và thuế má cửa rừng cửa sông cửa trạm, họ đâu có biết luật của rừng rưng rưng nước mắt. Chỉ có người thợ bè mới thấu hiểu nghề bè giang sông nước cực kỳ nguy hiểm, có thể đánh đổi cả mạng sống của mình. Nhiều lúc xuống thác, cả bè lẫn người chìm nghỉm tại ghềnh Ba Trượng mãi mới trồi lên được, may mắn được cốn kỹ, không bị vỡ bè. Tưởng như quỷ Thần Hà Bá định nuốt chừng cả bè lẫn người ngồi trên nó khi xuống thác, lúc vượt ghềnh đầy mạo hiểm của nghề thợ bè sông nước. Mỗi chuyến đóng và thả bè ít nhất cũng phải ba tháng trời làm việc cật lực. Công việc này chỉ dành cho người đàn ông mạnh mẽ và siêng năng lao động, không biết mệt mỏi, nơi rừng thiêng nước độc mà can trường dấn thân, không sợ Cọp Bảo Hà, không sợ Ma Trái Hút, địa danh làm nhụt chí của người yếu bóng vía, nơi núi rừng Yên Bái!
Miên man sóng nước trong tôi chợt nhớ tới, tưởng tượng hình bóng Ông Ngoại tôi, một thời thợ bè, một thủa Cọp Bảo Hà, Ma Trái Hút rừng thiêng nước độc, cũng đã từng trải thác ghềnh Ba Trượng để kiếm tiền nuôi con lớn, con bé, nuôi cháu gái nội, nuôi cán bộ nằm vùng theo kháng chiến 9 năm, gian nan đánh Pháp, đuổi Nhật tới Hòa bình, lập lại năm 1954 với nghị lực phi thường và kính nể của bà con làng xã, vẫn nhắc nhớ tới Cụ.
Bè của ông Ngoại cũng đã từng neo đậu bến sông Chợ Gò này, như hiển hiện đây chập chờn sóng vỗ cuồn cuộn đổ ra Biển lớn. Tôi thầm gọi Ngoại ơi! Ngoại ở đâu!!!
Chuyện làng quê
Phạm Thị Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cho-go-mot-thang-sau-phien-1-a20977.html